Thứ Bảy, 1 tháng 2, 2020

Liêm chính trong suy nghĩ và hành động!

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh công tác cán bộ rất quan trọng, là gốc của mọi công việc, then chốt của then chốt
LIÊM CHÍNH TẠO NÊN SỨC HẤP DẪN CỦA NGƯỜI CÁN BỘ
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân vì dân là chủ”[1] và “trong xã hội, không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân”[2], nên đội ngũ cán bộ/những người được nhân dân ủy thác phải luôn thấu triệt rằng: Đảng cầm quyền, nhưng nhân dân là chủ, chức vụ/quyền hạn của người cán bộ là do nhân dân ủy nhiệm. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, mỗi người phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, nhất là phải thường xuyên rèn luyện, thực hiện “cần, kiệm, liêm, chính” vì “thiếu một đức, thì không thành người”[3].
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: LIÊM “là trong sạch, không tham lam”, là “không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình”[4]. Trái ngược với LIÊM, thì người “tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là BẤT LIÊM”[5], cho nên cán bộ phải thực hành chữ LIÊM trước, để làm kiểu mẫu cho dân. Người có đức Liêm là người liêm sỉ, biết phải trái, đúng sai và hổ thẹn khi làm điều xấu; đồng thời, biết tự răn mình để tránh điều xấu, để tâm trí luôn trong và sáng. Sự thanh liêm của họ sẽ tự tỏa sáng và hấp dẫn những người xung quanh.
Vì, đức Liêm của người cán bộ sẽ tạo lòng tin của nhân dân, cho nên, nếu không có hoặc thiếu Liêm “mà muốn được lòng dân, thì cũng như bắc dây leo trời”[6], cho nên, cán bộ phải nhất thiết phải Liêm, phải thực hành chữ Liêm, “tuyệt đối không đem của công dùng vào việc tư, không động đến cái kim sợi chỉ của dân;... mua bán phải công bình, mượn cái gì phải trả tử tế, hỏng cái gì phải bồi thường”[7], nhất là “mỗi người phải nhận rằng tham lam là một điều rất xấu hổ, kẻ tham lam là có tội với nước với dân”[8]… Không chỉ có vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn yêu cầu cán bộ phải có trách nhiệm giáo dục đức liêm cho người khác, nếu không, dù họ trong sạch đến mấy vẫn chỉ là “Liêm một nửa”[9]. Đồng thời, với nâng cao trình độ dân trí của nhân dân, để “dân hiểu biết, không chịu đút lót, thì “quan” dù không liêm, cũng phải hóa ra Liêm”[10] là việc pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề gì.
Sự hòa quyện chặt chẽ giữa đức trị và pháp trị trong tư tưởng Hồ Chí Minh chính là Người không chỉ đề cao chữ Liêm; kiên trì giáo dục cán bộ thực hành đức Liêm: “Ngày xưa, dưới chế độ phong kiến, những người làm quan không đục khoét dân, thì gọi là Liêm, chữ liêm ấy chỉ có nghĩa hẹp... Ngày nay, nước ta là Dân chủ Cộng hòa, chữ Liêm có nghĩa rộng hơn là mọi người đều phải Liêm”[11], mà còn ban hành nhiều sắc lệnh và đạo luật để răn đe, ngăn chặn, trừng trị những kẻ bất liêm, như Quốc lệnh (ký ngày 26/1/1946) quy định hai vấn đề trọng yếu là thưởng và phạt, trong đó quy định tội trộm cắp của công phải bị tử hình.
CHÍNH theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì không đứng đắn, thẳng thắn, tức là tà. “CẦN, KIỆM, LIÊM, là gốc của CHÍNH. Nhưng một cây cần phải có gốc rễ, lại cần có nhành, lá, hoa quả mới là hoàn toàn. Một người phải Cần, Kiệm, Liêm nhưng còn phải CHÍNH mới là người hoàn toàn”[12]. Đức Chính đòi hỏi con người phải có sự chính trực, dũng cảm đấu tranh với cái xấu để bảo vệ lẽ phải; chi phối mọi công việc, mọi con người trong xã hội, do đó, Chính là đức khó thực hiện nhất trong "tứ đức", là sự biểu hiện đầy đủ nhất của nhân cách con người.
Với ý nghĩa đó, muốn là một cán bộ liêm chính (trong sạch, ngay thẳng: người liêm chính không có lòng tư túi[13]) trong công tác và cuộc sống đời thường để xứng đáng vừa là người lãnh đạo vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân, thì mỗi người:
1) Đối với mình, phải “chớ tự kiêu, tự đại; luôn luôn cầu tiến bộ; luôn luôn tự kiểm điểm, tự phê bình, những lời mình đã nói, những việc mình đã làm, để phát triển điều hay của mình, sửa đổi khuyết điểm của mình. Đồng thời phải hoan nghênh người khác phê bình mình”[14], vì “tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý”.
2) Đối với người, “phải yêu quý, kính trọng, giúp đỡ. Chớ nịnh hót người trên. Chớ xem khinh người dưới. Thái độ phải chân thành, khiêm tốn, phải thật thà đoàn kết. Phải học người và giúp người tiến tới. Phải thực hành chữ Bác - Ái”[15].
3) Đối với việc, “phải để công việc nước lên trên, trước việc tư, việc nhà”, “đã phụ trách việc gì, thì quyết làm cho kỳ được, cho đến nơi đến chốn, không sợ khó nhọc, không sợ nguy hiểm”; “việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm. Việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh. Việc gì dù lợi cho mình, phải xét nó có lợi cho nước không? Nếu không có lợi, mà có hại cho nước thì quyết không làm”[16].
Uy tín của Đảng cầm quyền nói chung, của người cán bộ nói riêng gắn liền với sự tu dưỡng và gương mẫu về đạo đức cách mạng, thực hành liêm chính cả trong suy nghĩ và hành động. Nếu người cán bộ không tu dưỡng đạo đức cách mạng, không gương mẫu thực hành liêm chính thì không thể hấp dẫn, quy tụ, lãnh đạo được quần chúng nhân dânVì thế, thực hiện liêm chính, thường xuyên rèn luyện đức liêm chính không chỉ là yêu cầu cần thiết trong tu dưỡng đạo đức, rèn luyện “tứ đức” của người cán bộ mà còn là biện pháp quan trọng để xây dựng Đảng về đạo đức; không chỉ giúp người cán bộ tự soi, tự sửa, tự rèn mình mà còn tạo ra sức mạnh mềm và sức hấp dẫn của một tổ chức, của cả một dân tộc: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh và tiến bộ”.
Sự tu dưỡng, rèn luyện đức liêm chính sẽ góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, gương mẫu về đạo đức cách mạng, giàu đức hy sinh, phụng sự Tổ quốc và nhân dân với tinh thần vfa quyết tâm: giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục.
CÁN BỘ PHẢI VỪA XÂY VỪA RÈN ĐỨC LIÊM CHÍNH
Đức liêm chính của một người đối lập với một số biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân như: 1) “Địa phương cục bộ”, chỉ chăm chút và vun vén cho địa phương hoặc bộ phận mình phụ trách mà không nghĩ tới toàn cục, đến lợi ích chung, gây tổn hại đến lợi ích chung của đất nước. 2) Óc hẹp hòi, cánh hẩu, lợi ích nhóm, chỉ luôn “dễ” mình và những người cùng phe nhóm mình và “khó” với những người không “cùng hội cùng thuyền với mình” dù đó là người tài, người tốt, dẫn đến mất đoàn kết nội bộ, Đảng mất cán bộ và hỏng công việc chung. 3) Quan liêu và tham ô, tham nhũng, làm trái phép nước, coi thường pháp luật, gây bức xúc trong nhân dân...
 Đồng bào, cán bộ tỉnh Thái Bình chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết ngày 1/1/1967. Ảnh tư liệu
Sớm tiên lượng nguy cơ suy thoái, sa vào bất liêm, bất chính của đội ngũ cán bộ, đảng viên khi được trao/ủy quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, “những người ở các công sở, từ làng cho đến Chính phủ trung ương, đều dễ tìm dịp phát tài, hoặc xoay tiền của Chính phủ, hoặc đục khoét nhân dân”. Do đó, để ngăn ngừa tình trạng “tư túi”, không “dốc lòng phục vụ, tận tụy phục vụ” Tổ quốc và nhân dân, Người đã cảnh báo: “Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”[17]. Những người dùng quyền lực mình được trao cho/ủy thác để mưu cầu lợi ích cá nhân đã sa vào chủ nghĩa cá nhân, đã quên lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tham lam là một điều rất xấu hổ, kẻ tham lam là có tội với nước, với dân”[18] và “khi lộ ra, bị phạt, thì mất hết cả danh giá, mà của phi nghĩa đó cũng không được hưởng”[19].
 Theo Hồ Chí Minh: Muốn liêm chính, “những người trong công sở phải lấy chữ Liêm làm đầu… Mình là người làm việc công, phải có công tâm, công đức. Chớ đem của công dùng vào việc tư. Chớ đem người tư làm việc công. Việc gì cũng phải công bình, chính trực, không nên vì tư ân, tư huệ, hoặc tư thù, tư oán. Mình có quyền dùng người thì phải dùng những người tài năng, làm được việc… Chớ lên mặt làm quan cách mệnh”[20]; phải nỗ lực học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt và năng lực công tác: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”[21]
Vì thế, để liêm chính, mỗi người cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, thường xuyên sửa chữa sai lầm, khuyết điểm để xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Trong bất cứ điều kiện nào, hoàn cảnh nào, cũng phải chí công vô tư, phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết và khi lợi ích của Đảng mâu thuẫn với lợi ích cá nhân, thì lợi ích cá nhân phải tuyệt đối phục tùng lợi ích của Đảng…
Trong những năm qua, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng nói chung, công tác cán bộ, phòng và chống tham ô, tham nhũng, quan liêu nói riêng được đẩy mạnh. Tại mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, trong từng lĩnh vực công tác, đội ngũ cán bộ đã gắn việc rèn luyện "cần kiệm liêm chính" với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, với thực hiện tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Trong bản cam kết và đăng ký thi đua hằng năm, mỗi cán bộ nói chung, người đứng đầu các cơ quan, địa phương, đơn vị nói riêng đã căn cứ theo 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; đạo đức, lối sống; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ để rèn luyện và tự soi, tự sửa mình, nâng cao bản lĩnh chính trị, gương mẫu về đạo đức, lối sống, hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn còn một bộ phận cán bộ, kể cả cán bộ giữ trọng trách cao suy thoái về đạo đức, lối sống. Với những "con sâu mọt" bất liêm, bất chính này, những gì mang lại lợi ích cho mình, phe nhóm mình là quan trọng nhất và trước hết chứ không phải là lợi ích chung của Đảng, của nhân dân. Thậm chí, họ không từ một thủ đoạn nào, kể cả vi phạm pháp luật và Điều lệ Đảng và Quy định về những điều đảng viên không được làm để trao đổi, mua bán, ban phát, trục lợi, chiếm đoạt tài sản, tiền bạc cho mình và phe nhóm mình, gây bức xúc trong nhân dân... Những thói hư, tật xấu của một bộ phận không nhỏ cán bộ nói chung, người lãnh đạo, quản lý, đứng đầu các đơn vị nói riêng bị tha hóa và suy thoái này đã dẫn đến tình trạng cánh hẩu, phường hội cát cứ, phe nhóm lợi ích, địa phương chủ nghĩa theo kiểu “trên có chính sách, dưới có đối sách”, hành xử theo lối nói một đằng, làm một nẻo, nói không đi đôi với làm, nói hay, làm dở ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị. Những biểu hiện suy thoái của họ về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” không chỉ xâm hại lợi ích chung mà còn gây tác động xấu, làm phân liệt ý chí và tan rã sức mạnh đoàn kết, thống nhất nội bộ; làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng, làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, trở thành một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Để xây dựng và chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn sự bất liêmbất chính của một bộ phận cán bộ, nhất là cán bộ có chức quyền cao lạm dụng, trục lợi từ quyền lực, Đảng đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng và chống tham ô, tham nhũng trên tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” như Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, các cơ quan điều tra “đã kết thúc xác minh, giải quyết 24 vụ việc; mở rộng điều tra, khởi tố mới 5 vụ án, phục hồi điều tra 4 vụ án, khởi tố thêm 26 bị can; kết thúc điều tra 3 vụ án/19 bị can, ban hành cáo trạng truy tố 6 vụ án/27 bị can. Đồng thời, các cơ quan đã xét xử sơ thẩm 9 vụ án/21 bị cáo, xét xử phúc thẩm 10 vụ án/149 bị cáoTrên tinh thần “làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, pháp luật và kỷ luật của Đảng và “kỷ luật một vài người để cứu muôn người”, trong 6 tháng cuối năm 2019, tiếp tục có thêm nhiều cán bộ cấp cao bị kỷ luật, thậm chí phải chịu trách nhiệm hình sự. Đó là, ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, bị đề nghị kỷ luật vì có vi phạm, khuyết điểm trong thời gian giữ cương vị Phó thủ tướng đã cho một số ý kiến chỉ đạo đối với Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II - Công ty Gang thép Thái Nguyên (Dự án TISCO II); là 2 cựu Bộ trưởng bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn trong vụ án MobiFone mua 95% cổ phần AVG. Cả hai ông đều bị cáo buộc đã vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng và “nhận hối lộ”. Cả hai phải hầu tòa sơ thẩm; trong đó, ông Son nhận hối lộ 3 triệu đô la (đã khắc phục) bị tuyên án chung thân, ông Tuấn nhận hối lộ 200 ngàn đô la (đã khắc phục) bị tuyên án 14 năm tù…
Cũng trong năm 2019, Bộ Giao thông vận tải có 4 thứ trưởng và nguyên thứ trưởng bị kỷ luật vì có những vi phạm nghiêm trọng, thiếu trách nhiệm, buông lỏng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra việc cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp thuộc Bộ. Trong đó, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công bị kỷ luật cảnh cáo; ông Nguyễn Ngọc Đông và Nguyễn Nhật cùng nhận hình thức kỷ luật khiển trách. Còn nguyên Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường bị Ban Bí thư kỷ luật bằng hình thức cách chức vụ trong Đảng và bị xóa tư cách nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải giai đoạn 2011-2015, 2016-2017. Ở Bộ Tài chính, Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật với mức cảnh cáo vì những vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống và các quy định của Đảng, về trách nhiệm nêu gương. Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh - Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương  bị đề nghị kỷ luật vì những vi phạm về Quy định trách nhiệm nêu gương khi để người thân tác động nâng điểm cho con trong kỳ thi tốt nghiệp THPT...
Ngày 10/1/2020, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng  trong phát biểu chỉ đạo hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 đã nhấn mạnh: Từ năm 2016 đến nay, đã thi hành kỷ luật 1.111 tổ chức Đảng, 18.265 cấp ủy viên các cấp và 54.573 đảng viên. Trong đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật 8 tổ chức Đảng, 45 đảng viên; Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật 111 đảng viên. Trong số đảng viên bị kỷ luật, có 92 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, gồm: 2 ủy viên Bộ Chính trị, 21 ủy viên và nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 38 sĩ quan trong lực lượng công an, quân đội (cấp tướng là 23 người)…
Để khắc phục những hạn chế nêu trên và để xây dựng đội ngũ cán bộ tài đức vẹn toàn, liêm chính trong công tác và cuộc sống đời thường ngang tầm với yêu cầu của sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế, nhất là để phục vụ tốt cho việc chuẩn bị nhân sự đại hội Đảng bộ các cấp và nhân sự Trung ương khóa XIII, tại mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, trong chương trình, kế hoạch, nội dung công tác của cấp ủy, đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, với việc thực hiện các Quy định về những điều đảng viên không được làm, về nêu gương… Chú trọng công tác cán bộ; nâng cao chất lượng quy hoạch cấp uỷ, bảo đảm nguồn cán bộ có đủ năng lực, trình độ, tiêu chuẩn, phẩm chất đạo đức, năng lực và kỹ năng lãnh đạo, điều hành, quản lý, xử lý hiệu quả những vấn đề thực tiễn đặt ra gắn với đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu theo chương trình hằng năm và đột xuất tại mỗi tổ chức cơ sở Đảng để thông qua đó, một mặt, gột rửa khuyết điểm, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, “đầu cơ chính trị”, “lợi ích nhóm”, xa rời lý tưởng xã hội chủ nghĩa,v.v..; mặt khác, nâng cao bản lĩnh chính trị, phòng và chống sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Kiên quyết không để lọt vào cấp uỷ khoá mới những người có tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, quan liêu, tham nhũng, bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói không đi đôi với làm; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính...Vào cấp uỷ không phải để thăng tiến cho oai, cho sang, để vinh thân phì gia mà là để cống hiến, hy sinh, vì dân, vì nước.
(Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng)
Hai là, xuất phát từ thực tiễn cơ sở để nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo và chỉ đạo (từ quán triệt đến đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống) gắn với nhiệm vụ chính trị trên tinh thần: Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, phải hết sức tránh. Cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, người đứng đầu mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị phát huy vai trò nêu gương, thống nhất xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện, giữa nói và làm; bám sát cơ sở, gần dân, hiểu dân, trọng dân, tin dân, học dân, dựa vào dân và thường xuyên đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết các khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của nhân dân trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ để củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.
Ba là, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua yêu nước, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đồng thời, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong công tác giám sát, kiểm soát cán bộ, để “giúp cán bộ thực hiện chữ LIÊM”[22]. Theo đó, mỗi người cán bộ phải nghiêm túc tiếp thu, sửa chữa kịp thời những phê bình, góp ý đúng đắn của nhân dân và khuyến khích nhân dân thực hiện vai trò giám sát của mình một cách tự nguyện, tự giác. Coi sự đánh giá của nhân dân là thước đo chính xác, là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá những ưu điểm, khuyết điểm của cấp ủy các cấp, của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong mọi mặt công tác, nhất là trong quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ, để hạn chế được tiêu cực, phát huy đoàn kết thống nhất và lựa chọn được những người thật xứng đáng, chuẩn bị nhân sự không chỉ cho Trung ương mà còn ở tất cả các ngành, các cấp. 
Bốn là, mở rộng và đổi mới công tác truyền thông, tăng cường các chuyên trang, chuyên mục về xây dựng Đảng, về học và làm theo Bác, phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông để đảm bảo sức mạnh của công luận và nhân dân, nhất là trong tuyên truyền các tấm gương người tốt, việc tốt, lấy cái tích cực chống cái tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu để nhân rộng những gương điển hình trong cộng đồng. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra của cả hệ thống chính trị đối với đội ngũ cán bộ trên tinh thần thấu triệt nguyên tắc kỷ luật là tối thượng, pháp luật là thượng tôn; kịp thời phát hiện và đưa ra khỏi Đảng một cách công minh, kịp thời, bình đẳng những kẻ sâu mọt không còn liêm chính để làm trong sạch Đảng, để Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, góp phần củng cố niềm tin, sự ủng hộ của nhân dân đối với Đảng./.
 TS. Văn Thị Thanh Mai
Ban Tuyên giáo Trung ương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét