Thứ Tư, 23 tháng 5, 2018

Tính thuyết phục trong tuyên truyền, đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch

Yêu cầu của một tác phẩm đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch là phải nhấn mạnh, đề cao tính thuyết phục, tính chiến đấu; phải giúp các tầng lớp nhân dân hiểu rõ âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch. Bên cạnh đó, cũng làm cho các đối tượng, kể cả những phần tử phản động, cơ hội chính trị cũng phải thấy có lý, có tình; phải tâm phục, khẩu phục”.

Từ nhiều năm nay trên trang 8, trang 3 số ra vào các ngày thứ 2, thứ 4 hằng tuần, báo Quân đội nhân dân duy trì thường xuyên, ngày càng có chất lượng chuyên mục: Làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình” và Phòng, chống “diễn biến hòa bình”. Đặc biệt, để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ mới và trực tiếp phục vụ cho tuyên truyền Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”, từ tháng 10-2016, báo Quân đội nhân dân mở chuyên mục: Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên trang 8. Ngoài ra, còn có nhiều bài viết đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch được chúng tôi đăng tải ở các trang khác nhau không nằm trong chuyên mục. Tần suất, dung lượng của các tác phẩm về mảng đề tài này cũng không ngừng tăng lên. Ngoài các bài chuyên luận, báo còn sử dụng hình thức bạn đọc hỏi và các cơ quan chức năng trả lời, nhằm nâng cao nhận thức cho bạn đọc về vấn đề này.
           Vấn đề đặt ra đối với các tác phẩm đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch là: tính “bút chiến” cao, tính định hướng rõ ràng, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” làm chính. Trong đó, dòng thông tin chủ đạo là tuyên truyền một cách thuyết phục về các thành tựu kinh tế - xã hội; tuyên truyền một cách khách quan, đầy đủ những mặt tích cực, những mặt còn hạn chế trong xã hội, không thổi phồng khuyết điểm, không lấy vụ việc giật gân để câu khách. Đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực phải trên tinh thần xây dựng, lấy “xây” làm chính và lấy “xây” để chống.
         Cần nhấn mạnh quan điểm, tư tưởng ấy, bởi lẽ các thế lực thù địch, phản động luôn tìm mọi cách xuyên tạc, bịa đặt, bôi nhọ, nói xấu chúng ta. Việc triển khai các tác phẩm báo chí đấu tranh trực diện với luận điệu ấy là cần thiết, nhưng điều quan trọng là phải làm sao để chúng ta ngày càng tốt hơn lên và báo chí đóng vai trò rất lớn trong công việc này. Theo tôi, trọng tâm của vấn đề chính là làm thế nào để xây dựng xã hội thông tin lành mạnh. Quan điểm chung của chúng ta là “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, “xây” đi đôi với “chống”, lấy “xây” làm chính. Điều này đòi hỏi thông tin báo chí phải khách quan, trung thực, đặc biệt là phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu, không để người dân bị “phơi nhiễm” bởi những thông tin tiêu cực, độc hại. Theo tinh thần đó, các cơ quan báo chí, các nhà báo cần “gạn đục khơi trong”, chủ động tích cực, kịp thời phát hiện và biểu dương, cổ vũ, nhân rộng các tấm gương người tốt - việc tốt, những mô hình điển hình, tiên tiến, những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Chính sự phát hiện, bảo vệ, cổ vũ, động viên, tạo sức lan tỏa của báo chí đã góp phần làm cho cái tốt, cái tích cực ngày càng nảy nở, phát triển và cái xấu, cái tiêu cực sẽ bị lấn át, thủ tiêu... Nhưng đáng tiếc, không ít cơ quan báo chí, không ít nhà báo còn xem nhẹ công việc giàu ý nghĩa này.
         Trong thực hiện nhiệm vụ của mình, báo Quân đội nhân dân đã rất quan tâm đến phát hiện, biểu dương, cổ vũ, nhân rộng các tấm gương người tốt - việc tốt, những mô hình điển hình, tiên tiến. Ngoài duy trì thường xuyên chuyên mục: Người tốt - Việt tốt, chúng tôi đã phối hợp với Vụ Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương) phát động và duy trì cuộc thi “Những tấm gương bình dị mà cao quý” đến nay đã được 10 năm. Thông qua cuộc thi, báo Quân đội nhân dân đã giới thiệu hàng nghìn tấm gương, những câu chuyện cảm động về các tập thể, cá nhân tiêu biểu, đặc biệt là người có công với nước, luôn đề cao trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân; về những cán bộ, đảng viên hết lòng phụng sự Tổ quốc, nhân dân, thực sự là “công bộc” của dân. Các bài, vệt bài đã tạo được ấn tượng sâu đậm trong dư luận, có sức lan tỏa rộng trong xã hội, tiêu biểu như các tác phẩm: “Dì Mười 25 năm lặng thầm làm việc nghĩa”; “Cựu xã đội trưởng và hơn 14.000 lá thư cung cấp thông tin về liệt sĩ”; “Cây sáng kiến - Bí thư chi bộ nói và làm”; “Một cách yêu biển đảo Việt Nam”... Nhờ thực hiện tốt tư tưởng chỉ đạo kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” làm chính, nên báo Quân đội nhân dân được đánh giá là một trong những cơ quan báo chí đi đầu trong tuyên truyền về gương người tốt - việc tốt, những mảng màu tươi sáng, góp phần làm cho nó lan tỏa sâu rộng, tạo sức mạnh đẩy lùi cái xấu, cái tiêu cực, thu hẹp và xóa dần những mảng tối trong xã hội.
       Bên cạnh đó, ngoài việc đấu tranh thường xuyên, cần có sự tập trung hơn vào những vấn đề, sự kiện trọng tâm, trọng điểm. Trước những sự kiện lớn, quan trọng, vấn đề nhạy cảm, cần có phản ứng kịp thời, có tính định hướng dư luận tốt hơn. Cùng với việc phản bác các quan điểm sai trái, báo Quân đội nhân dân còn đăng tải nhiều bài tuyên truyền về sự khởi sắc trong đời sống của đồng bào các dân tộc ở Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ v.v.. Tuy không trực diện, nhưng chúng tôi cho rằng, đó cũng là cách tốt để bác bỏ các luận điệu xuyên tạc, bịa đặt do các thế lực thù địch tung ra.
Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo in số 4/2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét