Thông tin xấu, độc trên mạng xã hội gây tác động tiêu cực đến tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ; ảnh hưởng xấu đến đạo đức, lối sống, nhân cách của cá nhân, cộng đồng và văn hóa dân tộc. Do vậy, cần nhận diện thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, vạch trần những thủ đoạn của những đối tượng đưa thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, đề xuất các biện pháp chủ động phòng chống, góp phần vào cuộc đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ”, “tự diễn biến, tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam.1. Mặt trái của mạng xã hội.
Mạng xã hội là hệ thống những mối quan hệ giữa con người với nhau trên nền tảng Internet với nhiều mục đích khác nhau không phân biệt không gian và thời gian. Những người tham gia vào mạng xã hội gọi là cư dân mạng. Trên thế giới có hàng trăm mạng xã hội khác nhau. Các trang mạng xã hội phổ biến như Facebook, Youtube, WhatsApp, Skype, Qzone, WeChat, Instagram, Twitter, Flickr, Google Plus, Go.vn, Baidu Tieba. Ở Việt Nam cũng xuất hiện nhiều mạng xã hội, trong đó có một số mạng xã hội phổ biến, đó là Facebook, Zalo, Youtube, Twitter, Instagram,Google Plus, Go.vn, Tinhte...
Internet và mạng xã hội mang lại nhiều giá trị tích cực như: cho phép tìm kiếm thông tin dễ dàng; gặp gỡ, giao lưu, gắn kết cộng đồng, trao nhận, chia sẻ tình cảm; tìm kiếm việc làm, quảng cáo, kinh doanh và giải trí. Sự xuất hiện của mạng xã hội đã tạo ra những giá trị mới, đem lại hiệu quả cho nền kinh tế, thúc đẩy sự phát triển giáo dục - đào tạo và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.
Tuy nhiên, mạng xã hội cũng ẩn chứa nhiều hiểm họa khó lường đối với người dùng nếu thiếu cảnh giác. Người dùng mạng xã hội có thể bị xâm phạm đời tư khi đăng nhập một tài khoản e-mail, khi trò chuyện, gửi thư, ảnh hoặc tài liệu. Có nguy cơ lừa đảo về kinh tế, mất an toàn cho cá nhân và gia đình. Dễ bị đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội như trộm cắp, chiếm đoạt tài sản, bắt cóc tống tiền. Quá trình sử dụng mạng xã hội, nếu người dùng chủ quan, đơn giản sẽ bị mất định hướng, có thể dẫn tới vô tình hoặc cố ý tán phát những thông tin xấu độc, làm lộ thông tin bí mật nhà nước, gây hại cho cộng đồng; thậm chí tiếp tay cho các đối tượng chống phá Đảng, Nhà nước.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an phát hiện và xử lý hơn 500 vụ việc phát tán thông tin xấu, độc trên internet, mạng xã hội tại Việt Nam(1); Công an Thành phố Hà Nội đã tiếp nhận 10 đơn trình báo với số tiền bị chiếm đoạt là 1,565 tỷ đồng và 121.800 USD(2).
Nghiêm trọng hơn nữa, internet nói chung, mạng xã hội nói riêng có thể trở thành một công cụ đắc lực gây ra các nguy cơ đối với an ninh, chính trị xã hội khi nó được các tổ chức, cá nhân sử dụng vào các mục đích chính trị, tập hợp lực lượng hoặc tung ra những thông tin xấu độc gây hại cho đối phương. Ví dụ như Facebook - vốn xuất phát điểm là một trang web kết nối bạn bè đã trở thành mạng xã hội đa năng, bị các cơ quan tình báo sử dụng để thu thập thông tin cá nhân với mục đích chính trị.
Trong một báo cáo mới đây, các chuyên gia của Google, Facebook và Twitter cho biết, đã có hàng triệu người dân Mỹ tiếp cận với các thông tin giả mạo trong thời gian bầu cử Tổng thống Mỹ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2017 cũng đã từng là nạn nhân của nhiều thông tin giả mạo (fake news) được lan truyền trên các trang mạng xã hội như Facebook hay Twitter. Tổng thống Pháp Macron cho biết nước này sẽ sớm ban hành một văn bản luật nhằm chống lại các thông tin giả mạo lan tràn trên Internet trong các kỳ bầu cử(3). Năm 2016, Ủy ban Châu Âu đã đưa ra một “Bộ luật ứng xử” trong đó các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội đưa ra hàng loạt cam kết chống lại phát ngôn thù hận trên mạng tại châu Âu. Trung Quốc cũng đã ban hành 3 đạo luật về Internet, các bộ lọc công nghệ, cảnh sát mạng, yêu cầu các công ty cung cấp thông tin trên Internet tự loại bỏ những nội dung độc hại trên mạng của mình. Chính phủ Nga đang triển khai “hạ tầng Internet độc lập” riêng cho các nước thành viên BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
2. Nhận diện thông tin xấu, độc
Những thông tin sai trái, bịa đặt, bóp méo, xuyên tạc sự thật, lẫn lộn đúng sai, thật giả, hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, thông tin chưa được kiểm chứng gây ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức; thông tin có những ngôn từ thô tục, nội dung phản cảm, soi mói, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân, vi phạm chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục; kích động đồi trụy, bạo lực... được coi là thông tin xấu, độc.
Một số dạng thông tin xấu, độc hiện đang lưu hành trên mạng xã hội ở nước ta là: (1) Thông tin chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng và cách mạng Việt Nam, hòng phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; (2) Xuyên tạc đường lối xây dựng CNXH, đường lối bảo vệ Tổ quốc và đường lối đối ngoại của Đảng ta, phủ nhận những thành tựu của sự nghiệp đổi mới; (3) Xuyên tạc lịch sử dân tộc, nhất là lịch sử các cuộc kháng chiến, các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta; (4) Xuyên tạc thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phủ nhận công lao to lớn của Người đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta; Vu cáo, bôi nhọ, giả mạo các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, tướng lĩnh trong quân đội; (5) Kích động xu hướng ly khai, phá hoại sự thống nhất quốc gia, dân tộc, gây chia rẽ đoàn kết nội bộ, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; (6) Truyền bá lối sống ích kỷ vụ lợi, xa hoa, trụy lạc, bạo lực và thù hận (hate speech) đối với cá nhân và tổ chức; (7) Phá hoại bản sắc văn hóa dân tộc, tuyên truyền, áp đặt các giá trị văn hóa và lối sống phương Tây; (8) Lừa đảo trên mạng, đánh cắp thông tin, mật khẩu, phát tán virus...
Thủ đoạn thông tin xấu, độc trên mạng xã hội rất đa dạng, tinh vi. Các đối tượng xấu thường núp dưới vỏ bọc các tổ chức “xã hội dân sự”, “diễn đàn dân chủ”... để tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, quan điểm, cương lĩnh, nền tảng tư tưởng của Đảng, nhất là những vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo”. Lợi dụng một số cá nhân thoái hóa, biến chất về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, hoặc có tham vọng chính trị cao, thành lập các hội, fanpage... làm cơ quan ngôn luận, địa chỉ hoạt động cho tổ chức “dân chủ” trên mạng. Lợi dụng mạng xã hội phát tán rộng rãi các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung xấu, độc, phản động, từ đó kích động hình thành các hoạt động như tuần hành, biểu tình, rải truyền đơn, tụ tập kêu gọi chống đối cán bộ địa phương, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chống phá chính quyền, chia rẽ khối đoàn kết giữa Đảng và nhân dân.
Các đối tượng tung tin thường sử dụng các website, dịch vụ thư điện tử (e-mail) và các trang mạng xã hội (Facebook), Zalo (các dịch vụ chat, nhắn tin, hội thoại), truyền thoại (VoIP), diễn đàn (forum), Twitter, Youtube, MySpace... để đưa thông tin xấu độc. Cách thức tiến hành của chúng thường là tổng hợp tin tức từ các báo chính thống để tạo ra sự khách quan, sau đó cài dần các thông tin xấu, độc, theo tỷ lệ tăng dần cả về số lượng và mức độ bịa đặt, bóp méo sự thật, luận điệu sai trái. Người dùng truy cập thông qua đường dẫn (link) của bạn bè trên mạng xã hội dễ dàng “mắc mưu”, bị dẫn dắt và bị động trong việc tiếp nhận thông tin xấu, độc đó. Thực tế cho thấy, đã có những người do nhẹ dạ, cả tin, thiếu bản lĩnh chính trị nên đã tin theo những luận điệu của các thế lực thù địch, từ đó bị chúng dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo và khống chế để làm việc phục vụ cho mưu đồ của chúng.
Một thủ đoạn khác mà các đối tượng thù địch sử dụng là thiết lập trang mạng mạo danh tổ chức hoặc cá nhân, đưa ra những thông tin không đúng sự thật nhằm tạo ra hình ảnh méo mó về đất nước và con người Việt Nam, về các tổ chức và cá nhân. Các đối tượng xấu cũng lợi dụng những yếu kém trong công tác quản lý, công tác cán bộ, những sai phạm của một số tổ chức, cá nhân để nói xấu, bôi nhọ, vu cáo, bịa đặt đối với Đảng, Nhà nước, gây tác động tiêu cực đến dư luận xã hội, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
3. Thực trạng và giải pháp phòng, chống
Công ty DAMMIO (We Are Social) của Anh Quốc, chuyên thực hiện các thống kê và đánh giá về thông tin kỹ thuật số, di động và các lĩnh vực liên quan, đã khảo sát các thông tin về Internet ở Đông Nam Á vào tháng 1 - 2017, cho biết: Việt Nam có 50, 05 triệu người dùng Internet, chiếm 53% dân số, tăng 6% so với năm 2016; có 46 triệu người dùng mạng xã hội, chiếm 48% dân số. Số lượng thuê bao di động đạt 124,7 triệu thuê bao, với hơn 41 triệu thuê bao thường xuyên sử dụng. Trung bình mỗi ngày, một người Việt Nam dành 2 giờ 39 phút cho mạng xã hội (Facebook, Zalo,...)(4).
Báo cáo tổng quan thị trường di động Việt Nam đầu năm 2017 do Công ty Appota công bố cũng cho thấy, người sử dụng Internet bằng mobile tại Việt Nam dành nhiều thời gian cho việc vào mạng xã hội (94%), nhắn tin (91%), tìm kiếm thông tin (87%), truyền thông và giải trí (73%), âm nhạc (72%), game (67%), đọc tin tức và thời tiết (65%). Trong khi đó, các hoạt động chiếm thời lượng thấp là mua sắm và thương mại điện tử (43%), du lịch (42%) và đọc sách, truyện (39%). Appota cũng đưa ra con số về Top các ứng dụng nhắn tin có nhiều người dùng nhất tại Việt Nam năm 2016. Trong đó, Zalo dẫn đầu với 80%, Facebook Messenger là 73%, Viber là 40%, Skype chiếm 37%, Line là 18%... kế tiếp là Yahoo, Tango, Wechat, WhatsApp, Kakao Talk(5).
Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông,công cụ tìm kiếm và mạng xã hội là hai dịch vụ được hàng chục triệu người dùng Internet sử dụng rộng rãi nhất. Trong đó, 100% sử dụng tìm kiếm, 80% sử dụng mạng xã hội.
Tham gia mạng xã hội là xu thế tất yếu hiện nay, nhất là trong thời đại cách mạng số. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm là làm sao vừa khai thác được thông tin hữu ích phục vụ cho học tập, công tác, nghiên cứu khoa học, vừa giao lưu, học hỏi, trao đổi lẫn nhau mà không bị nhiễm thông tin xấu độc làm ảnh hưởng đến nhận thức, tâm tư, tình cảm, quan điểm lập trường, niềm tin. Vì thế, chúng ta có thể và cần phải quan tâm đến một số giải pháp sau đây:
Một là, tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân.Giáo dục Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Làm rõ âm mưu, thủ đoạn mới của các thế lực thù địch, của các đối tượng xấu trên Internet và mạng xã hội; những vấn đề, sự kiện mà chúng lợi dụng xuyên tạc, mức độ nguy hại, ảnh hưởng của các thông tin xấu, độc. Tổ chức trao đổi và làm rõ về thông tin xấu độc để mọi người nâng cao nhận thức, nhận diện được thông tin xấu, độc, có ý thức tự phòng vệ và ý thức ngăn chặn, phòng chống, đấu tranh phản bác thông tin xấu, độc.
Phổ biến, quán triệt đầy đủ nội dung Điều 288 của Bộ luật Hình sự 2015 về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông; Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 của Chính phủ và Thông tư số 09/2014/BTTTT ngày 19-8-2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội, những hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng mạng xã hội.
Điều 5, Nghị định 72 quy định cấm lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích chống lại Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc; tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật quy định; đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm; truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm; giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân(6).
Hai là, tăng cường quản lý, nắm bắt kịp thời tình hình tư tưởng, làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Không để xảy ra hiện tượng cán bộ, đảng viên và quần chúng bị kẻ địch móc nối, lôi kéo. Thực hiện nghiêm túc các quy chế, quy định về quản lý tài liệu, không để các ấn phẩm văn hóa độc hại, tài liệu phản động lọt vào, trang bị phương pháp tiếp cận thông tin trên mạng xã hội một cách khoa học và đúng đắn.
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương cần sâu sát, nắm vững mọi hoạt động và tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên, quần chúng, nhất là khi những luồng quan điểm thù địch, chống đối “mới” xuất hiện, những biểu hiện lệch chuẩn trong nhận thức chính trị; đồng thời thường xuyên tìm hiểu, nắm bắt tình hình hoạt động của các đối tượng xấu, có nội dung giáo dục, định hướng, điều chỉnh nhận thức đúng đắn, kịp thời. Các cơ quan quản lý phải có trách nhiệm trong quản lý thông tin có liên quan tới cán bộ, đảng viên, quần chúng nơi mình quản lý trên mạng xã hội. Yêu cầu cá nhân thuộc cơ quan, đơn vị mình quản lý lên tiếng khi tài khoản cá nhân (Facebook, Zalo...) bị hack hoặc bị giả mạo, để tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, bôi nhọ, vu khống, hoặc bị lợi dụng phát tán thông tin xấu, độc cho người thân, bạn bè và cộng đồng mạng.
Ba là, quản lý chặt chẽ thông tin trên Internet và mạng xã hội trên cơ sở luật pháp và các điều ước quốc tế. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về sử dụng Internet và mạng xã hội, bảo đảm môi trường pháp lý bình đẳng và minh bạch, tạo ra khung pháp lý nhằm răn đe, xử lý cá nhân, tổ chức đưa tin xấu độc trên Internet và mạng xã hội. Hình thành các cơ quan kiểm soát và chống tin giả trên mạng và hợp tác với các nước có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Xây dựng các quy định buộc các trang mạng xã hội phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý đối với các bài viết bất hợp pháp, các thông tin đăng tải. Phối hợp với lãnh đạo các mạng xã hội trên thế giới xử lý, gỡ bỏ những thông tin có nội dung xấu, độc. Đối với những trang web, mạng xã hội có lượng truy cập lớn hoặc những trang web đặt máy chủ tại Việt Nam, phải cung cấp đầu mối liên hệ cho Bộ Thông tin và Truyền thông và thực hiện việc phối hợp ngăn chặn xử lý thông tin xấu, độc khi có yêu cầu. Xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng dân chủ, đưa tin bịa đặt, sai sự thật nhằm kích động gây bất ổn xã hội theo pháp luật.
Nhà nước sớm ban hành “Bộ quy tắc ứng xử cho mạng xã hội Việt Nam”, kết hợp việc tăng cường thực thi quản lý nhà nước với những quy định cụ thể và những biện pháp “mềm” mang tính đạo đức, tham khảo Bộ quy tắc ứng xử của EU đối với Facebook, Microsoft, Twitter và YouTube để hướng tới xây dựng môi trường an toàn và công bằng hơn cho người sử dụng. Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục ban hành các quy định mới phù hợp với diễn biến thực tế của mạng xã hội, tiến hành đối thoại, kêu gọi sự hợp tác và trách nhiệm hơn từ các nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội. Nghiên cứu, phát triển các mạng xã hội nội địa để cạnh tranh và kiềm chế hoạt động độc quyền của các mạng nước ngoài. Có các giải pháp lâu dài và bền vững cho cộng đồng sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam.
Quản lý chặt chẽ báo chí trên môi trường mạng, khoa học công nghệ. Cơ quan quản lý phải thường xuyên theo dõi, bám sát mạng xã hội để phát hiện, ngăn chặn, xử lý thông tin xấu độc. Phát huy vai trò của nhà báo trong đấu tranh ngăn chặn, phòng chống thông tin xấu, độc trên mạng xã hội. Nhà báo phải có trách nhiệm định hướng dư luận xã hội trước các luồng thông tin đa chiều trên mạng xã hội.
Bốn là, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận diện, tự phòng chống các thủ đoạn, nội dung thông tin xấu, độc trên mạng xã hội. Chủ động, kịp thời cung cấp thông tin chính thống một cách đầy đủ, toàn diện. Đồng thời, chỉ rõ những thủ đoạn, tính chất nguy hại của thông tin xấu độc đối với xã hội; trang bị kiến thức cần thiết để mỗi người có thể tự sàng lọc, tiếp nhận thông tin hữu ích, chính thống, đồng thời “miễn dịch” với những thông tin xấu, độc làm nhiễu loạn môi trường xã hội.
Mỗi người tham gia mạng xã hội phải có kiến thức an ninh mạng cơ bản, biết nhận diện những trang thông tin, những diễn đàn trên mạng xã hội hay đăng tải những thông tin xấu độc, cảnh giác, thận trọng, sàng lọc, tiếp nhận thông tin hữu ích, chính thống, đồng thời có khả năng “miễn dịch” với những thông tin xấu, độc, có ý thức ngăn chặn, phản bác cái xấu một cách có lý, có tình, thuyết phục.
Đối với những bài viết, video có nội dung xấu, độc được phát tán trên mạng xã hội, mỗi cá nhân cần lên tiếng phản bác hoặc hạn chế sự lan truyền của chúng bằng cách lựa chọn ẩn bài viết, báo Spam để quản trị mạng xử lý.
Năm là, chủ động ngăn ngừa, giảm thiểu tiếp xúc của cán bộ, đảng viên và nhân dân với các nguồn thông tin xấu, độc, đồng thời tích cực đấu tranh với những luận điệu chống phá của các thế lực thù địch.
Việc ngăn ngừa, giảm thiểu sự tiếp xúc đối với những thông tin xấu, độc là hết sức cần thiết, nhất là đối với những người trẻ tuổi, bản lĩnh chính trị còn chưa vững vàng, khả năng miễn dịch còn thấp. Để thực hiện điều này, mọi người không nên nghe, đọc, xem những đài, báo, trang mạng, bài viết, blogs, video của những phần tử chống đối, phản động.
Phát huy vai trò của báo chí, của các cơ quan ngôn luận trong đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ, chống phá của các thế lực thù địch, những thông tin giả mạo, sai lệch. Cần có những bài viết có “sức nặng” để đập tan những luận điệu của chúng. Xây dựng lực lượng làm nhiệm vụ đấu tranh trên Internet và mạng xã hội. Phát huy vai trò của các Blogger trong đấu tranh trực diện với các quan điểm sai trái, thù địch thông qua các trang mạng. Thành lập một số website với tư cách là cổng thông tin, diễn đàn mở để trao đổi các ý kiến, quan điểm khác biệt. Tranh luận trực tuyến với những người có ý kiến, quan điểm khác biệt, hoặc phản bác những quan điểm thù địch, chống đối. Đầu tư trang bị hệ thống phương tiện, kỹ thuật hiện đại, quản lý kết nối mạng an toàn trong ngăn chặn các trang web, blog đăng tải những thông tin xấu độc.
Như vậy, tham gia mạng xã hội là nhu cầu thiết yếu của đời sống trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, các đối tượng xấu đang triệt để lợi dụng để đưa những thông tin xấu, độc, nhằm tạo ra những suy nghĩ lệch lạc, mơ hồ, dao động, mất niềm tin trong nhân dân để chống phá Đảng, Nhà nước. Do vậy, việc nhận diện và đấu tranh phòng chống thông tin xấu, độc trên mạng xã hội không chỉ là nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, của các cơ quan chức năng mà là việc làm cần thiết đối với mỗi người dân khi tham gia mạng xã hội.
_________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2017
(1) Cảnh giác trước thông tin xấu, độc trên mạng Internet, http://anninhthudo.vn.
(2) Lừa tiền trên mạng xã hội: Vì sao nhiều người mắc bẫy? , http://antg.cand.com.vn.
(3)Tổng thống Pháp tuyên chiến với thông tin giả mạo trên Internet, https://tuoitre.vn.
(4) Các số liệu thống kê về Internet ở Việt Nam năm 2017, https://www.dammio.com.
(5) Gần 36 triệu người Việt dùng di động truy cập mạng xã hội hàng ngày, http://viettimes.vn.
(6) Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Nguyễn Nhâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét