Thứ Tư, 9 tháng 5, 2018

TẠI SAO MỸ LUÔN XUYÊN TẠC VỀ NHÂN QUYỀN Ở VIỆT NAM

Đến hẹn lại lên, vào ngày 20/4/2018 vừa qua Quyền ngoại trưởng John Sullivan Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố Báo cáo nhân quyền thường niên toàn cầu. Trong phần báo cáo về Việt Nam, phúc trình đã xuyên tạc về thực tiễn dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam khi cho rằng: “tình trạng tước đoạt sự sống một cách tùy tiện, phi pháp; nạn tra tấn và đối xử tàn ác, phi nhân, hạ thấp phẩm giá con người; vấn đề bắt và giam giữ tùy tiện những tiếng nói đối lập ôn hòa; tình trạng vi phạm một cách có hệ thống trong lĩnh vực tư pháp gồm không cho tiếp cận luật sư, không cho gia đình thăm nuôi; xét xử không công bằng và chóng vánh; chính quyền can thiệp vào quyền riêng tư, gia đình và thư tín; hạn chế các quyền tự do ngôn luận, hội họp, lập hội, quyền đi lại và quyền tự do tôn giáo, gồm các biện pháp như kiểm duyệt báo chí, giới hạn quyền tự do Internet; rồi nạn tham nhũng; bạo lực gia đình; lạm dụng trẻ em; cũng như giới hạn quyền của người lao động trong việc thành lập và tham gia nghiệp đoàn.” Thậm chí báo cáo nhân quyền của Mỹ cũng nêu các trường hợp cụ thể bị đàn áp nhân quyền tại Việt Nam. Ví dụ điển hình là blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người được Hoa Kỳ trao cái gọi là “giải Người Phụ Nữ Can Đảm”.
Ngày 4/5/2018, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về Báo cáo nhân quyền thường niên năm 2017 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cũng đã nêu rõ: “Báo cáo nhân quyền thường niên năm 2017 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuy đã ghi nhận những thành tựu bảo vệ quyền con người của Việt Nam nhưng vẫn đưa ra một số nhận định thiếu khách quan và không phản ánh đúng tình hình thực tế tại Việt Nam. Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, phù hợp với các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Các nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trên lĩnh vực này thời gian qua được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Cũng như với các nước khác, Việt Nam sẵn sàng trao đổi với Hoa Kỳ trong các khuôn khổ hiện có về các vấn đề hai bên cùng quan tâm trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau. Việt Nam coi đây là phương thức hiệu quả nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau và giải quyết những vấn đề hai bên còn khác biệt”.
Thực tiễn cho thấy, những năm qua, Mỹ đã tự cho mình có quyền đánh giá và đưa ra cái gọi là báo cáo nhân quyền trên thế giới và dĩ nhiên họ sẽ đặc biệt là ở những nơi có hệ thống chính trị cũng như nền tảng văn hóa khác với Mỹ. Việc Mỹ cho mình cái quyền phán xét, can thiệp về tình hình nhân quyền, tự do tôn giáo của các nước khác là trái với nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Trong khi các giá trị nhân quyền kiểu Mỹ chỉ nêu vài dẫn chứng đã làm mọi người giật mình như đánh đập tra tấn tù nhân tại nhà tù, tình trạng trốn thuế của nhiều nhà thờ, kỳ thị với những người theo đạo Hồi, việc sử dụng súng một cách tràn la, bạo lực xảy ra liên miên, đe dọa nghiêm trọng đến an toàn tính mạng và tài sản của người dân...
Thực tế cho thấy, chúng ta luôn luôn nhất quán thi hành chính sách thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và coi đó là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững hướng tới mục tiêu xây dựng "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Trong những năm qua, Nhà nước Việt Nam đã và đang làm hết sức mình để bảo đảm và thực hiện quyền con người thông qua việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, thực thi các biện pháp cụ thể phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội nhằm bảo đảm cho người dân một cuộc sống ngày càng đầy đủ về vật chất, phong phú về tinh thần, xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Pháp luật hiện hành của Việt Nam thể hiện đầy đủ các quyền con ng ười được nêu trong Tuyên ngôn Nhân quyền và các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia. Ở Việt Nam, không ai bị bắt vì lý do chính kiến hoặc vì lý do tôn giáo, chỉ có những người vi phạm pháp luật và bị xử lý theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam. Và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh hay những ngời mà lâu nay Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa vào danh sách cho cái gọi là những người “bị đàn áp nhân quyền tại Việt Nam” cũng là những kẻ đã vi phạm pháp luật Việt Nam, chống phá đất nước Việt Nam mà thôi.
Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang ngồi và ngoài trời
Hơn nữa, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin ở Việt Nam được thể hiện rõ qua sự phát triển đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung của báo chí Việt Nam, trong đó có sự phát triển của mạng Internet. Tuy nhiên, cũng như mọi quốc gia khác trên thế giới, các thông tin vi phạm đạo đức, thuần phong, mỹ tục và các vi phạm pháp luật khác không được phép lưu hành tại Việt Nam...
Mỗi người dân Việt Nam chúng ta đều hiểu rằng, do sự khác biệt về chế độ chính trị, trình độ phát triển, lịch sử và văn hoá, một điều tất yếu là các nước, trong đó có Việt Nam và Hoa Kỳ, có sự khác biệt về quan điểm và cách đề cập đối với nhân quyền. Nhưng Mỹ cũng không nên lấy những khác biệt đó mà tuỳ tiện đưa ra những nhận xét không thỏa đáng và ác ý đối với lĩnh vực quyền con người ở Việt Nam và chính điều đó đã và đang can thiệp vào công việc nội bộ ở Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét