Thứ Ba, 6 tháng 8, 2019

LẶNG LẼ GIỮA ĐỜI THƯỜNG: Thầm lặng đời công nhân quét rác

Sáng đi làm, tối về quây quần bên gia đình trong bữa cơm đầm ấm. Đơn giản là vậy, song có những người bởi đặc thù công việc mà họ cũng không thể có được niềm vui này. Đó là chân dung của những người làm nghề quét rác. Lặng lẽ giữa đời thường, những công nhân quét rác cứ âm thầm, tận tụy với công việc của mình.
Khi những dòng người tấp nập, ngược xuôi về với gia đình sau một ngày làm việc mệt mỏi thì những công nhân vệ sinh môi trường lại mới bắt đầu công việc của mình. Công việc của họ bắt đầu từ 19 giờ tối ngày hôm nay và kết thúc 7 giờ sáng hôm sau, nhiều khi rác nhiều họ có thể phải quét đến 10 giờ sáng. Đặc thù của nghề quét rác là làm hết việc chứ không làm hết giờ.
Công việc dọn vệ sinh tưởng chừng như đơn giản nhưng ẩn chứa trong nó là sự nhọc nhằn, vất vả trăm bề và những nguy hiểm luôn cận kề. Những người đến với nghề này là do cái duyên và do ý thức của mình với cộng đồng nên họ hết lòng tận tụy trong công việc, không quản ngại khó khăn. Dọn vệ sinh trong bãi rác là một nghề vất vả và độc hại, những công nhân này phải đối mặt với mùi hôi thối từ rác, chất thải nên dù có trang bị các phương tiện bảo hộ lao động cần thiết vẫn ảnh hưởng đến sức khỏe, họ dễ bị mắc các bệnh về da và các căn bệnh truyền nhiễm. Mặc dù là nghề được đánh giá có mức độ ảnh hưởng và nguy hiểm cao đến sức khỏe, nhưng họ ít được xã hội coi trọng như những ngành nghề khác.
Trên đời có lẽ quét rác là một trong những nghề khó nhất. Chỉ với những thao tác giản đơn như quét, gom rác vào thùng, đưa lên xe rác và chở đi đổ. Trông vậy nhưng không phải dễ làm. Nghề quét rác còn đòi hỏi người làm phải có sức chịu đựng kinh khủng. Thử tưởng tượng đang đi trên phố, một xe rác chạy ngang qua, mùi của nó thoảng qua khiến ai cũng phải bịt mũi không chịu nổi, huống hồ người công nhân vệ sinh chúng tôi phải tiếp xúc hàng ngày, nói đúng ra là suốt bảy, tám giờ trong ngày. Và không chỉ một ngày, một bữa mà là ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác. Đặc biệt, những ngày lễ tết thì hầu như các công nhân quét rác không có ngày nghỉ.
Làm công việc quét rác này khá vất vả, có những ngày về tay chân đau nhức, bụi bẩn bám đầy mình, hôi hám khó chịu. Song nỗi cơ cực nhất đối với nghề này là thường bị người đời khinh rẻ, nhiều lần các chị đang quét rác thì người dân ra tạt nước cho khỏi bụi ở mặt đường nhưng cố tình tạt vào người các chị để xua đuổi vì gây ồn ào, nhếch nhác trước nhà. Vì đặc thù công việc nên các công nhân quét rác cũng không một lời đôi co, tiếp tục công việc cho xong nhiệm vụ. Bao nhiêu năm trong nghề cũng là chừng ấy năm các anh các chị không được đón tết cùng gia đình, cũng vì công việc nên đành chấp nhận hy sinh giây phút ấm cúng, quây quần bên gia đình.
Trong hình ảnh có thể có: 9 người, mọi người đang cười, mọi người đang đứng
Công việc quét rác ai cũng nghĩ chỉ dành cho những phụ nữ, đặc biệt là những phụ nữ cao tuổi, tuy nhiên không phải vậy, theo quan điểm của các anh công nhân quét rác cho rằng, lao động là vinh quang, nghề nào mà công việc ổn định, không vi phạm pháp luật, có thu nhập để lo cho cuộc sống gia đình thì mình cứ làm thôi. Gắn bó lâu năm, mình lại càng thêm yêu nghề. Các anh còn đùa rằng, chỉ khi nào công ty không cần mình nữa thì mình mới nghỉ. Với nhiều năm trong nghề các anh cũng đã trải qua những vui buồn lẫn lộn với nghề. Các anh cho rằng, làm công nhân quét rác hầu như không có ngày nghỉ, chỉ cần nghỉ một buổi thôi, rác lại tràn ngập đường phố. Thế nên, dù trưa nắng như thiêu như đốt, hay lúc mưa to gió lớn, khi mọi người đều đã tìm được chỗ trú thì những chiếc xe rác vẫn kẽo kẹt một cách chậm rãi để chắc chắn rằng những nơi mình đi qua không còn rác. Rồi khi đêm xuống, trong khi mọi người say giấc nồng thì tiếng chổi tre lại loẹt quẹt giữa không gian yên tĩnh. Cay đắng nhất là cái nghề này luôn bị xã hội xem thường, những người thông cảm và đồng cảm với mình chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Theo các chuyên gia môi trường, công nhân vệ sinh môi trường, nhất là những người làm nghề thu gom rác, làm việc trong môi trường có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Người quét rác sẽ phải đối mặt với nhiều loại bệnh nguy hiểm liên quan đến hô hấp và tiêu hóa; thậm chí phải đối mặt với các bệnh nguy hiểm như HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm khác nếu tiếp xúc với những vật dụng lây bệnh như: kim tiêm, ống chích... Hơn lúc nào hết, hàng ngàn công nhân vệ sinh quét rác trên đất nước Việt Nam này mong rằng, quyền lợi hợp pháp, chính đáng của họ phải được chính quyền, cơ quan chức năng quan tâm. Đặc biệt, không chỉ lương, thưởng, các khoản thu nhập được cải thiện, mà các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp… cần được bảo đảm. Chỉ như vậy, đời sống của hàng ngàn công nhân vệ sinh môi trường mới được nâng cao, giúp họ gắn bó với nghề lâu dài và đồng nghĩa, TPHCM sẽ ngày càng sạch sẽ, văn minh và hiện đại hơn.
nguồn: st th từ sggp.org.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét