Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2020

"Muốn biết hòa bình, hãy đến Việt Nam"

Lễ thượng cờ "Thống nhất non sông" diễn ra vào dịp 30/4 hằng năm tại Quảng Trị.
Như một quán tính tâm lý nảy sinh từ não trạng cay cú và thất vọng, 45 năm qua, những kẻ chống cộng cực đoan sống vong thân nơi xứ người vẫn chưa nuốt trôi thất bại ê chề, vẫn tự lừa bịp mình và lừa bịp người khác về ngày "phục quốc" hão huyền.
Từ năm này đến năm khác, họ kêu gào "kéo quân trở về", hù dọa người nhẹ dạ để quyên góp tiền bạc tiếp sức nhằm "đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền ở quốc nội". Và hằng năm, gần tới thời điểm mà họ gọi là "tháng tư đen, quốc hận", họ lại làm rùm beng như để nuôi dưỡng chút hơi thở tàn.
Dịp này năm 2020 cũng vậy, họ tiếp tục selfie (chụp ảnh tự sướng) về "chính nghĩa quốc gia, quân lực Việt Nam cộng hòa (VNCH) đứng thứ tư thế giới, chiến tích lẫy lừng", "cộng sản cưỡng chiếm miền nam", và uất hận "ông Thiệu và tập đoàn lãnh đạo chính trị cũng như quân sự chính quyền VNCH", oán trách "đồng minh bỏ rơi"...
Rồi, nếu ngày 26/3, Andrew Đỗ đề nghị dùng một phần đất ở nghĩa trang Anaheim thuộc California (Mỹ) cho các "cựu chiến binh VNCH", thì ngày 9/4 trang mạng của tổ chức khủng bố "Việt tân" lại rơi "nước mắt tháng tư" để nhắc nhớ. Nếu ngày 9/4, trang tiếng Việt VOA đăng bài "Quốc hận, hận ai, hận cái gì, hận để làm gì?" cổ vũ "kiên trì đấu tranh, thiết lập chế độ dân chủ pháp trị đa nguyên, đa đảng tại Việt Nam", thì vào trung tuần tháng 4/2019, dân biểu A.Lowenthal lại đệ trình Hạ viện Mỹ nghị quyết "ghi nhận 45 năm biến cố lịch sử Sài Gòn bị thất thủ", đồng thời treo cờ của mồ ma "VNCH" tại phòng làm việc của dân biểu này tại Quốc hội Mỹ và văn phòng ở Garden Grove (!)...
Luận điệu như trên của các tổ chức, hội đoàn chống cộng người gốc Việt ở nước ngoài đã ra rả suốt 45 năm qua và hầu như không có gì mới. Nếu khác, chỉ là một số gương mặt với mưu đồ cá nhân đen tối mới tiếp tục nối gót như với Andrew Đỗ, theo ý kiến của ông Nguyễn Thế Ngọc trả lời phỏng vấn PhoBolsaTV 3/4/2019, thì dân cử gốc Việt ở nơi có nhiều người Mỹ gốc Việt sinh sống "chỉ nói theo thị hiếu đám đông, rồi phóng chừng để mị dân và kiếm phiếu, rồi sau đó lo phe nhóm để kiếm tiền".
Đáng tiếc, để kiếm phiếu của cử tri gốc Việt, dân biểu A.Lowenthal đã nhiều lần có việc làm mị dân mà bản chất là can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam - một công việc lẽ ra dân biểu của một quốc gia như nước Mỹ không nên làm. Thiết nghĩ, trước khi đề nghị Hạ viện Mỹ thông qua nghị quyết, và treo cờ "VNCH" tại phòng làm việc của ông, dân biểu A.Lowenthal nên đọc cuốn Khi đồng minh tháo chạy của Nguyễn Tiến Hưng (Tổng trưởng kế hoạch từ năm 1973 đến 1975 của chính phủ Sài Gòn, phụ tá về tái thiết của Nguyễn Văn Thiệu, làm việc tại Dinh Độc Lập bên cạnh Nguyễn Văn Thiệu và Đại sứ G.Martin); một tháng trước khi Sài Gòn sụp đổ, Nguyễn Văn Thiệu trao cho Nguyễn Tiến Hưng toàn bộ hồ sơ mật về quan hệ của VNCH và Mỹ từ cuối năm 1971 đến 1975) để thấy H.Kissinger - Cố vấn an ninh quốc gia kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời các tổng thống R.Nixon và G.Ford, đã nói về cái chính thể ông muốn ghi nhận rằng "Sao chúng không chết phứt cho rồi? Điều tệ hại nhất có thể xảy ra là chúng cứ sống dai dẳng hoài" (Nguyễn Tiến Hưng - Khi đồng minh tháo chạy, xuất bản tại Mỹ, năm 2005, tr.323).
Có thể nói, với cuốn sách Khi đồng minh tháo chạy, Nguyễn Tiến Hưng đã dựng lại một toàn cảnh chi tiết với nhiều văn bản, dẫn chứng, số liệu, phát ngôn, hình ảnh,... rất xác thực, từ đó phân tích cho thấy thân phận tay sai thảm hại của cái gọi "VNCH", cho thấy sự sụp đổ là tất yếu. Nguyễn Tiến Hưng viết: "tôi vẫn khẳng định rằng sự lệ thuộc vào Hoa Kỳ gần như hoàn toàn, cả về vật chất lẫn tâm lý là yếu tố quyết định" (Nguyễn Tiến Hưng, Sđd, tr.450).
Theo Nguyễn Tiến Hưng: "Đến thời VNCH, trên 75% ngân sách quốc phòng (trả lương cho quân đội) là do viện trợ Mỹ. Rồi toàn bộ quân trang, quân dụng, từ khẩu súng, viên đạn, lít xăng, tới xe tăng, đại bác, máy bay, cái gì cũng có nhãn hiệu MDAP của Mỹ. Về mặt kinh tế, khi chiến tranh leo thang, sản xuất trong nước không phát triển được, lại còn tụt hậu, cung ứng cho nhu cầu của nhân dân phải dựa vào đô-la của Mỹ để nhập cảng. Các sản phẩm cho nhu cầu từ ăn, ở, mặc đến vận chuyển, một tỷ lệ rất quan trọng được đáp ứng từ viện trợ Mỹ... Đó là chưa nói tới các nhu cầu khác như y tế, giáo dục, giải trí. Cũng chưa kể là khối lượng lớn hàng hóa (đồ hộp, ra-đi-ô, TV, tủ lạnh, rượu mạnh, thuốc lá, quần áo) đã được chuyển ra bằng cách này hay cách khác, từ hệ thống tiếp liệu "PX" của Mỹ, đặc biệt là từ căn cứ Long Bình. Như vậy, về vật chất, sự lệ thuộc đã hầu như là toàn diện. Tình trạng này còn dẫn tới sự lệ thuộc về tinh thần, và tâm lý. Nếu Mỹ còn giúp,... còn chịu đựng, chiến đấu. Nếu có dấu hiệu là họ bắt đầu bỏ, thì tinh thần bắt đầu sa sút. Tới lúc bỏ thật là sụp đổ". (Nguyễn Tiến Hưng, Sđd, tr.450 - 451).
Nên thật kinh ngạc khi vẫn có một số kẻ diễn hài kịch để ca ngợi "VNCH giàu có, hùng mạnh", cố tình quên một nỗi xấu hổ là vào lúc không còn cơ hội cứu vãn, "tổng thống" của họ muối mặt gửi thư đến Tổng thống Mỹ khi đó, và mang cả đất nước ra cầm cố để van nài Quốc hội Mỹ "cho VNCH vay dài hạn 3 tỷ đô-la, chia làm ba năm, lãi suất do Quốc hội ấn định, xin triển hạn 10 năm trước khi trả vốn và lời. Tài nguyên dầu hỏa, canh nông của VNCH sẽ dùng làm tiền thế chân cho món nợ" (Nguyễn Tiến Hưng, Sđd, tr.314-315).
Vì thế, có chuyện bi hài là trong khi một số kẻ sử dụng trí tưởng tượng viển vông để ca ngợi "VNCH", thì người viết bài "Quốc hận, hận ai, hận cái gì, hận để làm gì?" trên VOA lại khuyến cáo họ "phải xét mình để tự hận mình" bởi trong cái gọi là "VNCH" từng diễn ra thảm cảnh bi đát: "người chỉ huy lãnh đạo các cấp chính quyền, quân đội,... không quan tâm đúng mức, không dồn hết tâm lực cho cuộc chiến chống cộng,... đã lợi dụng vị trí lãnh đạo, chức quyền mua quan bán chức, nuôi dưỡng lính ma, lính kiểng để thủ lợi, tham nhũng, đục khoét của công để làm giàu bất chính; tập trung vào các hoạt động hưởng thụ, ăn chơi trong lối sống tương phản với cuộc chiến đấu gian nguy của những người lính tham chiến trực tiếp với Việt cộng và đời sống thiếu thốn của gia đình họ?... cấu kết bè phái tranh danh đoạt lợi, ám hại những người công chính, coi lợi ích cá nhân và phe nhóm cao hơn lợi ích chống cộng; khoán trắng việc chống cộng cho Hoa Kỳ, coi chống cộng thắng bại là trách nhiệm của Hoa Kỳ, do Hoa Kỳ hoạch định, tài trợ mọi mặt?... những thương gia ân hận vì đã chạy theo lợi nhuận, móc ngoặc, mua chuộc hủ hóa các viên chức chính quyền quân sự cũng như dân sự, môi giới buôn bán vũ khí và cung cấp lương thực cho Việt cộng?... bậc cha mẹ ân hận vì tìm cách chạy chọt cho con làm lính ma, lính kiểng, để được về phục vụ hậu phương xa chiến trường lửa đạn... thanh niên ân hận vì hèn nhát, tham sống sợ chết, tìm cách trốn lính khi đến tuổi thi hành nghĩa vụ trai thời loạn"! Vậy có điều gì đáng tự hào khi giới cầm quyền và con người thê thảm đến thế?
Năm 2010, cuốn sách Chân trần, Chí thép (Bare feet, Iron will) của Trung tá thủy quân lục chiến Mỹ J.G.Zumwalt được xuất bản tại Mỹ, và năm 2011 bản dịch tiếng Việt đã xuất bản tại Việt Nam. Cha của J.G.Zumwalt là E.R.Zumwalt, Tư lệnh Hải quân Mỹ ở Việt Nam từ năm 1968 đến 1970, là người đã tổ chức chiến dịch rải chất độc da cam dọc các bờ sông ở miền nam khiến rất nhiều lính Mỹ đã bị phơi nhiễm chất độc này, trong đó có anh trai của J.G.Zumwalt và người này đã mất năm 1988 vì ung thư, hậu quả của phơi nhiễm chất độc da cam.
Trong cuốn sách, J.G.Zumwalt kể năm 1994, lần đầu tiên trở lại Việt Nam, khi gặp các cựu chiến binh Việt Nam, ông đã giận dữ vì nghĩ rằng họ "từng là thủ phạm gây ra cái chết của rất nhiều lính Mỹ... trong đầu tôi luôn có niềm tin xác quyết rằng trong chiến tranh Việt Nam, lực lượng phi nghĩa đã chiến thắng phe chính nghĩa... Trong khi các cựu quân nhân người Việt Nam mà tôi đã gặp tỏ ra nhã nhặn, cởi mở thì trong tôi, cơn giận dữ vẫn không ngừng dâng lên". Và khi biết về nỗi đau, sự mất mát, đau thương mà cựu chiến binh và nhân dân Việt Nam đã chịu đựng suốt mấy chục năm trời, ông kể tiếp: "Thế rồi, nhận thức của tôi, nỗi giận dữ của tôi, đã thay đổi nhanh chóng".
Sau 54 lần đến Việt Nam, từ những gì chứng kiến và tiếp xúc, với gần 200 cuộc phỏng vấn từ tướng lĩnh cao cấp đến người dân, J.G.Zumwalt nhận ra "đó là sức mạnh ý chí - họ đã quyết tâm giành chiến thắng bằng cách vượt qua bất cứ thách thức hoặc nguy hiểm nào. Trong chiến tranh Việt Nam, người Mỹ dựa vào sức mạnh công nghệ vũ khí vượt trội; người Việt Nam phải dựa vào những thứ khác. Họ quay về truyền thống của mình - đó là truyền thống chống ngoại xâm có từ nghìn đời, khi đất nước liên tục bị xâm lăng. Trong cả nghìn năm ấy, tinh thần dân tộc và lòng tự hào luôn bùng cháy, thổi lên trong lòng mỗi người dân Việt Nam quyết tâm đánh đuổi ngoại bang. Tinh thần dân tộc, lòng tự hào và quyết tâm ấy phát triển thành một sức mạnh vĩ đại nhất - một CHÍ THÉP - giúp họ thực hiện được điều tưởng như không thể. Để cuối cùng, CHÍ THÉP đã đánh bại công nghệ của siêu cường hùng mạnh nhất thế giới... Ý chí của họ không bao giờ sụt giảm dù họ thiếu công nghệ, dù họ đã phải chiến đấu với những đôi CHÂN TRẦN" (J.G.Zumwalt, Chân trần, Chí thép, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2011, tr. 28-29).
Thiết nghĩ, J.G.Zumwalt đã tiếp cận khách quan, nhận rõ bản chất vấn đề, và những kẻ chống cộng nên suy nghĩ cùng J.G.Zumwalt để nhận thức được rằng họ đã tự đứng ra và đã bị gạt ra bên lề lịch sử.
Còn nếu lương tri họ còn hướng về quê hương, hãy biết quê hương đã phát triển rất nhiều so với điều họ tưởng tượng để gán cho "VNCH", như ông Peter Nguyễn - một người Mỹ gốc Việt từng là nhân viên tình báo của "VNCH", khi trả lời phỏng vấn của WWVN ngày 28/3/2019 đã nói, thì "Muốn biết hòa bình, hãy đến Việt Nam"!
Hồng Quang (nhandan.com.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét