Thứ Tư, 21 tháng 8, 2019

CHUYỆN KHÔNG CÓ TRONG SÁCH GIÁO KHOA LỊCH SỬ..

Năm 1938, anh sinh viên nghành luật Võ Nguyên Giáp đỗ ngoại hạng về môn kinh tế chính trị trong một kỳ thi hội tụ những sinh viên giỏi nhất về môn này ở xứ Đông Dương. Đề tài anh Giáp trình lên hội đồng có tên là "Cán cân thanh toán ở Đông Dương" được hội đồng do Giáo sư Khérian phê "xuất sắc về một vấn đề ít được biết đến, trong sáng và có cá tính". Giáo sư Khérian cho 17 điểm.
Cũng năm đó, theo thông lệ, có một giáo sư kinh tế ở Đại học [quốc gia] Paris sang kiểm tra sinh viên. Năm đó là ông Geatan Pirou, giáo sư của Trường Luật Paris, đồng thời là Đổng lý văn phòng của Chủ tịch Thượng viên Pháp. Ông có ấn tượng đặc biệt với tác phẩm của anh sinh viên Giáp và hỏi chuyện về anh Giáp. Giáo sư Khérian nói anh Giáp đang có chuyện rắc rối với nhà cầm quyền ở đây và là một người sôi động. Giáo sư Pirou nói "Chúng ta phải kéo anh ta khỏi môi trường thực dân. Hãy đưa anh ta sang Paris. Chúng ta sẽ cấp học bổng cho anh ta". Giáo sư Khérian chuyển đề xuất này với anh Giáp. Hôm sau anh trở lại cho biết mình không thể bỏ bạn bè và hành động như một người ích kỷ [Trước đó, anh đã từng tham gia những cuộc bãi khóa chống Pháp khi còn là cậu học sinh, gia nhập Tân Việt - một tổ chức cách mạng bí mật, đảng Cộng sản Đông Dương, phong trào Đông Dương Đại hội,...]. Ký giả Jame Fox có lẽ tham khảo quan điểm của nhiều người khác nêu ý kiến cho rằng câu trả lời anh Giáp thực ra là: "Ma conviction est faite" (Niềm tin của tôi đã xác định).
Còn ý kiến của giáo sư Pirou thì nhà cầm quyền thực dân ở Đông Dương không thể bác bỏ nhưng họ yêu cầu anh Giáp phải làm một bản certificat de loyalisme (cam kết trung thành với chính phủ Pháp). Tất nhiên anh Giáp từ chối phắt. Và tất nhiên anh Giáp cũng đã từ bỏ con đường du học, ngưỡng cửa trở thành một viên chức cấp cao của chính quyền Pháp để rồi trở thành Đại tướng, Tổng tư lệnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam đánh bại người Pháp rồi người Mỹ có ý định áp đặt ý chí của họ lên đất nước Việt Nam.
Theo Đặng Anh Đào, Võ Nguyên Giáp qua lời kể của những người thân, Nxb Văn hóa - Văn nghệ, 2012, tr 36-37.
Ảnh: Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi là sinh viên Luật khoa Đại học Đông Dương (năm 1934).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét