Tổng Bí thư Đỗ Mười là một lãnh tụ của Đảng với những công lao to lớn được khẳng định trong thời kỳ đổi mới. Tên tuổi của ông gắn liền với sự nghiệp biến đường lối đổi mới của Đảng ta thành hiện thực.
Tổng Bí thư Đỗ Mười sinh ngày 2-2-1917, tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Ông hoạt động trong phong trào dân chủ từ năm 1936, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1939, bị Pháp bắt và kết án 10 năm tù giam ở Hỏa Lò - Hà Nội. Tháng 3-1945, ông vượt ngục tham gia giành chính quyền tại tỉnh Hà Đông. Từ năm 1946 đến năm 1955, ông lần lượt giữ các chức vụ: Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Đông, Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch ủy ban kháng chiến hành chính Nam Định, Khu ủy viên Liên khu III kiêm Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, phụ trách tỉnh Hòa Bình, Phó Bí thư Liên khu ủy, kiêm Phó Chủ tịch ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu III, Chính ủy Bộ Tư lệnh Liên khu III, rồi Bộ trưởng Bộ Nội thương, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Thủ tướng phụ trách xây dựng rồi Thủ tướng và Tổng Bí thư. Ở cương vị nào ông cũng để lại những dấu ấn không phai mờ. Ở tính cách nhiệt tình, cách làm việc với các cộng sự của mình, ông là Tổng Bí thư trưởng thành từ cơ sở.
Những năm 1970, ông xắn quần lội nước cùng với dân, đi vào các khu vực bị úng lụt, xuống đồng cùng bà con khắc phục khó khăn.
Có thể nói, ông Đỗ Mười là người của thực tiễn, dân chủ và công khai, đó là hai phẩm chất quan trọng của ông. Ngày 2-2-1997, ông tròn 80 tuổi, ông vẫn sung sức, trí tuệ minh mẫn. Một số tiến sĩ khoa học và nhiều tổng giám đốc khi nghe Tổng Bí thư Đỗ Mười giảng bài tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (nay là Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) đã thốt lên: "Có lẽ trí tuệ của Tổng Bí thư Đỗ Mười đã thanh xuân hoá. Trong Ghinét chính trị của chúng tôi ông Đỗ Mười là người tiêu biểu nhất ở tuổi 80 vẫn làm việc và làm việc một cách hết mình".
Do những đóng góp to lớn của ông trong thực tiễn, một số nước ở châu Âu và Nam Á có ý định tặng ông bằng Tiến sĩ danh dự. Ông nói với chúng tôi: "Mình học hành từ thực tiễn, người ta tặng bằng Tiến sĩ mà mình nhận thì dân mình cười cho".
Tiếng nói nhẹ nhàng, thân thương của ông nhắc nhở giới khoa học: Hãy đi vào thực tiễn - bởi bằng cấp chỉ xác nhận quá trình tiếp thu kiến thức của mỗi người, còn thực tiễn mới xác nhận năng lực, tài năng của họ.
Tổng Bí thư Đỗ Mười là một nhà cách mạng lớn. Với ông đoàn kết là mục tiêu lớn nhất của đời ông. Ông đã góp phần làm cho Đảng Cộng sản Việt Nam lớn mạnh ở tiêu chí đoàn kết. Ông thuyết phục mọi người đoàn kết bên nhau tiến lên trong cơ chế thị trường.
Vẫn bộ quần áo đại cán giản dị muôn thuở, chỉ những khi tiếp các đoàn khách nước ngoài, ông mới mặc complê. Bộ complê cho ta thấy cương vị nào, trang phục nào cũng phù hợp với ông. Bởi ông là con người phù hợp với mọi hoàn cảnh.
Trong tiến trình đổi mới, Tổng Bí thư Đỗ Mười cũng là người sáng tạo ra những khẩu hiệu đối ngoại mang đậm bản sắc dân tộc như: "Việt Nam sẵn sàng là bạn với tất cả các nước"...
Người "nhạc trưởng" ấy đã mở ra thời kỳ mới cho đối ngoại Việt Nam, làm cho Việt Nam rực sáng trên trường quốc tế. Mỹ buộc phải xóa bỏ cấm vận Việt Nam chính là bởi sự đổi mới của Đảng ta.
Đối với văn nghệ sĩ và các nhà khoa học trí thức, ông chân tình gặp gỡ họ, tháo gỡ những thắc mắc, khó khăn cho họ như một người anh em chí tình, chí nghĩa... Ông đối thoại với họ, uốn nắn những quanh co, uẩn khúc trong họ, làm cho họ hiểu và yêu thêm đường lối đổi mới của Đảng ta. Tổng Bí thư Đỗ Mười là người rất quan tâm tới khoa học xã hội. Ngoài việc bố trí cán bộ chủ chốt, ông còn dành nhiều thời gian làm việc với các nhà khoa học, lắng nghe ý kiến của họ đóng góp, xây dựng những luận điểm quan trọng những chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông được giới khoa học nói chung, đặc biệt là khoa học xã hội yêu mến, tin tương và ngưỡng mộ.
Những ngày làm việc với dân, đối thoại với dân ở Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội ông đã hiểu hết những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, giải đáp thắc mắc cho họ, đồng thời có những phương sách cụ thể để củng cố chính quyền cơ sở, phường, xã. Hiểu rõ sức mạnh vĩ đại của nhân dân, ông đã thực sự đến với nhân dân, đối thoại với nhân dân. Công việc này không phải ai cũng làm được, bởi vì phải có một trình độ, một lòng yêu mến nhân dân vô bờ mới dám đối thoại cùng nhân dân, cùng nhân dân bàn bạc chính sự.
Tổng Bí thư Đỗ Mười cũng là người đến Quốc Tử Giám thắp nén tâm nhang khẩn cầu cho nền học vấn nước nhà phát triển. Tôn trọng tự do tín ngưỡng của các tôn giáo Việt Nam, ông đã đối thoại cùng các giáo dân tìm ra con đường ngắn nhất kết hợp yêu nước, yêu đời và yêu đạo.
Những tác phẩm của ông được xuất bản trong 10 năm gần đây khẳng định thắng lợi của công cuộc đổi mới khẳng định con đường đi tới tương lai của Việt Nam là đúng đắn, không có một kẻ thù nào có thể đảo ngược được. Các bạn Cuba, Lào, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên đến khảo sát, học tập những bài học đổi mới của Việt Nam, một lần nữa khẳng định công lao của Tổng Bí thư Đỗ Mười.
Tám mươi năm đã qua, cuộc đời của Tổng Bí thư Đỗ Mười là một trong những nhà đổi mới hàng đầu của nước ta, một nhà cách mạng không ngừng cống hiến cho sự nghiệp của nhân dân Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Đỗ Mười là nhà nhân đạo lớn một người đêm khiết, chí công vô tư mang đầy đủ bản sắc Việt Nam.
Cuộc đời của ông mãi mãi giúp cho chúng ta hiểu sâu sắc hơn những giá trị nhân bản của dân tộc ta, để chúng ta có được những bài học sáng giá cho hôm nay và cho mai sau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét