Đã đến lúc cần công bố rõ thêm về một nhân vật đóng vai trò quan trọng trong lịch sử Liên Xô và Nga - Alexander Nikolaevich Yakovlev, một nhân vật hàng đầu trong những năm cuối của chế độ Xô Viết. Yakovlev bắt đầu sự nghiệp với tư cách là một sĩ quan Hồng quân và là một đảng viên Cộng sản, nhưng thực sự hắn lại là một kẻ thù điên cuồng nhất, và hiệu quả nhất trong việc phá nát chế độ Xô Viết.
1. Yakovlev là một kẻ theo chủ nghĩa tự do phương Tây trong một chế độ xã hội chủ nghĩa
Yakovlev là kiến trúc sư chính của Perestroika (tức Cải tổ - tái cấu trúc hệ thống chính trị và kinh tế) và Glasnost (Công khai hoá - cởi mở) vào cuối những năm 1980 mà sự thật của nó là mở ra trào lưu "ngẫm lại lịch sử" và tấn công vào toàn bộ lịch sử Liên Xô núp dưới chiêu bài "phơi bày những lời dối trá và tội ác của chế độ Xô Viết". Trong phần lớn cuộc đời, Yakovlev là một kẻ theo chủ nghĩa tự do phương Tây trong một chế độ xã hội chủ nghĩa. Yakovlev công khai chống lại thế giới quan xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa dân tộc Nga.
Trong những năm 1980 đầy biến động của Liên Xô, Yakovlev là thành viên của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô, chỉ đứng thứ hai sau Mikhail Gorbachev, người thực tế là học trò của Yakovlev chứ không phải là ông chủ. Yakovlev được giao đứng đầu hệ tư tưởng của đảng (Ban Tư tưởng Văn hoá), hắn được gọi bằng nhiều tên gọi khác nhau: "kiến trúc sư của perestroika, "cha đỡ đầu của glasnost", "nghệ sĩ múa rối", "kẻ thù của nhân dân", "kẻ bá chủ", "quỷ Satan", ... tùy thuộc vào quan điểm của người đánh giá.
Trong Thế chiến II, Yakovlev tham gia Hồng quân, bị thương nặng và được thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Nhưng sau này, trong cuốn tự truyện The Dusk, hắn đã viết hạ thấp tinh thần chiến đấu của Hồng quân và đánh đồng chính nghĩa với phi nghĩa như sau:
"Ngay sau chiến tranh, tôi nhận ra rằng tôi chỉ là bia đỡ đạn ở mặt trận. Và tất cả các đồng chí của tôi, những sĩ quan trẻ, cũng nghĩ như vậy. Chúng tôi che giấu sự cam chịu của mình bằng sự dũng cảm, những bài hát, sự từ chối thành tích và những tranh luận vô nghĩa về việc chúng tôi sẽ đánh bại phát xít như thế nào. Vào ban đêm chúng tôi mơ chỉ thấy mẹ và mong được về nhà mình.
Ai đã gửi họ đến cái chết của họ? Tại sao họ bị giết? Vì tội gì? ... Sự điên rồ của chiến tranh, sự điên rồ của các chính phủ, sự điên rồ của những kẻ thống trị - những kẻ giết người"!
Tuy nhiên, sau chiến tranh Yakovlev đã gia nhập Đảng Cộng sản (đó là một hành động cơ hội để có thể được thăng tiến) và trở thành một sinh viên lịch sử tại Học viện Sư phạm Yaroslavl. Yakovlev đã được trao học bổng Stalin uy tín, nhưng đối với hắn tất cả chỉ là dối trá, như hắn viết:
"Ngày càng rõ ràng rằng mọi người đều nói dối - cả những người đang phát biểu và những người lắng nghe những bài phát biểu đó. Đối với tôi, một cậu bé làng, một người lính tiền tuyến phải đi vào chiến tranh từ trường học, tất cả những điều này là không thể chịu đựng được".
Học lịch sử, Yakovlev quan tâm tới "người anh hùng" của hắn là Piotr Stolypin (1862 - 1911), một nhà cải cách thị trường tự do và là thủ tướng của chính phủ Nga hoàng, kẻ bị tiêu diệt bởi Dmitry Bogrov, một nhà cách mạng xã hội chủ nghĩa, nhưng chủ nghĩa thị trường của Stolypin đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với Yakovlev, trong đó nhấn mạnh các yếu tố tư nhân hóa, và từ bỏ sử dụng đất chung cũng như sở hữu chung của nhà nước và tập thể.
Đánh giá về Stolypin, Yakovlev viết:
"Ông đã hy sinh mạng sống của mình để người nông dân Nga trở thành chủ sở hữu tư nhân và chủ nhân thực sự. Nhưng họ đã giết anh ấy. Tất cả hy vọng về một nước Nga tự do và thịnh vượng đã bị phá vỡ với việc thành lập chế độ xã hội chủ nghĩa tội lỗi vào năm 1917. Lenin là một kẻ mê sảng khủng bố".
Khi khi tốt nghiệp, Yakovlev, với tư cách là cựu chiến binh có nhiều thành tích, Yakovlev đã xin vào Đảng Cộng sản. Sáng sủa, chu đáo và có học thức, hắn đã tạo nên một sự nghiệp đặc biệt cho mình trong bộ máy đảng. Tuy nhiên, hắn ta luôn nói một điều, làm một nẻo và nghĩ một cách khác nhiều hơn nữa. Hắn tôn thờ những kẻ bất đồng chính kiến như Solzhenitsyn và Sakharov, từ đó nhận ra rằng cách duy nhất để tiêu diệt chế độ mà hắn đã tuyên thệ trung thành, mà sau này hắn ta gọi bằng cái tên "chế độ ác quỷ" - là phá hoại nó từ bên trong. Và lịch sử đã chứng minh hắn ta đúng, về điều đó!
2. Bắc Mỹ và cuộc họp của Gorbachev
Năm 1958, Yakovlev nhận được học bổng theo chương trình Fulbright của Hoa Kỳ và được cử đi học sau đại học tại Đại học Columbia, New York, Hoa Kỳ, cùng với một vị tướng KGB sau này và cũng là một kẻ phản bội, đào ngũ - Oleg Kalugin. Cả những người cộng sản và phát xít Nga ngày nay đều tin rằng Yakovlev đã trở thành đặc vụ của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ CIA, được tuyển dụng trong thời gian học tại Đại học Columbia, năm 1959.
Sau khi trở về từ Hoa Kỳ, Yakovlev từng là biên tập viên của một số cơ quan báo chí, xuất bản của Đảng cộng sản Liên Xô. Hắn đã vươn lên vị trí chủ chốt, là người đứng đầu Ban Tuyên giáo từ năm 1969 đến năm 1973. Tuy nhiên, năm 1972 Yakovlev đã đăng bài viết "Chống chủ nghĩa dân tộc", trong đó phủ nhận chủ nghĩa yêu nước và xét lại chủ nghĩa xã hội. Bị các thành phần cứng rắn trong đảng phản đối và muốn hắn phải rời khỏi đất nước, hắn đã được cử làm đại sứ Liên Xô tại Canada, và đây có lẽ lại là sai lầm tiếp theo của Đảng cộng sản Liên Xô, khi tạo thêm điều kiện cho hắn tiếp xúc với phương Tây.
Yakovlev làm đại sứ ở Canada trong một thập kỷ. Năm 1983, Mikhail Gorbachev, người là thành viên của Bộ Chính trị phụ trách nông nghiệp, đã đi thăm Canada để tìm kiếm công nghệ tiên tiến trong canh tác, đồng thời tìm kiếm những bài học mà ông ta cho rằng có thể áp dụng ở Liên Xô. Yakovlev, ban đầu khá thận trọng, đã bắt đầu thảo luận với Gorbachev về triển vọng tự do hóa ở Liên Xô. Trong một cuộc phỏng vấn nhiều năm sau đó, Yakovlev nhớ lại:
"Lúc đầu, chúng tôi đánh hơi thăm dò lẫn nhau, và các cuộc trò chuyện của chúng tôi không liên quan đến các vấn đề quan trọng. Và sau đó, thật ra, lịch sử đã tạo ra không chỉ một cơ hội. Chúng tôi đã có nhiều thời gian bên nhau hơn, với tư cách cùng là khách mời của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Canada, Eugene Whelan. Vì vậy, chúng tôi đã cùng đi bộ một đoạn dài trong trang trại của vị Bộ trưởng, và như thường xảy ra, cả hai chúng tôi đột nhiên thấy bị choáng ngợp và thấy cần phải trao đổi nhiều hơn với nhau. Bằng cách nào đó, vì một số lý do, tôi đã bỏ qua sự thận trọng và bắt đầu nói với anh ta về những gì tôi coi là ngu ngốc trong lĩnh vực đối ngoại, đặc biệt là về những tên lửa SS-20 của Liên Xô đang đặt tại châu Âu và rất nhiều thứ khác. Và anh ta cũng trao đổi những điều tương tự với tôi. Chúng tôi đã hoàn toàn thẳng thắn ngau. Anh ta thẳng thắn nói về những vấn đề trong tình hình nội bộ ở Liên Xô, rằng đất nước đang trong tình trạng của một chế độ độc tài và không có tự do, đất nước chỉ đơn giản là sẽ diệt vong. Vì vậy, trong cuộc trò chuyện kéo dài ba tiếng đồng hồ của chúng tôi, gần như quan điểm của chúng tôi đã gặp nhau hoàn toàn, chúng tôi đã vượt qua tất cả mọi nghi ngại và đi đến thống nhất về hầu hết mọi thứ".
Chưa đầy một tháng sau chuyến thăm Canada, Gorbachev đã yêu cầu Bộ Chính trị triệu hồi Yakovlev từ Canada về và bổ nhiệm hắn làm Giám đốc Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế (MGIMO) của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô tại Matxcova. MGIMO là tổ chức có uy tín nhất về nghiên cứu khoa học xã hội và học tập cao họ ở Matxcova. Hầu hết các sinh viên của nó là con cái của giới cầm quyền.
3. Khởi đầu cho sự kết thúc của Liên Xô
Tổng Bí thư của Đảng cộng sản Liên Xô lúc bấy giờ là một người già cả và yếu đuối: Konstantin Chernenko, người hầu như không thể đi lại hoặc nói chuyện mà không có sự trợ giúp. Ngay cả đối với những người theo trường phái bảo thủ, cứng rắn của Liên Xô khi đó, cũng thấy rõ ràng cần có người trẻ hơn để cứu chế độ Cộng sản. Định mệnh là họ đã chọn nhầm, và Gorbachev đã được bầu làm Tổng Bí thư vào ngày 11/3/1985, chỉ ba giờ sau cái chết của Chernenko. Ở tuổi 54, Gorbachev là thành viên trẻ nhất của Bộ Chính trị Liên Xô.
Sự kiện này đã bắt đầu một chuyến tàu mà hậu quả của nó không lường trước được. Gorbachev nhanh chóng bổ nhiệm Yakovlev vào các vị trí chủ chốt của đảng. Năm 1987, Yakovlev trở thành Uỷ viên Bộ Chính trị phụ trách công tác tư tưởng văn hoá, là nhân vật số 2 trong hệ thống chính trị của Liên Xô. Với sự chấp thuận của Gorbachev, Yakovlev đã bắt đầu chương trình Perestroika (cải tổ), điều đã biến tất cả thành quả vĩ đại của Liên Xô trở thành một đống gạch vụn trong vòng chưa đầy 5 năm. Nhớ lại khoảng thời gian này, Yakovlev viết:
"Liên Xô đã thua cuộc trong Chiến tranh Lạnh. ... Chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh là chiến thắng chung của chúng tôi. Đó là một bước đột phá để tạo ra cộng đồng văn minh của các quốc gia thuộc Liên Xô trước đây".
Thông qua chính sách Glasnost (công khai hoá), Yakovlev khuyến khích tự do truyền thông. Lập tức chỉ sau một đêm, các phương tiện truyền thông tự do không kiểm soát đã mô tả lịch sử hào hùng của Liên Xô thành một mớ đen ngòm, như một chuỗi các tội ác và dối trá khủng khiếp. Chính Yakovlev đã đưa ra "kết luận" rằng Liên Xô và Đức quốc xã đã che giấu các "thoả thuận bí mật trong Hiệp ước Molotov-Ribbentrop năm 1939", mở đường cho trào lưu xét lại lịch sử Thế chiến II và tạo cớ cho sự tấn công của phương Tây nhằm vào Nga!
Khi Litva đòi độc lập khỏi Liên Xô vào tháng 1/1991, Gorbachev đã hỏi Yakovlev về giải pháp ngăn chặn điều này, rằng: "Chúng ta có nên bắn không"? Yakovlev đã trả lời: "Nếu một người lính Liên Xô bắn một viên đạn vào đám đông không có vũ khí, sức mạnh của Liên Xô sẽ chấm dứt".
Kết quả là Liên Xô đã sụp đổ ngay sau đó trong cùng một năm. Yakovlev đã kip từ chức Bộ Chính trị trước đó và sau đó ly khai Đảng Cộng sản!
4. Một kẻ chống Liên Xô, chống cộng sản cho đến lúc chết, được những kẻ phản bội và phương Tây vinh danh (nguỵ cũng yêu nước)
Sau khi dành cả đời góp phần vào sự sụp đổ của Liên Xô vào tháng 12/1991, Yakovlev trở thành người đứng đầu ủy ban của Tổng thống Nga Vladimir Yeltsin, cái gọi là "uỷ ban điều tra về các nạn nhân của sự đàn áp chính trị ở Liên Xô". Trong vai trò đó, hắn đã vu khống "chế độ Xô Viết là tội phạm và diệt chủng". Thậm chí hắn còn mô tả chủ nghĩa cộng sản là "một loại chủ nghĩa phát xít, các chính sách lâu dài của nó là giết người hàng loạt"!
Năm 2000, Yakovlev đưa ra thông tin về cái gọi là "bằng chứng về việc nhà ngoại giao Thụy Điển Raoul Wallenberg đã bị ám sát ở Lubyanka, Matxcova, tại trụ sở của cảnh sát bí mật Liên Xô, vào năm 1947". Ông Wallenberg là người đã cứu sống hàng ngàn người Do Thái ở Hungary, và thực tế Liên Xô chính là quốc gia đã cứu sống hàng triệu người Do Thái ở khắp châu Âu.
Sau đó, Yakovlev thành lập và lãnh đạo cái gọi là "Quỹ Dân chủ Quốc tế", thực hiện những việc gọi là "vạch trần toàn bộ tội ác của chủ nghĩa cộng sản" và tấn công Tổng thống Nga Putin đối với "quyền tự do ngôn luận và tự do kinh tế".
Yakovlev chết ngày 18/10/2005, ở tuổi 81. Gorbachev đã viết trong bài điếu văn của mình rằng "chúng tôi thường tranh luận nhưng luôn luôn hiểu nhau". Trên thực tế, chính Yakovlev đã dẫn dắt Gorbachev làm sụp đổ Liên Xô, mà phương Tây gọi là "giải phóng các quốc gia bị bắt làm nô lệ ở Liên Xô". Chính Yakovlev là kẻ điên cuồng nhất chống lại hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa và chế độ Xô Viết!
(Xuân Chí tổng hợp)