Thực hiện trách nhiệm của trưởng ban, đồng chí đã triệu tập, chủ trì 6 phiên họp của BCĐ để xem xét, cho ý kiến và chỉ đạo nhiều vấn đề quan trọng về công tác cải cách tư pháp (CCTP). Những ý kiến, kết luận của đồng chí tại các phiên họp và các buổi làm việc với các cơ quan, tổ chức có liên quan đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong các thành viên BCĐ và cán bộ, đảng viên trong các cơ quan, tổ chức được giao thực hiện các nhiệm vụ CCTP.
Tại Phiên họp thứ nhất, trên cương vị Trưởng BCĐ, đồng chí cho ý kiến về việc ban hành quy chế làm việc của BCĐ, thể chế hóa các quy định của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, chế độ làm việc của BCĐ và quy định trách nhiệm của các thành viên BCĐ. Đồng thời, đồng chí cho ý kiến về chương trình trọng tâm công tác CCTP giai đoạn 2016-2021, trong đó xác định rõ nội dung, yêu cầu của BCĐ trong triển khai các nhiệm vụ CCTP, như: Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, dân sự, thủ tục tố tụng tư pháp theo đúng chủ trương, định hướng của Đảng. Đổi mới thủ tục hành chính tư pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý. Hoàn thiện cơ chế, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng và thi hành án. Rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy các tòa án, viện kiểm sát, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam và cơ quan thi hành án hình sự, dân sự. Quy định sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình tiến hành hoạt động tư pháp; phân định rõ thẩm quyền quản lý hành chính với trách nhiệm, quyền hạn tư pháp. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách và các giải pháp nhằm “nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của luật sư”; tạo điều kiện thuận lợi để luật sư tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật. Mở rộng phạm vi xã hội hóa các hoạt động và nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý cho người dân, đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tiễn. Xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp trong sạch, vững mạnh, dũng cảm đấu tranh vì công lý. Đẩy mạnh dân chủ hóa công tác cán bộ trong các cơ quan tư pháp; khuyến khích cán bộ, công chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức công vụ; lấy bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực, hiệu quả thực thi nhiệm vụ để đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Đổi mới, hoàn thiện cơ chế giám sát của các cơ quan dân cử, MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của MTTQ và các tầng lớp nhân dân đối với các hoạt động tư pháp. Mở rộng hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp; tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm vào các tổ chức, hội nghị, diễn đàn quốc tế về tư pháp; đẩy mạnh việc đàm phán, ký kết hiệp định tương trợ tư pháp, dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù, các thỏa thuận về hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm với các nước. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất việc đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách, ưu tiên trang bị phương tiện kỹ thuật, phục vụ công tác điều tra, đấu tranh phòng, chống tội phạm; tăng cường áp dụng công nghệ thông tin nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tư pháp. Tiếp tục cụ thể hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo chặt chẽ hoạt động tư pháp và các cơ quan tư pháp về chính trị, tổ chức và cán bộ; khắc phục tình trạng cấp ủy đảng buông lỏng lãnh đạo hoặc can thiệp không đúng vào hoạt động tư pháp”.
Tại Phiên họp thứ hai của BCĐ, đồng chí Chủ tịch nước đã cho ý kiến về kết quả tổng kết công tác CCTP năm 2016; phương hướng, nhiệm vụ công tác CCTP năm 2017 và chương trình làm việc của BCĐ năm 2017; yêu cầu các cơ quan, tổ chức đảng có liên quan ở Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy tiếp tục đẩy mạnh việc quán triệt, thực hiện nghiêm túc đường lối, chủ trương nêu trong văn kiện Đại hội XII của Đảng và các văn bản của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư có liên quan đến công tác tư pháp, CCTP.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì Phiên họp thứ 6 Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương. Ảnh: TTXVN.
Tại Phiên họp thứ ba của BCĐ, đồng chí Chủ tịch nước cho ý kiến kết luận về kế hoạch kiểm tra, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ CCTP. Phân công các thành viên BCĐ làm trưởng đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc tại các địa phương để nắm tình hình, đánh giá kết quả, hạn chế, khó khăn, vướng mắc; đề xuất nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược CCTP trong thời gian tới; cho ý kiến việc đổi mới tổ chức, hoạt động của cơ quan tham mưu, giúp việc BCĐ.
Tại Phiên họp thứ tư của BCĐ, sau khi xem xét báo cáo, đề xuất của Ban cán sự đảng Tòa án Nhân dân Tối cao và Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam, đồng chí Chủ tịch nước đã kết luận: Đồng ý giao Tòa án Nhân dân Tối cao triển khai nghiên cứu, xây dựng đề án đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, hành chính; đề xuất việc hoàn thiện cơ sở pháp lý và các điều kiện bảo đảm triển khai thực hiện phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và yêu cầu thực tiễn. Đồng ý với đề xuất xây dựng đề án bộ chỉ số tư pháp; đề nghị Hội Luật gia Việt Nam tiến hành nghiên cứu thận trọng, cân nhắc kỹ ý kiến của các thành viên BCĐ, Ban Thư ký đã phát biểu tại phiên họp; lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan, tổ chức có liên quan; tham khảo kinh nghiệm xây dựng chỉ số đánh giá về hiệu quả quản trị, hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam và kinh nghiệm của nước ngoài về các vấn đề có liên quan.
 
Tại Phiên họp thứ năm của BCĐ, sau khi xem xét tờ trình của Đảng ủy Công an Trung ương và ý kiến của các thành viên BCĐ về đề án đổi mới công tác thi hành án hình sự, đồng chí Chủ tịch nước có ý kiến chỉ đạo như sau: Quá trình xây dựng đề án phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng về CCTP và quy định của pháp luật về công tác thi hành án hình sự; đáp ứng mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến quá trình thi hành án; bảo đảm sự tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh các bản án, quyết định của tòa án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật; bảo đảm quyền con người, quyền công dân và các quyền, lợi ích hợp pháp của người phải thi hành án… Đảng ủy Công an Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị có liên quan tiếp tục nghiên cứu, xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình, trách nhiệm thực hiện việc đổi mới công tác thi hành án hình sự trong thời gian tới. Về kế hoạch kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ CCTP năm 2018, Chủ tịch nước giao trách nhiệm cho các thành viên BCĐ tổ chức các đoàn công tác phối hợp với các tỉnh ủy, thành ủy triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra của BCĐ.
 
Tại Phiên họp thứ sáu (ngày 15-9-2018), trong tuần làm việc cuối cùng trước lúc mãi mãi đi xa, đồng chí Chủ tịch nước, Trưởng BCĐ đã xem xét, có ý kiến kết luận việc sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc của BCĐ cho phù hợp với việc chuyển Văn phòng BCĐ về Ban Nội chính Trung ương và việc kiện toàn Thường trực BCĐ. Đồng chí cũng cho ý kiến chỉ đạo việc hoàn thiện đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp trong quân đội; đề án đổi mới, tăng cường công tác hòa giải, đối thoại trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, hành chính và cho ý kiến về việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện nhiệm vụ CCTP tại địa phương.
Quá trình triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ của BCĐ theo quy định của Bộ Chính trị, đồng chí Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhiều lần tới thăm, làm việc với tất cả cơ quan, tổ chức được giao thực hiện nhiệm vụ CCTP ở Trung ương. Đồng chí đã quan tâm tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, động viên, khích lệ cán bộ, đảng viên chủ động, tích cực triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp; kịp thời cho ý kiến chỉ đạo việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động tư pháp, CCTP.
 
Ngoài ra, trong quá trình hội đàm, hội kiến với nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo cơ quan tư pháp các nước đến thăm, làm việc tại Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang thường dành thời gian để giới thiệu thành tựu CCTP của Việt Nam, trao đổi kinh nghiệm cải cách tư pháp với các nước và khuyến nghị tăng cường việc hợp tác về tư pháp với các nước.
Những tư tưởng chỉ đạo và ý kiến tâm huyết của đồng chí Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong công tác CCTP đã và đang được các cơ quan, tổ chức và cán bộ, công chức có liên quan quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện nghiêm túc. Sự ra đi của đồng chí là tổn thất lớn đối với sự nghiệp CCTP. Chúng tôi tin rằng, các thành viên BCĐ, cán bộ, đảng viên trong từng cơ quan, tổ chức được giao các nhiệm vụ CCTP tiếp tục quán triệt, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước, Trưởng BCĐ nhằm xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa... theo Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược CCTP đến năm 2020.
 
TRỊNH XUÂN TOẢN, Ủy viên chuyên trách kiêm Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương