Thứ Ba, 10 tháng 8, 2021

SƯ CÔ TÌNH NGUYỆN Ở BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN..!

 Nơi ấy chẳng gươm đao, không bom rơi đạn lạc nhưng chực chờ hiểm nguy và cũng lắm vất vả, tai ương. Họ biết rất rõ bản thân có thể bị lây nhiễm nhưng tình yêu thương đồng loại đã vượt trên tất cả. Ở nơi này, chẳng ai có người thân bên cạnh, tất cả đều là anh em. Dù không ai nhận ra nhau sau lớp khẩu trang và bộ đồ bảo hộ, họ vẫn sẵn sàng giúp đỡ, mỉm cười và gật đầu chào thân ái...

Dịch bệnh COVID-19 đã tràn qua và hoành hành tại TP Hồ Chí Minh hơn 3 tháng nhưng chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong hàng ngàn người, với đủ thành phần, lứa tuổi, tôn giáo, sắc tộc tiếp sức cho thành phố có các tăng ni, Phật tử, ma sơ đến từ các ngôi chùa, tu viện, nhà thờ. Sư cô Thích Nữ Nhuận Bình (tu viện Tâm Không, xã Hòa Phú, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh) là một trong hơn 300 tình nguyện viên Phật giáo vào bệnh viện dã chiến chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19.
Sư cô Nhuận Bình đăng ký tình nguyện vào bệnh viện dã chiến qua Thành hội Phật giáo TP Hồ Chí Minh theo lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh. Trước đó, tình nguyện viên đã được tập huấn các kiến thức cần thiết cũng như kỹ năng cơ bản để bảo vệ bản thân an toàn khi ở trong khu điều trị F0.
Sư cô Nhuận Bình cho biết, từ ngày tỉnh Bắc Giang bùng phát dịch, đội ngũ y tế từ TP Hồ Chí Minh xung phong ra hỗ trợ, nhìn thấy hình ảnh ấy, cô xúc động và thương rất nhiều. Cô đã thầm nghĩ, nếu như cho phép, cô cũng muốn được là một “cánh tay nối dài” giúp đỡ ngành y tế. Và khi TP Hồ Chí Minh ra lời “hiệu triệu” chống dịch, sư cô đã không một phút đắn đo suy nghĩ cho quyết định của mình.
Sư cô tình nguyện ở bệnh viện dã chiến -0
Vết hằn đỏ trên trán sư cô Nhuận Bình sau một ca trực mặc đồ bảo hộ.
Đêm trước ngày lên đường, sư cô Nhuận Bình đã viết bài thơ gửi mẹ:
THƯA MẸ CON ĐI!
COVID tràn lan con lên đường phụng sự
Lệ đôi dòng mẹ khóc ướt bờ mi
Con vẫn quyết đi vì Tổ quốc cần
Bởi chẳng thể ngồi yên khi dân mình nguy khốn
Ngày mai đó trên đường đời vạn dặm
Mong mẹ hiền bình an giữa thế gian
Cuộc chiến chưa kết thúc...!
Con chưa hẹn ngày về...!
Con xin lỗi, vì đây là việc nghĩa
Nếu sự dấn thân này hữu ích cho số đông
Con nguyện vì non sông mà đánh đổi
Bởi mang nặng ân tình của Tổ quốc
Nguyện đáp đền thắp sáng lại bình an!
Niềm tin ở cuối con đường
Đội tình nguyện viên Phật giáo của sư cô Nhuận Bình được phân công về Bệnh viện dã chiến số 12 (TP Thủ Đức). Những ngày đầu vào viện, trời nắng nóng như đổ lửa, là khoảng thời gian không mấy dễ chịu của lực lượng tuyến đầu. Ở bệnh viện thì đêm ngày giống nhau, công việc luôn tất bật. Khi đã mang bộ đồ bảo hộ thì chỉ tập trung vào chuyên môn, điện thoại không được cầm để tránh nguy cơ lây nhiễm.
Ở bệnh viện, mỗi phút giây đều phải tập trung cao độ, để nhớ kỹ phải đi lối nào, lối nào không được phép đi khi chưa mặc đồ bảo hộ. Thang máy được dùng khi nào. Khi nào thì bắt buộc phải đi thang bộ. Bệnh nhân nhờ giúp đỡ, phải nhớ kỹ không được vội vàng lao vào ngay mà phải có sự can thiệp của nhiều bộ phận để đảm bảo an toàn. Phải nhớ rõ chức năng của mỗi tầng lầu. Đi đúng, vào đúng, ra đúng. Việc đi nhầm, đi sai hoặc quên đường đều phải đứng yên để gọi bác sĩ xử lý nhằm đảm bảo an toàn cho cả khoa,...
“Trong này mọi thứ đều khó khăn nên mỗi người đã biết chịu khó, ý thức và sống có trách nhiệm”, sư cô Nhuận Bình chia sẻ.
Chăm sóc bệnh nhân F0 ở bệnh viện dã chiến tầng 3, sư cô Nhuận Bình nhận thấy, hầu hết đều mệt và khó thở. Trường hợp nào trở nặng, tình nguyện viên nhanh chóng báo bác sĩ đưa xuống phòng cấp cứu ngay để nhờ các thiết bị y tế, thuốc men can thiệp, trợ thở, giúp ổn định nhịp tim, huyết áp, mạch, chỉ số SPO2,... Tại đây, bệnh nhân tiếp tục được theo dõi, nếu chuyển biến tốt sẽ được đưa về phòng, ngược lại sẽ tùy theo bệnh lý nền của bệnh nhân để chuyển tuyến cao hơn tiếp tục điều trị.
Những đêm khuya, phòng cấp cứu có tiếng gõ cửa, các bác sĩ Khoa Lâm sàng báo có bệnh nhân F0 mệt, chẳng kịp uống nước, cả tổ lập tức thay đồ bảo hộ, lao vào phòng cấp cứu, gắn oxy, đo huyết áp, gắn các loại dây để ổn định và theo dõi nhịp thở cho bệnh nhân.
Hồi hộp, lo lắng vô cùng nhưng rồi các chỉ số nhảy trên máy báo hiệu SPO2, nhịp tim, huyết áp,... dần ổn định và có dấu hiệu tích cực. Đôi bàn tay rộp vì găng tay sũng nước. Người ướt đẫm mồ hôi. Hai gò má sưng đỏ vì vết hằn của tấm khẩu trang quá chật,... Nhưng, tất cả rất vui mừng đã cấp cứu thành công cho một bệnh nhân trở nặng.
Mỗi lần trực ca đêm, mọi người thường hay ra trước cửa phòng hít chút khí trời tươi mát, sẵn dịp ngắm thành phố về đêm, ngắm những con đường lặng vắng, ngắm hàng cây rì rào trong gió, ngắm bình minh lấp ló cuối chân trời, mơ về một ngày bình thường trở lại.
Ở nơi này, đa số mọi người đều nhớ nhà, nhớ người thân, thèm lắm bữa cơm gia đình ấm cúng, thèm mời nhau chầu trà sữa, cà phê,... tất cả cùng mong đại dịch nhanh kết thúc để thực hiện mong muốn bé nhỏ ấy. Dù khó khăn, nguy hiểm bao nhiêu, họ vẫn động viên nhau vượt qua, không để người thân phải bận lòng lo lắng. Điệp khúc đoàn tụ, chờ nhau ngày chiến thắng COVID trở về được lặp lại liên tục, là tia hy vọng đẹp xinh ở phía cuối con đường.
“Cuộc sống đang tươi đẹp như thế, không ai muốn mình bệnh cả. Ai cũng sợ bệnh tật và cái chết, tôi cũng không ngoại lệ. Những ngày này, trời mưa nhiều lắm, nhìn ra khung trời trong cơn mưa thấy xe cấp cứu vẫn hối hả chạy, nó ám ảnh tôi cả ngày lẫn đêm. Niềm hạnh phúc lớn nhất của chúng tôi ở phòng cấp cứu tại tuyến đầu là thầm lặng giúp đỡ các bệnh nhân vượt qua cơn nguy kịch, lằn ranh tóc tơ giữa sự sống và cái chết” - sư cô Thích Nữ Nhuận Bình.
Có thể là hình ảnh về 1 người và trong nhà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét