Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2019

CHỐNG THÓI “SỢ TRÁCH NHIỆM”

Trong hình ảnh có thể có: 3 người, mọi người đang cười, mọi người đang ngồi
Phát biểu tại hội nghị giữa Chính phủ và các địa phương ngày hôm qua (4-7) đánh giá tình hình 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh với các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương rằng: “Không ai bàn lùi mà phải bàn tiến để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra”.
Thủ tướng nhấn mạnh điều này khi mà kinh tế-xã hội (KT-XH) đất nước 6 tháng đầu năm 2019 đứng trước rất nhiều thử thách cả trong và ngoài nước. Trong hoàn cảnh đó, kết quả tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm vẫn đạt 6,76% là rất tốt. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2019 mà Quốc hội giao là 6,6-6,8% thực sự không hề đơn giản.
Do đó, đây là lúc mà trách nhiệm, tinh thần làm việc hết mình của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải được đề cao. Thế nhưng, trong 6 tháng qua, bên cạnh đại bộ phận làm việc nhiệt tình, trách nhiệm thì vẫn còn tình trạng ơ hờ, thiếu trách nhiệm. Người đứng đầu một số cơ quan chưa sâu sát, thiếu quyết liệt. Tinh thần phục vụ, đạo đức công vụ, chất lượng một bộ phận cán bộ, công chức còn yếu, trách nhiệm hạn chế. Vẫn còn có những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà, vi phạm pháp luật khi thi hành công vụ. Đáng chú ý, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đã xuất hiện tâm lý ngại triển khai các dự án, các nội dung công việc do chưa nắm vững quy định của pháp luật và sợ trách nhiệm.
Sợ trách nhiệm là một thái độ hết sức tiêu cực. Bởi người được giao trách nhiệm mà lại sợ trách nhiệm thì đồng nghĩa với việc đã từ chối việc thực thi nhiệm vụ của mình, tự vô hiệu hóa mình. Đó cũng là biểu hiện của sự vô cảm trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tác hại của việc sợ trách nhiệm sẽ càng lớn nếu như đó là người đứng đầu bộ, ngành, địa phương, cơ quan. Bởi nỗi sợ trách nhiệm của người ấy sẽ làm trì trệ, vô hiệu hóa cả một hệ thống chịu sự điều hành, chỉ huy của họ. Kết quả là có những dự án hạ tầng lớn mang ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển KT-XH đã được quyết chủ trương đầu tư từ lâu nhưng tiến triển rất chậm, thậm chí giậm chân tại chỗ. Ví dụ, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được nói đi nói lại về tính khẩn thiết, nhưng cho đến nay mới giải ngân được khoảng 310 tỷ đồng, bằng 4,4% kế hoạch được giao.
Khi nền kinh tế của nước ta đang tăng tốc thì thời gian chính là cơ hội, chính là chi phí. Theo đó, việc chậm trễ, chần chừ sẽ làm mất cơ hội, tăng chi phí, giảm hiệu quả công việc. Vì thế, những người thực thi công vụ phải thấy xót, thấy đau vì nhiệm vụ giao cho mình mà chưa hoàn thành, gây những tác hại, trong đó có những tác hại lớn để từ đó hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Những gì mà pháp luật chưa quy định, chưa cho phép, hoặc tiềm ẩn những rủi ro trong thực thi công vụ thì phải đề đạt lên cấp trên, khẩn trương tìm giải pháp, tránh việc cố tình lờ đi để né trách nhiệm.
Những người sợ trách nhiệm thì không nên được giao trách nhiệm, nhất là những trọng trách. Chỉ có những người sẵn sàng làm việc hết mình, làm việc quên mình vì cái chung mới xứng đáng được tin tưởng giao trọng trách. Họ sẽ không ngại khó, ngại khổ, không chùn bước, không bàn lùi, mà luôn tìm giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ, đưa cơ quan, đơn vị, địa phương tiến lên, đóng góp vào kết quả chung của sự phát triển KT-XH đất nước.
QĐND

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét