Hôm qua 19/8/2019 một loạt báo đăng tin công an Cà Mau đã khởi tố nhóm người dùng hung khí chống đối đoàn cưỡng chế. Các đối tượng chỉ bị khởi tố về hành vi "chống người thi hành công vụ" và hành vi "Cố ý gây thương tích".
Đại tá Nguyễn Văn Minh, Trưởng Công an huyện Cái Nước cho biết, Cơ quan CSĐT đã có Quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Phạm Hoàng Kiếm (50 tuổi, ngụ ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước - chủ nhà) cùng 3 người khác về hành vi “Chống người thi hành công vụ” và “Cố ý gây thương tích”.
Các bị can còn lại gồm: Lê Thị Hiến (42 tuổi, vợ ông Kiếm); Phạm Văn Nguyên (23 tuổi) cùng ngụ ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước (Cà Mau) và Phạm Văn Bé (29 tuổi, ngụ thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu).
Trước đó, khoảng 9h ngày 7/8, tại ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước xảy ra vụ chống người thi hành công vụ. Khi công bố xong quyết định cưỡng chế, các đối tượng đã chống đối buộc cơ quan thi hành án phải cử lực lượng khống chế.
Các đối tượng đã dùng xăng đổ vào chậu thau chuẩn bị sẵn, rồi tạt thẳng vào lực lượng cưỡng chế rồi phóng hỏa, khiến 10 người bị bỏng xăng và 3 người bị thương do các loại hung khí thô sơ gây ra.
Đáng chú ý, các đối tượng đã trộn xăng với mỡ để tạo chất kết dính nên hậu quả để lại là cực kỳ nguy hiểm.
Ông Nguyễn Minh Cần, Chấp hành viên Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Cái Nước thông tin: "Do đối tượng dùng xăng pha mỡ tạo chất kết dính, nên sức nóng rất lớn dẫn đến việc nhiều người bị thương do bỏng".
Bốn bị can đều bị khởi tố về hành vi "Chống người thi hành công vụ" và "Cố ý gây thương tích".
Việc khởi tố về hành vi "chống người thi hành công vụ" đã rõ, xin không bàn. Nhưng cơ quan tố tụng khởi tố 4 đối tượng trên về hành vi "Cố ý gây thương tích" xem ra chưa chính xác.
Cá nhân tôi cho rằng phải khởi tố tội giết người được quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Vì đây là hành vi cố ý gây ra cái chết cho người khác một cách trái pháp luật, do người có năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 14 tuổi trở lên thực hiện.
Điều 123 Bộ Luật hình sự quy định như sau:
"1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm".
Tôi cho rằng, những kẻ thực hiện tội phạm đã ra tay bằng cách cố ý đốt các nạn nhân và biết rõ họ sẽ có thể chết. Nguy cơ nạn nhân chết sẽ rất cao khi bị đốt bằng hỗn hợp xăng pha mỡ.
Rõ ràng các đối tượng đã nhận thức rõ hành động của mình tất yếu hoặc có thể gây cho nạn nhân chết và mong muốn hoặc bỏ mặc cho nạn nhân chết. Ở đây, các đối tượng đã chuẩn bị trước hung khí là xăng, mỡ, chậu thau, bật lửa... để khi không được thỏa mãn nguyện vọng sẽ gây án. Tính chất nguy hiểm của hành vi đó tăng lên khi những kẻ này đã có sự bàn bạc, chuẩn bị từ trước, có sự phân công cho từng đối tượng, có câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện, có người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy... Đây chính là hành vi phạm tội có tổ chức (điểm o khoản 1 Điều 123) với ý đồ giết nhiều người (điểm a khoản 1 Điều 123, BLHS) đang thi hành công vụ (đang tham gia hoạt động cưỡng chế theo luật). Không những thế, việc tưới xăng rồi phóng hỏa đốt đoàn cưỡng chế là hành vi thực hiện tội phạm một cách man rợ (điểm i khoản 1 Điều 123), có thể làm cho nhiều người chết (điểm l khoản 1 Điều 123).
Vẫn biết trong nhiều trường hợp rất khó để phân biệt giữa hành vi "giết người" với hành vi "cố ý gây thương tích", song tôi vẫn cho rằng, các đối tượng phải bị khởi tố về tội giết người mới chính xác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét