Tôi vẫn nhớ buổi chiều hôm đó , câu đầu tiên ông hỏi tôi là: "Thành, tại sao cháu lại xin ra khỏi Đảng?". Tôi trả lời: "Thưa chú, ba cháu là một người Cộng sản và cháu cũng là một người Cộng sản. Cháu không xin ra khỏi Đảng và cũng chưa bao giờ có ý định đó. Thực ra là ngược lại, người ta đưa cháu vào danh sách những Đảng viên sẽ phải ra khỏi Đảng vì cháu đã chọn lựa đi làm kinh tế tư nhân".
Thành uỷ TPHCM quy định Đảng viên không được đứng đầu một doanh nghiệp tư nhân có quá 13 người. Đảng viên cũng không được tham gia quá 30% vốn của công ty đó. Và tôi rơi vào cả hai trường hợp đó.
Tôi nói với chú Đỗ Mười: "Nếu mà bóc lột, thì bóc lột 1 người cũng là xấu. Chú hãy cho cháu biết, tại sao người ta lại cho rằng bóc lột 13 người thì được? Và tại sao bóc lột 13 người thì lại ít xấu hơn bóc lột 14 người? Công ty cháu thực hiện mọi quy định về bảo hiểm, về lương cơ bản, về giờ làm theo Luật Lao động. Công ty nhà nước cũng chỉ thế. Thậm chí,ở công ty cháu - cùng một công việc - người lao động sẽ được trả cao gấp đôi so với công ty nhà nước. Thế thì tại sao lại cho rằng cháu đang bóc lột người lao động của mình? Bởi vây, những lý lẽ đó không thuyết phục được cháu.
Nếu Thành uỷ TPHCM ép cháu phải ra khỏi Đảng, cháu sẽ xin chuyển sinh hoạt Đảng về Vũng Tàu. Chừng nào Vũng Tàu bắt chước TPHCM, cháu sẽ xin chuyển Đảng về Đồng Nai, về Cà Mau, về bất cứ nơi nào mà cháu có thể sinh hoạt Đảng. Chỉ đến khi không còn nơi nào trên đất nước này cho phép cháu tiếp tục là Đảng viên, thì thưa chú, đến lúc đó cháu mới chấp nhận ra khỏi Đảng".
Thực ra hôm ấy, trước khi vào gặp chú Đỗ Mười, thư ký của ông có dặn tôi: "TBT sẽ tiếp anh trong 30 phút rồi phải về nghỉ ngơi. Ông đã có một ngày làm việc mệt mỏi trước đó rồi". Nhưng cuối cùng, tôi và chú Đỗ Mười đã có một cuộc trò chuyện dài gần 2 tiếng đồng hồ. Ông ngồi quay đầu lại phía cửa chính - đối diện với tôi. Cậu bảo vệ cứ thi thoảng đi qua đi lại, ra hiệu cho tôi kết thúc cuộc trò chuyện. Nhưng tôi vẫn tiếp tục nói, vì khi nhìn vào mắt ông, tôi hiểu ông chưa muốn kết thúc cuộc trò chuyện đó.
Thú thật, bao nhiêu năm sau này, điều đó vẫn khiến tôi rất xúc động mỗi khi có dịp hồi tưởng lại. Vì không phải dễ dàng gì để một vị TBT - một người đứng đầu Đảng, sẽ dành thời gian cho một Đảng viên bình thường như tôi lâu như thế. Mà không chỉ thế, vị TBT ấy còn lắng nghe mọi thứ mà tôi nói - dù không ít điều trong đó là rất đụng chạm, rất trái tai.
Kết thúc cuộc trò chuyện, ông bảo thư ký kết nối máy cho ông gặp lãnh đạo Thành uỷ TPHCM ngay trước mặt tôi. Tôi nghe ông nói chuyện với ông Tư Sang (nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, khi đó đang là Bí thư Thành uỷ - PV): "Theo tôi, anh nên gặp Lê Kiên Thành, để nghe nó nói về chuyện Đảng viên làm kinh tế".
Tôi không biết ông Tư Sang nói gì với TBT Đỗ Mười, nhưng ngay khi tôi quay lại TPHCM, ông Sáu Phong (nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết) - khi đó là Phó Bí thư Thành uỷ đã gặp và lắng nghe tôi phản biện về chủ trương cấm đảng viên làm kinh tế tư nhân của thành phố.
Khi tiễn tôi ra về, ông Sáu Phong nói một câu cuối cùng rất gan ruột: "Cậu cứ làm kinh tế tư nhân đi. Nếu người ta còn bắt cậu ra khỏi Đảng, thì tôi sẽ đi ra cùng cậu". Bao nhiêu năm nay, tôi luôn nhớ về hai người lãnh đạo ấy. Một người khi ấy là đương kim TBT, một người là lãnh đạo Thành uỷ TPHCM và sau này sẽ thành Chủ tịch nước. Họ đã dành cho tôi sự khích lệ vô cùng lớn lao trong những ngày đầu đi làm kinh tế tư nhân đầy khó khăn, để tôi vững tin rằng những việc tôi làm là đúng đắn.
Nhờ cuộc gặp với chú Đỗ Mười và chú Sáu Phong mà năm ấy, tôi đã không bị ép ra khỏi Đảng và vẫn được làm kinh tế. Nhưng phải khoảng 10 năm sau, chúng ta mới chính thức cho phép Đảng viên được làm kinh tế tư nhân.
Trích cuộc đối thoại của con trai Cố TBT Lê Duẩn- Lê Kiên Thành với Cố TBT Đỗ Mười và nguyên Chủ Tịch nước Trương Tấn Sang.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét