Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2018

VÌ SAO ÔNG CHU HẢO BỊ ĐỀ NGHỊ KỶ LUẬT


Trong hình ảnh có thể có: văn bản

Từ ngày 17 đến 19/10/2018, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 30 dưới sự chủ trì của ông Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Tại kỳ họp này Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét nhiều nội dung, trong đó có kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với ông Chu Hảo, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Tri thức
Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, với cương vị là Giám đốc - Tổng Biên tập, ông Chu Hảo chịu trách nhiệm chính về việc Nhà xuất bản Tri thức xuất bản một số cuốn sách có nội dung trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, vi phạm Luật Xuất bản, bị cơ quan chức năng xử lý, thu hồi và tiêu hủy.
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ: Từng giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Chu Hảo đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, có những bài viết, phát ngôn có nội dung trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; "đồng chí đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Chu Hảo là rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, tác động xấu tới tư tưởng xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật".
Việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, đề nghị kỷ luật ông Chu Hảo có lẽ nhiều người cũng đã đoán định được trước theo kiểu “việc gì đến rồi cũng phải đến”. Ông Chu Hảo trong những năm qua, kể từ khi nghỉ hưu đã thường xuyên có những lời nói và việc làm không tương xứng với một đảng viên, một cán bộ cao cấp. Những năm gần đây ông nổi lên là một trong những trí thức “cấp tiến”, núp bóng “dân chủ”, “nhân quyền”, “kiến nghị”, “đối thoại” công kích Đảng, Nhà nước và cổ vũ cho những người “đấu tranh dân chủ”, “bất đồng” ở Việt Nam.
Cách đây chưa lâu, trên cương vị Giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức ông Chu Hảo chủ trì hội thảo với chủ đề "Khảo luận thứ 2 về chính quyền" tại 53 Nguyễn Du, Hà Nội. Ở đây, tại cuộc hội thảo này, ông và những người tham dự đã thi nhau "chém gió" về dân chủ, về tinh thần Khai Sáng và tự vỗ về mình là các trí thức cấp tiến, mở đường và khai sáng cho cả dân tộc. Ông Chu Hảo là người đứng đầu đám trí thức cấp tiến này, và vẫn được biết tới như một người uy tín, thiết tha yêu tri thức và có trình độ học vấn cao, được cộng đồng công nhận như một nhân vật thuộc giới tinh hoa hiếm hoi ở Việt Nam. Thế nhưng, trong buổi hội thảo này ông ta đã lộ bộ mặt thật của mình của một trí thức “rởm” không hơn không kém, núp bóng “trí thức” để làm bậy.
Ông Chu Hảo cũng thường xuyên viết bài, đưa ra những lời kêu gọi Đảng, Nhà nước phải tổ chức “đối thoại” với đại diện những người có ý kiến bất đồng ôn hòa. Thực chất cái mà ông gọi là “đối thoại” với những người “bất đồng ôn hòa” đó không ai khác chính là những người đã từng ký cái gọi là “Kiến nghị 72” và “Thư ngỏ 61” kêu gọi đa nguyên đa đảng, kêu gọi bỏ Điều 4 Hiến pháp, phi chính trị hóa lực lượng vũ trang... Đây thực sự là những đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, phản bội lý tưởng của Đảng và một nhóm người khác núp danh, mạo danh “trí thức, đảng viên lão thành” nhưng về bản chất là các nhà “dân chủ” chuyên chống phá Đảng và Nhà nước.
Gần đây, ông cùng một “nhóm chuyên gia” gửi thư kiến nghị về dự án Luật An ninh mạng với lý do “lo ngại dự luật có thể kéo lùi sự phát triển internet”. Điều đáng nói, trong thư kiến nghị này có sự xuất hiện tên của Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an. Sau đó, chính Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn đã rất bức xúc khẳng định: “Tôi cho rằng một số người (ông Đặng Hữu, Chu Hảo...) đã lợi dụng vị trí cá nhân, chức vụ của tôi trước đây để đưa những thông tin không đúng sự thật, đây là hoạt động bịa đặt nhằm bôi nhọ, hạ uy tín của cá nhân tôi và mục đích cuối cùng của họ là nhằm phủ nhận dự thảo Luật An ninh mạng, ngăn cản Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng. Tôi khẳng định rằng, nếu có ý kiến tham gia vào dự thảo Luật An ninh mạng, cá nhân tôi sẽ tham gia bằng văn bản và trực tiếp ký, tôi không tham gia với bất cứ hình thức dưới dạng “nhóm chuyên gia” nào”.

Với những lời nói và việc làm như vậy, việc ông Chu Hảo bị xem xét kỷ luật có lẽ là điều không còn phải bàn cãi nhiều. Điều khiến người ta suy nghĩ sau câu chuyện này đó là, tại sao một người từng ở cương vị, trọng trách cao trong Đảng, Nhà nước lại có thể “trở cờ” như vậy? Đó chẳng phải là sự thiếu tu dưỡng, rèn luyện dẫn đến suy thoái về tư tưởng, “tự diễn biến” đó sao./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét