Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2020

VÀI NÉT VỀ “CÔNG ĐOÀN ĐOÀN KẾT BA LAN” - LIÊN HỆ VỚI VIỆT NAM

Ngày 8/12/1990, Lech Wałęsa, người thành lập cái gọi là tổ chức xã hội dân sự “Công đoàn Đoàn kết Ba Lan”, sau chiến thắng thông qua bầu cử, đã trở thành Tổng thống Ba Lan, Đảng cộng sản Ba Lan mất quyền lãnh đạo và có lẽ sẽ không thể hồi phục được nữa, trong khi đến nay Ba Lan vẫn chưa thấy ở đâu trên “bản đồ phát triển” cả!
Sinh năm 1943, Wałęsa là thợ điện tại xưởng đóng tàu Lenin ở Gdańsk, bị sa thải vì kích động hoạt động công đoàn chống chính quyền năm 1976. Khi các cuộc biểu tình nổ ra tại nhà máy đóng tàu Gdańsk tháng 8 năm 1980, Wałęsa đã trèo qua hàng rào nhà máy hô hào công nhân. Ông ta nhanh chóng được các thế lực kích động biểu tình quan tâm, bầu làm lãnh đạo ủy ban đình công.
Sau đó Wałęsa đóng vai trò điều phối các cuộc đình công khác ở Gdańsk và yêu cầu chính phủ Ba Lan cho phép thành lập các công đoàn độc lập và thực hiện quyền bãi công. Cuối tháng 8, chính phủ Ba Lan buộc phải chấp thuận các yêu sách của người biểu tình, hợp pháp hóa các nghiệp đoàn và cho phép tự do biểu đạt tôn giáo và chính trị nhiều hơn.
Ngày 24/9/1980 “Uỷ ban đình công toàn quốc” ra tuyên bố thành lập tổ chức công đoàn với tên gọi “Liên hiệp Công đoàn độc lập đoàn kết” (Công đoàn đoàn kết). Trước áp lực của “Công đoàn đoàn kết”, Tòa án Tối cao Ba Lan phải công nhận tính hợp pháp của tổ chức này. Sự lớn mạnh và hoạt động chống đối của “Công đoàn đoàn kết” đã đẩy tình hình chính trị, xã hội Ba Lan vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng và ngày 13/12/1981 Hội đồng Nhà nước Ba Lan buộc phải ban bố “Tình trạng chiến tranh” và thiết quân luật trên toàn quốc, “Hội đồng quân sự cứu nguy dân tộc” được thành lập và thay thế chính quyền từ Trung ương đến cơ sở.
Ngày 18/10/1982 Quốc hội Ba Lan ra nghị quyết cấm hoạt động và giải thể “Công đoàn đoàn kết”, nhiều kẻ đứng đầu bị bắt, cơ sở vật chất của tổ chức này bị tịch thu, các nhà máy, xí nghiệp… chịu sự quản lý trực tiếp của công an và quân đội. Tuy nhiên các biện pháp trấn áp của Nhà nước Ba Lan đã thất bại và ngày 22/7/1983 chính quyền Ba Lan tuyên bố chấm dứt “tình trạng chiến tranh”, giải thể “Hội đồng quân sự cứu nguy dân tộc”; “Công đoàn đoàn kết” trở lại hoạt động công khai, các cuộc đình công, biểu tình lại tái diễn khắp lãnh thổ Ba Lan.
Công đoàn đoàn kết thiết lập hệ thống tổ chức chặt chẽ từ trung ương đến cơ sở tại 38 vùng trên toàn lãnh thổ Ba Lan, cơ quan lãnh đạo cao nhất là “Uỷ ban toàn quốc” do Lech Walesa làm chủ tịch. Cơ sở của “Công đoàn đoàn kết” được thành lập ở hầu hết các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ, gồm đủ các ngành nghề, (trừ Công an và Quân đội), tổng số đoàn viên của nó lên đến 10 triệu người, chiếm đến 80% tổng số cán bộ, công nhân, viên chức.
Trước làn sóng đấu tranh của “Công đoàn đoàn kết” và áp lực từ phương Tây, cuối năm 1988, lãnh đạo Đảng công nhân thống nhất Ba Lan đưa ra đề nghị tổ chức “Hội nghị bàn tròn” giữa Đảng công nhân thống nhất Ba Lan với “Công đoàn đoàn kết” và ra chỉ thị giải tán các xí nghiệp được coi là những “cứ điểm” của tổ chức này, nơi phát động các cuộc đình công gây sức ép chính trị, trong đó có việc giải tán xưởng đóng tàu Lenin tại thành phố Gdansk (cứ điểm quan trọng của bộ chỉ huy “Công Đoàn Đoàn Kết”). Nhân sự kiện này, “Công đoàn đoàn kết” đã huy động công nhân trên toàn quốc tổ chức hàng loạt các cuộc đình công, biểu tình quy mô lớn tại thủ đô Warsaw và đưa ra các điều kiện tiên quyết để tham gia “Hội nghị bàn tròn”. Làn sóng đấu tranh này đã buộc lãnh đạo đảng Cộng sản Ba Lan phải nhượng bộ và đưa ra hai quyết định vào ngày 18 tháng 1 năm 1989 là: Chấp nhận sinh hoạt chính trị đa thành phần (chưa công nhận đa đảng); Chấp nhận những nghiệp đoàn độc lập ngoài khuôn khổ nghiệp đoàn của nhà nước. Hội nghị bàn tròn bắt đầu từ ngày 6/2 đến ngày 5/4/1989 và Đảng công nhân thống nhất Ba Lan chấp nhận tổ chức cuộc “Tổng tuyển cử tự do” vào ngày 4 tháng 6 năm 1989 với thắng lợi của “Công đoàn đoàn kết”, tháng 12/1990 Lech Walesa trở thành Tổng thống Ba Lan, chấm dứt 45 năm cầm quyền của những người Cộng sản Ba Lan.
Như vậy Công đoàn đoàn kết về bản chất là một đảng phái chính trị hoạt động vì mục tiêu giành quyền lực Nhà nước. Nó không phải là tổ chức “độc lập”, “tổ chức xã hội dân sự”. Với bản chất và quá trình giành lấy quyền lãnh đạo Ba lan của Công đoàn đoàn kết như vậy nên việc các nhà “dân chủ” Việt so sánh các tổ chức “độc lập” mà họ đang thành lập với tổ chức này không có gì khác hơn là hy vọng sẽ biến các tổ chức này thành các đảng phái chính trị từ đó giành giật quyền lãnh đạo giống như Công đoàn đoàn kết. Hoạt động của các tổ chức này có thể dẫn tới viễn cảnh đẩy đất nước vào thế hỗn loạn, thậm chí nội chiến. Cần phải lên án các tổ chức này.
Với sự thông qua Hiệp định CPTPP, để đạt được các mục đích kinh tế Việt Nam sẽ phải nhượng bộ một số vấn đề chính trị, trước hết là phải tuân thủ điều khoản cho phép tự do thành lập các tổ chức công đoàn độc lập với LĐLĐ Việt Nam, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay khi phương Tây tăng cường hà hơi tiếp sức cho các “tổ chức XHDS” trong nước.
Hãy nhìn nhận bản chất của những tổ chức đó qua đánh giá của chính phương Tây (BBC) về Công đoàn đoàn kết Ba Lan: “Thách thức mà các lực lượng đối lập Ba Lan gặp phải trong thập niên 1980 không phải là duy trì đoàn kết bằng mọi giá, mà là học cách chấp nhận những cách tiếp cận khác nhau. Tất cả cùng để đạt được hai mục tiêu chính: khuấy động nhân dân công khai bày tỏ niềm tin và quan ngại, và thông qua đó mà biểu lộ sự chống đối chung trước chế độ Cộng sản, đây cũng chính là ‎ý nghĩa chính của xã hội dân sự”.
Và đây là một nhận xét khác từ VOA: “Công Đoàn-Đoàn Kết là khởi đầu của đợt sóng thần chính trị, đã cuốn trôi đi khối Soviet, rồi đến chính Liên Xô, và cuối cùng là cả hệ tư tưởng của họ”.
Và đây, của trang chống cộng Dân làm báo: “Con đường đấy sóng gió Công đoàn Đoàn kết trải qua chín năm sau đó đã mở đường cho cuộc cách mạng năm 1989, sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản Châu Âu, và cái chết của Liên Xô năm 1991. Walesa và lãnh đạo Công đoàn Đoàn kết đã phải vật lộn với bao sóng gió tất yếu của công đoàn mới mà cũng là một phong trào xã hội quần chúng và là lực lượng đối lập chính trị không chính thức – trong một xã hội nơi đảng cộng sản và bộ máy cai trị nhà nước do Đảng kiểm soát đã ra sức chiếm lĩnh từng tấc không gian xã hội còn sót lại.
Chính nhờ Nhà thờ Công giáo trong suốt 35 năm duy trì bền bỉ sự độc lập của mình trong môi trường chính trị và xã hội nghẹt thở này đã góp phần tạo ra Công đoàn Đoàn kết; sự độc lập của Nhà thờ cũng giúp tạo ra một không gian được bảo vệ nơi phong trào có thể tiếp tục tồn tại sau khi Công đoàn Đoàn kết bị giải tán dưới chế độ thiết quân luật bị áp đặt trên Ba Lan vào ngày 13 tháng Chạp năm 1981.
Suốt trong thời kỳ hào hùng của mình, Công đoàn Đoàn kết là sự hài hoà độc đáo giữa niềm tin trí thức và niềm tin đạo lý, nhận thức đúng đắn về kinh tế, sáng suốt về chính trị, và can đảm của cá nhân, tất cả điều này được hình thành nhờ học thuyết xã hội của Nhà thờ Công giáo và nhờ chứng nhân cá nhân của Đức Giáo hoàng John Paul II. Gương sáng của Công đoàn Đoàn kết nên khích lệ những người tự do, và những ai khao khát tự do, ở khắp mọi nơi”.
Trong hình ảnh có thể có: 5 người

Mọi người đã hiểu vì sao các nước phương Tây, những thành phần tự chuyển hoá và nhà thờ ở Việt Nam luôn cổ suý cho cái gọi là “xã hội dân sự”, đặc biệt là “công đoàn độc lập” chưa?
Qua đây, có lẽ mỗi người cộng sản sẽ tự nhận ra bài học và xác định nhiệm vụ cho mình trước giờ G.
Xin nhắc lại lời của Andre Vltchek, một người đồng chí của chúng ta: “Nếu Việt Nam không kiên quyết chống tuyên truyền phương Tây và “đội quân thứ 5”, thì hàng triệu hy sinh của họ sẽ là vô ích!”

HỠI NHỮNG NGƯỜI MÀ TÔI YÊU THƯƠNG, HÃY CẢNH GIÁC!
====
#Lão nông tri điền Phạm Huy Đức
Ảnh: Giáo Hoàng John Paul II và lãnh đạo Công đoàn Đoàn kết Lech Walesa. Walesa hô hào biểu tình - Giống tay NVP Vòng tròn tắc tử chưa?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét