Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2020

TRUNG QUỐC ĐÃ ĐỦ MẠNH ĐỂ ĐƯƠNG ĐẦU VỚI CẢ NHÂN LOẠI

Người Trung Quốc thời khai thiên lập địa, lãnh thổ của họ chỉ tương đương với diện tích của nước ta hiện nay; chủ yếu quanh lưu vực sông Hoàng Hà. Qua rất nhiều triều đại xuyên suốt 5000 năm lịch sử, họ liên tục đánh chiếm lãnh thổ của các dân tộc khác để có cương vực, lãnh thổ rộng lớn như hôm nay. Về xâm chiếm lãnh thổ, chủ nghĩa đế quốc Trung Quốc được mô tả bằng các khái niệm cụ thể hơn là "chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc", "chủ nghĩa bành trướng Đại Hán", "chủ nghĩa bành trướng Bắc Kinh". Tâm điểm của việc bành trướng là mở rộng lãnh thổ của các triều đại. Nhân chuyện Trung Quốc tập trận ở Hoàng Sa, quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam; lão chăn bò có đôi lời mạn đàm về lịch sử Trung Quốc và rằng họ có đủ khả năng để chống lại cả nhân loại tiến bộ hay không:
I. LỊCH SỬ MỞ RỘNG LÃNH THỔ CỦA TRUNG QUỐC:
Trung Quốc chưa bao giờ ngừng việc xâm chiếm trong 3.000 năm qua, tính từ đầu nhà Chu, họ đã mở rộng không ngừng ra khỏi vùng Hoàng Hà ban đầu. Đến thời Hán, chủ quyền Trung Quốc trung ương đã chiếm đến miền bắc Việt Nam ở phía nam sau khi tiêu diệt quốc gia cát cứ Nam Việt (năm 111 TCN). Cả một vùng rộng lớn, chủ yếu là Đồng bằng lưu vực sông Hoàng Hà, Đồng bằng lưu vực sông Trường Giang, và khu vực Hoa Nam là ổn định trong hầu hết thời gian. Đó là vùng trung tâm chính yếu của văn minh Trung Hoa, hay còn gọi là Trung Quốc bản thổ, rộng khoảng 4.000.000 km2.

Trong các giai đoạn sau đó, Trung Quốc chiếm thêm các vùng xa hơn. Đến nay, họ đã tích hợp 5 khu vực lớn, lãnh thổ của họ rộng lớn nhất là vào thời vua Càn Long, diện tích lúc đó là 14.000.000 km2. Hiện nay là 9.000.000 km2:
1. Vân Nam: rộng khoảng 394.000 km2, vùng này vốn là nước Đại Lý (937 - 1253) của người Bạch, bị Mông Cổ tiêu diệt và tích hợp vào Trung Quốc dưới thời Nhà Nguyên, đến thời Nhà Minh, năm 1382, quân Minh xâm lược và giữ chủ quyền tới nay.
2. Tân Cương: rộng khoảng 1,6 triệu km2, bị chinh phạt và đưa vào chủ quyền Trung Quốc vào thế kỷ VII, dưới thời Nhà Đường, Nhà Tống và Nhà Minh tạm thời mất chủ quyền nhưng Nhà Nguyên và Nhà Thanh đã tái lập sự kiểm soát. Trong đó, Nhà Thanh tái chiếm năm 1759, đến 1884 thì hợp nhất tất cả các lãnh thổ rời rạc của toàn vùng Tân Cương.
3. Tây Tạng: rộng khoảng 1,2 triệu km2, bị Mông Cổ chinh phục và nằm dưới quyền lực Nhà Nguyên, gián đoạn độc lập vào Nhà Minh nhưng bị tái chiếm bởi Mãn Thanh dưới thời vua Càn Long. Tuyên bố độc lập dưới thời Trung Hoa Dân Quốc nhưng Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa đã cho quân tái chiếm vào năm 1959.
4. Nội Mông Cổ: là một vùng rộng lớn, khoảng 1,2 triệu km2, nằm bên ngoài Vạn Lý Trường Thành, đến thời Minh họ chỉ áp đặt được hệ thống triều cống nhưng từ đầu Nhà Thanh, thập niên 20 thế kỷ XVII, cho đến nay vùng này nằm trong sự quản lý chặt chẽ hơn của các chính quyền Trung Quốc.
5. Nội Mãn Châu: là một phần của triều đại Mãn Thanh, sau khi Nhà Thanh sụp đổ khu vực này tạm thời trong vòng tranh chấp giữa Nga và Nhật, người Nhật đã lập nhà nước Mãn Châu Quốc tìm cách phân tách ra khỏi Trung Quốc nhưng thất bại trong chiến tranh khiến chính quyền Mãn Châu Quốc bị giải thể và khu vực này bị chiếm lại dưới chính quyền Trung Hoa Dân Quốc.

II. TRUNG QUỐC CÓ ĐỦ SỨC ĐƯƠNG ĐẦU VỚI CẢ NHÂN LOẠI TIẾN BỘ TRÊN TOÀN THẾ GIỚI:
Người Trung Quốc luôn xem minh là “quốc gia trung tâm của vũ trụ”, “trung tâm của tinh hoa nhân loại”; tuy nhiên bài học quá khứ của chính họ đã chỉ ra rằng, không phải lúc nào người Trung Quốc cũng hùng mạnh. Thời Tần có người Hung Nô thiện chiến, là nỗi khiếp sợ của Trung Quốc; Tần Thủy Hoàng sợ đến mức phải xây Vạn lý trường thành để ngăn không cho họ nam tiến; Nhà Hán phải dâng công chúa Vương Chiêu quân để cầu hòa. Người Khiết Đan ở Đông Bắc chỉ là bộ tộc nhỏ nhưng đã bao phen đánh đổ những triều đại phong kiến Trung Quốc thế kỷ thứ X. Đặc biệt, là thời kỳ nhà Tống, đã là người Trung Quốc thì không ai quên mối nhục Tĩnh Khang ở thế kỷ XI khi người Kim nhỏ bé nhưng đánh bại nhà Tống, bắt cả 2 vua là Tống Huy Tông và Tống Khâm Tông sang Kim, bắt Vua Tống gọi Vua Kim bằng bác, xưng cháu và họ chết ở đó. Người Mông Cổ xâm chiếm Trung Quốc, lập triều Nguyên trên đất Trung Quốc gần 200 năm. Nỗ Nhỉ Cáp Xích (Thanh Thái Tổ), Hoàng Thái Cực , Đa Nhỉ Cổn mang Bát kỳ thiểu số của Mãn Châu, giương roi thảo phạt Trung Nguyên mà lập Triều Thanh từ trong tay người Hán (nhà Minh). Người Nhật thôn tính Trung Quốc thời thế chiến, người Việt Nam đánh bại họ năm 1979…
Trong hình ảnh có thể có: 1 người, văn bản
Nói thế để biết rằng, thế thời và thời thế của mỗi quốc gia luôn có lúc thịnh, lúc suy nhưng chủ quyền quốc gia là bất khả xâm phạm và lợi ích quốc gia là mãi mãi trường tồn! Trung Quốc ngày nay hùng mạnh nhưng không có nghĩa là họ muốn làm gì thì làm, bất chấp luật pháp quốc tế. Phía Tây Nam có Ấn Độ, đất nước có dân số chỉ đứng sau chính Trung Quốc, Đông Bắc có Nhật Bản, Hàn Quốc, 5 khu tự trị luôn ẩn chứa bất ổn, Đài Loan và Hồng Kông không cam chịu; Hoa Kỳ, Úc và liên minh châu Âu chẳng bao giờ muốn họ trỗi dậy. Nếu Trung quốc cứ tiếp tục gây hấn, tiếp tục bất chấp luật pháp quốc tế thì họ phải “vạn bề thọ địch”. Bởi thế có thể khảng định rằng, họ không đủ sức chống cả nhân loại tiến bộ và yêu chuộng hòa bình.
III. VIỆT NAM PHẢI LÀM GÌ ĐỂ ĐỐI PHÓ VỚI TRUNG QUỐC:
Lịch sử đã bắt chúng ta phải chung sống cạnh người bạn láng giềng khổng lồ; ta bị 1000 năm bắc thuộc, nhiều lúc là thuộc quốc của họ; nhưng dân tộc ta không bao giờ bị đồng hóa; đất nước ta vẫn liền một giải, không mất cho tàu. Làm được được thế là nhờ cha ông ta tinh anh, luôn cố giữ hòa hiếu với họ. Nhiều triều đại, ta ngoài mặt thì “thần phục” để giữ chủ quyền, thần phục chỉ là giả còn giữ vững giang sơn mới là thực. Ta và họ mãi mãi là láng giềng của nhau, bởi thế quan hệ với họ là vừa hợp tác, vừa đấu tranh; giải quyết các bất đồng bằng biện pháp hòa bình, ngoại giao nhằm bảo đảm “nam quốc sơn hà nam đế cư”. Giữ môi trường hòa bình để phát triển kinh tế, xã hội vì chiến tranh xảy ra thì ngọc, đá đều tan, không phải là cái phúc của xã tắc! Tất nhiên, khi không còn lựa chọn nào khác thì người Việt Nam chẳng ngán bất cứ đế quốc nào, dù họ hùng mạnh và hung hãn cỡ nào. Lịch sử dân tộc ta đã chứng minh điều đó; không phải cứ cá lớn là nghiễm nhiên nuốt được cá bé, đó là điều chắc chắn./.
--------------
Lão chăn bò DVK-MNQ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét