Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2020

Cảnh báo về an ninh mạng từ việc lắp đặt camera

Vừa qua, hàng loạt video clip ghi lại cảnh sinh hoạt riêng tư tại nhà của một nữ nghệ sĩ được phát tán trên mạng đã gây xôn xao dư luận. Nội dung các clip được trích xuất từ hình ảnh ghi lại được qua hệ thống camera giám sát tại nhà riêng của nữ nghệ sĩ này từ vài năm trước. Kẻ phát tán được cư dân mạng tố cáo có nickname (tên tự đặt) là Hackerptg, và người này cho biết sẽ tiếp tục đăng tải các clíp khác. Sự việc đang gây tổn thương không nhỏ đến cuộc sống của nữ nghệ sĩ. Các cơ quan chức năng đang vào cuộc điều tra.
Cảnh báo về an ninh mạng từ việc lắp đặt camera
Ảnh minh họa: Internet
Đáng lo ngại là các clip vẫn tiếp tục lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội. Thay vì phản đối hành vi xâm phạm bí mật đời tư của người khác, một số người bày tỏ sự thích thú, tham gia bình luận với lời lẽ khiếm nhã và tiếp tục chia sẻ trên trang cá nhân cũng như tại một số diễn đàn.
Sự việc nêu trên làm dấy lên những lo ngại về tình trạng an toàn, an ninh mạng. Thực tế hiện nay, tại các nhà riêng, công sở, trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng, trường học…, việc lắp camera giám sát dần trở nên phổ biến. Qua mạng LAN (mạng nội bộ) và internet, người sử dụng có thể quan sát từ xa hình ảnh ghi được, rất tiện lợi và hiệu quả trong kiểm tra, giám sát an ninh.
Về nguyên tắc, hoạt động của camera an ninh hoàn toàn được bảo mật, nhưng sự việc vừa xảy ra cho thấy dữ liệu hình ảnh từ camera đang trở thành mục tiêu tiến công của kẻ xấu. Không thể không lo ngại khi người dân lắp thiết bị giám sát để bảo vệ cá nhân và gia đình mình, nhưng rồi chính thiết bị đó đang trở nên gây mất an toàn, tiềm ẩn nguy cơ bị trộm cắp, tống tiền,... Đặt trường hợp camera an ninh tại các công sở bị xâm nhập, can thiệp trái phép, hậu quả sẽ đến mức nào?
Những diễn biến phức tạp nêu trên cho thấy vấn đề an toàn, an ninh mạng đang ngày càng cấp bách. Luật An ninh mạng chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2019, sau một năm đi vào hoạt động đang dần phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh sự quyết liệt của cơ quan chức năng, chính cộng đồng cũng cần vào cuộc. Những người có hành vi phát tán thông tin sai, thông tin xâm phạm đời tư người khác,... cần bị xử lý nghiêm.
Bên cạnh đó, mỗi cá nhân tham gia mạng xã hội phải là người tôn trọng và tuân thủ pháp luật, đề cao cảnh giác, không a dua, tiếp tay lan truyền những thông tin và hình ảnh trái pháp luật. Nếu phát hiện hành vi vi phạm cần có biện pháp cảnh báo với cộng đồng, báo cáo sai phạm với nhà mạng, tùy từng trường hợp có thể xem xét để báo với cơ quan chức năng.
Hơn lúc nào hết, mỗi cá nhân nâng cao ý thức bảo vệ an toàn, an ninh mạng cũng là bảo vệ chính mình và người thân. Bởi nếu coi nhẹ, dung túng cho những sai phạm trên mạng xã hội, người tham gia có khi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, và rất có thể một ngày nào đó họ cũng trở thành nạn nhân của mạng xã hội.
THÀNH NAM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét