LTS: Ngay sau khi Báo Quân đội nhân dân (QĐND) đăng bài “Tuyên án Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng và đồng phạm: Bản án nghiêm minh và nhân văn”, Tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của bài báo; thêm tin tưởng vào cuộc chiến phòng, chống tham nhũng (PCTN) do Đảng khởi xướng và phê phán những quan điểm trái ngược, cảm tính, lệch lạc xung quanh quá trình xét xử, tuyên án đối với các bị cáo. Báo QĐND lược đăng một số ý kiến.
Củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Tôi rất đồng tình với quan điểm của bài báo “Tuyên án Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng và đồng phạm: Bản án nghiêm minh và nhân văn” đăng trên Báo QĐND số ra ngày 23-1. Bài báo đã phân tích rõ những tác hại, nguy hiểm của tội phạm kinh tế, trong đó có tội cố ý làm trái. Hành vi phạm tội của các bị cáo khiến nền kinh tế đất nước suy kiệt, tài sản của Nhà nước và nhân dân bị thất thoát. Nhưng quan trọng hơn, đó là niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng đối với công cuộc phát triển đất nước bị sụt giảm.
Song trước quyết tâm của Đảng, những cá nhân vi phạm đã bị đưa ra xét xử một cách nghiêm minh theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng trong PCTN “không có vùng cấm, vùng trống, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai”. Lần đầu tiên trong lịch sử tư pháp nước nhà, chưa có trường hợp nào nguyên Ủy viên Bộ Chính trị bị đưa ra truy tố, xét xử như trường hợp ông Đinh La Thăng.
Chúng ta vừa được theo dõi Tòa án Nhân dân TP Hà Nội xét xử công khai, dân chủ, nghiêm minh đối với vụ án này. Bên cạnh tính nghiêm minh, thượng tôn pháp luật, tính nhân văn cũng được thể hiện rõ trong bản án và cả quá trình xét xử; thể hiện tinh thần đổi mới tư pháp. Có thể nói rằng, bản án dành cho bị cáo nghiêm khắc nhưng vẫn đầy tính nhân văn, tính răn đe, giáo dục cao. Đây chính là đặc trưng của kỷ luật Đảng và pháp chế xã hội chủ nghĩa. Qua đó, sẽ góp phần củng cố niềm tin vào công lý, pháp luật và vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
TS DƯƠNG THANH BIỂU, nguyên Phó viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao
Tin tưởng vào hệ thống pháp luật, nhưng phải cảnh giác trước các thủ đoạn xuyên tạc
Theo dõi quá trình xét xử ông Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng cùng đồng phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi khẳng định rằng: Không có căn cứ và dấu hiệu “đấu đá phe nhóm” trong vụ việc này. Thực tế, các bị cáo đã vi phạm pháp luật, kỷ luật của Đảng, gây thiệt hại đến tài sản Nhà nước với mức độ đặc biệt nghiêm trọng. Tại phiên tòa, các bị cáo cũng thừa nhận những vi phạm này và xin lỗi Đảng, xin lỗi nhân dân. Đây là cơ sở khách quan đánh giá vụ án.
Đây là vụ án khá đặc biệt, bởi trong số các bị cáo, có bị cáo Đinh La Thăng, nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị nên các cơ quan tố tụng không thể làm oan sai hoặc làm theo cảm tính. Bởi nếu làm như vậy sẽ gây mất niềm tin vào pháp luật trong cuộc đổi mới và cải cách tư pháp hiện nay. Do đó, một số quan điểm cho rằng “vụ án có oan sai, cần xét xử lại, tuyên bố vô tội, trắng án cho một số bị cáo” là hoàn toàn lệch lạc, sai lầm. Cơ quan tố tụng và hội đồng xét xử (HĐXX) đã nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, nắm chắc các nội dung bảo đảm đánh giá đúng mức độ sai phạm của từng bị cáo. Trên thực tế, bị cáo Đinh La Thăng và một số bị cáo khác đã được HĐXX tuyên nhẹ hơn đề nghị của Viện Kiểm sát, thể hiện tính độc lập và quyền hạn của HĐXX.
Từ những phân tích nêu trên, tôi cho rằng người dân cũng cần nêu cao cảnh giác, không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vụ việc tuyên truyền kích động gây mất đoàn kết, nói sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, làm giảm sức chiến đấu và quyết tâm PCTN của Đảng và Nhà nước.
Luật sư NGUYỄN ĐÌNH ANH DŨNG, Công ty Luật hợp danh Thiên Quang, Đoàn Luật sư TP Hà Nội
Bản án công minh và bài học phòng ngừa sai phạm
Phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm diễn ra một cách dân chủ và tạo điều kiện tốt cho việc tranh tụng. Tôi đồng tình với quan điểm của Báo QĐND trong bài viết đăng trên số báo ra ngày 23-1. Về khía cạnh nghiêm minh, tôi cho rằng, với hồ sơ vụ việc như vậy thì có thể nói, bản án đã khá nghiêm minh. Còn về khía cạnh nhân văn, theo tôi, chỉ cần tuân thủ đúng luật trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật là nhân văn, không phải xử nhẹ hay khoan hồng mới là nhân văn. Vì luật đã lường trước và rất chặt chẽ trong việc xử lý hình sự, không thể tùy tiện thay đổi theo cảm tính. Đó chính là lý do tại sao Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đề cao nguyên tắc tranh tụng để sáng tỏ sự thật; để người tiến hành tố tụng, nhất là HĐXX cảm thấy yên tâm; người tham gia tố tụng cảm thấy có vai trò, ý nghĩa nhất định; còn người bị kết án cũng tâm phục, khẩu phục, đặc biệt là ý kiến của bị cáo và luật sư, dù của bên nào cũng được ghi nhận và tôn trọng. Từ đó, mọi người, kể cả những người bên ngoài, đều cảm nhận thấy rằng quy định của pháp luật và việc áp dụng pháp luật là hợp lý, vô tư, công bằng, nghiêm minh, cần thiết.
Tuy nhiên, trước một vụ việc rất phức tạp như vụ án này, lại diễn ra trong bối cảnh này thì không thể tránh được còn có những ý kiến trái chiều. Điều băn khoăn của tôi, không phải chỉ nhìn vào duy nhất vụ này, mà đánh giá rộng hơn thì thấy rằng tình trạng sai trái, phạm pháp, nhất là trong lĩnh vực kinh tế giai đoạn chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường có xu hướng gia tăng, cần phải có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn. Những sai phạm nếu như không được phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh thì tất nhiên là sẽ dẫn đến việc suy diễn như "đấu đá nội bộ", "có oan sai không"? Đặc biệt, rất nhiều người, tuy là thủ phạm trong các vụ án hình sự, nhưng nguyên nhân dẫn đến sai phạm do không nắm vững pháp luật, không thận trọng, kỹ lưỡng trong công việc và không lường trước được hậu quả thiệt hại xảy ra...
Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC, Chủ tịch HĐTV Công ty luật Basico, thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Doanh nghiệp, Bộ Tư pháp
Phải đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết
Đọc bài báo “Tuyên án Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng và đồng phạm: Bản án nghiêm minh và nhân văn”, tôi thấy đây là bài báo chính luận hết sức sâu sắc, mang tính định hướng dư luận cao, với nhiều thông điệp đáng suy ngẫm từ một vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm nhưng cũng có lúc mạng xã hội đưa ra nhiều thông tin trái ngược. Điều tôi tâm đắc nhất là bài báo đã phân tích hết sức chí lý bản chất của vụ án và rút ra những bài học không chỉ cho Đảng, Nhà nước mà còn cho mỗi cán bộ, đảng viên và người dân. Thông điệp tinh thần thượng tôn pháp luật phải luôn được đề cao, trở thành nguyên tắc bất di bất dịch; trở thành mệnh lệnh của cuộc sống chứa chan chất "Thép", chất "Tình" của những nhà báo chiến sĩ, luôn vững vàng trên mọi trận tuyến.
Thực tế quá trình công tác, tôi cũng nhận thấy, nếu không vững vàng, nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật thì công tác thanh tra sẽ không bảo đảm khách quan, chỉ rõ các sai phạm. Theo dõi các kênh thông tin và mạng xã hội trong những ngày xét xử vụ án, tôi thấy rằng, nhiều người để cảm xúc chủ quan, phiến diện, cảm tính làm nguội đi ngọn lửa công lý, hiệu quả của cuộc chiến PCTN. Từ kinh nghiệm bản thân và thực tế cuộc sống tôi cho rằng, trước mỗi vụ việc, chúng ta cần có cái nhìn sâu rộng, toàn diện, khách quan. Đối với những người "cầm cân nảy mực", cán bộ quản lý, cần công tâm, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết.
TRẦN THỊ UYÊN, nguyên Chánh thanh tra TP Hải Phòng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét