Thứ Năm, 20 tháng 2, 2020

Chống tham nhũng không phải là đấu đá phe phái mà vì sự sống còn của chế độ, danh dự và uy tín của Đảng

 Những năm gần đây, công cuộc chống tham nhũng đã được đẩy mạnh, thu được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận, được cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân hoan nghênh, coi đó là việc làm cần thiết để bảo vệ uy tín của Đảng, bảo vệ chế độ. Nhưng một số người cho đó là “cuộc đấu đá phe phái trong Đảng”, hơn thế họ còn cho rằng, Đảng cộng sản Việt Nam không thể chống được tham nhũng vì tham nhũng luôn gắn với đảng cộng sản, với chế độ một đảng độc quyền lãnh đạo nói chung, do vậy cần phải đa đảng, đa nguyên thì mới chống tham nhũng thành công... Từ thực tiễn của nhiều nước trên thế giới và Việt Nam, bài viết góp phần phê phán các quan điểm sai trái nêu trên.
Chống tham nhũng không phải là đấu đá phe phái mà vì sự sống còn của chế độ, danh dự và uy tín của Đảng
Qua thực tiễn của nhiều nước trên thế giới, thực tiễn của Việt Nam và những công bố mới nhất của tổ chức quốc tế có uy tín trong nghiên cứu và tư vấn chống tham nhũng - tổ chức Minh bạch quốc tế (Transparency International), có thể rút ra một số nhận xét quan trọng sau:
1. Tham nhũng là hiện tượng đã có từ xa xưa, trong mọi nhà nước, mọi chế độ chính trị và hiện nay có ở mọi nơi. Không phải vì một đảng mà nảy sinh tham nhũng, cũng không phải chỉ có đa đảng mới có thể diệt trừ được tham nhũng
Lịch sử cho thấy, tham nhũng và chống tham nhũng đã có ở các quốc gia cổ đại từ phương Tây tới Phương Đông. Ở Việt Nam, pháp luật của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam (ví dụ Luật Hồng Đức thời Nhà Lê), cũng có những điều quy định nghiêm khắc nhằm ngăn chặn và trừng trị các quan lại có hành vi tham nhũng.
Từ thế kỷ XIX đến nay ở rất nhiều quốc gia đã ra đời các đảng chính trị, cạnh tranh giành quyền lãnh đạo hoặc tham gia chính trị quốc gia. Nhưng không vì thế mà chấm dứt được hiện tượng tham nhũng. Thực tiễn nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, ở các quốc gia đa đảng, thậm chí được coi là dân chủ nhất vẫn có thể nảy sinh tham nhũng, vẫn có thể gặp khó khăn trong đấu tranh, ngăn chặn tham nhũng. Tham nhũng đã được nhiều quốc gia nhận thức là quốc nạn và nỗ lực đấu tranh ngăn chặn. Đấu tranh với tham nhũng không chỉ là nỗ lực của mỗi nước mà còn là nỗ lực chung mang tính quốc tế. Từ năm 1993, tổ chức Minh bạch quốc tế, viết tắt là TI (Transparency International) đã ra đời, thực hiện nhiều nghiên cứu mang tính định lượng đánh giá mức độ tham nhũng cũng như những tiến bộ của các quốc gia trong đấu tranh chống tham nhũng theo từng năm. Từ  năm 1995, TI đã đưa ra chỉ số Cảm nhận tham nhũng, viết tắt là CPI (Corrupt perception index) dựa trên sự đánh giá của các tổ chức và công dân của chính quốc gia về mức độ tham nhũng ở nước mình, với giá trị tối đa là 100 điểm dành cho mức độ trong sạch nhất, và số điểm càng thấp thì càng ít trong sạch. Trên cơ sở điểm đạt được, TI sẽ xếp hạng các quốc gia về tham nhũng. Năm 2017 có 180 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng.
Qua các báo cáo hằng năm của TI cho thấy một số điều sau:
Thứ nhất, nhiều nước đa đảng, thường xuyên được xếp hàng đầu thế giới về chống tham nhũng thì cũng chưa nước nào đạt được 90 trên 100 điểm tuyệt đối, nghĩa là vẫn còn tham nhũng. Ví dụ:
Thứ hạng
Tên nước
Điểm

1
Niu Dilân
89/100
1
Đan Mạch
88/100
3
Phần Lan, Na Uy, Thụy sĩ
85/100
6
Thụy Điển, Xinhgapo
84/100
8
Canada, Luxembua, Hà Lan, Anh
82/100
12
Đức
81/100
13
Úc, Hongkong, Aixơlen
77/100
16
Bỉ, Áo, Mỹ
75/100
18
Airơlen
74/100
20
Nhật Bản
73/100
(Nguồn: Corrution perception Index 2017)(1)
Thứ hai, càng dân chủ thì càng ít tham nhũng, nhưng không có nghĩa tất cả các nước đa đảng, được coi là dân chủ thì ít tham nhũng hơn các nước chỉ có một đảng, thậm chí bị coi là ít dân chủ. Bằng chứng là Ấn Độ được coi là “nền dân chủ lớn nhất thế giới” cũng chỉ đứng hàng 84/180 quốc gia với số điểm 40/100. So với Ấn độ, Xinhgapo là quốc gia không được xếp vào nhóm đầu về dân chủ, nhưng lại là nước có chỉ số chống tham nhũng cao, được xếp vào nhóm  quốc gia trong sạch nhất.
Cu Ba là quốc gia chỉ có duy nhất một đảng, được xếp vào nhóm ít dân chủ, song được xếp thứ 62/180 quốc gia với 47/100 điểm về tham nhũng. Giống như Cu Ba, Trung quốc cũng được xếp thứ 77/180 quốc gia với số điểm 41/100. Cả hai nước này đều được đánh giá cao hơn Ấn độ và nhiều nước đa đảng khác ở châu Âu và châu Mỹ.
Tương tự Cu Ba và Trung Quốc, Việt Nam là nước một đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo và đã có những thời kỳ bộ máy đảng, nhà nước được coi là trong sạch, những hiện tượng tham nhũng (như hối lộ, tham ô, biển thủ tài sản công) chỉ là cá biệt. Năm 2017, Việt Nam được đánh giá đạt 35/100, xếp thứ 107/180, cao hơn nhiều quốc gia đa đảng và có nền kinh tế thị trường sớm và lớn hơn Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á và các khu vực khác, ví dụ Philíppin, Mêxicô...
Trong bảng xếp hạng tham nhũng toàn cầu của TI cho thấy, rất nhiều quốc gia đa đảng nhưng vẫn thuộc nhóm có tham nhũng nhiều nhất. Như vậy, yếu tố đảng phái chỉ là một nhân tố góp phần vào nảy sinh tham nhũng và chống tham nhũng.
Thứ ba, không phải tất cả các nước chuyển đổi từ một đảng sang đa đảng, từ chế độ cộng sản sang phi cộng sản đều có kết quả tốt trong đấu tranh chống tham nhũng. Bằng chứng là nhiều nước thuộc Liên Xô cũ đã và vẫn còn bị đánh giá là tham nhũng nặng. Nước Nga từ sau năm 1991 đã từng mất hàng chục năm như vậy và hiện nay vẫn đứng thứ 135/180 với 29/100 điểm, thấp hơn khá nhiều so với Việt Nam. Hầu hết các nước vùng Trung Á thuộc Liên xô cũ cũng tương tự.
Vậy đâu là những nhân tố quan trọng nhất tạo điều kiện nảy sinh và phát triển tham nhũng? Theo tổng kết của các nhà nghiên cứu và các tổ chức chống tham nhũng, đó là:
- Một hệ thống chính trị và hành chính thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực, tạo điều kiện cho người có chức vụ, quyền hạn có thể thu lợi bất chính mà không bị ngăn chặn từ bên trong.
- Một thể chế thiếu minh bạch, dân chủ, tạo ra nhiều “vùng tối” khiến người dân khó giám sát và tố cáo hành vi tham nhũng.
- Một chính sách không đủ bảo đảm mức sống xứng đáng, nhất là trong môi trường kinh tế thị trường, khiến cho người có chức vụ quyền hạn phải tham nhũng như hành vi bất đắc dĩ.
- Một hệ thống pháp luật thiếu nghiêm minh, khiến cho người có chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi tham nhũng mà không sợ bị trừng phạt.
- Một văn hóa chính trị và công vụ thiếu chú trọng danh dự, liêm sỉ, sự trung thực khiến cho kẻ có chức, có quyền không sợ mất danh dự khi tham nhũng.
- Một hệ thống báo chí, truyền thông thiếu dũng khí, không trở thành công cụ hữu hiệu để giám sát, tố cáo hành vi tham nhũng và gây áp lực với đấu tranh chống tham nhũng.
Như vậy, có thể kết luận là bất cứ ở đâu, dù là một đảng hay đa đảng, song còn tồn tại những nhân tố như trên thì đều có thể là mảnh đất nuôi dưỡng tham nhũng và gặp khó khăn trong đấu tranh chống tham nhũng. Từ lâu, Chính phủ Xinhgapo đã rút ra bài học kinh nghiệm, muốn phòng, chống tham nhũng thành công, cần phải thiết lập được thể chế và chính sách khiến cho người có chức, có quyền nói chung, công chức trong bộ máy nhà nước nói riêng “không dám, không thể, không cần, không muốn tham nhũng”. Đây cũng là mong muốn của Đảng, của nhân dân ta hiện nay.
2. Trong thể chế một đảng cộng sản cầm quyền, có thể đấu tranh phòng, chống tham nhũng có kết quả, nhưng cần quyết tâm và nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt
Điều cần phải khẳng định là tham nhũng hoàn toàn trái với bản chất của chế độ XHCN, với mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong lịch sử cách mạng Việt Nam, ngay trong những năm tháng đầu của chính quyền non trẻ, đã từng có ví dụ về việc Chủ tịch Hồ Chí Minh bác bỏ đơn xin giảm án tử hình đối với một cán bộ cao cấp của quân đội về tội tham nhũng dù đây là một trường hợp rất đau xót với Đảng.
Từ khi Đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường, Đảng đã nhận thức về hiểm họa tham nhũng và đã lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện pháp luật phòng, chống tham nhũng, sửa đổi, bổ sung nhiều đạo luật như Luật Hình sự, Luật Dân sự, Luật Kinh doanh, Luật Tố cáo... Bên cạnh nỗ lực của các cơ quan bảo vệ pháp luật, sự ra đời của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương, trước kia do Thủ tướng chính phủ đứng đầu, hiện nay do Tổng Bí thư trực tiếp lãnh đạo, đã góp phần quan trọng vào thúc đẩy công cuộc phòng, chống tham nhũng.
Câu hỏi đặt ra là tại sao tham nhũng tiếp tục phát triển ở Việt Nam, mặc dù điều này trái với bản chất, mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ chính trị XHCN ở nước ta, mặc dù nhiều nỗ lực đấu tranh, ngăn chặn của Đảng, Nhà nước trong hàng chục năm vừa qua?
Trước hết, do chúng ta chưa hình dung hếtsự phức tạp của kinh tế thị trường và chưa có kinh nghiệm trong việc thiết kế, xây dựng các thể chế pháp lý cho kinh tế thị trường, trong quản lý các dự án, chương trình phát triển của nhà nước; xây dựng  các cơ chế, giải pháp phòng ngừa và chống tham nhũng. Trong đầu tư công, nhiều dự án, chương trình, kế hoạch được triển khai ngay từ đầu đã tạo cơ hội cho tham nhũng. Các khoản hoa hồng, chia chác, tỷ lệ “lại quả”, gửi giá... gần như đã thành thông lệ giữa các bên A, B. Việc đấu thầu công khai đã trở thành bình phong của sự sắp đặt, sau đó có ăn chia giữa các bên.
 Chúng ta cũng chưa quyết liệttrong đổi mới tổ chức bộ máy và xây dựng chế độ đãi ngộ thích đáng đối với đội ngũ cán bộ, công chức trong nền kinh tế thị trường. Đặc biệt, chế độ tiền lương của cán bộ, công chức vẫn còn bị kìm hãm bởi tư duy cũ về công bằng, bình đẳng trong phân phối, hưởng thụ, khiến cho tham nhũng trở thành nguồn sống đối với không ít cán bộ, công chức. Có thể nói, tham nhũng dưới nhiều hình thức, nhiều mức độ đã trở thành thói quencủa một bộ phận không nhỏ đội ngũ công chức thực hiện chính sách, dự án. Từ khi nhận thức được tham nhũng là “quốc nạn” song không phải lúc nào cũng có được người lãnh đạo thực sự quyết tâm và đủ độ trong sạch đứng đầu công tác phòng chống tham nhũng.
Tuy nhiên, bằng nhiều biện pháp, từ sửa đổi Luật Chống tham nhũng, Luật Khiếu nại, tố cáo... đến đẩy mạnh cải cách bộ máy, thủ tục hành chính, kiểm soát chi tiêu công, đẩy mạnh cải cách tư pháp, tăng cường giám sát của Quốc hội đối với chính phủ, các bộ, địa phương, đặc biệt bằng việc kiên quyết điều tra, truy tố và đưa ra xét xử công khai một số vụ án lớn, liên quan tới một số cán bộ, công chức cấp cao và doanh nghiệp nhà nước lớn (gần đây nhất là vụ Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng), công tác chống tham nhũng trong 3 năm gần đây đã có bước tiến bộ được ghi nhận. Báo cáo CPI của TI cho thấy, năm 2016, CPI của Việt Nam tăng được 2 điểm từ 31/100 lên 33/100. Năm 2017 tăng lên 35/100 điểm, so với năm 2015 đã tăng được 4 điểm và 10 bậc trên bảng xếp hạng.
Ở Trung Quốc, dưới thời lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đạt được kết quả rất tích cực trong đấu tranh chống tham nhũng với việc đưa ra truy tố, xét xử và phạt tù nhiều cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước. Điều đó khiến cho Trung Quốc được đánh giá cao và được xếp thứ 77/180 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Từ thực tiễn đó cho thấy, với thể chế một đảng cộng sản lãnh đạo hoàn toàn có thểđấu tranh chống tham nhũng có kết quả. Đảng Cộng sản Việt Nam không những có thểmà còn có thuận lợitrong đấu tranh chống tham nhũng. Thuận lợi là do Đảng Cộng sản Việt Nam xét về bản chất là đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, phấn đấu vì lợi ích giai cấp công nhân, nhân dân lao động  và của toàn dân tộc Việt Nam. Đảng được sáng lập và rèn luyện bởi Hồ Chí Minh - một tấm gương trong sáng, mẫu mực về đạo đức, lối sống; được xây đắp bởi biết bao thế hệ đảng viên hy sinh vì nước, vì dân, và nay Đảng là người lãnh đạo duy nhất đối với xã hội, được đông đảo các tầng lớp nhân dân tin yêu, kính trọng. Nguyên tắc và bản chất của Đảng đòi hỏi cần có sự đấu tranh vì sự thống nhất, vững mạnh của Đảng, nhưng không cho phép tồn tại bè phái trong Đảng.
Với bản chất và những thuận lợi đó, kết quả đấu tranh chống tham nhũng vừa qua tuy có tiến bộ, đáng ghi nhận song còn phải nỗ lực hơn nữa. Điều đầu tiênvề mặt nhận thức,phải thừa nhận ở Việt Nam cũng như các nước khác, tham nhũng có thể nảy sinh trong đội ngũ cán bộ ở tất cả các cấp, các ngành, trong các cơ quan cao nhất của Đảng và Nhà nước. Dù đã được giáo dục, rèn luyện nhưng không phải mọi đảng viên cộng sản có thể miễn trừ với tham nhũng, nhất là trong điều kiện phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường. Làm giảm, tiến tới tiêu diệt tham nhũng có ý nghĩa sống còn đối với Đảng, với chế độ; là biểu hiện của phẩm chất và năng lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Do đó, phòng ngừa và chống tham nhũng phải trở thành một trong các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm và phương hướng công tác thường xuyên của Đảng và Nhà nước, chứ không phải là đấu tranh bè phái trong Đảng.
Thứ hai, để đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiệu quả, phải luôn cập nhật lý luận và thực tiễn chống tham nhũng, hoàn thiện pháp luật, chính sách, cơ chế phòng ngừa và chống tham nhũng. Phải gắn cơ chế, giải pháp phòng, chống tham nhũng vào cơ chế, giải pháp xây dựng và thi hành chính sách, pháp luật.
Thừa nhận tính đặc thù của hệ thống chính trị Việt Nam và kết quả phòng chống tham nhũng của Đảng, nhà nước ta, tổ chức Towardtransparency (thuộc TI tại Việt Nam) khuyến cáo các giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao chỉ số CPI của Việt Nam như sau:
Đối với Nhà nước:
Nâng cao tính hiệu quả trong công tác giám sát của Quốc hội và tính độc lập trong xét xử của các cơ quan tư pháp.
Đẩy mạnh nỗ lực phòng, chống tham nhũng trong các lĩnh vực người dân thường xuyên phải đối mặt với hối lộ và tham nhũng (cảnh sát, y tế công và giáo dục công).
Mở rộng không gian xã hội dân sự, thiết lập và củng cố cơ chế tham gia hiệu quả để người dân, báo chí và các tổ chức xã hội ngoài Nhà nước tham gia vào quá trình ra quyết định và giám sát các hoạt động quản lý nhà nước.
Hoàn thiện cơ sở pháp luật về bảo vệ người tố cáo tham nhũng nhằm khuyến khích sự tham gia của người dân và cộng đồng vào công tác phòng, chống tham nhũng.
Đối với doanh nghiệp:
Doanh nghiệp cần chủ động tham gia phòng, chống tham nhũng, xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính để doanh nghiệp phát triển bền vững, nâng cao uy tín và tăng lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Tăng cường năng lực phòng, chống tham nhũng nội bộ, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhà nước bao gồm xây dựng, thực hiện và công bố công khai chương trình phòng, chống tham nhũng của doanh nghiệp trên các trang thông tin điện tử, trên cơ sở tham khảo các chuẩn mực quốc tế.
Đối với báo chí, các tổ chức xã hội và người dân:
Cần chủ động tham gia vào công tác phòng, chống tham nhũng thông qua việc thúc đẩy các sáng kiến minh bạch, liêm chính và trách nhiệm giải trình.
Thực hiện quyền tiếp cận thông tin và tham gia giám sát việc thực hiện Luật Tiếp cận thông tin 2016.
Chủ động thực hành liêm chính, tố cáo các vụ việc tham nhũng, hối lộ ở các cấp độ khác nhau, trước hết bằng cách tự trang bị kiến thức và thông tin pháp luật, trong đó có pháp luật về phòng, chống tham nhũng(2).
Kinh nghiệm của các nước cho thấy, phát triển chính phủ điện tử là một giải pháp hữu hiệu cần phải được thúc đẩy. Nhiều quốc gia có trình độ phát triển Chính phủ điện tử cao thì cũng là các quốc gia có môi trường kinh doanh tốt và mức độ tham nhũng thấp (ví dụ các nước Phần lan, Thụy điển, Na uy, Đan Mạch, Anh, Xinhgapo, Canađa...). Tại Việt Nam, năm 2016 đã cải thiện được chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, tăng được 10 bậc so với năm 2014 (trong đó có chỉ số về Dịch vụ công trực tuyến tăng 8 bậc)(3) thì năm 2017 cũng tăng được 5 điểm và 14 bậc về môi trường kinh doanh so với năm 2016, tăng được 4 điểm và 10 bậc về chống tham nhũng so với năm 2015(4).
Cần phải cải cách chế độ tiền lương theo hướng công bằng thực chất, không phải là cào bằng, bình quân chủ nghĩa là giải pháp tạo động lực của đội ngũ cán bộ công chức trong khu vực công tận tụy, có trách nhiệm và đạo đức công vụ, tránh xa các hành vi tham nhũng. 
Thứ ba, cần có quyết tâm, nhất là của cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng. Thực tiễn ở mọi quốc gia, nhất là những nước do đảng cộng sản lãnh đạo chứng minh rằng, chỉ những người có phẩm chất đạo đức trong sáng, không tham nhũng mới có thể lãnh đạo, chỉ đạo được các hoạt động chống tham nhũng và xây dựng được văn hóa không tham nhũng. Đã đến lúc phải khẳng định và lựa chọn được người lãnh đạo quốc gia dứt khoát phải bao gồm các tiêu chuẩn là: không tham nhũng, có quyết tâm chống tham nhũng và có khả năng lãnh đạo chống tham nhũng.
Nếu thực hiện được các giải pháp như trên thì dù một đảng cầm quyền, Việt Nam vẫn sẽ là quốc gia có thứ hạng cao về không tham nhũng.
_______________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2018
(1) http://www.transparency. org
(2)   http://www.Towardtransparency.org.vn
(3)  http://www.egov.chinhphu.vn
(4) http://www.worldbank.org.vn

PGS, TS Vũ Hoàng Công
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét