NGUYỄN
VĂN THẢNH - NGÔ VĂN LUYỆN (Tạp chí QPTD)
“Phi chính trị hóa” Quân đội là một thủ đoạn nguy hiểm mà
các thế lực thù địch thực hiện, nhằm vô hiệu hóa công cụ bạo lực để bảo vệ
Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Tuy không mới, nhưng hết sức nguy hiểm, cần
cảnh giác và chủ động có giải pháp phòng, chống hiệu quả.
Từ sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông
Âu (những năm 90, thế kỷ XX), cho thấy, một trong những nguyên nhân có ý nghĩa
quyết định đến sự kiện đó là các thế lực thù địch đã thành công trong việc xóa
bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với quân đội - tức “phi chính trị
hóa” quân đội.
Đối với Việt Nam, các thế lực thù địch xác định “phi chính
trị hóa” lực lượng vũ trang là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, liên tục. Thực
tế cho thấy, từ những năm 90, thế kỷ XX, mưu đồ chống phá Quân đội của chúng đã
hiện hữu; mục đích sâu xa là làm cho Quân đội xa rời sự lãnh đạo của Đảng, phân
rã về tư tưởng, lỏng lẻo về tổ chức, mơ hồ về đối tượng, đối tác. Cán bộ, chiến
sĩ xa rời mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, “chán Đảng, khô đoàn, xa rời chính
trị”. Chúng đưa ra mô hình quân đội một số nước và viện dẫn “lý luận” để chứng
minh quân đội không liên quan đến chính trị. Chúng lập luận rằng: Quân đội nhân
dân Việt Nam là quân đội của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; vì thế, Quân
đội chỉ cần trung thành, bảo vệ lợi ích của nhân dân, không cần đặt dưới sự
lãnh đạo của Đảng. Các vấn đề liên quan đến quân sự, quốc phòng phải được nhân
dân bàn bạc công khai và quyết định, thông qua diễn đàn Quốc hội. Lợi dụng chủ
trương tinh giản biên chế, cơ cấu lại các doanh nghiệp quân đội, chúng ra sức
xuyên tạc, chia rẽ, kích động, quy chụp,... cho đó là biểu hiện tham nhũng, lợi
ích nhóm, đặc quyền, đặc lợi của một bộ phận cán bộ trong Quân đội. Đồng thời,
lợi dụng những khó khăn về đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội để kích
động, gây mâu thuẫn giữa lãnh đạo, chỉ huy với cán bộ, chiến sĩ, phá hoại khối
đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Quân đội. Nguy hiểm hơn, chúng còn sử dụng
in-tơ-net để tán phát những bài viết, clip, thổi phồng, xuyên tạc sự thật,
khoét sâu mâu thuẫn,... nhằm kích động tư tưởng công thần, địa vị, bè phái, cục
bộ địa phương, đòi hưởng thụ đãi ngộ; kêu gọi Quân đội ta từ bỏ vai trò lãnh
đạo của Đảng, liên minh với quân đội một số nước để tiến lên hiện đại, trở
thành quân đội “nhà nghề” như quân đội các nước tư bản, v.v.
Về bản chất, âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội của chúng
là nhằm chuyển hướng chính trị của Quân đội ta từ quân đội kiểu mới của giai
cấp công nhân, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân sang kiểu quân đội tư
bản, nhà nghề do giai cấp tư sản lãnh đạo, phục vụ cho mục đích của giai cấp tư
sản. Từ đó, làm cho Quân đội ta mất phương hướng chính trị, tạo điều kiện thuận
lợi cho việc tiến hành các bước tiếp theo giống như kiểu: “Mùa xuân A-rập”,
“Cách mạng Hoa hồng”, “Cách mạng Đường phố”, “Cách mạng Cam”,... mà chúng đã
thành công ở hàng loạt nước trên thế giới. Bởi vậy, đề cao cảnh giác, chủ động
nhận diện và đấu tranh, làm thất bại những thủ đoạn, nhất là những thủ đoạn mới
của chúng vẫn là nhiệm vụ mang tính thời sự cấp bách, cần có hệ thống giải pháp
phòng, chống đồng bộ, hiệu quả.
