Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2019

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI: HƯỚNG TỚI XÃ HỘI TIẾN BỘ MÀ LẠI BÀN CHUYỆN TĂNG GIỜ LÀM? -----------

“Tăng giờ làm thêm là xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp, muốn tăng đơn hàng, doanh thu nhưng không muốn tăng chi phí cho người lao động. Tôi không đồng ý khi hướng tới xã hội tiến bộ mà chúng ta lại ngồi đây tính thêm giờ làm cho người lao động” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Thảo luận về những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) tại UB Thường vụ Quốc hội sáng 14/8, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, từng là Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho hay, vấn đề tăng giờ làm thêm luôn được đặt ra mỗi khi sửa đổi Bộ luật Lao động, nhưng cả 2 lần sửa trước, sau khi thảo luận, Quốc hội đều thống nhất giữ nguyên như bộ luật năm 1994, tức là 200 giờ/năm, trường hợp đặc biệt tối đa không quá 300 giờ/năm, và chỉ áp dụng cho một số ngành nghề do Chính phủ quy định.
“Tôi hiểu vấn đề này xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp, muốn tăng đơn hàng, doanh thu nhưng không muốn tăng chi phí đầu tư cho việc mở rộng sản xuất, thuê người lao động” - Chủ tịch Quốc hội trăn trở.
Nhắc lại phát biểu trước đó của Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc là việc tăng lương, giảm giờ làm chưa phù hợp với mức độ phát triển của nền Việt Nam hiện nay, người Việt đáng ra cần lao động hăng say hơn nữa, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bình luận: “Anh Lộc nói như vậy là chỉ đứng về phía doanh nghiệp”.
“Báo cáo tổng kết thi hành Bộ luật Lao động cho thấy, tình trạng vi phạm làm thêm giờ khá phổ biến, phần lớn do nhu cầu của doanh nghiệp muốn tăng doanh thu nhưng không muốn tăng chi phí đầu tư, chi phí sản xuất mà tăng giờ là tối ưu nhất. Đây là sự thật đấy anh Lộc ạ. Trong nhiều trường hợp, người lao động làm thêm giờ nhưng không được hưởng lương làm thêm như quy định, như mong muốn của chúng ta dành cho họ đâu” - Chủ tịch Quốc hội nói với Chủ tịch VCCI.
Chủ tịch Quốc hội chia sẻ với quan điểm, thời đại ngày nay, khi phương thức sản xuất, công cụ lao động có nhiều tiến bộ, lẽ ra cần phải giảm thời gian lao động xuống thì việc tăng giờ làm thêm là một nghịch lý.
“Quan điểm của tôi là không đồng ý khi hướng tới xã hội tiến bộ mà chúng ta lại ngồi đây tính thêm giờ làm cho người lao động. Lần trước tôi có phát biểu đồng ý với đề xuất của Chính phủ nhưng sau khi đọc lại lịch sử quan điểm của chúng ta từ trước đến nay và đi theo xu hướng tiến bộ thì tôi đề nghị rất cân nhắc liệu chúng ta có đang đi ngược xu hướng tiến bộ hay không? Đất nước tiến bộ, phát triển, văn minh, chúng ta là nước định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng cứ mỗi lần sửa luật là tăng thêm giờ làm việc của người lao động” – Chủ tịch Quốc hội bày tỏ.
Theo Chủ tịch Quốc hội, sửa đổi Bộ luật lao động lần này cần phải trả lời câu hỏi với những quy định mới thì người lao động, người sử dụng lao động, xã hội được cái gì, quyền lợi nào của người lao động được tăng lên, quyền lợi nào của người sử dụng lao động được đảm bảo. Luật phải hài hoà lợi ích chứ không bảo vệ một phía, phải tìm được điểm cân bằng giữa bảo vệ người lao động và sự phát triển của doanh nghiệp.
Báo cáo thêm về những vấn đề các ủy viên UB Thường vụ Quốc hội đặt ra, Bộ trưởng LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, đến thời điểm này, theo đánh giá của các chuyên gia từ tổ chức Lao động quốc tế (ILO), dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi đã thể hiện bước tiến rất dài của Việt Nam, hướng tới tiếp cận các vấn đề mới của thế giới.
Bộ trưởng cũng khẳng định, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Bộ luật, Bộ Lao động đang chỉ đạo bổ sung thêm vào hồ sơ dự án luật một số báo cáo như báo cáo về kết quả và tình hình đình công 10 năm qua, báo cáo về vấn đề vi phạm về giờ làm thêm, thời gian làm thêm, báo cáo về công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực lao động, việc làm… Bộ cũng đang cố gắng tập hợp để đến tháng 9 này xong được danh mục các ngành nghề độc hại (trên 3000 ngành nghề) để cùng Bộ Y tế thẩm định và công bố.
"Những ngày vừa qua, tất cả anh em chúng tôi gần như thứ Bảy, Chủ nhật nào cũng tối đêm vẫn còn làm chứ không chỉ ban ngày. Chúng tôi khẳng định làm với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm chính trị, bằng mọi cố gắng, khả năng ở mức cao nhất để tiếp thu, hoàn thiện bộ luật” – ông Dung trần tình.
Ông giải thích, về phương án quy định tính tiền lương làm thêm lũy tiến theo giờ, đến nay chưa có báo cáo đánh giá tác động về việc này vì chính sách chưa được áp dụng bao giờ. Mà kinh nghiệm quốc tế thì tới nay cũng mới chỉ có 2 quốc gia thực hiện việc tính lương làm thêm luỹ tiến theo giờ.
Quy định về các tổ chức bảo vệ người lao động, Bộ trưởng Dung dẫn 2 mô hình trái ngược, một số nước thì “đóng cửa” hoàn toàn, một số nước lại “mở cửa ào ạt” khiến cùng lúc có rất nhiều tổ chức đại diện cho người lao động khác nhau cùng hoạt động. Việt Nam được ILO đánh giá là rất khéo léo khi đi theo con đường mở dần từng cánh cửa cho phù hợp với tình hình thực tế.
Vấn đề này liên quan đến nội dung quy định về đình công, để tháo gỡ vướng mắc, khắc phục tình trạng tất cả các cuộc đình công tại Việt Nam đều diễn ra không đúng pháp luật. Bộ trưởng Lao động chia sẻ, cần xác định đình công chỉ được xem là “vũ khí cuối cùng” khi việc thương lượng thoả ước lao động tập thể không đạt được chứ nếu không sẽ khó có thể kiểm soát được tình hình.
P.Thảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét