Với bản chất khoa học, cách mạng và nhân văn, Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam hành động của Đảng ta. Vì vậy, bảo vệ Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là bảo vệ sự sống còn của Đảng. Đó là tiếng gọi từ trái tim, mệnh lệnh từ cuộc sống.
Giá trị vĩnh hằng và sức sống mãnh liệt
Hơn một thế kỷ rưỡi trôi qua, kể từ ngày còn là "một bóng ma ám ảnh châu Âu", Chủ nghĩa Mác đã trở thành nền tảng tư tưởng khoa học thống trị phong trào công nhân từ những năm 70 của thế kỷ 19. Với bản chất khoa học và cách mạng, Chủ nghĩa Mác đã làm thay đổi căn bản nhận thức của con người về quá trình vận động, phát triển của lịch sử và vai trò của con người trong thế giới; đồng thời, phát hiện những quy luật vận động, phát triển của lịch sử nhân loại. Vì vậy, Chủ nghĩa Mác trở thành thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp luận khoa học, cách mạng, là “công cụ nhận thức vĩ đại” giúp giai cấp vô sản không chỉ nhận thức đúng mà còn cải tạo thế giới hiệu quả. Chủ nghĩa Mác trở thành nguồn sức mạnh vật chất vô cùng to lớn, là vũ khí lý luận sắc bén để giai cấp vô sản đấu tranh xóa bỏ áp bức, bóc lột, bất công, thực hiện tiến bộ xã hội.
Với sự ra đời của Chủ nghĩa Mác, lý luận về chủ nghĩa xã hội (CNXH) từ không tưởng đã trở thành khoa học. Lần đầu tiên, giai cấp vô sản có lý luận khoa học, cách mạng soi sáng, dẫn đường. Đảng Cộng sản-bộ tham mưu chiến đấu có tổ chức và là tổ chức cao nhất của giai cấp công nhân (GCCN) đã ra đời, là sản phẩm của sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận khoa học và phong trào công nhân quốc tế. Điểm vượt trội và nổi bật của Chủ nghĩa Mác so với các học thuyết đương thời là ở chỗ: Nó là luận thuyết duy nhất từ trước đến nay bàn về mục tiêu, con đường, lực lượng, nội dung, hình thức, phương pháp đấu tranh xóa bỏ mọi áp bức, bóc lột, bất công, thực hiện giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người và giải phóng nhân loại; đem lại cuộc sống hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Ảnh minh: MINH TRƯỜNG |
Theo thời gian, một số luận điểm của C.Mác, Ph.Ăng-ghen và V.I.Lênin có thể không còn phù hợp với thời đại toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự biến đổi của thế giới đương đại, nhưng giá trị của chủ nghĩa nhân đạo, quan niệm duy vật về lịch sử, phép biện chứng duy vật và học thuyết giá trị thặng dư của các nhà sáng lập Chủ nghĩa Mác là những giá trị vĩnh hằng, có sức sống mãnh liệt, trường tồn. Các học thuyết, trào lưu, trường phái hiện nay có thể sẽ đưa ra những quan điểm, tư tưởng, học thuyết với nhiều cách kiến giải mới dưới nhiều màu sắc, pha trộn với các thế giới quan và phương pháp luận khác nhau, song xét đến cùng, đã là học thuyết khoa học và cách mạng thì nhất thiết học thuyết ấy phải vì con người, vì sự tiến bộ xã hội, phải mang giá trị nhân văn, nhân đạo; phải đủ sức quy tụ, tập hợp các lực lượng tiến bộ đứng lên đấu tranh xóa bỏ mọi áp bức, bóc lột, bất công, tha hóa và đói nghèo; mọi người dân đều được thụ hưởng thành quả cách mạng, quyền sống làm người, nhất là quyền sống trong hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Lập trường thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp luận khoa học, cách mạng của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn đúng vì đứng vững trên lập trường của chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử, phản ánh đúng quy luật vận động, phát triển của thế giới khách quan.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười năm 1917 do Lênin và Đảng Cộng sản (Bônsêvích) Nga lãnh đạo, không chỉ là minh chứng sinh động khẳng định tính tất yếu khách quan của sự ra đời kỷ nguyên mới-kỷ nguyên phát triển của CNXH và chủ nghĩa cộng sản mà còn khẳng định tính đúng đắn, sáng tạo của Chủ nghĩa Mác-Lênin, những giá trị vĩnh hằng của nó. Thực tiễn đã khẳng định sau Cách mạng Tháng Mười năm 1917, lần đầu tiên CNXH với tư cách là một chế độ xã hội mới tốt đẹp đã được thiết lập trên một phần sáu diện tích trái đất, đã đơm hoa kết trái, thực hiện khát vọng phát triển, vì con người và sự tiến bộ xã hội.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) đã ra đời. Qua các biến cố thăng trầm của lịch sử, chế độ XHCN theo mô hình Xô viết ở Liên Xô và các nước Đông Âu đã sụp đổ; song chính điều đó đã và đang chứng minh tính đúng đắn, khoa học và cách mạng của Chủ nghĩa Mác-Lênin, rằng trong thời đại ngày nay, bất cứ đảng cộng sản nào, cá nhân lãnh tụ của đảng cộng sản nào, nếu vi phạm những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin, chà đạp lên giá trị khoa học, cách mạng của Chủ nghĩa Mác-Lênin, thì đảng cộng sản ấy, cá nhân lãnh tụ của đảng cộng sản ấy, rốt cuộc đều phải trả giá đắt bởi sự sai lầm về đường lối chính trị.
Với những khuyết tật của một mô hình CNXH hiện thực và những sai lầm đáng tiếc do chủ quan, duy ý chí, coi thường Chủ nghĩa Mác-Lênin của một bộ phận lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô và các đảng cộng sản ở Đông Âu, CNXH hiện thực được xây dựng từ công sức, trí tuệ và xương máu của hàng triệu anh hùng, liệt sĩ, chiến sĩ và nhân dân đã bị sụp đổ ở Liên Xô và các nước Đông Âu, làm cho hệ thống các nước XHCN và phong trào cách mạng thế giới lâm vào khủng hoảng, thoái trào. Chính điều đó minh chứng rõ rằng, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, người cộng sản phải biết trân trọng, nâng niu các giá trị cách mạng và kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ những thành quả cách mạng mà nhân dân đã giành được; phải thấm nhuần sâu sắc và biết gìn giữ các giá trị khoa học, cách mạng; vận dụng sáng tạo của Chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của mỗi nước, đưa sự nghiệp cách mạng tiếp tục tiến lên; không xem nhẹ, coi thường, vi phạm những nguyên tắc mácxít-lêninnít, làm trái quy luật khách quan, mắc bệnh chủ quan, duy ý chí trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Nếu mắc sai lầm trong nhận thức và vận dụng Chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn thì tất yếu, sớm hay muộn, đảng cộng sản sẽ mất vai trò lãnh đạo, thành quả xây dựng CNXH ở nước đó sẽ bị sụp đổ, nhân dân ở các nước ấy sẽ mất quyền sống làm người, xung đột và chiến tranh sẽ xảy ra.
Lý luận và thực tiễn cách mạng thế giới chỉ ra rằng, sau Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, tính chất thời đại đã thay đổi căn bản. Điều đó đặt ra thời cơ, vận hội và những khó khăn, thách thức mới đối với mục tiêu, con đường đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và chính nó đòi hỏi những người cộng sản chân chính phải tỉnh táo, sáng suốt tìm kiếm con đường, biện pháp mới để quy tụ, tập hợp và tổ chức lực lượng cách mạng tiếp tục giải quyết các mâu thuẫn mới nảy sinh cũng như tự đổi mới, xây dựng và chỉnh đốn đảng cộng sản, nhất là đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng cho phù hợp với tình hình mới; thực hiện đúng lời dạy của Lênin: “Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nó biết tự bảo vệ”.
Sợ nhất là kẻ thù từ nội bộ
Lênin dạy rằng, xây dựng CNXH là một sự nghiệp vĩ đại, chưa có tiền lệ trong lịch sử, nên GCCN và các đảng cộng sản phải hết sức cẩn trọng và đặc biệt quan tâm bảo vệ chính trị nội bộ. Vì vậy, trên bước đường đi tới hạnh phúc, chắc chắn cách mạng sẽ gặp không ít khó khăn, thử thách, nhất là sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị. Đó là điều không thể tránh khỏi. Lênin chỉ rõ: Mọi kẻ thù đều đáng sợ nhưng sợ nhất là nội bộ đảng cộng sản bị phân liệt, mất đoàn kết, những người cộng sản triệt hạ lẫn nhau, tự hủy hoại mình; tự chuyển biến, tự chuyển hóa, biến chất. Đó là nguy cơ tồi tệ nhất có thể dẫn đến sự đổ vỡ của một cuộc cách mạng, và chính lúc ấy, thành quả cách mạng "sẽ bị đánh cắp", tước đoạt. Sự sụp đổ chế độ XHCN theo mô hình Xô viết ở Liên Xô và Đông Âu cuối thế kỷ 20 thật là đau xót, không thể khôi phục một sớm một chiều; song chính nó đã phản ánh rõ ràng nhất những sai lầm nghiêm trọng của những người cộng sản nắm quyền lãnh đạo tối cao trong đảng cộng sản ở các nước XHCN Đông Âu và Liên Xô, điều mà Lênin đã phản tỉnh, cảnh báo là hoàn toàn đúng đắn đối với chúng ta từ hơn 100 năm trước đây về việc suy thoái, thoái hóa, biến chất, mất đoàn kết nội bộ và sai lầm về chính trị của những người cộng sản.
Trước cảnh nước mất, nhà tan và sự khủng hoảng về đường lối chính trị ở Việt Nam cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, Nguyễn Tất Thành-Hồ Chí Minh đã ra đi tìm đường cứu nước (tháng 6-1911). Qua nhiều năm bôn ba, sống và làm việc ở các nước phát triển, dù gặp muôn vàn khó khăn, thử thách nhưng Người không hề nản chí, không choáng ngợp trước sự giàu sang của chủ nghĩa tư bản (CNTB). Ngược lại, Người đã phát hiện và nhìn thấy những khuyết tật, sự bất công của chế độ ấy và khẳng định: CNTB không phải là tương lai của loài người, nếu đi theo con đường tư bản chủ nghĩa thì không thể cứu nước, cứu dân, giải phóng dân tộc. Người đã lựa chọn và đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga, đi theo Lênin vĩ đại, coi Cách mạng Tháng Mười Nga và Chủ nghĩa Lênin là chân lý của thời đại, là con đường đúng đắn nhất để giúp đồng bào ta đánh đuổi quân xâm lược, giành độc lập, tự do, đem lại cuộc sống hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc.
Thắng lợi của việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930), của Cách mạng Tháng Tám (1945), của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược cũng như thành công của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hơn 35 năm qua, trước hết là thắng lợi của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, của lý tưởng Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Đó là điều minh chứng sinh động nhất, sâu sắc nhất, thuyết phục nhất về sức sống trường tồn, mãnh liệt của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, một thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp luận khoa học, cách mạng-hạt nhân lý luận của hệ tư tưởng của GCCN.
Trước sự biến đổi nhanh chóng, phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, nhất là sự tác động đa chiều của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thời cơ, vận hội đan xen với các nguy cơ, khó khăn, thách thức, hàng loạt vấn đề phức tạp mới về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc đang đặt ra cấp bách đòi hỏi Đảng, Nhà nước phải tiếp tục nghiên cứu, làm sáng tỏ về mặt lý luận-thực tiễn để triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, tiếp tục đưa sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giành những thành tựu mới, sớm đưa đất nước ta trở thành một nước công nghiệp phát triển, có thu nhập cao.
Điều đó chỉ thực hiện tốt nếu chúng ta chung sức đồng lòng, có quan điểm đúng, cách làm phù hợp; luôn chủ động, tích cực đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, đúc kết, khái quát kinh nghiệm, phát triển lý luận về đường lối đổi mới đất nước; trung thành và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh-nền tảng tư tưởng của Đảng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng trong tình hình mới. Trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, chúng ta phải làm cho Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh gắn chặt với thực tiễn cách mạng Việt Nam, thực hiện tốt vai trò định hướng, dẫn đường trong cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Đó là tiếng gọi từ trái tim, mệnh lệnh của cuộc sống.
Thiếu tướng, PGS, TS NGUYỄN BÁ DƯƠNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét