Nguy cơ "nuôi dưỡng" chủ nghĩa khủng bố
Kết quả hình ảnh cho Dư luận quốc tế kêu gọi thúc đẩy giải pháp chính trị cho Syria
Một cuộc biểu tình phản đối ném bom Syria trước đây. Ảnh: ManchesterEveningNews
Theo AP, phần lớn phe phái chính trị từ cực tả đến cực hữu đối lập ở Pháp đều lên tiếng phản đối sự tham gia của nước này vào cuộc không kích Syria mà không thông qua Liên hợp quốc (LHQ). Ông Julien Aubert, nghị sĩ đảng Những người Cộng hòa cho rằng, cuộc biểu dương lực lượng này “có nguy cơ nuôi dưỡng chủ nghĩa khủng bố” với ý tưởng “phương Tây là thù địch với thế giới Arab”. Theo ông, quyết định của Tổng thống Emmanuel Macron là một sai lầm và những bài học của quá khứ, những thất bại của Pháp ở Trung Đông “dường như đã bị lãng quên”. Ông cũng đánh giá, với việc bắn tên lửa vào một quốc gia có chủ quyền mà không có sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ, Pháp đã "không đúng về mặt pháp luật" và "phá hủy hệ thống pháp luật" của LHQ.
Cùng chung quan điểm, Bộ Ngoại giao Nga bình luận rằng việc Mỹ, Anh và Pháp không kích Syria cho thấy những nước này muốn trao cơ hội cho các lực lượng cực đoan tại Syria khôi phục hàng ngũ. Tuyên bố đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh: "Cần phải lưu ý rằng hành động xâm lược được thực hiện vào đúng thời điểm quân đội Syria đang tiếp tục tấn công hiệu quả chống lại các nhóm khủng bố, bao gồm cả tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và Jabhat al-Nusra. Do đó, hành động của Mỹ cùng các đồng minh tạo cho các lực lượng cực đoan cơ hội lấy lại sức mạnh, khôi phục hàng ngũ của mình, kéo theo đổ máu tại Syria và làm phức tạp hóa tiến trình giải quyết chính trị". Moscow cũng kêu gọi các thành viên HĐBA LHQ đưa ra đánh giá cần thiết về vụ tấn công nhằm vào Syria và loại bỏ khả năng tái diễn. 
Dư luận quốc tế kêu gọi thúc đẩy giải pháp chính trị cho Syria
Hàng nghìn người dân Hy Lạp tuần hành ở thủ đô Athens để phản đối cuộc tấn công của liên quân do Mỹ đứng đầu nhằm vào Syria. Ảnh: Reuters.
Bộ Ngoại giao Iraq cũng cảnh báo rằng các cuộc không kích của phương Tây nhằm vào Syria là một diễn biến "rất nguy hiểm", có thể thúc đẩy sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan trong khu vực. 
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Peru lại nhấn mạnh bất kỳ biện pháp đáp trả nào đối với việc sử dụng vũ khí hóa học cũng cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế và bày tỏ ủng hộ việc cử một phái đoàn của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) tới Syria để điều tra vụ việc một cách minh bạch. Peru cho rằng, HĐBA LHQ cần phải thiết lập một cơ chế giúp xác định và truy cứu trách nhiệm những bên sử dụng vũ khí hóa học. Với tư cách là Chủ tịch luân phiên của HĐBA LHQ, chính phủ Peru thông báo đang cùng với các nước tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Syria, cũng như bảo vệ dân thường trên cơ sở Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế. 
Về phần mình, Ngoại trưởng Brazil Aloysio Nunes bày tỏ lo ngại việc leo thang các hành động quân sự tại Syria, đồng thời khẳng định Brazil luôn bảo vệ một giải pháp thương lượng đối với cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông này.
Không có giải pháp khác tốt hơn giải pháp chính trị
du luan my ve vu tan cong bang vu khi hoa hoc tai syria
Nạn nhân của cuộc tấn công vũ khí hóa học tại Syria
(Nguồn: Business Insider) 
Reuters dẫn lời Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini nhận định, không có giải pháp khác tốt hơn giải pháp chính trị đối với cuộc xung đột ở Syria. Bà Federica Mogherini cho biết mục tiêu chung của EU là "ngăn chặn tình trạng bạo lực leo thang có thể biến cuộc khủng hoảng Syria thành cuộc đối đầu khu vực với những hậu quả khôn lường đối với Trung Đông và thậm chí toàn thế giới”. Tuy nhiên, quan chức ngoại giao châu Âu cũng khẳng định EU "ủng hộ các nỗ lực nhằm ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hóa học".
Trong khi đó, phát biểu trước phiên họp khẩn của HĐBA LHQ, Tổng thư ký LHQ Antonio Gutteres nhấn mạnh rằng, không có giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng Syria, mà thay vào đó chỉ có giải pháp chính trị. Ông kêu gọi các quốc gia nỗ lực tìm cách đạt được những tiến triển để tiến tới một giải pháp chính trị đáng tin cậy và thực sự, đáp ứng khát vọng của người dân Syria được có phẩm giá và sự tự do. Tổng thư ký LHQ nhấn mạnh các quốc gia có nghĩa vụ phải tuân thủ Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế nói chung, nhất là khi xử lý các vấn đề hòa bình và an ninh. Ông hối thúc tất cả các quốc gia thành viên thể hiện sự kiềm chế trong những hoàn cảnh nguy hiểm này, đồng thời tránh bất kỳ hành động nào có thể làm leo thang tình hình và làm tồi tệ hơn nữa tình cảnh khốn khổ của người dân Syria. Tổng thư ký Antonio Gutteres hối thúc HĐBA LHQ khẩn trương thiết lập một cơ chế thanh sát hiệu quả việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria.
Đáng chú ý là một dự thảo nghị quyết do Nga đệ trình, trong đó lên án các cuộc tấn công quân sự do Mỹ, Pháp và Anh tiến hành nhằm vào Syria đã không được HĐBA LHQ thông qua. Chỉ có 3 trong tổng số 15 nước thành viên HĐBA LHQ bỏ phiếu ủng hộ, trong khi có 8 phiếu chống và 4 phiếu trắng. Để được thông qua, một nghị quyết cần có ít nhất 9 phiếu ủng hộ với điều kiện là không có nước nào trong số các nước ủy viên thường trực của HĐBA gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga, Mỹ, bỏ phiếu chống.
Chính sách gây hấn
Ngày 15-4, Tân Hoa xã đăng bài bình luận trong đó nhận định Mỹ, Anh, Pháp một lần nữa thực hiện chính sách gây hấn khi tiến hành không kích nhằm vào Syria với cáo buộc chính quyền quốc gia Trung Đông này sử dụng vũ khí hóa học. Theo Tân Hoa xã, việc sử dụng vũ khí hóa học là đáng bị lên án và cộng đồng quốc tế cần có hành động kiên quyết về vấn đề này. Tuy nhiên, một cuộc điều tra toàn diện nên đi trước bất cứ sự trừng phạt và hành động nào, đặc biệt là động thái quân sự, để buộc thủ phạm phải chịu trách nhiệm. Các hành động như vậy trước tiên cần có sự thông qua của LHQ. Việc sử dụng vũ lực mà không có sự cho phép của LHQ và không qua điều tra kỹ lưỡng sẽ chỉ là hành động vi phạm toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền, đồng thời làm leo thang căng thẳng tại Syria nói riêng và cả khu vực Trung Đông nói chung. Tân Hoa xã nhận định Mỹ và các đồng minh châu Âu, trong đó có Pháp và Anh, đều đã phải trả giá đắt cho hành động quân sự tại Trung Đông. Các cuộc tấn công quân sự do Mỹ dẫn đầu chỉ mang đến sự tàn phá và thù hận, biến khu vực này thành điểm nóng của sự trỗi dậy chủ nghĩa khủng bố và cuối cùng tình trạng đó cũng sẽ lan đến chính các nước phương Tây. 
Tại Hy Lạp, hàng nghìn người dân nước này đã xuống đường tuần hành trên các tuyến phố ở trung tâm thủ đô Athens để phản đối cuộc tấn công của liên quân do Mỹ đứng đầu nhằm vào Syria. 
Tại Anh, kết quả cuộc thăm dò dư luận của tổ chức YouGov cho biết, sau khi nước này tham gia tấn công Syria, chỉ có 22% số người được hỏi ủng hộ việc không kích Syria và nhiều nghị sĩ Anh cho rằng Thủ tướng nước này Theresa May có trách nhiệm tham vấn Quốc hội, dù không bắt buộc, trước khi quyết định để Anh tham chiến./.
HOÀNG VŨ