Thứ nhất, bất
luận trong hoàn cảnh nào, Quân đội nhân dân Việt Nam cũng luôn phải đặt dưới sự
lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là nguyên tắc bất biến, được rút ra từ thực tiễn lịch
sử nhân loại và quá trình tổ chức, xây dựng Quân đội từ khi thành lập Đội Việt
Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đến nay. Về bản chất, quân đội bao giờ cũng là
công cụ bạo lực vũ trang của một giai cấp, một nhà nước nhất định. “Quân đội
không thể và không nên trung lập. Không lôi kéo quân đội vào chính trị - đó là
khẩu hiệu của bọn tôi tớ giả nhân giả nghĩa của giai cấp tư sản”1. Chính trị
của Quân đội ta là chính trị của Đảng; mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Quân
đội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng; hệ tư tưởng chính trị của Quân đội ta là hệ
tư tưởng chính trị của Đảng, với nền tảng là chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng
Hồ Chí Minh. Bản chất của Quân đội ta mang bản chất giai cấp công nhân; trong
đó, tính nhân dân, tính dân tộc được biểu hiện hết sức sâu sắc. Dưới sự lãnh
đạo của Đảng, Quân đội ta đã cùng nhân dân đánh thắng những kẻ thù hùng mạnh
nhất thế giới, lập nên những kỳ tích vĩ đại nhất trong lịch sử chiến tranh của
nhân loại. Điều đó chứng tỏ: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một
quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”2. Trong
tình hình mới, sự chống phá của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta
nói chung, Quân đội nói riêng ngày càng tinh vi, xảo quyệt, quyết liệt,... đòi
hỏi toàn quân phải nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, giữ vững ổn định
chính trị, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, không
để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Trong đó, tăng cường sự lãnh đạo
tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội là nhân tố quyết định
giữ vững định hướng chính trị, bảo đảm cho Quân đội luôn trung thành tuyệt đối
với Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; quyết định phương
hướng xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước
hiện đại; chủ động xử trí kịp thời, hiệu quả mọi tình huống, giữ vững môi
trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Thứ hai, tăng
cường xây dựng vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp,
sức mạnh chiến đấu của Quân đội. Đây
là nội dung xuyên suốt từ khi ra đời, xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của
Quân đội ta đến nay. Trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải
phóng quân (tiền thân của Quân đội ta) tháng 12-1944, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Tên
ĐỘI VIỆT NAM TUYÊN TRUYỀN GIẢI PHÓNG QUÂN nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự”3.
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới hiện nay và sự chống
phá của các thế lực thù địch, yêu cầu đặt ra đối với xây dựng Quân đội vững
mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức là phải luôn nắm vững, vận dụng
sáng tạo những nguyên lý xây dựng quân đội kiểu mới của chủ nghĩa Mác – Lê-nin
và tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng: “Xây dựng Quân đội nhân dân, Công
an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện
đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng; vững mạnh về chính trị, nâng
cao chất lượng tổng hợp sức mạnh chiến đấu, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc,
với Đảng, Nhà nước và nhân dân”4. Theo đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn
quân cần đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động công tác đảng, công
tác chính trị; thực hiện tốt Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn
vị trong giai đoạn mới”; tăng cường giáo dục truyền thống yêu nước, chống giặc
ngoại xâm của dân tộc; truyền thống lịch sử của Quân đội, đơn vị; nâng cao ý
chí quyết tâm bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân trong tình hình mới. Thực hiện
nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn
Đảng, gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư
tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, phong trào Thi đua Quyết thắng và Cuộc
vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”.
Thường xuyên nắm chắc diễn biến tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ, bảo đảm chất
lượng công tác phát triển đảng viên, đoàn viên; xây dựng tổ chức đảng và các tổ
chức quần chúng vững mạnh, nhạy bén về chính trị, kịp thời ngăn chặn sự thẩm
thấu, xâm nhập của các luận điệu “phi chính trị hóa” Quân đội.
Thứ ba, tiếp tục xây
dựng Quân đội nhân dân Việt Nam thực sự “tinh, gọn, mạnh, linh hoạt”. Cụ
thể hóa Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới,
sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực,
hiệu quả”, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã và đang triển khai thực hiện
đồng bộ các giải pháp điều chỉnh tổ chức lực lượng Quân đội theo hướng “tinh, gọn,
mạnh, linh hoạt”, phù hợp xu hướng phát triển quân sự trên thế giới và sự tác
động của cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư hiện nay. Tập trung xây dựng
Quân đội vững mạnh về mọi mặt, không những giỏi đấu tranh vũ trang, mà còn giỏi
trong đấu tranh phi vũ trang và tác chiến trên không gian mạng,... đáp ứng yêu
cầu “giữ nước từ khi nước chưa nguy”; “ngăn ngừa, loại bỏ các nguy cơ chiến
tranh, xung đột từ sớm, từ xa”; làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “phi chính
trị hóa” của các thế lực thù địch. Cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tăng cường lãnh
đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, quyết liệt quan điểm của
Đảng và Quân ủy Trung ương về xây dựng Quân đội trong tình hình mới; bảo đảm
quân số hợp lý, chất lượng cao, đồng bộ về tổ chức, biên chế, thành phần lực
lượng. Kết hợp giữa công tác tư tưởng với công tác tổ chức và công tác chính
sách; quản lý chặt chẽ tình hình nội bộ, nhất là các tiêu chí: phẩm chất chính
trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực,... khi tuyển dụng cán bộ, nhân
viên, chiến sĩ vào các cơ quan, đơn vị.
Thứ tư, không ngừng
nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ, xây dựng môi trường
văn hoá quân sự lành mạnh. Thực tiễn cho thấy, nếu điều kiện đời sống
vật chất, tinh thần và môi trường văn hóa quân sự đáp ứng tốt nhu cầu chính
đáng của cán bộ, chiến sĩ sẽ thường xuyên tác động đến mọi mặt hoạt động, giúp
bộ đội yên tâm công tác, lạc quan, tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng, sẵn sàng
nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Qua đó, tạo sự “miễn dịch”, tăng sức
“đề kháng” phòng ngừa sự tác động, xâm nhập của mặt trái xã hội vào môi trường
Quân đội, góp phần phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối
sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, làm thất bại thủ đoạn “phi
chính trị hóa” Quân đội. Để làm được điều đó, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan đơn
vị cần thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở,
tổ chức tốt việc bảo đảm đúng, đủ, kịp thời mọi chế độ, tiêu chuẩn theo quy
định về đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội. Tích cực xây dựng môi trường
tập thể quân nhân lành mạnh, đảm bảo mỗi cơ quan, đơn vị thực sự là một điểm
sáng văn hoá, nơi giáo dục, rèn luyện cán bộ, chiến sĩ thành con người mới,
cùng chung lý tưởng cách mạng, mục tiêu phấn đấu và hiệu quả công tác. Mọi hoạt
động liên quan đến quyền lợi của cán bộ, chiến sĩ phải được công khai và thực
hiện nghiêm túc. Động viên bộ đội tích cực tăng gia sản xuất, cải thiện đời
sống; tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, giao lưu,
kết nghĩa, làm công tác dân vận, quan tâm đúng mức đến gia đình quân nhân và
giải quyết tốt chính sách hậu phương Quân đội.
Thường xuyên nêu cao cảnh giác, làm thất bại âm mưu, thủ
đoạn “phi chính trị hóa” Quân đội là vấn đề trọng yếu hiện nay, quyết định đến
việc giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống của Quân đội ta, bảo đảm cho
Quân đội luôn trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân, bảo vệ lợi ích quốc
gia - dân tộc. Đó là trách nhiệm của mọi cán bộ, chiến sĩ, trước hết thuộc về
cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân.
_______________
1 - V.I. Lê-nin - Toàn tập, Tập 12, Nxb Tiến Bộ,
M. 1979, tr. 136.
2 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 14, Nxb CTQG, H.
2011, tr. 435.
3 - Sđd, Tập 3, tr. 539.
4 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội XII của Đảng, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 149.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét