Thứ Năm, 12 tháng 4, 2018

Sáu nguyên tắc trong phong cách lãnh đạo, quản lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh

        1-Kết hợp tính nguyên tắc cứng rắn với biện pháp thực hiện linh hoạt, mềm dẻo
Ngày 31/5/1946, trước lúc lên máy bay sang Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh nắm tay Cụ Huỳnh Thúc Kháng nói: "Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở Cụ cùng anh em giải quyết cho. Mong Cụ "Dĩ bất biến, ứng vạn biến" (lấy cái không đổi đối phó với muôn sự thay đổi)".
Kết quả hình ảnh cho Phong cách lãnh đạo Hồ chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Cụ Huỳnh Thúc Kháng, hai vị túc nho có tinh thần nồng nàn yêu nước đều hiểu sâu sắc rằng: Mục tiêu độc lập, thống nhất của Tổ quốc, tự do và hạnh phúc của nhân dân, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không thay đổi, cho dù có nhiều khó khăn, gian khổ và phải hy sinh cũng kiên quyết bằng mọi hình thức đấu tranh chính trị, quân sự, kinh tế và ngoại giao để giữ vững.
Chúng ta thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ mong cụ Huỳnh Thúc Kháng thực hiện nguyên tắc dĩ bất biến, ứng vạn biến trong công tác lãnh đạo chính quyền khi đó, mà Người còn muốn Đảng, cũng như đội ngũ cán bộ, đảng viên biết thực hiện nguyên tắc dĩ bất biến, ứng vạn biến trong xử thế nói chung, cũng như trong thi hành mỗi công việc, công vụ lớn trong hoạt động chính trị.
Độc lập, thống nhất của Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của nhân dân là mục đích duy nhất, là ham muốn tột bậc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là cái bất biến. Trước mọi sự đe doạ, dụ dỗ, lung lạc, lay chuyển của kẻ thù, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều tuyên bố: “Cái mà tôi cần nhất trên đời là: Đồng bào tôi được tự do". Khi thời cơ đến, Người khẳng định: Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được tự do, độc lập.
Không có gì quý hơn độc lập tự do là cái bất biến của Chủ tịch Hồ Chí Minh và dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng là chân lý của thời đại. Giữ vững độc lập dân tộc và chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ là nguyên tắc bất di, bất dịch: “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi’’. Có độc lập dân tộc rồi thì từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, cũng là nguyên lý không thể thay đổi: “Hễ còn có một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ’’.
Đảng phải lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin “làm cốt", có nghĩa là phải biết vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, dùng lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa ấy - cái bất biến trong giải quyết nhiều vấn đề lý luận và thực tế hết sức phức tạp với muôn hình vạn trạng trong thực tiễn cách mạng nước ta.v.v...
Dĩ bất biến nhưng phải biết ứng vạn biến, ứng vạn biến mà không xa rời, chệch hướng, từ bỏ cái bất biến. Để thực hiện được nguyên tắc bất biến, thì phải biết khôn khéo, linh hoạt sử dụng các biện pháp khác nhau phù hợp với hoàn cảnh khách quan luôn biến đổi không ngừng. Đó là nguyên tắc chỉ đạo trong phong cách lãnh đạo, quản lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính cuộc đời hoạt động cách mạng của Người là một điển hình mẫu mực về xử lý mối quan hệ giữa tính kiên định về nguyên tắc và tính linh hoạt, mềm dẻo về sách lược và cách thức làm việc trong những hoàn cảnh khách quan biến đổi khó lường.
Ngày nay, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người lãnh đạo, quản lý đều cần có bản lĩnh chính trị vững vàng, không thay đổi trong những vấn đề thuộc về nguyên tắc. Đồng thời, để thực hiện những vấn đề chiến lược, quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, những vấn đề có tính nguyên tắc, thì sách lược cách mạng, các hình thức, phương pháp, biện pháp, cách thức tiến hành phải hết sức mềm dẻo, linh hoạt mới có thể đạt kết quả
2-Kết hợp tính cách mạng với tính khoa học
Người xưa nói: “Thiếu nhiệt hứng tất không thành đại sự”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Muốn lên sự nghiệp lớn, tinh thần càng phải cao”. Chính cuộc đời Người là một cuộc phấn đấu quyết liệt, kiên cường chống đế quốc xâm lược, chống tất cả các lực lượng ngăn cản con đường phát triển của dân tộc Việt Nam. Học tinh thần nhiệt tình cách mạng Hồ Chí Minh, người cán bộ lãnh đạo, quản lý cần say mê, tận tuỵ với công việc để tìm tòi, sáng tạo, đề ra những phương án tối ưu nhằm thực thi nhiệm vụ đạt hiệu quả cao.
Song, nhiệt tình cách mạng của người cán bộ lãnh đạo chỉ đem lại kết quả thiết thực cho cuộc sống của nhân dân khi nó kết hợp chặt chẽ với tri thức khoa học và tuân theo quy luật khách quan. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định Đảng, cũng như mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý cần "Phải có tinh thần khoa học và tinh thần cách mạng rất cao". Cách mạng là một khoa học, chính trị là một khoa học. Nghĩa là làm cách mạng, làm chính trị không chỉ cần một tinh thần dám cách mạng, dám hy sinh mà còn phải có một lý thuyết khoa học, một phương pháp khoa học mới thành công.
Nhiệt tình cách mạng sẽ trở thành chủ quan, duy ý chí nếu thiếu tính khoa học. Nhiệt tình cách mạng của người cán bộ lãnh đạo, quản lý chỉ có hiệu quả cao khi họ thực sự am hiểu công việc, tinh thông nghiệp vụ theo cương vị mình phụ trách. Có nhiệt tình mà thiếu tri thức khoa học sẽ dẫn tới làm sai đường lối, chính sách, hành động trái quy luật, thậm chí dẫn đến phá hoại một cách vô ý thức. “Nhiệt tình cộng với dốt nát bằng đại phá hoại”.
Tính khoa học trong phong cách làm việc phải được bảo đảm bằng tri thức khoa học, do vậy Chủ tịch Hồ Chí Minh khuyên các cán bộ lãnh đạo, quản lý: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời… Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”. “Bất kỳ ở hoàn cảnh nào, đảng viên và cán bộ cần phải luôn luôn ra sức phấn đấu, ra sức làm việc, cố gắng học tập để nâng cao trình độ văn hoá, tri thức và chính trị của mình”.
3-  Kết hợp tập thể lãnh đạo với cá nhân phụ trách, dân chủ tập thể đi đôi với quyết đoán khi cần thiết
Ở cương vị người đứng đầu nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của phong cách làm việc tập thể, dân chủ, là mẫu mực về nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, là người đứng đầu có tính quyết đoán, dám chịu trách nhiệm cá nhân trước lịch sử, trước nhân dân, trước Đảng để quyết định những vấn đề có ý nghĩa quyết định vận mệnh đất nước và cách mạng.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần nguyên tắc tập thể lãnh đạo, bởi vì một người dù tài giỏi đến đâu cũng không thể biết hết tất cả các vấn đề trong toàn xã hội hoặc trong đơn vị, địa phương mình lãnh đạo. Cho nên, cần phát huy trí tuệ của tập thể, của đông đảo quần chúng nhân dân nhằm hoàn thành sự nghiệp của một tập thể, một đơn vị hay của cả cuộc cách mạng mà chỉ riêng cán bộ lãnh đạo, quản lý không thể làm nổi. Có ý kiến khác nhau thì phải thảo luận để đi đến nhất trí. Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Không nên dùng quyền lực hành chính bắt tất cả phải theo ý kiến của mình. Lãnh đạo không phát huy trí tuệ tập thể thì sẽ dẫn đến bao biện, độc đoán, chủ quan, chuyên quyền.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn phát huy nguyên tắc làm việc dân chủ, tập thể là: “Chúng ta cần phải nâng cao mở rộng dân chủ ra, khuyên gắng cán bộ và đảng viên, bày cho họ suy nghĩ, bày cho họ học hỏi quần chúng, cổ động họ tìm tòi, đề nghị, làm những việc ích lợi cho quần chúng. Khi họ đã có ít nhiều sáng kiến, thì giúp đỡ cho họ phát triển, khen ngợi cho họ thêm hăng hái. Như thế thì những tính lười, tính "gặp chăng hay chớ" ngày càng bớt, mà sáng kiến và tính hăng hái ngày càng nhiều thêm”.
Song, phải tránh giáo điều khi thực hiện nguyên tắc tập thể lãnh đạo. Người chỉ rõ: “Không phải vấn đề gì nhỏ nhặt, vụn vặt, một người vẫn có thể giải quyết được, cũng đưa ra bàn - mới là tập thể lãnh đạo. Nếu làm như vậy, là hiểu tập thể lãnh đạo một cách quá máy móc. Kết quả là cứ khai hội mà hết ngày giờ”. Tập thể lãnh đạo, đồng thời, trong tổ chức thực hiện nghị quyết, trong công tác quản lý phải có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng, người nào việc nấy “Tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách cần phải luôn luôn đi đôi với nhau”.
Có ý thức tập thể cao, biết tạo ra bầu không khí làm việc dân chủ, tôn trọng và lắng nghe ý kiến tập thể, phát huy trí tuệ tập thể, nhưng không có tính quyết đoán, không dám chịu trách nhiệm cá nhân trước tập thể thì không thể có những quyết định kịp thời đáp ứng yêu cầu cuộc sống đòi hỏi và công việc cũng không thể tiến triển được.
 Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đứng đầu, lãnh đạo, quản lý cần có bản lĩnh cá nhân phụ trách: “Những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề, trong những hoàn cảnh khó khăn. Ai sợ phụ trách và không có sáng kiến thì không phải người lãnh đạo. Người lãnh đạo đúng đắn cần phải: Khi thất bại không hoang mang, khi thắng lợi không kiêu ngạo. Khi thi hành các nghị quyết kiên quyết, gan góc không sợ khó khăn”. Đặc biệt trong những thời điểm then chốt, người lãnh đạo, quản lý phải dám nghĩ, dám làm, quyết đoán, đúng như Người đã nói: “Lạc nước, hai xe cũng thành vô dụng/Gặp thời, một tốt có thể thành công”.
Phong cách lãnh đạo, quản lý đúng đắn là phải kết hợp giữa cách làm việc dân chủ tập thể với tính quyết đoán, dám chịu trách nhiệm cá nhân trước tập thể, quốc dân đồng bào, kịp thời đưa ra những quyết định đúng. Những hiện tượng coi thường tập thể, hoặc dựa dẫm, ỷ lại tập thể, không dám quyết đoán, không nêu cao trách nhiệm cá nhân, nhất là của người đứng đầu các tổ chức đều làm trì trệ, suy yếu năng lực lãnh đạo, hiệu quả quản lý của cán bộ.
4-Thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, lời nói đi đôi với việc làm
Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà triết học hành động, lý luận gắn liền thực tiễn, nói đi đôi với làm, tư tưởng, phong cách, đạo đức thống nhất biện chứng với nhau. Người khuyên cán bộ, đảng viên không được coi nhẹ lý luận, bởi vì: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”. Đồng thời, phải khắc phục bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa, vì: "Có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng, một mắt mờ".
Song, Người cũng khuyên cán bộ, đảng viên tránh bệnh giáo điều, sách vở, xa rời thực tiễn. Lý luận cốt để vận dụng vào công việc thực tế. "Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”(16).
Muốn vận dụng được lý luận vào thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, cán bộ, đảng viên không chỉ học thuộc vài bộ sách về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, nắm máy móc từng câu chữ lý luận. Vấn đề là phải nắm tinh thần, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lê-nin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tiễn ở nước ta. Người chủ trương “phải gắn lý luận với công tác thực tế”. Mọi chủ trương, chính sách của Đảng một mặt phải xuất phát từ tình hình cụ thể, mặt khác lý luận còn phải có nhiệm vụ giải thích cho quần chúng hiểu và thực hiện các chủ trương, chính sách đó. Như thế “lý luận mới không tách rời thực tế”.
Cán bộ lãnh đạo, quản lý phải nâng cao trình độ lý luận, phải “gắn liền công tác lý luận với thực tiễn cách mạng”, phải “đi sát thực tế”, “phải liên hệ mật thiết với quần chúng”. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Người là một bài học lớn sáng rõ những nguyên tắc đạo đức mà Người vạch ra, trong đó có nguyên tắc nói đi đôi với làm, phong cách lãnh đạo, quản lý là đường lối, quan điểm thống nhất với đạo đức gắn liền với hành động. “Phải lấy kết quả thiết thực đã góp sức bao nhiêu cho sản xuất và lãnh đạo sản xuất mà đo ý chí cách mạng của mình. Hãy kiên quyết chống bệnh nói suông, thói phô trương hình thức, lối làm việc không nhằm mục đích nâng cao sản xuất”.
5- Phong cách lãnh đạo, quản lý quần chúng
Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ có niềm tin tưởng lớn nhất vào sức mạnh, năng lực sáng tạo của nhân dân. Người là thiên tài trong việc huy động, tổ chức, lãnh đạo nhân dân làm cách mạng vì lợi ích của nhân dân, đất nước. Đồng thời, là người hiểu sâu sắc nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân và đã suốt đời vì nhân dân mà làm cách mạng, vì nhân dân mà phục vụ. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại của nhân dân có phong cách làm việc quần chúng.
Người khuyên các cán bộ lãnh đạo, quản lý trong mọi công tác của Đảng, của Chính phủ, đoàn thể, phong cách làm việc tốt nhất là phải: Từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng. Nghĩa là gom góp mọi ý kiến rời rạc, lẻ tẻ của quần chúng, rồi phân tích nó, nghiên cứu nó, sắp đặt nó thành những ý kiến có hệ thống. Rồi đem nó tuyên truyền, giải thích cho quần chúng và làm nó thành ý kiến của quần chúng và làm cho quần chúng giữ vững và thực hành ý kiến đó. Đồng thời nhân lúc quần chúng thực hành, ta xem xét lại, coi ý kiến đó có đúng hay không để tập trung ý kiến của quần chúng, phát triển những ưu điểm, sửa chữa những khuyết điểm, tuyên truyền, giải thích, làm cho quần chúng giữ vững và thực hành. Cứ như thế mãi thì lần sau chắc đúng mực hơn, hoạt bát hơn, đầy đủ hơn lần trước. Đó là cách lãnh đạo cực kỳ tốt.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đứng đầu Đảng, Nhà nước, nhưng Người không xa rời quần chúng, mà có phong cách sống và làm việc sâu sát với thực tiễn, gần gũi với nhân dân, thấu hiểu và chia sẻ mọi niềm vui và nỗi vất vả của người dân. Với quần chúng, Người vừa là người đồng hành vừa là người dẫn dắt. Trong lãnh đạo cách mạng, trong các bài nói, bài viết của mình, chưa bao giờ Người "đao to búa lớn", nhưng mỗi lời nói, mỗi mong muốn của Người lại có sức thuyết phục rất cao, đều nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của hàng triệu trái tim quần chúng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều công sức giáo dục cho các cán bộ lãnh đạo, quản lý phong cách làm việc đi sâu, đi sát quần chúng, mong muốn họ trở thành những người lãnh đạo, quản lý được dân tin, dân yêu, dân phục, dân theo, dân ủng hộ. Người khuyên: "Cán bộ tỉnh phải đến tận các huyện, các xã. Cán bộ huyện phải đến tận các xã, các thôn. Cán bộ phải chân đi, mắt thấy, tai nghe, miệng nói, tay làm, óc nghĩ. Để thiết thực điều tra, giúp đỡ, kiểm soát, rút kinh nghiệm, trao đổi kinh nghiệm giúp đỡ nông dân và học hỏi dân''.
 Cán bộ lãnh đạo, quản lý không bó mình trong văn phòng, bàn giấy; không tự cho mình có địa vị cao hơn, không tạo cho mình vẻ quan cách, khác biệt dân. Cán bộ phải liên hệ mật thiết với dân để tuyên truyền giáo dục dân, giúp dân hiểu đúng, hiểu thấu các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, biến các chủ trương, chính sách ấy thành hành động thực tiễn, phong trào cách mạng. Phải nắm được tâm tư, nguyện vọng và cả những trăn trở, bức xúc của quần chúng, kịp thời phản ánh để Đảng và Nhà nước có những điều chỉnh hợp lý trong chỉ đạo, điều hành. Dân có tin Đảng, Nhà nước hay không; Đảng, Nhà nước có hiểu dân hay không, có phát huy được sức mạnh của dân hay không phụ thuộc rất nhiều vào phong cách làm việc và năng lực của cán bộ lãnh đạo, quản lý.
6-Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Bất kỳ ở địa vị nào, làm công tác gì, chúng ta đều là đày tớ của nhân dân. Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng, đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy chúng ta phải đền bù xứng đáng cho nhân dân. Muốn làm như vậy, chúng ta phải cố gắng thực hiện Cần, Kiệm, Liêm, Chính". Do cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư mà Người trở thành nhà chính trị lớn không chỉ được nhân dân ta yêu quý, mà còn được nhân dân tiến bộ trên thế giới kính trọng.
Cần theo cách hiểu truyền thống là siêng năng, chăm chỉ. Song, nếu chỉ hiểu chữ cần như thế, hơn nữa “Nếu chỉ 1 ngày cần mà 10 ngày không cần, thì cũng vô ích”, thì dân tộc ta khó thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Học và làm theo tư tưởng, tấm gương Hồ Chí Minh, nhân dân ta, mà trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải thực hiện chữ Cần với nhiều nghĩa mới, hiện đại do Người mang lại và gương mẫu thực hiện. Cần không phải là làm xổi. Cần còn có nghĩa là phải cố gắng hết sức mình trong công tác, học tập trong suốt cả năm, trong cả đời mỗi người; có chí tiến thủ, không sợ việc gì là khó. Điều cốt lõi là: "Cần, tức là tăng năng suất trong công tác, bất kỳ công tác gì".
 Trong phong cách làm việc truyền thống, người Việt Nam còn thiếu sức bền, tính tổ chức và kế hoạch. Cho nên, người lãnh đạo, quản lý phải rèn luyện phong cách làm việc bền bỉ, có kế hoạch, biết phân công, đặc biệt là biết dùng người, nhất là người có tài.
Đi đôi với Cần là Kiệm. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng tiết kiệm không phải là keo kiệt, bủn xỉn, coi đồng tiền bằng cái trống. Tiết kiệm là biết chi tiêu một cách khoa học, có hiệu quả nhất. Việc không đáng tiêu, thì một xu cũng không tiêu. Còn khi có việc đáng làm vì lợi ích cho đồng bào, Tổ quốc thì dù tốn bao công của cũng vui lòng.
Muốn tiết kiệm có kết quả tốt, thì phải khéo tổ chức. Thời gian còn quý hơn vàng bạc. Thời gian sẽ có nhiều hơn, có ích hơn nếu cán bộ lãnh đạo, quản lý khéo tổ chức sắp đặt công việc, quản lý thời gian, làm việc có kế hoạch.
 Đi đôi với tiết kiệm là chống lãng phí. Người lãnh đạo, quản lý phải đi đầu trong chống lãng phí, xa xỉ. Chống lãng phí sức lao động, tiền của,  thời giờ của nhân dân, của cơ quan, xí nghiệp, đơn vị sản xuất thì năng suất lao động mới cao, kinh tế-xã hội mới phát triển. Người vạch rõ: "Tham ô là trộm cướp. Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô".
Cán bộ lãnh đạo, quản lý phải liêm khiết, không được tham ô của Nhà nước và của nhân dân. Tâm trạng của quần chúng nhân dân ta hiện nay đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý có thể nói có phần nào đó giống như người xưa từng nhận định: Lại không sợ ta nghiêm mà sợ ta Liêm; dân không phục ta tài mà phục ta Công; Công thì sáng, Liêm thì uy.
Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích: Liêm là trong sạch, không tham lam. Tất cả mọi công dân đều phải liêm. Song, cán bộ lãnh đạo, quản lý "Phải thực hành chữ Liêm trước, để làm kiểu mẫu cho dân". Đồng thời, phải tuyên truyền giáo dục cho nhân dân có hiểu biết, không chịu đút lót, thì dù cán bộ không liêm cũng phải hoá ra liêm. "Quan tham vì dân dại". Dân phải biết quyền hạn của mình, phải biết kiểm soát cán bộ, để giúp cán bộ lãnh đạo, quản lý thực hiện chữ liêm. Còn, “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích: Cần, Kiệm, Liêm, là gốc rễ của Chính. Cán bộ lãnh đạo, quản lý đã cần, kiệm, liêm, nhưng còn phải chính mới là người có khí tiết cao thượng, xứng đáng để dẫn dắt, điều khiển hành động của quần chúng nhân dân. Người liêm chính không sợ hãi trước những uy lực đen tối, dũng cảm đấu tranh với cái xấu, ủng hộ cái tốt, cái mới và tiến bộ. Có liêm, chính thì mới có thể chí công vô tư. Công bằng, vì việc công, công tâm trong công tác tổ chức, cán bộ, trong phân phối, bảo vệ pháp luật v.v… Công tâm thì nhân dân sẽ tin phục. Liêm khiết thì cấp dưới và nhân dân mới không dám khinh nhờn. Để góp phần vào xây dựng những đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, phải kiên quyết chống quan liêu, tham ô, lãng phí.               
Nếu đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý gương mẫu học tập và làm theo được 6 nguyên tắc trong phong cách lãnh đạo, quản lý Hồ Chí Minh thì cũng sẽ tạo nên được những động lực mạnh mẽ thúc đẩy công cuộc đổi mới của nước ta hiện nay./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét