Kết nạp quần chúng ưu tú, đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định vào Đảng là một yêu cầu tất yếu khách quan để đảm bảo cho Đảng luôn là đội quân tiên phong, tổ chức tiên tiến, chắc chắn, cách mạng nhất của những người giác ngộ lý tưởng cộng sản. Phát triển đảng viên không chỉ có ý nghĩa đối với việc gia tăng số lượng đảng viên mà còn liên quan mật thiết đến chất lượng hoạt động lãnh đạo và uy tín của tổ chức đảng. Do đó, đối với công tác này phải luôn luôn quán triệt phương châm: chất lượng hơn số lượng, thà ít mà tốt. Bài viết này góp phần luận giải điều đó.
1. Quan điểm của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh về tiêu chuẩn của những người có thể được đứng vào hàng ngũ của Đảng
Sinh thời, V.I.Lênin rất quan tâm đến chất lượng của công tác kết nạp đảng viên bởi vấn đề này không chỉ đặc biệt có ý nghĩa đối với sự gia tăng về số lượng đảng viên của Đảng Cộng sản (b) Nga trong giai đoạn mà Đảng mới vừa giành được chính quyền, mà quan trọng hơn là để loại bỏ ngay từ đầu những phần tử cơ hội, lợi dụng lúc phong trào cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản (b) Nga đang dâng cao để chui vào hàng ngũ của Đảng nhằm mục đích trục lợi cá nhân hoặc trốn tránh một nghĩa vụ nào đó trong bối cảnh đất nước Nga vừa phải đương đầu với những khó khăn trong phục hồi và phát triển kinh tế cũng như chống lại các hành động bao vây, cô lập của các thế lực thù địch.
Trong quan niệm của V.I.Lênin, những người có thể được xem xét kết nạp vào Đảng phải có những phẩm chất như:
Một là, giác ngộ về lý tưởng cộng sản
Sự giác ngộ về lý tưởng cộng sản là tiêu chí đầu tiên, cũng là tiêu chí quan trọng nhất để kết nạp một người vào hàng ngũ của Đảng. Sự giác ngộ ấy biểu hiện ở tinh thần đoạn tuyệt với quan điểm và lập trường của giai cấp xuất thân để chuyển sang lập trường của giai cấp vô sản dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác; ở thái độ yêu mến Đảng, sẵn sàng đi theo lý tưởng của Đảng, tự giác thừa nhận và thực hiện cương lĩnh, điều lệ của Đảng; tuyệt đối không mơ hồ, không ảo tưởng, không hoang mang, sợ hãi trước những khó khăn, thử thách của thực tiễn cách mạng; không tùy tiện trong việc bày tỏ chính kiến của mình về công việc của tổ chức. Đó thực sự là những người đã có một sự giác ngộ cao độ trên cơ sở hiểu biết đầy đủ về Đảng và sứ mệnh lịch sử của Đảng, do vậy mà họ luôn “lấy sự suy nghĩ và tính tự giác cao độ làm cơ sở cho hoạt động của mình”(1). Cũng chính từ sự giác ngộ ấy mà họ sẽ “tự mình làm gương cho quần chúng lao động thấy một mẫu mực về lòng trung thành đối với lợi ích của những người lao động, về tinh thần đấu tranh kiên quyết với kẻ thù của những người lao động, về thái độ kiên định trong những giờ phút gay go, về tinh thần đấu tranh một lòng hy sinh chống bọn đế quốc ăn cướp trên toàn thế giới...”(2).
Hai là, có ý thức tổ chức, kỷ luật nghiêm
Là đảng viên của Đảng Cộng sản - tổ chức tiên tiến nhất, giác ngộ nhất, chặt chẽ nhất, cách mạng nhất của giai cấp công nhân, V.I.Lênin đòi hỏi và yêu cầu những người được giới thiệu vào Đảng phải là người qua hoạt động thực tiễn, chứng minh được mình là người có ý thức tổ chức, kỷ luật nghiêm. Ý thức đó được thể hiện ở sự chấp hành một cách nghiêm túc và tự giác các quy định của Đảng, của tổ chức mà người đó là thành viên; ở sự trung thành và phục tùng tuyệt đối sự phân công của tổ chức mà không cần một sự thúc giục, nhắc nhở nào trong việc chấp hành này: “Tôi muốn và tôi đòi hỏi Đảng, đã là đội tiên phong của giai cấp, thì phải hết sức có tổ chức, rằng Đảng chỉ nên thu nhận những phần tử ít nhất cũng phải có một tính tổ chức tối thiểu (3). Đây cũng là luận điểm quan trọng của V.I.Lênin trong cuộc tranh luận với Mactop - một đại biểu của phái Mensêvích về điều kiện để được công nhận là đảng viên của Đảng Cộng sản, theo đó: “Bất kỳ người nào thừa nhận cương lĩnh của Đảng và ủng hộ Đảng bằng những phương tiện vật chất cũng như bằng cách tự mình tham gia vào một trong các tổ chức của Đảng, đều có thể được công nhận là đảng viên”(4).
Ý thức tổ chức, kỷ luật được hình thành và thực hiện dựa trên sự giác ngộ, đòi hỏi người đảng viên của Đảng phải chấp hành tuyệt đối sự phân công, điều động của Đảng, thậm chí khi Đảng cần những đảng viên cũng phải bằng lòng mà hy sinh cho Đảng: “Đảng là một tổ chức đặc biệt, đảng cần phải có những con người giác ngộ, sẵn sàng hy sinh tính mạng…”(5).
Ba là, có tinh thần lao động quên mình
Trong bối cảnh đất nước đang trong giai đoạn khó khăn, V.I.Lênin chỉ rõ những người có thể được xem xét vào Đảng, bên cạnh ý thức tổ chức kỷ luật, còn phải chứng minh được tinh thần lao động quên mình cho chủ nghĩa xã hội - chủ nghĩa cộng sản mà trong nhiều tác phẩm của mình như: “Sáng kiến vĩ đại”, “Ngày thứ bảy lao động cộng sản”, tinh thần lao động này có lúc được V.I.Lênin gọi dưới tên là: “lao động không công cho chủ nghĩa xã hội”(6) dựa trên tinh thần giác ngộ về vị trí, vai trò của người đảng viên; đó là kiểu lao động không phải được tiến hành theo nghĩa vụ, càng không phải để được thụ hưởng một quyền lợi nào đó mà nó là một hình thức lao động đã thành thói quen, xuất phát từ ý thức giác ngộ về tinh thần cống hiến cho tập thể của người đảng viên: “… việc những người cộng sản kết nạp đảng viên mới vào đảng, không phải là để cho những đảng viên này lợi dụng địa vị của một đảng đang chấp chính để được hưởng những lợi lộc nào đó, mà là để họ nêu lên những tấm gương lao động thật sự cộng sản chủ nghĩa, tức là lao động không công”(7). Đó thực sự là: “một thứ lao động đã trở thành nhu cầu của một cơ thể lành mạnh”(8). Đó thực sự là những người tiên phong trong lao động sản xuất, là những đại biểu ưu tú trong phong trào của quần chúng, được quần chúng nhân dân tín nhiệm và thừa nhận: “Chỉ có những người chân thành đi theo chủ nghĩa cộng sản, chỉ những ai thành tâm trung thành với Nhà nước công nhân, chỉ có những người lao động trung thực, chỉ có những đại biểu thực sự của quần chúng bị áp bức… mới vào Đảng được” (9).
V.I.Lênin thẳng thắn phê bình tình trạng chạy theo số lượng trong kết nạp đảng viên mới ở một số tổ chức đảng bởi điều này về mặt hình thức thì sẽ làm cho Đảng thêm đông hơn và thể hiện sức hút của Đảng cầm quyền nhưng trong thực tế thì hiệu quả công tác lại không tốt hơn vì có những đảng viên “hữu danh vô thực”, họ vào Đảng khi chưa giác ngộ đầy đủ về lý tưởng cộng sản, về hai chữ “đảng viên” nên gặp lúc phong trào cách mạng đi lên thì họ hô hào, đến khi phong trào gặp khó thì họ lại tìm mọi cách né tránh. Đó chính là những “đảng viên cơ hội”. Đấu tranh dứt khoát với tình trạng này, V.I.Lênin cho rằng: “Chúng ta cần có những đảng viên mới không phải để quảng cáo mà là để làm việc thật sự… Những đảng viên hữu danh vô thực thì có cho không chúng ta cũng không cần”(10).
Trên cơ sở vận dụng sáng tạo học thuyết Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam và xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đảng là gồm các đảng viên mà tổ chức nên. Mọi công việc của Đảng do đảng viên làm. Mọi nghị quyết của Đảng đều do đảng viên chấp hành. Mọi chính sách của Đảng đều do đảng viên mà thấu đến quần chúng. Mọi khẩu hiệu, mọi kế hoạch của Đảng đều do đảng viên cố gắng thực hiện. Vì vậy, Đảng cần phải … hấp thụ vào Đảng những người tốt trong giai cấp lao động…”(11).
Đó là những người “… yêu nước nhất, hăng hái nhất, cách mệnh nhất. Nó sẽ gồm những người kiên quyết phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân,…, những người chí công vô tư, làm gương mẫu trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc”(12). Như vậy, trong quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những người vào Đảng không chỉ là những người đã giác ngộ về lý tưởng cộng sản, không chỉ có ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm, không chỉ có tinh thần lao động quên mình vì Tổ quốc, vì nhân dân mà còn phải là những người thể hiện được “đạo đức cách mạng” trong quá trình lao động. Đạo đức cách mạng ấy chính là các phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính”, tinh thần “dĩ công vi thượng”, biết đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân; luôn xung kích đi đầu, làm gương cho người khác trong mọi công việc mà không hề kén chọn, tính toán thiệt hơn; biết lấy hai chữ “phụng sự” để làm kim chỉ nam cho hành động của bản thân. Chính vì lẽ đó mà trong quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng không phải chỉ cần nhiều, tuy nhiều là tốt, nhưng phải có cái chất của người đảng viên”(13).
2. Kết nạp đảng viên - thà ít mà tốt
Đánh giá về công tác kết nạp đảng viên thời gian vừa qua, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII nhận định: “… việc phát triển và nâng cao chất lượng đảng viên đã được các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung chỉ đạo thực hiện, nhất là đối với những tổ chức cơ sở đảng yếu kém, có nhiều khó khăn, những địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới… Số đảng viên mới kết nạp là đoàn viên thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, nữ, trí thức, học sinh, sinh viên, dân tộc thiểu số, người theo tôn giáo, người lao động trong các thành phần kinh tế và chủ doanh nghiệp tư nhân tăng hơn so với khóa trước. Tuổi bình quân kết nạp đảng trong nhiệm kỳ này trẻ hơn so với trước” (14). Chỉ thỉ số 28-CT/TW, ngày 21-1-2019 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng nhấn mạnh: “Đảng viên mới được kết nạp phải là quần chúng thực sự ưu tú, có phẩm chất chính trị tốt, đạo đức trong sáng, được rèn luyện, thử thách trong thực tiễn, có nhận thức đúng, đầy đủ về Đảng, động cơ vào Đảng đúng đắn. Cấp ủy có thẩm quyền có thể quy định tiêu chuẩn, điều kiện kết nạp đảng viên cao hơn quy định chung để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị”(15).
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy công tác phát triển đảng viên ở một số tổ chức đảng hiện nay đang có những hạn chế nhất định khi xem xét cả trên góc độ phát triển số lượng cũng như chất lượng đội ngũ đảng viên mà biểu hiện cụ thể nhất là hiện tượng đảng viên không tham gia sinh hoạt theo quy định, đảng viên bị xóa tên, đảng viên làm đơn xin ra khỏi đảng, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị; đạo đức, lối sống; rơi vào “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tuy chưa có thống kê đầy đủ trên cả nước về tình trạng này nhưng qua các vụ việc được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, có thể thấy hệ lụy của vấn đề này là rất lớn, không chỉ liên quan đến biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị mà còn là một dấu hỏi rất lớn về lời hứa cống hiến suốt đời cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng; về sự nhất quán giữa lời nói và việc làm trong việc thực hiện lời thề của người đảng viên; làm giảm sút uy tín của tổ chức đảng, hình ảnh người đảng viên và công tác phát triển đảng viên…
Thực trạng công tác kết nạp đảng viên và tình trạng đảng viên xin ra khỏi Đảng, đảng viên bị xóa tên, đảng viên rơi vào các biểu hiện suy thoái thời gian vừa qua cho thấy cần có một sự thay đổi trong nhận thức và hành động về công tác phát triển đảng viên với quan điểm “thà ít mà tốt”, theo đó:
Cần nhìn nhận lại về việc đưa ra chỉ tiêu kết nạp đảng viên theo từng năm, từng nhiệm kỳ.
Thực tiễn cho thấy, phát triển đảng viên là một việc làm cần thiết để làm tăng sức chiến đấu cho Đảng, để đảm bảo sự kế thừa, phát triển liên tục trong đội ngũ đảng viên. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ của đảng viên. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là chúng ta cứ đưa ra chỉ tiêu khô cứng trên cơ sở áp đặt từ trên xuống mà không quan tâm nhiều đến chất lượng của công tác này dẫn đến tình trạng “chạy theo chỉ tiêu”, kết nạp những người chưa đủ độ chín trong nhận thức về lý tưởng cộng sản, chưa chứng minh được tinh thần tích cực, gương mẫu đi đầu trong phong trào quần chúng, chưa thể hiện được thái độ làm việc quên mình vì tập thể, vì nhân dân, chưa chứng minh được ý thức tổ chức kỷ luật; kết nạp không đúng thẩm quyền… Do đó khi vì một lý do nào đó, đội ngũ này không nhận được sự giáo dục, quản lý thường xuyên của tổ chức đảng, họ sẽ không ý thức được trách nhiệm và bổn phận của mình, không phát huy được ý thức tự giác của người đảng viên, nhanh chóng rơi vào suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của tổ chức đảng trước cán bộ, đảng viên, nhân dân và tinh thần cống hiến của đội ngũ đảng viên ở những tổ chức đó.
Các tổ chức đảng, nhất là tổ chức đảng ở cơ sở cần có một thống kê cơ bản về nguồn phát triển đảng viên trên cơ sở xem xét, đánh giá về điều kiện kinh tế của các đối tượng dự kiến đưa vào nguồn phát triển đảng, tâm tư nguyện vọng của họ… để từ đó dự đoán được sự biến động của nguồn này, trên cơ sở đó tư vấn cho cấp ủy cấp trên về công tác phát triển đảng viên ở tổ chức đảng của mình; phải luôn nhìn các đối tượng dự nguồn kết nạp Đảng trong xu thế vận động. Có như thế mới có thể kết nạp được những quần chúng ưu tú thực sự, những người thực sự đã hội tụ được cái mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi là “chất của người đảng viên”. Có như thế thì về lâu dài mới góp phần hạn chế được tình trạng đảng viên xin ra khỏi Đảng, đảng viên bị xóa tên…
Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của Đảng về công tác phát triển đảng viên.
Làm tốt công tác này đòi hỏi các tổ chức đảng cần phải quán triệt và thực hiện đầy đủ các khâu trong công tác kết nạp đảng viên được quy định trong Điều lệ Đảng và các quy định có liên quan, đặc biệt là công tác theo dõi sự phát triển của đối tượng đảng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; thường xuyên và liên tục theo sát sự trưởng thành về mặt nhận thức và hành động của các đối tượng đảng; phân công cho họ những công việc từ dễ đến khó, từ ít đến nhiều để thử thách tinh thần, ý chí và đạo đức công vụ của họ… Nếu không làm chặt chẽ khâu “kiểm tra đầu vào” sẽ rất dễ tạo kẽ hở cho những phần tử cơ hội, không có đủ tư cách và tiêu chuẩn chui vào hàng ngũ của Đảng để toan tính trục lợi và có thể làm suy yếu tổ chức Đảng từ bên trong.
Cần phải nhắc lại rằng việc kết nạp một quần chúng ưu tú vào Đảng không phải chỉ hướng đến mục tiêu tăng số lượng đảng viên theo số học đơn thuần mà nó phải là “sự tăng lên về số kết hợp về chất, trước hết là về chất” để bổ sung nguồn năng lượng, trí tuệ cho Đảng. Điều đó giải thích vì sao trong những năm đầu tiên của Chính quyền Xôviết non trẻ, nhiệm vụ xây dựng và củng cố tổ chức đảng, phát triển đảng viên với quan điểm nhất quán: coi trọng yếu tố chất lượng trong công tác kết nạp đảng viên mới được V.I.Lênin hết sức chú trọng và chỉ đạo quyết liệt trong hành động.
Để công tác phát triển đảng viên thực sự hiệu quả, đúng mục tiêu, quan điểm, cần ghi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không nên hẹp hòi. Nhưng việc phát triển Đảng phải làm cẩn thận, không được cẩu thả”(16).
Kết nạp đúng những quần chúng ưu tú vào Đảng sẽ không chỉ làm số lượng đảng viên tăng lên mà còn giúp ổn định và nâng cao chất lượng hoạt động cũng như uy tín chính trị của Đảng, khẳng định vị thế cầm quyền vững chắc của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đảng mạnh là do mỗi chi bộ tốt, mỗi chi bộ tốt là do mỗi đảng viên tốt”(17). Ngược lại, vì chạy theo số lượng, chỉ tiêu mà không chú đến chất lượng sẽ góp phần tạo nên những đảng viên “hữu danh, vô thực”, làm cho tổ chức đảng “đông nhưng không mạnh”. Hơn lúc nào hết, đội ngũ đảng viên của Đảng phải là những người: “thật sự tiên phong, gương mẫu, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm cao trong công việc, có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng, ý thức tổ chức kỷ luật và năng lực hoàn thành nhiệm vụ, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng” (17). Những phẩm chất ấy không chỉ của đội ngũ đảng viên - những người đã đứng trong hàng ngũ của Đảng mà còn phải được thể hiện đầy đủ ở đội ngũ những quần chúng ưu tú – những người đã sẵn sàng tham gia vào hàng ngũ của đội quân tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc.
____________________________
(1), (2), (5), (7) V.I.Lênin: Về tư cách người đảng viên cộng sản, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1975, tr.62, 114, 43, 59.
(3), (6), (8), (9), (10) V.I.Lênin: Về Xây dựng Đảng, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1977, tr.69, 221, 241, 196-197, 196-197.
(4)V.I. Lênin: Toàn tập, t.8, Nxb Tiến Bộ Mátxcơva, Hà Nội, 1977, tr.268.
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.235
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.188.
(13), (17) Hồ Chí Minh: Về xây dựng Đảng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1980, tr.11, 208.
(14) www.dangcongsan.vn/tư liệu - văn kiện/Đại hội XII.
(15) Ban Chấp hành Trung ương: Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 21-1-2019 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng.
(16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.196-197.
Ngô Hà Trường Sơn
Học viện Chính trị Khu vực IV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét