Thứ Tư, 1 tháng 7, 2020

NGUYỄN VĂN LINH - NGƯỜI CHIẾN SĨ CÁCH MẠNG MẪU MỰC, KIÊN TRUNG

Đồng chí Nguyễn Văn Linh, tên thật là Nguyễn Văn Cúc, còn gọi là Mười Cúc, sinh ngày 01/7/1915 ở xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Sinh ra trong cảnh nước mất, nhà tan, tuổi trẻ được chứng kiến những phong trào đấu tranh sục sôi của những người yêu nước, đồng chí đã sớm giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1930, đồng chí tham gia rải truyền đơn chống thực dân Pháp, người thiếu niên 15 tuổi bị kết án tù chung thân tại địa ngục trần gian - Nhà tù Côn Đảo. Năm 1936, đồng chí được trả tự do và tiếp tục xây dựng cá tổ chức cơ sở đảng. Đến năm 1941, đồng chí bị bắt ở Vinh, kẻ thù kết án đồng chí 05 tù khổ sai tại nhà tù Côn Đảo lần thứ 2. Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí được đón về hoạt động ở miền Tây, từ đó đồng chí giữ nhiều cương vị, trọng trách của Đảng như Bí thứ Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 12 năm 1986, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, đây là Đại hội mở đầu thời kỳ đổi mới, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của Đồng chí Nguyễn Văn Linh gắn liền với những chặng đường cam go, gian khổ, hào hùng của dân tộc ta, gần 70 năm hoạt động cách mạng đồng chí hoạt động trải rộng trên cả 03 miền đất nước, được Đảng tin cậy giao nhiều trọng trách quan trọng, nhưng dù ở cương vị nào đồng chí cũng đều hoàn thành xuất sắc và đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của đất nước. Ông đã có lần nói “Đất nước mình dài rộng lắm. Cán bộ phải đi nhiều nơi mới hiểu được dân, như vợ hiểu chồng. Đảng ta lấy dân làm gốc. Nếu cái gốc mình không nắm được thì làm sao dựa được”.
Bốn tuổi mồ côi cha, bảy tuổi mồ côi mẹ, ngay từ nhỏ đồng chí Nguyễn Văn Linh đã chịu bao thiệt thòi, thiếu thốn, rồi đến những năm tháng chiến tranh gian khổ, người thanh niên Nguyễn Văn Linh đã phải chịu hơn 10 năm giam cầm tù đày và bị kẻ thù dùng mọi cực hình, đòn roi tra tấn, có lần ông kể lại, thực dân Pháp bắt ông vác bao lúa nặng, do không đủ sức ông khụy xuống và bị chúng dùng roi cá đuối đánh đến sau này vẫn còn những vết bẩm nổi trên lưng. Thế nhưng đòn roi của quân thù cũng không thể không khuất phục được người chiến sĩ cộng sản. Ngược lại, với lý tưởng và niềm tin son sắt vào cách mạng, đồng chí vẫn nêu cao khí phách anh hùng, kiên cường, bất khuất, cùng các đồng chí trong chi bộ đảng nhà tù biến nhà từ thành trường học cộng sản, tổ chức các lớp học tập chính trị, văn hóa, ngoại ngữ để giác ngộ cán bộ, đảng viên và quần chúng. Ngay sau khi được ra tù, đồng chí lại không sợ hi sinh, gian khổ, lao vào hoạt động cách mạng. Trong thời kỳ gay go nhất và cũng oanh liệt nhất của cách mạng miền Nam, đó là vào năm 1959, kẻ thù dùng đạo Luật chết chóc 10/59, lê máy chém đi khắp miền Nam, dìm cách mạng miền Nam trong biển máu, đồng thời đưa quân càn quét tìm diệt lực lượng của ta, trong tình thế ngặt nghèo đó, đồng chí luôn bám sát Nhân dân, gắn bó với phong trào cách mạng để xây dựng, củng cố các cơ sở đảng và phát triển lực lượng.
Trong hình ảnh có thể có: 1 người, văn bản
Trên cương vị lãnh đạo của Đảng, cũng đúng là lúc bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp, mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu đứng trước nguy cơ sụp đổ, đất nước bị bao vây cấm vận, khủng hoảng kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, cuộc đấu tranh trong tư tưởng của mỗi cán bộ, đảng viên đang hết sức phức tạp, nếu không kiên định, không quyết liệt sẽ dễ dẫn đến chệch hướng phát triển theo con đường chủ nghĩa xã hội. Với tinh thần kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã cùng Trung ương Đảng vững vàng, chủ động, sáng tạo lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, vượt qua thử thách, kiên trì đường lối đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tập trung đổi mới kinh tế, phát huy dân chủ nhưng kiên quyết không chấp nhận đa nguyên, đa đảng. Với tinh thần quyết liệt đó, công cuộc đổi mới của đất nước ta đã đạt được thành tựu quan trọng. Từ một nước thiếu lương thực triền miên, chúng ta đã đảm bảo an ninh về lương thực và có lượng gạo xuất khẩu lớn; từ một nước làm không đủ ăn, thu không đủ chi, xuất khẩu không đủ nhập khẩu, chúng ta đã phấn đấu ra khỏi nhóm nước chậm phát triển và đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, cải thiện đời sống của Nhân dân, mở rộng quan hệ đối ngoại và nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
Kỷ niệm 105 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Linh, ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và công lao của Đồng chí, chúng ta càng trân trọng, tự hào, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Đồng chí và nguyện mãi mãi đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn, để xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội./.
TRƯỜNG GIANG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét