Thứ Sáu, 7 tháng 2, 2020

Nhận diện âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” và một số giải pháp đấu tranh trong tình hình mới

Trong những năm qua các thế lực thù địch đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình” với cấp độ ngày càng quyết liệt. Trong chiến lược này, chúng tấn công trên mặt trận tư tưởng, văn hóa được chúng coi là “mũi đột phá”, hòng làm tan rã niềm tin, gây hỗn loạn về tư tưởng, tạo ra “những khoảng trống” để dần đưa hệ tư tưởng tư sản thâm nhập vào cán bộ, đảng viên và Nhân dân, từng bước chuyển hóa, xóa bỏ hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Chúng tập trung triệt để sử dụng các phương tiên truyền thông hiện đại, đặc biệt là Internet, sử dụng các trang mạng xã hội, các blog truyền bá các quan điểm sai trái, tung tin xuyên tạc đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vu cáo, bịa đặt, bôi nhọ hình ảnh các đồng chí lãnh đạo cấp cao, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước
Các thế lực thù địch ở Mỹ và một số nước phương Tây tiếp tục tìm cách xâm nhập, tác động, đẩy mạnh các hoạt động quan hệ hợp tác với nước ta nhằm hỗ trợ cho việc triển khai chiến lược “tái cân bằng” ở Châu Á - Thái Bình Dương; chi phối, hướng lái kinh tế Việt Nam theo con đường tư bản chủ nghĩa; lôi kéo, tiến tới phi chính trị hóa quân đội. Sử dụng “chân rết” để kích hoạt “cách mạng màu” thông qua mạng lưới “ xã hội dân sự” để làm thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam.
Nhận diện âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch
Thứ nhất, âm mưu, thủ đoạn hòng phủ nhận các luận điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Hiện nay, khác với sự chống phá qua sách, báo, tạp chí, các thế lực thù địch đưa ra những thông tin xấu, độc, lợi dụng sức lan tỏa của mạng Internet đưa tin dưới dạng ngắn ngọn, kích thích sự nghi ngờ hoặc phủ định sạch trơn những giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Về mặt lý luận, các tin, bài viết qua mạng Internet đều là sự thu gọn, nhào nặn những bài viết của các thế lực thù địch chống chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh qua các thời kỳ, nội dung chống phá thường chủ quan, thiếu căn cứ, chủ yếu tác động vào mặt tâm lý, kích động những nhóm đối tượng có cùng hoàn cảnh, thu hút số đông những đối tượng thiếu hiểu biết hoặc hiểu biết chưa đầy đủ để tạo sức mạnh chống phá.
Thứ hai, âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc phủ định các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; các thế lực thù địch vẫn dùng đủ mọi âm mưu, thủ đoạn để phủ định con đường cách mạng của dân tộc, đó là phủ nhận mục tiêu chủ nghĩa xã hội; phủ nhận công cuộc đổi mới, cho rằng áp dụng kinh tế thị trường là đi theo chủ nghĩa tư bản; phủ nhận thời kỳ quá độ. Về Đảng cầm quyền; đây là vấn đề mà các thế lực thù địch tập trung chống phá quyết liệt nhất. Thông tin xấu, độc tập trung vào bản chất của Đảng, sự lãnh đạo duy nhất của Đảng đối với Nhà nước và xã hội; các nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tạp trung dân chủ. Về mặt pháp lý, các thông tin xấu, độc tập trung vào bác bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng được ghi trong Điều 4 Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, các thông tin xấu, độc tập trung phản ánh mối quan hệ giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; phủ nhận quan hệ giữa pháp lý và chính trị, chúng cho rằng định hướng xã hội chủ nghĩa đã ngăn cản thị trường, xâm phạm tới các quy luật của thị trường và chính trị can thiệp vào pháp lý sẽ cản trở thực thi công lý, vi phạm thực hiện quyền và lợi ích của nhân dân. Về quốc phòng, an ninh; sự tác động quyết liệt nhất của các thông tin xấu độc tập trung vào mục tiêu phi chính trị hóa quân đội và công an, chúng cho rằng quân đội và công an chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ đất nước và an ninh, trật tự xã hội, không nên bị chi phối bởi chính trị, chia rẽ Đảng với quân đội và công an, giữa quân đội với công an; Về đối ngoại; thông tin xấu, độc đi ngược lại quan điểm đối tác, đối tượng, cổ vũ cho việc ngã về bên này, bên kia, liên minh với bên này để chống bên kia. Ngoài ra, chúng tăng cường những thông tin xấu, độc nhằm chia rẽ mối quan hệ truyền thống giữa Việt Nam với các nước láng giềng và các nước có mối quan hệ, giúp đỡ ta trong hai cuộc kháng chiến trước đây.
Thứ ba, âm mưu, thủ đoạn phủ định giá trị lịch sử của dân tộc và những thành quả cách mạng. Dạng thông tin này, chúng thường tập trung lấy một số thực tế lịch sử của một số nước khác áp đặt vào điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam, chúng cho rằng một số nước không cần chiến tranh mà vẫn giành được độc lập, chủ quyền và phát triển, nhất là lên án các cuộc chiến tranh ở Việt Nam là nội chiến, là làm cho người Việt Nam đánh người Việt Nam, đánh đồng những chiến sỹ cách mạng hy sinh vì chính nghĩa với những kẻ làm tay sai, bán nước. Xuyên tạc quan điểm hòa hợp dân tộc của Đảng ta.
Trong thời kỳ đổi mới, không ít thông tin phủ nhận thành quả công cuộc đổi mới, chỉ nhìn vào những hạn chế mà không thấy những giá trị, những thành quả mà Đảng và nhân dân ta đã nỗ lực phấn đấu đạt được trong hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới. Một dạng khác, không thấy những khó khăn của đất nước để cùng nhau nỗ lực xây dựng mà lấy những thành công của một số nước để so sánh, chê bai, phủ nhận thành quả, phê phán những hạn chế, yếu kém của Việt Nam.
Thứ tư, âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, bóp méo các sự kiện chính trị, các vụ việc phức tạp, nhạy cảm.
Xuyên tạc, bóp méo những chủ trương, chính sách, những văn bản ký kết của Đảng và Nhà nước với một số nước để kích động, hạ thấp uy tín của Đảng và Nhà nước ta. Trong lịch sử cách mạng Việt Nam, một số những chủ trương, văn bản của Đảng, Chính phủ ta với một số nước về những vấn đề quan trọng bị các thế lực thù địch xuyên tạc, bóp méo nhằm hạ uy tín và làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Lợi dụng những sơ hở của chính sách để kích động, lôi kéo, chống phá. Trong thời gian qua, do yêu cầu của thực tiễn phát triển đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, một số bộ, ban ngành thường xuyên phải đổi mới, bổ sung, hoàn thiện chính sách. Tuy nhiên, một số chính sách còn sơ hở, có chính sách mới trong dự thảo đã bị phản ứng; có chính sách khi đưa vào thực tiễn áp dụng nảy sinh nhiều bất cập. Lợi dụng thực tế này, các thế lực thù địch tấn công hạ uy tín của các bộ, ngành và người đứng đầu các bộ, ngành, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước.
Lợi dụng các sự kiện nhạy cảm, nhất là các sự kiện liên quan đến các vấn đề phân định biên giới, lãnh thổ, các vấn đề tranh chấp Biển Đông; những vấn đề liên quan đến đầu tư, vấn đề ô nhiễm môi trường... để kích động gây mất ổn định chính trị, xã hội.
Thứ năm, âm mưu, thủ đoạn nhằm hạ bệ thần tượng; bôi nhọ, nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ. Ở dạng này các thế lực thù địch tấn công vào đời tư của lãnh tụ, cá nhân lãnh đạo; xuyên tạc, chia rẽ mối quan hệ giữa các đồng chí lãnh đạo; xuyên tạc, bóp méo những quyết định của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong các thời kỳ đó để hạ uy tín, phủ nhận bản chất của Đảng và Nhà nước ta.
Một số giải pháp đấu tranh trong tình hình mới:
Thứ nhất, công tác đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, phải được triển khai tích cực, thường xuyên và lâu dài. Trong đấu tranh phải kiên quyết, linh hoạt, chủ động, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” là chính. Tuyên truyền giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao cảnh giác, tạo sức đề kháng trước những thông tin, quan điểm sai trái, thù địch.
Thứ hai, chỉ đạo, định hướng công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, nhất là giáo dục thế hệ trẻ nhận thức rõ về vai trò, sứ mệnh lãnh đạo của Đảng, về mô hình chính trị mà nước ta đã kiên định. Đó là định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội; một chính đảng cầm quyền; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Thứ ba, xây dựng tổ chức lực lượng nòng cốt Nhóm chuyên gia, cộng tác viên, đảm bảo bí mật, không công khai về tổ chức, hoạt động và nhân sự. Lực lượng tham gia đấu tranh phản bác phải là những người có phẩm chất chính trị và đạo đức tốt, tin tưởng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thứ tư, ban tuyên giáo các cấp tham mưu và là lực lượng nòng cốt giúp việc các Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc về đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” ở các cấp đề xuất  các phương án, xây dựng, bố trí lực lượng chủ công trên từng lĩnh vực tư tưởng, chính trị, văn hóa, văn học, nghệ thuật, kết hợp giữa tin bài trên các phương tiên thông tin đại chúng, kể cả mạng xã hội, báo cáo viên, thông tin chuyên đề thời sự trong sinh hoạt đảng, đoàn thể. Nghiên cứu những vấn đề mới, những hình thái mới mà các tổ chức phản động sử dụng để chống phá ta, từ đó đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, giáo dục, vận động, đấu tranh cho phù hợp, tránh lối áp đặt một chiều, nặng tính hành chính mà kém hiệu quả về tính tư tưởng chính trị. Tổ chức các diễn đàn đối thoại, các hoạt động khoa học có tính chuyên sâu, tập hợp được chuyên gia, trí thức, văn nghệ sỹ bàn về hững vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm, có liên quan đến lợi ích của đất nước, qua đó thu hẹp khoảng cách bất đồng quan điểm, chính kiến, không để xuất hiện các tổ chức chính trị đối lập.
Thứ năm, mỗi cán bộ, chuyên viên trong ngành tuyên giáo cần có kiến thức, kỹ năng cần và đủ để có thể làm tốt công tác tham mưu về đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” sát hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Khi viết bài hoặc phát ngôn trên diễn đàn, ngoài xã hội, người làm công tác tuyên giáo phải thể hiện rõ bản lĩnh chính trị trong đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, không được phép phát ngôn mang tính hoài nghi, a dua với những luồng thông tin xấu độc.
Thứ sáu, ngoài báo chí cần triển khai các phương thức, hiệu quả khác trong đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”. Sức hấp dẫn, tính thuyết phục, sự cảm hóa khi tuyên truyền, giáo dục về các giá trị chân, thiện, mỹ trong đời sống chính trị của một đất nước không chỉ có ở những bài xã luận sắc bén trên báo, đài, mà còn ẩn chứa trong những tác phẩm văn học, nghệ thuật, những hoạt động văn hóa, văn nghệ mang đậm tính dân gian, đặc biệt ngày nay còn thể hiện trong những đoạn bình luận thông tin trên mạng xã hội. Trong đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” cần có sự đổi mới cách tiếp cận mục tiêu, tập trung, kiên quyết vạch trần những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thu địch, cơ hội chính trị, đồng thời tập trung sâu hơn vào việc giác ngộ và hình thành khả năng “miễn nhiễm” của xã hội trước những thông tin xấu độc.

Thu Thủy


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét