Thứ Tư, 21 tháng 8, 2019

CHIẾN TRANH ỦY NHIỆM-HÌNH THÁI MỚI CỦA CHIẾN TRANH XÂM LƯỢC

Hướng Dương
Chiến tranh ủy nhiệm (CTUN), còn gọi là chiến tranh qua tay người khác, về bản chất vẫn là một cuộc chiến tranh xâm lược, nhưng được thực hiện dưới hình thức khác. Đó là cuộc chiến tranh mà kẻ xâm lược (có thể là một quốc gia hoặc liên minh quân sự) thực hiện can thiệp, hỗ trợ, chi viện cho lực lượng khác (có thể là một nước khác hoặc lực lượng đối lập của quốc gia bị xâm lược) tiến hành chiến tranh lật đổ chính quyền đương nhiệm của quốc gia bị can thiệp, dựng lên chính quyền mới theo ý định của kẻ xâm lược. Thực tiễn các cuộc xung đột và chiến tranh gần đây cho thấy, CTUN là loại chiến tranh vừa bao hàm đầy đủ tính chất và đặc điểm của chiến tranh thông thường, vừa có những đặc thù của chiến tranh xâm lược trong điều kiện mới và được biểu hiện ở những đặc trưng cơ bản sau:
Thứ nhất, CTUN chính là hệ quả của các cuộc bạo loạn, lật đổ, nhất là bạo loạn chính trị quy mô lớn ở trong nước, mà nguyên nhân sâu xa của nó trước hết và chủ yếu là vấn đề nội bộ; trong đó, mâu thuẫn về lợi ích và các tham vọng về quyền lực đã làm nội bộ bị phân hóa sâu sắc. Những mâu thuẫn này vốn bị tích tụ lâu ngày, không điều hòa được, lại bị lợi dụng, kích động và đẩy lên ngày càng cao, nhất là mâu thuẫn giữa đông đảo quần chúng nhân dân với chính quyền đương nhiệm, dẫn tới các cuộc bạo loạn chính trị quy mô lớn.
Thứ hai, sự hình thành các LLVT đối lập cùng các hoạt động quân sự là cơ sở chủ yếu để bạo loạn chính trị quy mô lớn phát triển thành CTUN. Thực tiễn cho thấy, trong một số trường hợp, bạo loạn chính trị quy mô lớn ở một nước đã có thể làm thay đổi chính quyền đương nhiệm (như đã từng diễn ra ở các nước XHCN Đông Âu thập niên 90 của thế kỷ trước), nhưng không phải cứ có bạo loạn chính trị quy mô lớn là có CTUN, mà nó chỉ xuất hiện khi có LLVT đối lập, có hoạt động quân sự ngay trong bạo loạn chính trị và đôi khi nó đã trở thành cuộc nội chiến trước khi có sự can thiệp quân sự từ bên ngoài.
Thứ ba, can thiệp quân sự từ bên ngoài - phần tất yếu của CTUN. Có thể khẳng định rằng, không có can thiệp từ bên ngoài, nhất là can thiệp bằng quân sự thì không thể hình thành CTUN, thậm chí sự can thiệp này còn giữ vai trò quyết định đến kết cục của chiến tranh. Trên thực tế, việc can thiệp từ bên ngoài diễn ra rất phức tạp với nhiều hình thức và cấp độ khác nhau, trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, văn hóa, kinh tế, quân sự và ngoại giao; trong đó, can thiệp về quân sự giữ vai trò quyết định.
Xuất hiện từ năm 2010, có thể khẳng định CTUN là một trong những hình thái mới của chiến tranh xâm lược, có diễn biến phức tạp, khó nhận biết ngay từ đầu và liên quan chặt chẽ đến chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ và thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch. Đối với các thế lực xâm lược, CTUN có nhiều ưu điểm, như: che giấu được mục đích, ý đồ; dễ núp dưới danh nghĩa bảo vệ “dân chủ”, “nhân quyền” và bảo vệ người dân để đánh lừa một bộ phận dân chúng và dư luận; đồng thời, hạn chế được thương vong, tránh được sa lầy mà vẫn đạt được mục đích chiến tranh…Bài học ở LiBi, hay “Mùa xuân Ả Rập” hay hiện tại là chiến tranh ở Seria,..chính là lời cảnh báo sâu sắc cho Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét