Thứ Tư, 17 tháng 10, 2018

XUYÊN TẠC CÔNG CUỘC PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG


Trong hình ảnh có thể có: 1 người
Lợi dụng việc mạng xã hội phát triển nhanh chóng, các thế lực thù địch luôn coi đây là mặt trận hàng đầu để tuyên truyền, chống phá Nhà nước ta. Chúng tập trung vào các vấn đề bất cập trong xã hội, những tồn tại thiếu sót, sơ hở trong thực hiện chính sách của một số địa phương, để vu cáo, “đánh đồng”, gây hoang mang trong dư luận, gây mất niềm tin của quần chúng nhân dân. Một trong những thủ đoạn mà chúng lợi dụng, đó là xuyên tạc công cuộc phòng, chống tham nhũng, xây dựng và chỉnh đốn của Đảng ta.
Một là, trên không gian mạng, các thế lực thù địch xảo biện và quy chụp tham nhũng chỉ tồn tại và “nở rộ” ở chế độ một đảng cầm quyền như tại Việt Nam. Chúng cho rằng, đây là vấn đề thuộc về “bản chất thể chế”, không thể thay đổi được hoặc dù tham nhũng có ở các thể chế chính trị khác, nhưng nghiêm trọng hơn ở chế độ một đảng. Rằng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiệu quả thấp do thiếu vắng sự kiềm chế và đối trọng giữa các nhánh quyền lực như cơ chế “tam quyền phân lập” (?!).
Sự thật là, tham nhũng là khuyết tật “bẩm sinh” của quyền lực, một hiện tượng xã hội gắn liền với sự xuất hiện chế độ tư hữu, sự hình thành giai cấp và sự ra đời, phát triển của nhà nước. Nó là căn bệnh đồng hành và tồn tại ở mọi nhà nước, không phân biệt chế độ chính trị. Khi còn nhà nước và quyền lực chính trị thì tất yếu còn tham nhũng. Thể chế chính trị khác hay giống nhau không thể là lằn ranh ngăn cản sự xuất hiện của tham nhũng hay quyết định tham nhũng nhiều hay ít.
Ngày nay, thực tiễn chính trường và xã hội tư bản vẫn đầy rẫy những vụ, việc tham nhũng đình đám, không khó để điểm mặt chỉ tên những vụ, việc này ở Mỹ, Anh, Pháp, Đức..., dù chúng biến tướng ngày càng phức tạp, được chính giới và tài phiệt tư bản cấu kết che đậy hết sức tinh vi. Tham nhũng là “khối u ác tính” không thể cắt bỏ trong xã hội tư bản và nó đẩy các mâu thuẫn bản chất không thể hóa giải trong xã hội tư bản lên càng cao, dù rằng nhà nước tư bản có gắng gượng cải tổ đến đâu. Sự thực nhãn tiền đó khiến cho những kẻ vẫn lu loa luận điệu rằng, chỉ ở chế độ chính trị một đảng mới có tham nhũng, trở nên hết sức lố bịch! Càng lố bịch hơn khi họ lớn tiếng ca ngợi sự mẫu mực của các nước tư bản trong chống tham nhũng và cho rằng, chỉ nhà nước pháp quyền tư bản và cơ chế “tam quyền phân lập” mới chống tham nhũng hiệu quả từ gốc hay thể chế dân chủ tư sản đã là một cơ chế tự thân để phòng và chống tham nhũng. Và rằng, hoàn toàn có thể tích hợp cơ chế “tam quyền phân lập” trong chế độ xã hội chủ nghĩa (?!)... 
Tại Hàn Quốc, đất nước tiêu biểu cho chế độ đa đảng và “tam quyền phân lập”, tình trạng tham nhũng hiện nay vẫn diễn ra hết sức nhức nhối. Theo Ủy ban Phòng, chống tham nhũng và Quyền công dân Hàn Quốc (ACRC), trong vòng 10 năm (từ năm 2008 đến 2017), ACRC đã tiếp nhận tới 32.306 tố cáo tham nhũng, chuyển cơ quan điều tra, thẩm tra 1.615 vụ. Tháng 3-2017, bà Park Geun Hye trở thành Tổng thống dân cử đầu tiên của Hàn Quốc bị phế truất vì cáo buộc tham nhũng 55,2 triệu USD liên quan tới các tập đoàn kinh tế hàng đầu của nước này, như Samsung, Lotte... và đang phải thụ mức án 24 năm tù. Rõ ràng, cơ chế “tam quyền phân lập” không phải là phương thuốc thần diệu kiểm soát quyền lực và chống tham nhũng được triệt để! 
Rõ ràng, mớ xảo biện hổ lốn ngụy tuyên truyền trên của các thế lực thù địch chẳng có gì khác ngoài chiêu trò lợi dụng và mượn “con bài” chống tham nhũng để chuyển sang chống phá về tư tưởng và chính trị! 
Hai là, các thế lực thù địch xuyên tạc trên các phương tiện truyền thông xã hội rằng, cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam thực chất chỉ là cuộc thanh trừng, đấu đá nội bộ giữa các phe nhóm tranh giành lợi ích, là chính “ta đánh ta”. Chúng vu cáo Đảng ta chống tham nhũng vượt trên pháp luật; kích động sự trừng phạt, trừng trị, chúng cố tình lấp liếm đi tính nhân văn trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. 
Sự thật là, chống tham nhũng là công việc được Đảng ta coi trọng và thực hiện thường xuyên, nhất là từ khi Đảng trở thành đảng cầm quyền. Trong điều kiện một đảng cầm quyền, không có đảng đối lập, không có nghĩa Đảng có thể tự bằng lòng, chủ quan, duy ý chí, chuyên quyền, độc đoán, không có khả năng nhận ra và sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm của mình... Ngược lại, chiến thắng chính bản thân mình bao giờ cũng là cuộc chiến khó khăn nhất! Và, một đảng “ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”, nên Đảng ta thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn chính mình, đặc biệt tránh tha hóa về quyền lực bởi quan liêu, tham nhũng - một trong bốn nguy cơ ảnh hưởng tới sự tồn vong của chế độ. Nếu dung túng những cán bộ, đảng viên, dù là cán bộ cấp cao, nhưng suy thoái về đạo đức, biến chất, tham ô, tham nhũng thì sẽ làm Đảng suy yếu từ bên trong, làm xói mòn lòng tin của nhân dân. Năm 1950, khi chuẩn y tử hình Đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục Quân nhu, do biển thủ, ăn chặn của công, dù hết sức đau xót, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Một cái ung nhọt, dẫu có đau cũng phải cắt bỏ, không để nó lây lan, nguy hiểm”. Do đó, Đảng ta chống tham nhũng là để thanh lọc, sàng lọc cán bộ, làm trong sạch bộ máy, góp phần giữ sự xác tín chính trị, tính chính đáng và xứng đáng với vai trò lãnh đạo và địa vị cầm quyền của mình, tuyệt nhiên không phải là “thanh trừng nội bộ”, càng không phải là “cuộc đấu đá phe phái”, như luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Ba là, các thế lực thù địch tung thông tin trên không gian mạng hòng lung lạc niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng ta, với những rêu rao rằng, chống tham nhũng ở nước ta như “con thuyền không bến”, là “cuộc chiến nửa vời”, vẫn còn “nhiều vùng cấm”; và rằng, càng kỷ luật, xử lý nhiều cán bộ tham nhũng thì càng làm nhụt đi ý chí của đội ngũ cán bộ, đảng viên, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thủ đoạn này nhằm cố tình bôi đen, phủ nhận những kết quả hết sức tích cực, mang tính bước ngoặt từ công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng ta vừa qua, reo rắc tâm trạng hoài nghi, bi quan, nhất là sự thiếu tin tưởng trong dư luận xã hội, âm mưu chặt đứt cơ sở quan trọng bậc nhất để cuộc đấu tranh chống tham nhũng thành công, đó là niềm tin, sự ủng hộ và cùng vào cuộc của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. 
Người xưa có nói: “Giặc ngoài dễ chống, giặc trong khó phòng”. Chống tham nhũng là công việc khó khăn muôn phần vì đụng chạm tới lợi ích, đến quyền lực, có sự câu kết, tiếp tay, che đậy hết sức tinh vi, phức tạp. Phải thẳng thắn nhìn nhận, có những giai đoạn, chúng ta chống tham nhũng chưa như mong muốn, hiệu quả còn thấp. Nhưng, với quyết tâm chính trị cao, chưa khi nào, công cuộc phòng, chống tham nhũng ở nước ta được thực hiện ráo riết, quyết liệt như hiện nay. Chống tham nhũng không có “vùng cấm”, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, bất luận là ai, kể cả những người bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng hay can thiệp, ngăn cản việc chống tham nhũng. Chúng ta tiến hành chống tham nhũng toàn diện, gắn liền với tăng cường chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán và đã xử lý nhiều cán bộ cao cấp, tổ chức đảng vi phạm, trong đó có cả các đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng; kỷ luật cả cán bộ đương chức và đã nghỉ hưu, cả trong lực lượng vũ trang; làm nghiêm từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài... Lần đầu trong lịch sử tố tụng Việt Nam, một người từng là Ủy viên Bộ Chính trị đã bị cơ quan tiến hành tố tụng truy tố và đưa ra xét xử về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Đây là việc chưa từng có trước đây. Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 35.000 đảng viên vi phạm, trong đó có gần 1.300 đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái; số vụ án lớn được đưa ra xử lý, số cán bộ trung, cao cấp bị xử lý trong 2 năm vừa qua nhiều gấp 3 lần trong 20 năm trước đó; số tiền thu lại được trong 2 năm qua nhiều gấp 40 lần trong 20 năm trước đó. Đây là những con số, minh chứng cho thấy Đảng ta “quyết tâm làm đến cùng” trong cuộc chiến chống tham nhũng, đập tan những luận điệu xuyên tạc rằng ta làm “nửa vời” hay “vẫn còn vùng cấm”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét