Thứ Ba, 18 tháng 2, 2020

Có phải gặm nhấm quá khứ để quên đi hiện tại?



Việt Nam có bề dày lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Quá trình lịch sử lâu dài đó đã hun đúc nên những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, là nền tảng cho sự phát triển đất nước. Việc Đảng, Nhà nước, các địa phương tổ chức kỷ niệm các sự kiện và nhân vật lịch sử, các lễ hội tín ngưỡng là việc làm rất cần thiết nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống. Do đó, không thể xuyên tạc cho rằng, việc tổ chức như vậy là để gặm nhấm quá khứ, quên đi hiện tại. Cần có cái nhìn biện chứng và công tâm về vấn đề này. 
Lịch sử là một dòng chảy không ngừng nghỉ. Những gì của ngày hôm nay là bắt nguồn từ ngày hôm qua. Và, những gì của ngày mai có cội rễ từ ngày hôm nay và ngày hôm qua. Vì vậy, chúng ta không được phép quên quá khứ. Câu nói nổi tiếng của nhà thơ người Nga: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”, là sự cảnh báo cho cách hành xử của con người thời đương đại. Nhưng, vấn đề là ở chỗ, tưởng nhớ đến quá khứ với mục đích gì, để quên đi hiện tại chăng? Có phải nhắc nhớ đến quá khứ là sự “gặm nhấm” nó, là “ăn mày dĩ vãng” để mưu việc xấu? Bài viết góp phần làm rõ vấn đề này.
1. Giá trị của quá khứ là giá trị của sự phát triển
Sự ra đời và phát triển của dân tộc Việt Nam đã trải qua hàng nghìn năm, ghi dấu ấn không phai mờ về những cuộc khai thiên lập địa, mở mang bờ cõi, xây dựng cộng đồng, cùng sống thân thiện với thiên nhiên, khắc phục thiên tai và ngoan cường chống giặc ngoại xâm để bảo vệ cuộc sống với những quyền dân tộc cơ bản: độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Cùng với những giá trị vật chất thì những giá trị tinh thần được lưu giữ từ quá khứ hàng nghìn năm đó đã trở thành một tổng thể những di sản mà chúng có tính truyền nối cho mai sau. Chúng trở thành một giá trị hiện hữu lan tỏa vào các giá trị làm nên cốt cách văn hóa của dân tộc, cho dù mỗi thời kỳ lịch sử đều có thể có những thay đổi về hoàn cảnh, về con người, về các thiết chế chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Một thông điệp văn hóa mà bản thân tự các di sản, các sự kiện lịch sử trong quá khứ nêu lên là: Cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà đại diện là các tổ chức chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, phải ứng xử đúng đắn với chúng. Cả hai chiều trong ứng xử, cả tốt và xấu, cả cực đoan và đúng mực, sẽ cho chúng ta nhận biết những chỉ số để thấy rõ rằng, hoặc đó là chỉ số của sự phát triển, hoặc đó là chỉ số của sự tha hóa về tinh thần. Trong các giá trị đó, có cả những giá trị thuộc về cái hùng, và cũng có cả những giá trị thuộc về cái bi. Nhưng cho dù hùng hay bi thì chúng đều hữu ích cho cộng đồng nếu chúng ta biết sử dụng giá trị của nó để lại, miễn là người sử dụng phải có cái tâm và cái tài để phát huy giá trị tốt và khắc phục những điều chưa tốt; mà cái tâm và cái tài này phải phù hợp với xu thế phát triển bền vững của dân tộc, phù hợp với sự phát triển văn minh, tiến bộ của nhân loại.
Lẽ đương nhiên, dân tộc Việt Nam vốn trải qua nhiều cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, đã để lại nhiều dấu tích cực kỳ đặc biệt:
(i) Đầu tiên, đó là sự tàn khốc của những cuộc chiến đã hằn sâu một cách dai dẳng vào trong tâm trí các thế hệ người Việt Nam. Những cuộc thảm sát gây ra bởi kẻ ngoại bang xâm lược, bằng cả những vũ khí thô sơ và hiện đại, thật sự là những nỗi kinh hoàng cho con người Việt Nam mà “Trời không dung, Đất không tha” một phần đã nói lên điều đó.
(ii) Đó là những giá trị, những di tích về những cuộc chiến đấu không cân sức giữa dân tộc Việt Nam nhỏ bé, sức mạnh về kinh tế, quân sự thua kém hơn nhiều kẻ đi xâm lược, nhưng dân tộc Việt Nam luôn giành được chiến thắng, chiến thắng của chính nghĩa đối với bạo tàn, chiến thắng của chí nhân đối với cường bạo, chiến thắng của nền văn hiến, của đại nghĩa như Nguyễn Trãi đã viết trong bản hùng văn Bình Ngô đại cáo thế kỷ XV của nước Đại Việt.
Hằng năm, nhất là cứ đến những năm chẵn, Đảng và Nhà nước cũng như các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở nước ta tổ chức các lễ kỷ niệm, tưởng niệm các sự kiện lịch sử trong quá khứ. Chẳng hạn, vụ thảm sát cách đây gần 50 năm tại Sơn Mỹ (hay Mỹ Lai - tỉnh Quảng Ngãi), ngày 16-3-1968, do lính Mỹ gây ra khiến hơn 500 người, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, thiệt mạng(1) đã được tưởng niệm không ít lần. Nhiều cựu binh Mỹ, kể cả một số cựu binh đã từng tham gia vụ thảm sát này, đã sang nước ta đến lại Mỹ Lai. Kết quả những cuộc tưởng niệm đó đọng lại những giá trị của chủ nghĩa nhân đạo không có sự thù hằn. Đã có nước mắt, sự cảm thông, có cả sự hỗi lỗi, tuy muộn mằn. Và, có cả sự thức tỉnh lương tâm của người Việt Nam và cả những người ngoài cuộc. Đó là sự thức tỉnh của con người trên hành tinh hệ mặt trời - con người theo nghĩa chân chính nhất của những từ này.
Ngày 11-3-2018, tại Hà My, phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn của tỉnh Quảng Nam, đã diễn ra lễ tưởng niệm 50 năm Lữ đoàn lính Rồng Xanh của Hàn Quốc gây ra vụ thảm sát tàn khốc làm cho 135 người dân vô tội, chủ yếu là phụ nữ, người già và trẻ em, bị chết. Tại buổi lễ, ông Kang U Il, Trưởng đoàn Hàn Quốc, Chủ tịch Quỹ Hòa bình Hàn - Việt; ông Kim Hyun Kwon, đại biểu Quốc hội Hàn Quốc, cùng 40 người Hàn Quốc trong Đoàn đã đến viếng(2). Năm 2000, xuất phát từ nguyện vọng của nhân dân và với sự hỗ trợ từ Hội Cựu chiến binh Hàn Quốc, chính quyền địa phương ở đây đã xây dựng Nhà bia tưởng niệm. Nhân dân địa phương coi “Việc ghi nhớ lịch sử đau buồn xảy ra tại làng Hà My không chỉ là một phần an ủi vong linh của những người đã mất mà còn là nguyện vọng của các tổ chức Hàn Quốc trong việc sám hối trước quá khứ đầy bạo lực, nhằm dựng nên một trang sử hòa bình mới”(3). Cũng như những cuộc tưởng niệm khác, ở đây đã có cả nước mắt và sự sám hối, cả sự cảm thông từ đồng loại.
Đây chỉ là hai trong số rất nhiều sự kiện tương tự được tổ chức trên đất nước Việt Nam yêu thương với chất bi này. Như vậy, sức mạnh từ giá trị của quá khứ đã được ứng xử đúng mực. Cao hơn tất thảy và trùm lên tất cả của những lễ tưởng niệm đó là chủ nghĩa nhân văn cao cả, hướng con người đến những điều Chân - Thiện - Mỹ, là sự nhắc nhở cho những thế hệ hiện tại và tương lai trên trái đất này sống với nhau trên tinh thần hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển. Ở đây, không có gì là khơi gợi thù hằn, không có gì là kể lể kêu ca, không có gì khoét sâu nỗi buồn và cũng không có gì là lợi dụng quá khứ!
Đó là cái bi. Còn cái hùng?
Lẽ đương nhiên, cái hùng của một đất nước Việt Nam có lịch sử ngoan cường chống giặc ngoại xâm ken dày hơn nhiều cái bi trong quá khứ. Đã diễn ra nhiều cuộc kỷ niệm về những chiến thắng mà ông cha ta đã giành được trong sự nghiệp gian khổ chống giặc ngoại xâm. Những cuộc kỷ niệm đó đều nhằm vào những cái đích của những điều thiện:
(i) Để rút ra những bài học, những kinh nghiệm giúp cho hiện tại và tương lai phát triển được tốt đẹp hơn. Bài học, kinh nghiệm từ lịch sử chỉ có giá trị khi nó phục vụ cho cuộc sống của hiện tại và tương lai. Ở đây, có cả những bài học, kinh nghiệm được rút ra từ cả thành công và cả thất bại của quá khứ.
(ii) Để tiếp thêm sức mạnh cho các thế hệ người Việt Nam yêu nước nối tiếp nhau. Sức mạnh này, nếu đã trở thành các giá trị văn hóa thì đương nhiên nó thẩm thấu và được truyền một cách tự nhiên từ đời này sang đời khác. Nếu chúng chưa trở thành những giá trị văn hóa thì tác dụng của những lễ kỷ niệm cũng là để bồi đắp thêm những giá trị tinh thần tốt đẹp. Những giá trị đó như lớp lớp phù sa hằng năm bồi đắp cho sự phì nhiêu của một nền văn hóa dân tộc; chúng là một bộ phận cấu thành tất yếu cho những giá trị vĩnh hằng làm nên bản sắc, cốt cách của một dân tộc.
(iii) Những lễ kỷ niệm đó góp phần tích cực vào việc xây dựng con người Việt Nam đáp ứng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay và trong tương lai. Đất nước cần phát triển nhanh và bền vững, cần có nguồn nhân lực chất lượng cao, hội đủ những yếu tố về thể lực, trí lực, về trạng thái tâm lý, tình cảm, đạo đức, năng lực để có thể đáp ứng được yêu cầu phát triển của cộng đồng. Trong những yếu tố đó, có yếu tố tinh thần rất quý báu, đó là những giá trị mà con người được truyền nhận từ quá khứ để bồi đắp tâm hồn, nhân cách con người Việt Nam. Sự đong đếm sức mạnh của yếu tố này tuy là rất khó, nhưng trong thực tế thì ai cũng có thể dễ cảm nhận được sức mạnh tinh thần của con người Việt Nam khi được giác ngộ cái đúng, cái tốt, khi niềm cảm xúc về lòng tự hào dân tộc, khi ý chí của lòng yêu nước nồng nàn trước những thử thách của hoàn cảnh được trào dâng.
Chắc chắn là, Đảng và Nhà nước ta cũng như nhiều địa phương tiến hành tổ chức lễ kỷ niệm những sự kiện lịch sử đó tuyệt đối không nhằm để tự ru ngủ mình, không nhằm quên đi hiện tại. Không ai lại lợi dụng các lễ kỷ niệm đó để lấp đi những điều còn kém cỏi trong hành động của các tổ chức và cá nhân của thời hiện tại. Mà chính thông qua các lễ kỷ niệm đó, Đảng, Nhà nước và các tổ chức đoàn thể lấy quá khứ thức tỉnh hiện tại và tương lai, đẩy lùi cái xấu, nhân lên cái tốt, bồi đắp cho sự phát triển của hiện tại và tương lai. Những ai cố tình xuyên tạc điều này thì người đó hoặc là có cách nhìn thiên lệch, méo mó, hoặc là có cái tâm không lành đối với sự nghiệp cách mạng nước nhà, đi ngược lại với những giá trị văn hóa của dân tộc.
2. Vài điểm nhấn cho hiện nay
Hiện nay ở nước ta mỗi năm có khoảng hơn 8 nghìn lễ hội, các ngày kỷ niệm (trung bình có hơn 22 lễ hội/ngày). Đó là con số rất lớn. Ngoài mặt tốt trong việc tổ chức các lễ hội, còn bộc lộ những điều chưa tốt cần lưu ý để có các biện pháp khắc phục, để tránh việc kẻ xấu lợi dụng, xuyên tạc. Theo đó, trong tình hình hiện nay, cần chú ý một số điểm sau đây:
(i) Những lễ hội, lễ tưởng niệm, kỷ niệm về những sự kiện hay nhân vật lịch sử đều phải nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa tốt đẹp, không làm tổn hại đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế, không kích động bạo lực, không nhằm gây hận thù, không cổ súy cho những phong tục phản văn hóa.
(ii) Những hoạt động lễ hội nói chung, những lễ tưởng niệm, kỷ niệm về sự kiện và nhân vật lịch sử phải phù hợp với hoàn cảnh, tránh phô trương, hình thức, tốn kém thì giờ và tiền bạc của nhân dân, của ngân sách quốc gia.
(iii) Không được lợi dụng lễ hội, lợi dụng tổ chức các lễ kỷ niệm, các sự kiện và nhân vật lịch sử để mưu lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, thậm chí biến nó thành thương mại hóa, đánh bóng tên tuổi, thương hiệu của cá nhân mình, địa phương mình.
(iv) Những hoạt động đó không những phải bảo đảm phát huy những giá trị tốt đẹp cho dân tộc mình mà còn đóng góp vào quá trình làm phong phú những giá trị văn hóa thế giới, không làm tổn hại đến sự phát triển văn minh, tiến bộ của cộng đồng quốc tế.
Những điều tốt đẹp cho dân tộc Việt Nam đang ở phía trước. Chúng ta không có quyền và cũng không sửa chữa được quá khứ, nhưng chúng ta có thể cải tạo được hiện thực và ấn định cho mình những ý tưởng, những kế hoạch, những điều tốt đẹp để phấn đấu cho tương lai. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ và hành động ứng xử của các thế hệ người Việt Nam đối với những giá trị di sản của quá khứ. Gặm nhấm quá khứ để quên đi hiện tại ư? Điều này hoàn toàn xa lạ với cách ứng xử của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Ai mà vin vào những điều này điều nọ, thậm chí lợi dụng cả những sai sót, hạn chế trong việc tổ chức các ngày lễ, để xuyên tạc thì người đó đáng bị lên án.
_______________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2018
(1) Ký ức kinh hoàng về thảm sát Mỹ Lai 47 năm trước, news.zing.vn.
(2), (3) Người Hàn Quốc cúi đầu tạ lỗi vụ thảm sát Hà My, news.zing.vn.
Tài liệu tham khảo:
1. ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2011.
2. ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30-10-2016 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.

GS, TS Mạch Quang Thắng
Viện Lịch sử Đảng,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét