Thứ Ba, 18 tháng 2, 2020

Phòng, chống thông tin xấu, độc và quyền tự do ngôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin

 Cho đến nay, quyền tự do ngôn luận, báo chí, quyền tiếp cận thông tin (trong đó có tự do sử dụng mạng internet) đã được bảo đảm đầy đủ trong chính sách và hệ thống pháp luật Việt Nam. Những quy định này trong pháp luật Việt Nam tương thích với Luật quốc tế về quyền con người. Làm trong sạch môi trường thông tin là điều cần thiết nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Tuy nhiên, một số thế lực thù địch lại cho rằng, việc làm như vậy là “vi phạm nhân quyền”, “bóp nghẹt tự do ngôn luận”... Bài viết góp phần phản bác các quan điểm sai trái nêu trên.
Phòng, chống thông tin xấu, độc và quyền tự do ngôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin
Trong thời gian qua, nhất là trong những năm gần đây, tình hình thế giới, khu vực và trong nước diễn biến nhanh chóng và ngày càng phức tạp. Ở trong nước, cuộc đấu tranh chống tham nhũng theo tinh thần Đại hội XII và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đang trở nên “nóng”, quyết liệt hơn, “không có vùng cấm” với nhiều vụ việc được đưa ra xét xử công khai, làm nức lòng nhân dân cả nước. Có thể nói, từ nay những người tay đã “nhúng chàm” không thể “hạ cánh an toàn”  được nữa.
Trong bối cảnh chính trị, xã hội trong nước và quốc tế sôi động đó, dư luận, xã hội rất lo lắng về tình trạng các thế lực thù địch, những kẻ xấu  đang lợi dụng mạng xã hội tuyên truyền xuyên tạc đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thực tế cho thấy, trên mạng xã hội hiện nay xuất hiện ngày càng nhiều thông tin bịa đặt, thiếu kiểm chứng, xấu, độc hại, đang làm suy giảm lòng tin trong nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta.
Thế nhưng, có người vì những lý do khác nhau cho rằng, làm trong sạch môi trường thông tin, nhất là thông tin xấu, độc (TTXĐ) trên mạng là “vi phạm nhân quyền”, là “bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận”, là trái với pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã gia nhập, ký kết. Bởi vậy, chúng ta cần làm rõ mối quan hệ giữa phòng, chống TTXĐ với việc bảo đảm quyền tự do ngôn luận, quyền tiếp cận thông tin như thế nào.
Theo quan niệm phổ biến hiện nay, khái niệm TTXĐ dựa trên quy định tại Nghị định 72/2013/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. TTXĐ là hành vi: “Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích: Chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc; Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật quy định; Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; Quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm; truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm; ...”(1).
Từ quy định trên, có thể hiểu TTXĐ trên mạng internet là những thông tin không có thật, những thông tin bị bóp méo, “đổi trắng thay đen”, lẫn lộn đúng- sai, thật- giả hoặc những thông tin có một phần sự thật nhưng được “biên tập”  lại với dụng ý xấu, bằng nhiều thủ đoạn như: cường điệu hóa một mặt nào đó, hoặc đưa ra những bình luận nhằm định hướng dư luận bôi đen chế độ, tuyên truyền, cổ vũ cho hành vi chống phá Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Ngoài ra, đó còn là những thông tin vi phạm quyền riêng tư của cá nhân, tổ chức; một số thông tin có vi phạm chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục, kích dục, kích động bạo lực...
Xác định nguồn tin có ý nghĩa rất quan trọng đối với nhiệm vụ phòng, chống TTXĐ. Thực tế cho thấy, chủ thể của các nguồn thông tin xấu độc là các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam ở trong và ngoài nước. Lực lượng này trước hết là lực lượng cực đoan về chính trị, lực lượng chống Cộng, có  hận thù sâu sắc với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Lực lượng này có trong chính giới Hoa Kỳ, nhất là ở Hạ viện. Đây là lực lượng đứng sau các bản “Phúc trình thường niên về tình hình nhân quyền trên thế giới” và “Phúc trình thường niên về tình hình tự do tôn giáo quốc tế” do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ soạn thảo và công bố hàng năm. Cả hai “Phúc trình” này đều là những công cụ chủ yếu, hàng đầu công kích - chống phá chế độ xã hội, chống phá Đảng và Nhà nước ta.
Tiếp đó là các hãng thông tấn báo chí lớn, nhất là ở Hoa Kỳ. Những hãng này vừa là “kênh” vừa là “nguồn” phát tán TTXĐ về tư tưởng chính trị. Chẳng hạn như: RFA, VOA, BBC, RFI,... đặc biệt là kênh You Tube đăng tải nhiều TTXĐ  thu hút một số lượng lớn người xem.
Ở nước ngoài, đó còn là những tổ chức được được gọi là phi chính  phủ (NGOs). Chẳng hạn như Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW), Tổ chức phóng viên không biên giới (RSF), Liên đoàn quốc tế vì nhân quyền (FIDH), Tổ chức ngôi nhà tự do (FH-Freedom House)... Đây là những tổ chức vừa làm chỗ dựa về chính trị, vừa là người cổ vũ cho các phần tử chống phá chế độ, Nhà nước ta. Không loại trừ những tổ chức này còn cung cấp tài chính cho những tổ chức và phần tử chống phá chế độ dưới những hình thức khác nhau, như trao giải thưởng...
Trên mạng, đó là những tổ chức xã hội mạng - tổ chức ảo và những cá nhân với những tài khoản chỉ tồn tại trên mạng thường xuyên đưa tin chống phá chế độ và Nhà nước ta. Chẳng hạn như trang “Dân làm báo”, “Thông luận”, “Boxit”, “Đàn chim Việt”, “Quê mẹ”, “ Việt Nam thời báo”, “Mẹ Nấm” (đã bị xóa)... Hằng ngày, hàng chục trang mạng với hàng trăm TTXĐ được tán phát.
Về nội dung các TTXĐ, thực tế cho thấy các TTXĐ thường tập trung trên lĩnh vực tư tưởng, chính trị. Đó là những thông tin nhằm xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Họ thường phê phán, đả kích: Hệ tư tưởng của Đảng và xã hội ta lạc hậu lỗi thời. Gắn liền với đó là sự xuyên tạc, bôi nhọ Đảng Cộng sản Việt Nam: “Là tổ chức “tự phong”, là người “tiếm quyền” của nhân dân”, Đảng “chỉ biết đến lợi ích của Đảng”, là Đảng “đầu hàng”, “bán nước, làm tay sai”, “lệ thuộc” vào Trung Quốc”; Cương lĩnh của Đảng ta, nhất là Cương lĩnh thông qua tại Đại hội XI (2011) là “Giáo điều, bảo thủ” là “ảo tưởng”. Đường lối chính trị, kinh tế (trong Văn kiện Đại hội XII và các hội nghị Trung ương) là “sai lầm”, “lạc hậu” vẫn theo “Mô hình Xô Viết”; Chính sách dân tộc, tôn giáo là “vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”, là “vi phạm quyền tự trị của các dân tộc thiểu số”. Đường lối đối ngoại của Việt Nam là “đi giấy” (lúc thì ngả sang Trung Quốc, lúc thì ngả sang Hoa Kỳ); Chính sách quốc phòng “ba không” (Không gia nhập/ tham gia liên minh quân sự; không cho nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam; không đi với nước này để chống nước kia) là “tự cô lập mình”. Nhà nước Việt Nam là “nhà nước độc tài”, “vi phạm quyền con người” là “vi phạm các chuẩn mực nhân quyền quốc tế”, là “bóp nghẹt tự do ngôn luận, báo chí, internet”...
Về lịch sử cách mạng Việt Nam, họ viết: Cách mạng Tháng Tám là “ăn may” là “cướp chính quyền”, Việt Nam đã để “vuột nhiều cơ hội” “nếu” duy trì “Chính phủ (thân Nhật) Trần Trọng Kim... thì ngày nay, Việt Nam đã phát triển như Nhật Bản; Về các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, chúng xuyên tạc, đó là “cuộc chiến nồi da, nấu thịt”... là “chiến tranh ý thức hệ”, là “chiến tranh ủy nhiệm”.  Gần đây, họ thường cường điệu các mặt trái của xã hội, những vụ án tham nhũng... và cho rằng xã hội đang “nguy ngập, sắp sụp đổ...”, cuộc đấu tranh chống tham nhũng “đó chỉ là đấu đá nội bộ”, “thanh trừng phe phái”, “chế độ độc quyền không thể chống tham nhũng”...
Gắn liền với xuyên tạc, phủ nhận xã hội hiện hữu, họ ca ngợi CNTB một cách mù quáng, rằng “xã hội tư bản hiện đại là xã hội không còn bóc lột”; “tôn trọng con người...”. Như vậy, có thể nói, TTXĐ là những thông tin sai trái không chỉ về tính xác thực mà còn là ở nội dung chính trị, tư tưởng xấu, độc.
Tương tự như bảo đảm thực phẩm sạch, không khí trong lành đối với con người, bảo đảm quyền tự do ngôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin (TDNLBCTCTT) cần phòng, chống TTXĐ. Nhằm làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, chủ động ngăn chặn, phản bác các TTXĐ.
Văn kiện Đại hội XII của Đảng xác định bốn nguy cơ đối với cách mạng Việt Nam (đã chỉ ra từ Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng, năm 1994) đến nay vẫn còn tồn tại, thậm chí có mặt diễn biến phức tạp hơn, đó là tham nhũng, lãng phí, quan liêu; “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch với âm mưu, thủ đoạn mới rất tinh vi, xảo quyệt”,  nhất là khi không gian mạng và các phương tiện thông tin, truyền thông như internet bị lợi dụng triệt để.
Quyền tự do ngôn luận và quyền TCTT là một quyền cơ bản của quyền con người (QCN). Hiến pháp 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” (Điều 25, Chương II “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”).
Bộ luật Hình sự 2015 đã có nhiều quy định phòng, chống TTXĐ, lợi dụng  quyền tự do ngôn luận, báo chí gây tổn hại đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Chẳng hạn Điều 117. “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; Điều 118. “Tội phá rối an ninh”: “Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà kích động, lôi kéo, tụ tập nhiều người phá rối an ninh, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức,...”; Điều 288. “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông: “Người nào thực hiện... thu lợi bất chính... hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân,...” bị phạt tiền đến phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm”; “Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc quan hệ đối ngoại của Việt Nam, dẫn đến biểu tình” có thể bị phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ...”; Điều 318. “Tội gây rối trật tự công cộng”: “Người nào gây rối trật tự công cộng, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt đến phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm”.
Bảo đảm quyền TDNLBCTCTT do đó phải đồng thời bảo đảm quyền hưởng thụ thông tin của người dân và phòng, chống TTXĐ. Luật Báo chí 2016 quy định báo chí có nhiệm vụ: “Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới, phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân. Các cơ quan nhà nước phải chủ động thông tin cho báo chí. Đồng thời, Nhà nước còn có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ người làm báo của các cơ quan báo chí và cán bộ quản lý báo chí”.
Luật Báo chí 2016 đã dành cả một chương (Chương II) quy định về “Quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận báo chí của công dân”. Đó là những quyền sau: quyền sáng tạo tác phẩm báo chí; cung cấp thông tin cho báo chí; phản hồi thông tin trên báo chí; tiếp cận thông tin báo chí; quyền phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác”.
Luật Báo chí 2016 quy định: Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí. Nhà nước tôn trọng, bảo hộ và thực hiện. “Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng”. Đây là một quy định rất cởi mở, tôn trọng quyền của nhà báo và của công dân.
Về nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện quyền tự do ngôn luận báo chí, Luật Báo chí 2016 quy định: Không được đăng, phát thông tin chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nội dung sau: “Xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền nhân dân”; “Bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân”; “Gây chiến tranh tâm lý”; “Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam”; “Phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế”; “Xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc”; “Thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; quy kết tội danh khi chưa có bản án của Tòa án” (Điều 9. “Các hành vi bị nghiêm cấm”).
Trước tình hình phát triển mạnh mẽ của internet, nhu cầu thông tin trở nên hết sức “nóng”, Quốc hội đã sớm xây dựng Luật Tiếp cận thông tin (TCTT). Nếu như các luật về thông tin cũ, mang tính quan liêu thứ bậc, tuyến tính, ít nhiều còn mang tư duy “xin-cho” thì Luật Tiếp cận thông tin 2016 bảo đảm quyền thông tin bình đẳng, dân chủ(2). Theo quy định của luật này, việc cung cấp thông tin của công dân thuộc trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước, quyền TCTT thuộc về nhân dân.
Điểm mới mẻ của luật TCTT là quyền TCTT không chỉ là một quyền thụ động (là việc cơ quan nhà nước công khai thông tin theo nhận thức của mình) mà còn là một quyền chủ động (là quyền mà người dân được đỏi hỏi các cơ quan, tổ chức nhà nước đáp ứng). Luật này cũng đã phân loại - những thông tin nào người dân được tiếp cận, và những thông tin nào cơ quan tổ chức không được phép cung cấp và người dân không được tiếp cận.
Luật Tiếp cận thông tin quy định những nguyên tắc sau: Mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc TCTT; Thông tin được cung cấp phải chính xác, đầy đủ; Việc cung cấp thông tin phải kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân; Việc thực hiện quyền TCTT không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc của người khác. “ Việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin phải do luật định trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”(3) (Điều 3). Theo điều trên, việc hạn chế quyền TCTT không phải do cơ quan, tổ chức quyết định mà phải bằng “luật định” (tức quy định bằng pháp luật).
Liên quan đến quyền tự do ngôn luận báo chí trên internet, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, ngày 15-7-2013 về “Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng”.
Đối tượng của Nghị định là tổ chức và cá nhân. Lĩnh vực quản lý bao gồm tất cả cá nhân, tổ chức tham gia mạng. Nội dung thông tin bao gồm: các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau - dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác).
Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng Internet, mạng xã hội gồm: Được sử dụng các dịch vụ trên internet trừ các dịch vụ bị cấm theo quy định của pháp Luật; Được sử dụng các dịch vụ trên internet trừ các dịch vụ bị cấm; Tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thông tin, an ninh thông tin... Đặc biệt, phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp, truyền đưa trên mạng xã hội, phát tán thông tin qua đường liên kết trực tiếp do mình thiết lập.
Có thể nói, cho đến nay khung pháp luật về TDNLBCTCTT của Nhà nước ta về cơ bản(4) đã đầy đủ, đồng bộ, từ Hiến pháp, luật, đến Nghị định. Những quy định này tương thích với Luật quốc tế về quyền con người. Trong đó, tất cả các đạo luật liên quan đến quyền tự do ngôn luận, báo chí, quyền tiếp cận thông tin (trong đó có Nghị định sử dụng mạng internet) đều bao gồm Quyền và Nghĩa vụ. Việc hạn chế quyền nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Đồng thời những hạn chế quyền phải được quy định bằng luật.
Những vụ án gần đây liên quan đến quyền TDNLBCTCTT, nhất là trên mạng xã hội cho thấy, hầu hết các bị can, bị cáo vì những lý do khác nhau đã không hiểu hoặc cố tình không hiểu về quyền TDNLBCTCTT - “quyền” phải gắn liền với “nghĩa vụ” công dân.
Một nội dung cần làm rõ để phản bác TTXĐ (về mô hình, thể chế xã hội Việt Nam) mà các thế lực thù địch hay xuyên tạc, bóp méo: Chế độ xã hội Việt Nam là “độc tài toàn trị”...
Pháp luật của Nhà nước ta, cũng như các quốc gia khác luôn luôn mang tính lịch sử, đặc thù văn hóa và chế độ chính trị. Điều 4, Hiến pháp 2013 quy định về vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam bắt nguồn từ lịch sử. Đảng cộng sản Việt Nam ra đời trước Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam là người tổ chức, xây dựng nên Nhà nước ta. Điều này đã được quy định tại Điều 4, Hiến pháp 2013: “1. Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; 2. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình; 3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. 
Trên thực tế, nhiều quốc gia cũng đã thừa nhận thể chế chính trị của Nhà nước ta như là một nguyên tắc trong quan hệ quốc tế. Vừa qua, Tổng thống Pháp mời và tiếp đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Cộng hòa Pháp (từ ngày 25 đến 27-3-2018) với tư cách Nguyên thủ quốc gia. Tuyên bố chung Việt Nam - Cộng hòa Pháp khẳng định nguyên tắc: “Hai bên tái khẳng định coi trọng Hiến chương Liên Hợp quốc và cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau”. Điều này có nghĩa là Việt Nam tôn trọng chế độ chính trị TBCN, thể chế đa nguyên chính trị, tam quyền phân lập của Pháp, và ngược lại, Pháp tôn trọng chế độ chính trị xã hội XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng duy nhất lãnh đạo cầm quyền.
Làm sạch môi trường thông tin, báo chí nói chung, thông tin mạng nói riêng luôn là mối quan tâm của nhiều quốc gia. Những thông tin liên quan đến chủ đề chính trị, tư tưởng, đến thể chế,... tất nhiên sẽ được khuyến khích hoặc ngăn cấm tùy theo mỗi nhà nước. Xóa bỏ TTXĐ, làm lành mạnh hóa thông tin không có nghĩa chúng ta phủ nhận quyền TDNLBCTCTT mà chỉ nhằm bảo đảm cho “món ăn tinh thần” của người dân sạch hơn, an toàn hơn mà thôi.
Trong một xã hội hiện đại nói chung, Việt Nam nói riêng, bảo đảm thông tin phong phú, đa chiều là một tiêu chí cơ bản. Bảo đảm quyền TDNLTCTT phải xóa bỏ tận gốc nguồn TTXĐ, đồng thời phải cung cấp thông tin chân thực, đúng đắn, kịp thời cho xã hội. Về phía người dân, nhất là “cư dân mạng” cần phải làm người “thông thái” khi sử dụng, hưởng thụ quyền mà không bị các thông tin nhằm “câu view”, “câu like”  vụ lợi, vô trách nhiệm, lừa gạt.
_______________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2018
(1) Nghị định số: 72/2013/NĐ-CP, ngày 15-7-2013.
(2), (3) Luật Tiếp cận thông tin  (104/2016/QH13, ngày 6-4 -2016), có hiệu lực từ 1-7-2018.
(4) Cho đến nay, Việt Nam chưa có Luật về Hội, Luật Biểu tình (đã được quy định trong Hiến pháp 2013).

TS Cao Đức Thái

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét