Họ không muốn Việt Nam phát triển - đó là nhận xét chung của dư luận khi chứng kiến việc một số tổ chức, cá nhân ồn ào phản đối Việt Nam và Liên hiệp châu Âu (EU) tiến hành ký kết Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA). Thay vì nhìn thẳng vào sự thật, các tổ chức và cá nhân này đã sử dụng chiêu bài “nhân quyền” để bịa đặt, vu khống Nhà nước Việt Nam một cách trơ trẽn, qua đó nhằm thực hiện mưu đồ cản trở quá trình mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế của Việt Nam, bất chấp việc các quan hệ đó sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho mọi người dân Việt Nam, bổ sung thêm điều kiện để hoàn thiện và phát triển nhân quyền trong xã hội.
Tháng 6-2019 tại Hà Nội, sau khi có sự nhất trí của các nước thành viên EU, đại diện Chính phủ Việt Nam và đại diện EU đã ký kết EVFTA, EVIPA. Ngày 21-1 vừa qua, Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) của Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu và thông qua nghị quyết đề nghị EP phê chuẩn EVFTA, EVIPA. Và tháng 2-2020, trong phiên họp tại Pháp, EP sẽ tiến hành bỏ phiếu về hai Hiệp định này. Nếu được thông qua, EVFTA sẽ chính thức có hiệu lực, riêng EVIPA có hiệu lực muộn hơn vì phải chờ từng nước trong EU thông qua. Kết quả đó có được sau khi Chính phủ Việt Nam và EU đã trải qua gần 10 năm nỗ lực phối hợp làm việc: từ đồng ý khởi động, tuyên bố khởi động đàm phán và kết thúc đàm phán, rà soát pháp lý để chuẩn bị, hoàn thành việc ký kết EVFTA, cho đến thống nhất tách EVFTA thành hai hiệp định là EVFTA với nội dung như hiện tại, và EVIPA để bảo hộ đầu tư, giải quyết tranh chấp đầu tư, kết thúc quá trình rà soát pháp lý EVFTA, thống nhất các nội dung của EVIPA và hoàn tất rà soát pháp lý đối với EVIPA, chính thức thông qua EVFTA và EVIPA, phê duyệt để cho phép ký kết Hiệp định. Về phía Việt Nam, để đáp ứng yêu cầu của việc ký kết EVFTA và EVIPA, Chính phủ đã có các bước đi quan trọng và cần thiết, được đối tác đánh giá cao. Chẳng hạn, theo đánh giá của Amfori (Hiệp hội Thương mại nước ngoài), Việt Nam “đã đạt được tiến bộ trong tháng 11-2019 với việc áp dụng Bộ luật Lao động sửa đổi, lần đầu tiên cho phép người lao động thành lập một tổ chức đại diện, hoặc tham gia một trong những lựa chọn của riêng họ”, đồng thời người đứng đầu Hiệp hội này cũng ghi nhận những tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được về nhân quyền.
Còn bà C. Malmström (C. Man-xtrôm) - Cao ủy Thương mại của EU, sau lễ ký kết tại Hà Nội cũng đã đánh giá: “Sự kiện hôm nay là cột mốc quan trọng, thể hiện sự hợp tác lâu bền giữa hai bên. Tôi tin tưởng rằng, hiệp định được thực thi sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp của cả Việt Nam và EU với 99% dòng thuế được xóa bỏ. Cùng với nhiều mặt hàng được hưởng lợi, hiệp định cũng sẽ góp phần thúc đẩy đầu tư giữa hai bên. Việc phê chuẩn càng sớm thì càng mang lại lợi ích cho người dân, người lao động, người tiêu dùng càng lớn. Đây là tín hiệu gửi tới thế giới khi xu hướng bảo hộ đang gia tăng ở nhiều nơi. EU hướng tới người bạn châu Á, mong muốn đây là nền tảng cho sự hợp tác giữa các bên, hội nhập khu vực tăng lên. Với thế mạnh và sự đa dạng của các bên, hiệp định sẽ mang lại lợi ích cao nhất, thu được lợi ích cao nhất, tăng trưởng nhiều nhất cho cả hai bên”.
Đó là những ý kiến trách nhiệm và xác đáng vì việc ký kết EVFTA, EVIPA không chỉ đáp ứng nhu cầu phối hợp phát triển giữa Việt Nam với EU, mà còn là biểu thị cho xu hướng tích cực của nhân loại ngày nay là hợp tác vì lợi ích của các bên, góp phần vào sự phát triển bền vững, vì một thế giới hòa bình, ổn định, phát triển. Như bài “Giới thiệu chung về Hiệp định EVFTA và EVIPA” đăng trên evfta.moit.gov.vn của Bộ Công thương cho biết thì: “Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng song với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030… Ngoài ra, các cam kết về dịch vụ - đầu tư, mua sắm chính phủ cũng như những quy định cụ thể về mở cửa thị trường và biện pháp kỹ thuật trong một số lĩnh vực cụ thể cũng sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của EU tiếp cận được thuận lợi hơn thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam, đồng thời giúp người tiêu dùng Việt Nam được tiếp cận nguồn cung các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao từ EU trong các lĩnh vực như dược phẩm, chăm sóc sức khỏe, xây dựng hạ tầng, giao thông công cộng”...
Có thể khẳng định, việc ký kết EVFTA và EVIPA giữa Việt Nam với EU sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực, mở ra sự hợp tác toàn diện, rộng lớn và phát triển mạnh mẽ hơn giữa hai bên, tác động tích cực tới nền kinh tế Việt Nam, góp phần phát huy các nguồn lực, khơi dậy các tiềm năng, mọi người có thêm cơ hội làm việc, nâng cao chất lượng cuộc sống. Kết quả tổng hòa của các yếu tố này là đất nước ngày càng phát triển, đời sống mọi mặt của toàn dân ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, đó lại là những điều nằm ngoài mong muốn và suy nghĩ của các thế lực thù địch cũng như một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí đối với Việt Nam. Bởi thực tế cho thấy, như là “bản năng thường trực”, mấy chục năm nay, mỗi khi xuất hiện quan hệ hợp tác quốc tế nào đó có thể tác động tích cực cho sự phát triển của Việt Nam là những đối tượng và tổ chức này ngay lập tức lên tiếng phản đối, vừa la lối om xòm vừa tìm mọi cách cản trở, chống phá. Đối với việc ký kết EVFTA, EVIPA cũng vậy, các năm qua, với sự phối hợp chặt chẽ giữa trong nước và ngoài nước, họ chạy đôn chạy đáo để phản đối. Dựa vào thứ lý lẽ mà bản chất là bịa đặt, vu cáo, vu khống Việt Nam trong vấn đề nhân quyền, họ hè nhau ký “thư ngỏ” đề nghị một số cá nhân có trách nhiệm trong EU “hoãn lại việc chấp thuận đến khi các yêu cầu về nhân quyền đề ra được chính quyền Việt Nam đáp ứng”. Bất chấp những thành tựu nhân quyền của Việt Nam đạt được và được dư luận thế giới đánh giá cao, họ xuất hiện hết nơi này nơi khác để “điều trần”, tham gia hội thảo chỉ nhằm lặp đi lặp lại những phát ngôn trái ngược với suy nghĩ, nhận thức của người thực tâm đề cao nhân quyền, thực lòng quan tâm đến cuộc sống của đồng bào mình. Thậm chí, qua cái gọi “thư gửi Nghị viện châu Âu” ngày 4-2-2020, họ lớn tiếng phê phán “số đông” trong INTA “lờ đi những cam kết đã được đề nghị bởi nhiều tổ chức phi chính phủ quốc tế và Việt Nam”... Với các hoạt động phản đối điên cuồng, bất chấp liêm sỉ như vậy, họ tự bộc lộ dã tâm và mưu đồ chính trị đen tối, sẵn sàng chà đạp, bỏ mặc, không cần đếm xỉa gì tới quyền lợi của người lao động ở Việt Nam.
Chưa kể, với việc ký kết EVFTA và EVIPA, hàng hóa của Việt Nam sẽ nâng cao chất lượng để đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng hàng hóa của đối tác có đòi hỏi rất cao. Đó sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam quan tâm hơn tới cách thức sản xuất, chất lượng hàng hóa trong nước. Khi hàng hóa Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn thì kết quả tất yếu của nó là lợi ích của người lao động ở Việt Nam được cải thiện, tiềm lực mọi mặt của đất nước ngày càng được nâng cao, điều kiện thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng được tăng cường.
Cũng chính vì thế, nên không có gì ngạc nhiên khi nhìn vào danh sách các tổ chức, cá nhân đã và đang phản đối việc ký kết EVFTA, EVIPA. Những đối tượng này hoàn toàn không xa lạ. Đó là các tổ chức, cá nhân nhiều năm qua, hễ có quan hệ quốc tế nào đem lại lợi ích và nâng cao uy tín của Việt Nam, hễ có ý kiến nào đánh giá cao hoặc ca ngợi thành tựu của Việt Nam là bất cần liêm sỉ, họ lập tức lên tiếng phê phán, phản đối. Họ là các gương mặt cũ rích, chưa bao giờ có thiện chí, như Theo dõi nhân quyền (HRW) với ý kiến có tính chất vu cáo Việt Nam, kích động các nghị sĩ của Nghị viện châu Âu, thể hiện rất cụ thể qua bài trả lời phỏng vấn của ông C. Francavilla (C. Phran-ca-vi-la), đại diện HRW tại châu Âu, trên RFA ngày 7-2-2020. Cùng với HRW là tập hợp tạp nham các loại tổ chức tự nhận “hoạt động vì nhân quyền” nhưng hữu danh vô thực, chủ yếu tồn tại trên internet như VETO (Mạng lưới người bảo vệ nhân quyền), Quê mẹ (thuộc cái gọi là “Phật giáo Việt Nam thống nhất”), BPSOS (Ủy ban cứu người vượt biển - tổ chức từng diễn trò ký “thỉnh nguyện thư” gửi Chính phủ Mỹ, và thất bại thảm hại), CRFV (Ủy ban tự do tôn giáo cho Việt Nam)... Đáng lưu ý, để chống phá Việt Nam, các tổ chức này không ngần ngại liên danh ký tên cùng tổ chức khủng bố “Việt tân”, VOICE (“cánh tay nối dài” của tổ chức khủng bố Việt tân”). Và các cá nhân thì vẫn vậy, vẫn là số người “tuần chay nào cũng nước mắt”, từng ký tên vào nhiều thứ văn bản bịa đặt, vu khống Nhà nước Việt Nam trong vấn đề nhân quyền.
Phát triển kinh tế nhằm bảo đảm cho lợi ích của toàn dân ngày càng được nâng cao là một trong những mục tiêu quan trọng, cơ bản mà Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn nỗ lực phấn đấu và tập trung hướng tới. Hệ quả tất yếu của sự bảo đảm này là sẽ góp phần củng cố, phát triển nhân quyền ở Việt Nam. Và như vậy, các thành tựu nhân quyền có được từ phát triển kinh tế sẽ trực tiếp bác bỏ, vạch trần, biến luận điệu của các thế lực thù địch cùng một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí trở thành sự sáo rỗng, lố bịch. Vì thế những đối tượng này luôn phải tìm mọi cách để “chính trị hóa” các quan hệ kinh tế của Việt Nam với nước ngoài, gây sức ép nhằm buộc đối tác của Việt Nam phải làm theo đòi hỏi phi lý của họ. Sự ồn ào đến trơ tráo mà họ đã và đang bày ra xung quanh việc EU và Việt Nam ký kết EVFTA, EVIPA là bằng chứng sinh động, đủ để chứng minh các tổ chức, cá nhân đó không quan tâm đến nhân quyền, không mong muốn Việt Nam phát triển, họ chỉ cố tìm cách, cố nghĩ ra thủ đoạn xấu xa để ngăn cản mọi quan hệ ích nước, lợi dân, mong đợi Việt Nam trì trệ, nhân dân Việt Nam nghèo đói để “thừa cơ nước đục thả câu”. Đó chính là vấn đề cần phải vạch trần, cần phải lên án.
Để EVFTA, EVIPA phát huy hiệu quả tích cực, mang lại các lợi ích cho Việt Nam và EU, về phần mình, khi hai hiệp định này được EP thông qua, Chính phủ Việt Nam và các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp Việt Nam,... sẽ bước vào lộ trình thực hiện những cam kết với EU về thương mại hàng hóa, hàng xuất khẩu của EU, thương mại dịch vụ và đầu tư, mua sắm của Chính phủ, chỉ dẫn địa lý, và thực hiện các điều khoản của EVIPA... Đó là các công việc phức tạp song cần phải thực hiện để mở rộng tiền đề cho sự phát triển bền vững của đất nước, bổ sung thêm điều kiện giúp nhân quyền ở Việt Nam ngày càng củng cố, hoàn thiện, phát triển.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét