Thứ Năm, 19 tháng 4, 2018

GẦN DÂN, VÌ DÂN - ĐẶC TRƯNG PHONG CÁCH LÃNH ĐẠO HỒ CHÍ MINH

Kết quả hình ảnh cho GẦN DÂN
            Phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là lề lối, cách thức làm việc của người lãnh đạo mà đối tượng là cấp dưới, là quần chúng nhân dân. Thấm nhuần sâu sắc quan điểm về vị trí và vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử và mối quan hệ biện chứng giữa cá nhân lãnh tụ và quần chúng nhân dân, Hồ Chí Minh luôn gần gũi quần chúng, sâu sát quần chúng và tác động đến quần chúng với cách thức phù hợp để phát huy cao nhất vai trò, năng lực, khả năng sáng tạo của quần chúng trong tiến trình cách mạng. 



















































Để có phong cách làm việc sát quần chúng, hợp quần chúng, Người yêu cầu cán bộ phải thường xuyên tiếp xúc làm việc với quần chúng, nắm tâm tư nguyện vọng và thật sự quan tâm tới đời sống mọi mặt của họ, phải tin yêu tôn trọng quần chúng, lắng nghe ý kiến đóng góp phê bình xây dựng của quần chúng: “Học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng”, “không phải dân chúng nói gì, ta cũng cứ nhắm mắt theo"và không chỉ giáo dục mà còn nêu gương cho quần chúng noi theo. Khi làm việc với quần chúng, cần phải nắm vững tình hình quần chúng, phải phân loại quần chúng để có biện pháp làm việc hiệu quả. Mặt khác, phải nắm rõ đặc điểm nổi bật trong tư tưởng của quần chúng là “hay so sánh” và họ so sánh đúng, vì tai mắt họ nhiều, việc gì họ cũng nghe, cũng thấy. Vì thế trong lãnh đạo và chỉ đạo thực tiễn, “người cán bộ cũng phải dùng cách so sánh của dân chúng mà tự mình so sánh” để có biện pháp thực thi nhiệm vụ đạt hiệu quả cao nhất.

Làm việc sát quần chúng, hợp quần chúng, hòa mình với quần chúng để nghe được những điều quần chúng nói, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, nỗi bức xúc của quần chúng để lãnh đạo họ là vấn đề có tính nguyên tắc xuất phát từ nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Đảng, là vấn đề mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói và luôn gương mẫu thực hành trong quá trình làm việc. Phong cách làm việc gần dân, vì dân đã trở thành bản chất phong cách lãnh đạo của Người. Dù trong hoàn cảnh nào, chiến tranh hay hòa bình, Hồ Chí Minh cũng luôn hướng về nhân dân, đến với dân, hòa mình với nhân dân để hiểu dân, kịp thời có những chủ trương, quyết sách hợp với lòng dân, giải quyết những bức xúc của dân. Một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sáng 3-9-1945, Người chủ trì phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời và cùng ngày, Người ra thông báo kế hoạch tiếp nhân dân. Giữa bộn bề công việc của những ngày đầu xây dựng nền dân chủ cộng hòa, đất nước đang bị đe dọa bởi nạn đói, nạn dốt và nạn ngoại xâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian để tiếp các tầng lớp nhân dân: “Từ năm nay, tôi sẽ rất vui lòng tiếp chuyện các đại biểu của các đoàn thể, như: Văn hóa giới, Công giáo, Công hội, Thanh niên, Hoa kiều, Công chức, Phật giáo, Nông hội, Phụ nữ, Nhi đồng”. Trong đó, Người nêu rõ: “Xin gửi thư nói trước để tôi sắp xếp thời giờ rồi trả lời bà con, khỏi mất thời giờ chờ đợi mất công” và yêu cầu “mỗi đoàn không quá mười vị, mỗi lần không quá một tiếng đồng hồ”… Đó là biểu hiện cao nhất của tôn trọng dân chủ, là muốn nghe lòng dân để phục vụ nhân dân trong phong cách lãnh đạo của Hồ Chí Minh.

Hồ Chí Minh thường dành thời gian đi cơ sở, đi thăm nhân dân ở các địa phương. Trong vòng 10 năm, từ năm 1955- 1965, theo một thống kê chưa đầy đủ, Người đã về địa phương, cơ sở, đã đến với nhân dân hơn 700 lần. Đặc biệt, vì muốn mắt thấy, tai nghe những việc thật, thông tin thật, người thật từ cơ sở, nên Chủ tịch Hồ Chí Minh thường tránh báo trước, tránh những nghi thức rườm rà, nghi lễ đón tiếp, khẩu hiệu chào mừng, hàng rào danh dự... và nhất là rất ít khi ăn cơm ở những cơ sở, địa phương nơi Người đến. Người từng nói như một lời tâm sự: “Dân ta có câu há miệng mắc quai, về cơ sở mà ăn uống, nhận quà thì làm sao có thể phê bình được cơ sở? Hiện tượng “khách ba, chúa nhà bảy” không chỉ gây tốn kém mà còn mang tiếng với dân”…

Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực của người lãnh đạo suốt đời làm công bộc tận tụy, làm đầy tớ trung thành của nhân dân, thấu hiểu cuộc sống của dân và luôn thấu cảm lòng dân; luôn gắn lý luận với thực tiễn, nói đi đôi với làm, nêu gương trước quần chúng. Trả lời nhà báo Cộng sản Cu Ba, Người nói: “Tôi tự nguyện dâng hiến đời tôi cho dân tộc” và “mỗi người có một nỗi đau riêng, mỗi gia đình có một nỗi khổ riêng. Gộp tất cả nỗi đau khổ đó lại thành ra nỗi đau khổ của bản thân tôi!”. Tấm gương đạo đức của Người, phong cách lãnh đạo của Người tỏa sáng, trở thành giá trị chuẩn mực và định hướng giá trị trong giáo dục đạo đức, rèn luyện đạo đức cho các thế hệ người Việt Nam, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp. 

    VĂN CÔNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét