Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2019

“SỰ KIỆN VỊNH BẮC BỘ” - SỰ GIAN MANH, XẢO TRÁ VÀ Ý ĐỒ THỰC SỰ CỦA HOA KỲ.



Xưa nay chẳng ai lạ gì người Mỹ, trong lịch sử 300 năm của mình, người Hoa Kỳ luôn tạo cớ gây bất ổn, kích động hoặc trực tiếp gây chiến tranh. Người Mỹ đã dùng bạo tàn và thuốc súng để làm giàu trên chính máu xương của các dân tộc khác; và để tạo cớ gây chiến tranh, họ dùng đủ trăm phương ngàn kế để bên trong lừa bịp Quốc hội và nhân dân Mỹ tìm sự đồng thuận để tham chiến; bên ngoài tìm được “tiếng nói chung” của các đồng minh thân cận của mình để cùng nhau hủy diệt các đất nước không cùng phe hoặc dựng lên những chế độ bù nhìn thân Mỹ nhằm phục vụ cho chủ nghĩa bá quyền của mình.
“Sự kiện Vịnh Bắc bộ” cách đây 55 năm, khiến cho cuộc chiến tranh Việt Nam - một trong những cuộc chiến dài ngày, tàn bạo và khốc liệt nhất thời hiện đại, đã bắt đầu bằng sự việc cố tình tạo cớ để mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, lừa bịp nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới về cái gọi là “sự hiếu chiến của Bắc Việt Nam” nhưng thực chất đây chính là chủ ý chặn “đà lây lan cộng sản” của đám diều hâu nhà Trắng. Vào tháng 7/1964, giới cầm quyền Mỹ lo ngại nguy cơ về “sự lây lan phổ biến chủ nghĩa cộng sản” từ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra khu vực châu Á, Mỹ đã phái các tàu chiến đến Vịnh Bắc Bộ để tuần tra.
Từ ngày 02/8/1964 - 04/8/1964, Washington nhận được thông điệp về một “cuộc tấn công” do tàu Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thực hiện chống các khu trục hạm Mỹ. Khi đó, không ai trong số các thủy thủ của tàu khu trục xác nhận đã nhìn thấy “kẻ tấn công”. Máy bay cất cánh từ hàng không mẫu hạm cũng không phát hiện thấy bất cứ con tàu hoặc mảnh vỡ nào trong khu vực mà khu trục hạm hiện diện. Được biết, tình báo Mỹ đã báo cáo về Washington rằng, họ đã chặn bắt thông tin vô tuyến của Hải quân Bắc Việt. Theo đó, các thủy thủ Việt Nam kêu gọi tấn công tàu chiến Mỹ, và đây là chi tiết quan trọng quyết định tất cả. Và ngay hôm sau (5/8), để đáp trả “hành động gây hấn” của Hải quân Việt Nam, máy bay của Hải quân Mỹ đã ném bom và bắn phá các vị trí quân sự và điểm dân cư ven biển miền Bắc Việt Nam.
Ngay ngày 5/8, Mỹ điều hàng chục máy bay tiêm kích và cường kích hiện đại, chia làm 3 đợt tấn công cùng một lúc vào các mục tiêu kinh tế, quân sự, và căn cứ hải quân của Việt Nam từ Quảng Bình, đến Nghệ An, Thanh Hóa và Quảng Ninh. Chiến dịch này đã mở màn cho cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ bằng không quân và hải quân quy mô lớn đối với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Tuy nhiên, với chiến dịch “Mũi tên xuyên” tham vọng to lớn của Mỹ đã bị thất bại ngay từ trận đánh đầu tiên. Hải quân Nhân dân Việt Nam chẳng những không bị tiêu diệt trong một trận đánh, mà còn giáng cho Không quân Mỹ những đòn nặng nề.
Đến ngày 7/8, Quốc hội Mỹ đã thông qua Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ, với đa số gần tuyệt đối 416 phiếu thuận và 9 phiếu trắng. Theo đó, cho phép sử dụng lực lượng vũ trang để “bảo vệ tự do của quốc gia Đông Nam Á”. Tháng 3/1965, không quân Mỹ bắt đầu ném bom một cách hệ thống xuống miền Bắc Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, tiếp sau là đổ bộ các đơn vị quân đội Mỹ vào miền Nam Việt Nam. Đó chính là mục đích chính của bè lũ diều hâu nhà Trắng.
Tuy nhiên Hoa Kỳ và đồng minh của mình đã mắc sai lầm nghiêm trọng mà người Pháp từng mắc phải và đã cảnh báo, đó chính là họ không thể đánh giá được sức mạnh tinh thần, dòng máu anh hùng được truyền từ hơn 4000 năm lịch sử của người Việt Nam. Người Mỹ đã sa lầy trong cuộc chiến phi nghĩa này khi liên tục chịu tổn thất nặng nề cả khí tài, tiền của và nhân mạng. Trong cuộc chiến tranh tội ác và phi nhân tính này, Mỹ đã huy động hơn 2,7 triệu binh lính của họ và quân chư hầu, khi kết thúc chiến tranh, nước Mỹ đã tổn thất hơn 58.000 sinh mạng, 305.000 lính Mỹ bị thương tật vĩnh viễn và tiêu tốn 111 tỷ USD (thời giá khi đó).
Sau này khi kết thúc chiến tranh, nhìn lại cuộc chiến; theo một tài liệu đã được giải mật, cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ đăng trên trang web một tài liệu liên quan đến “sự kiện Vịnh Bắc bộ” - Công trình nghiên cứu do nhà sử học quân sự Mỹ Robert J. Hanyok viết dành riêng cho National Security Agency - NSA năm 2001, ông khẳng định rằng: “Mỹ đã bắt đầu cuộc chiến tranh tại Việt Nam trên cơ sở những sự kiện bị bóp méo”. Hanyok đã chứng minh và kết luận rằng, các tàu chiến Bắc Việt không tấn công tàu Mỹ. Cái gọi là “cuộc tấn công” ngày 4/8/1964 thực tế là đã không hề xảy ra. Hanyok dẫn lời nhân chứng của phi công lái máy bay quân sự James Stockdale, người đã ở trên không chính vào thời điểm cáo buộc xảy ra tấn công và anh ta không hề thấy bất cứ “cuộc tấn công” nào của Việt Nam.
Ông Hanyok nói: “Các nhà quân sự của chúng tôi (tức Mỹ) sợ phải tuyên bố với ban lãnh đạo dân sự rằng phương pháp chiến tranh như vậy sẽ dẫn đến thua cuộc chắc chắn”. Đó là suy nghĩ của chính khách Mỹ Colin Powell là đại úy phục vụ tại miền Nam Việt Nam vào thời gian đó. Thật vậy, cho đến nay, đã quá thời hạn giải mật mà sự thật về “sự kiện Vịnh Bắc bộ vẫn không được công bố, bởi vì bằng chứng không bao giờ tìm thấy, còn hậu quả của sự tạo cớ để gây chiến tranh xâm lược với nỗi đau khổ của hàng triệu con người vô tội thì vẫn kéo dài hiện không rõ hồi kết.
Nhìn lại sự kiện Vịnh Bắc bộ sau 55 năm để thấy rằng, đối với người Mỹ nói riêng và chủ nghĩa bá quyền nói chung thì “chân lý luôn thuộc về kẻ mạnh”, thực tiễn đã chứng minh rằng, "kẻ mạnh" một khi muốn chiến tranh thì luôn tìm đủ cách để hợp thức hóa và từ sau chiến tranh Việt Nam thì trên thế giới đã có rất, rất nhiều "sự kiện Vịnh Bắc bộ"! Bài học tạo cớ gây chiến tranh của Hoa Kỳ là bài học xương máu để người Việt ngày này tỉnh táo để không mắc mưu của địch, không bị kích động; yêu nước bằng “cái đầu trí tuệ”; khôn khéo để vừa có môi trường hòa bình phát triển và bảo đảm giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét