Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2018

Vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên hiện nay - thực trạng và giải pháp

Đọc và nghiên cứu lại các bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như trong các văn kiện của Đảng, tôi đều thấy rằng, Bác và Đảng ta đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò “nêu gương” của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hay nói cụ thể là công bộc của dân theo cách gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh việc chỉ ra những thực trạng về suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, hay nói cụ thể là cán bộ, đảng viên chúng ta đang thiếu hoặc chưa quyết tâm thực hiện tốt một phẩm chất, đó là “nêu gương”. Trong số nhiều giải pháp quan trọng nhằm xây dựng Đảng luôn “trong sạch, vững mạnh”, ngang tầm nhiệm vụ, Đảng ta luôn đề cao vai trò “nêu gương” của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Đây là phương pháp đúng đắn, hiệu quả và là yêu cầu bức thiết trong tình hình hiện nay. 
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc nêu gương của cán bộ, đảng viên. Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Người thường xuyên căn dặn, chỉ dẫn cho toàn Đảng bằng cả lý luận và thực tiễn, bằng cả cuộc sống và sự nghiệp cách mạng của mình. Những lời căn dặn và những việc làm của Người đã trở thành bài học lớn xuyên suốt mà mỗi cán bộ, đảng viên đều phải học tập và noi theo. Cũng từ ý nghĩa lớn lao của việc nêu gương theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, Đảng ta đã từng đưa ra Chỉ thị số 06-CT/TW về tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và hiện nay là Chỉ thị số 03-CT/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn Đảng, toàn dân.
Từ Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” theo tinh thần Chỉ thị 06-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X) đến việc “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) bước đầu đã đem lại những kết quả tích cực. Trong đó, rõ nhất là tạo chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng về ý thức tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong phần lớn cán bộ, đảng viên. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của mỗi tổ chức Đảng; củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Tuy nhiên, kết quả đạt được trong việc thực hiện hai chỉ thị nêu trên vẫn chưa thực sự như mong muốn đặt ra. Thực tế, việc làm theo tấm gương đạo đức của Bác chưa thật sâu đậm, rõ nét, còn hình thức. Trong một cuộc điều tra dư luận xã hội của cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn tỉnh gần đây, tôi tổng hợp được một số liệu khá tin cậy, đó là, có gần 50% số người được hỏi cho rằng việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh còn hình thức, gần 10% cho rằng không hiệu quả; kết quả việc đăng ký “làm theo” tấm gương đạo đức của Bác, chỉ có trên 36% người được hỏi cho rằng có chuyển biến tích cực; trên 60% cho rằng có chuyển biến nhưng chưa rõ nét. Đặc biệt, khi điều tra dư luận về sự nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, chỉ có 27,66% ý kiến đánh giá cho rằng họ đã làm tốt vai trò nêu gương, song vẫn còn trên 15% đánh giá là chưa tốt. 
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trong đó vấn đề cốt yếu nhất, trăn trở nhất vẫn là vai trò nêu gương của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ chủ chốt các cấp chưa thể hiện tốt. Thậm chí, không ít trường hợp cán bộ, đảng viên khi thực hiện chỉ dừng lại ở việc hô hào, phô trương, hình thức, nói suông mà không thực hành, “nói một đàng, làm một nẻo”, “nói không đi đôi với làm”, thiếu tinh thần làm gương, đi trước, làm trước. Một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý hô hào học tập phong cách lãnh đạo quần chúng, dân chủ, nêu gương của Bác, nhưng trong việc làm thực tế thì ngược lại, vẫn còn nặng về bệnh hình thức, thành tích, độc đoán, cá nhân chủ nghĩa, cục bộ địa phương, lợi ích nhóm, chưa thật coi trọng việc lắng nghe ý kiến cán bộ, đảng viên và nhân dân, phản biện của dư luận xã hội về hiệu quả kinh tế - xã hội của một số đề án, dự án lớn, hay trong công tác cán bộ dẫn đến tình trạng tham nhũng, lãng phí, nạn chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển như lời bài phát biểu bế mạc hội nghị Trung ương 2, khóa XII của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra; vẫn còn xuất hiện thực trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo, quản lý có tư tưởng “an phận, thủ thường”, “dĩ hòa vi quý”, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh để lo giữ mình, giữ việc… đã làm mất đi ý nghĩa to lớn của phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác.
Trước tình hình trên, việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các ngành, các cấp càng đặt ra bức thiết hơn; đòi hỏi phải trở thành việc làm thường xuyên, hàng giờ, hàng ngày của cán bộ, đảng viên, của người đứng đầu các cấp, các ngành. Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị đã chỉ rõ: “Đề cao tính tự giác tu dưỡng, rèn luyện của mỗi người, nhất là vai trò gương mẫu của cán bộ chủ chốt các cấp, của người đứng đầu, của cấp trên…”. Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI “về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp” yêu cầu: “Mỗi cán bộ, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam phải tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”. Trách nhiệm gương mẫu, tự giác đi đầu thể hiện từ trong tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự phê bình và phê bình; đến trong quan hệ với nhân dân, trách nhiệm trong công tác, ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết nội bộ.
Trong 5 năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, cấp ủy, chính quyền các cấp đã cụ thể hóa việc học tập thành nhiều chủ đề, có hàng trăm nghìn lượt cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đăng ký việc “làm theo” với những nội dung cụ thể, thiết thực. Song, vấn đề nêu gương của một bộ phận cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự được coi trọng, chưa tạo được bước đột phá trong tư duy và hành động, do đó đã làm cho ý nghĩa của Chỉ thị 03 có lúc, có nơi nhạt nhòa, thiếu sức lan tỏa. Như vậy, để việc nêu gương trong thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị phải được coi là một trong những giải pháp cơ bản, là bước đột phá để lôi cuốn, mở rộng việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong Đảng và trong xã hội, nhất thiết việc nêu gương phải được thể hiện một cách cụ thể, thiết thực từ tư tưởng, nhận thức tới hành động và từ việc lớn đến việc nhỏ, từ cán bộ, đảng viên có địa vị chức vụ cao đến cán bộ, đảng viên bình thường; người có chức vụ càng cao thì càng phải nêu gương làm trước, phải thật sự gương mẫu. Có như vậy mới đem lại kết quả toàn diện trong học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tôi cho rằng, nêu gương theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Trước hết, cần nêu gương trên ba mối quan hệ chính, đó là: (1) đối với mình, đối với người, đối với công việc; (2) muốn nêu gương được thì nói phải đi đôi với làm; (3) lấy gương “người tốt, việc tốt” để tuyên truyền, thuyết phục, cảm hóa, lôi cuốn quần chúng. Ở cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, Người luôn nhắc nhở: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”[1]. Như vậy, nêu gương, trong chúng ta ai cũng hiểu chính là bản thân mình phải làm trước, làm gương, phải luôn đứng mũi, chịu sào, luôn ở đầu song, ngọn gió, phải thường xuyên khắc phục những hạn chế khuyết điểm của bản thân; phải thấm nhuần quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi Người căn dặn cán bộ, đảng viên phải “tiên thiên hạ chi ưu, hậu thiên hạ chi lạc” để sống chân thành, đoàn kết, giúp đỡ mọi người; để vô tư làm công việc chung, vì việc chung. Nêu gương khác với khoe khoang, kiêu ngạo “ta đây là người có nhiều tài cán, là người có nhiều kinh nghiệm trong công tác, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”, nó càng khác với những hành động lấy lòng đồng chí mình một cách nhất thời và hoàn toàn trái ngược với sùng bái cá nhân, theo đuôi, a dua, tâng bốc, nịnh hót, bợ đỡ nhau trong mỗi dịp bầu bán, hay đề bạt, bổ nhiệm.
Khi nói về nêu gương “người tốt, việc tốt” Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ rằng “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Nhưng hiện nay ở một số cấp ủy, cán bộ, đảng viên chưa thật sự nêu gương, thiếu đi phong cách lãnh đạo của người cán bộ, đảng viên là phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, chưa lấy phương châm hành động của Đảng “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, chưa thấm nhuần phương thức Đảng lãnh đạo bằng sự nêu gương của người cán bộ, đảng viên để làm. Và người có địa vị càng cao thì càng phải gương mẫu, điều đó mới chính là thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng.
Nêu gương thì trước hết phải làm gương trong công việc từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên, về mọi mặt, phải “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, nói phải đi đôi với làm. Bản thân mỗi người phải “cần, kiệm, liêm” thì mới “chính” được. Mà có “chính” thì mới gạt bỏ được tất cả tính vị kỷ, vụ lợi, tư lợi, cục bộ địa phương, lợi ích nhóm; mới làm tròn bổn phận của người cán bộ, đảng viên của Đảng, mới “hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Bác Hồ đã dạy: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”[2]. Chính vì vậy, để thực sự nêu gương, đòi hỏi mỗi tổ chức cũng như mỗi cán bộ, đảng viên cần tự giác, trung thực, tự phê bình thật khách quan. Tập trung kiểm điểm trên các vấn đề trách nhiệm đối với công việc và nhiệm vụ của đơn vị; về phẩm chất cá nhân của mình trên tất cả các mặt từ nhận thức, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, đến quan hệ với quần chúng... Thấy rõ ưu điểm để phát huy, nhận ra khuyết điểm để sửa chữa; đồng thời, coi trọng sự giáo dục, sự giúp đỡ chân thành của đồng chí, đồng nghiệp, học tập lẫn nhau, phải thực hiện phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, khi có bệnh thì phải kiên quyết “trị bệnh cứu người”, không được có tư tưởng dễ dãi, bao che, hoặc tranh công, đổ tội. Như thế mới thật sự là nêu gương, là người gương mẫu.
Trong hoạt động thực tiễn, mỗi người cần học tập và làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh ở phong cách làm việc thận trọng, tỉ mỉ, giờ nào việc ấy, tinh thần trách nhiệm cao, nhưng cực kỳ dân chủ, dễ gần; thói quen đi sâu đi sát cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của quần chúng. Khi đã đề ra chủ trương, biện pháp thì phải nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy trí tuệ tập thể, quyết tâm lãnh đạo thực hiện cho bằng được. Đồng thời, phải kiên quyết khắc phục mọi biểu hiện quan liêu, mệnh lệnh, xa rời thực tế, xa rời cơ sở, xa rời quần chúng; kiên quyết phê phán những cán bộ, đảng viên không dám nói, không dám hành động, hoặc “nói nhiều làm ít”, “nói mà không làm”, “nói một đàng làm một nẻo”, thậm chí chỉ thụ động, ngồi chờ, ỷ lại, sợ trách nhiệm. Những biểu hiện đó hoàn toàn trái với tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, làm cho phương pháp “nêu gương” mất đi ý nghĩa và tác dụng trong giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên và ngay trong nội bộ tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể.
Đất nước ta, tỉnh ta hiện đang còn gặp không ít khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng cũng còn có mặt hạn chế, chưa theo kịp với yêu cầu đòi hỏi của công cuộc đổi mới; trong khi các thế lực thù địch không từ bỏ âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tăng cường hoạt động chống phá, chia rẽ nội bộ Đảng, phá hoại mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân, hòng làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng. Hơn bao giờ hết, để việc “làm theo” tấm gương đạo đức của Bác có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo thành sức mạnh trên các mặt trận, tạo điều kiện vững chắc cho thành công của các phong trào cách mạng, thi đua yêu nước từ tỉnh đến cơ sở, thì mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị cần phải tự giác thể hiện tốt vai trò nêu gương để Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thu được nhiều kết quả trong những năm tới.
Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị (khóa XI), chúng ta phải tiến hành đồng thời nhiều giải pháp quan trọng, trong đó thực hiện đấu tranh tự phê bình và phê bình trong nội bộ từng tổ chức Đảng, đến đẩy mạnh việc nêu gương trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ lãnh đạo chủ chốt vẫn là giải pháp quan trọng hàng đầu. Vấn đề tuy không mới nhưng là yêu cầu bức thiết trong tình hình hiện nay. Yêu cầu đó đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự nỗ lực phấn đấu với quyết tâm chính trị cao nhất, giữ vững vai trò “tiền phong, gương mẫu”, trong học tập và “làm theo” tấm gương đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét