Đại tá Đào Giang Hải - Chính ủy Lữ đoàn 146 (Vùng 4, Quân chủng Hải quân) đánh giá, trong những năm qua, báo chí đã góp phần củng cố sức mạnh ý chí tinh thần của bộ đội ở Trường Sa. Báo chí đã đưa Trường Sa gần đất liền hơn, giúp đồng bào cả nước hiểu hơn về Trường Sa.
Cuối tháng 5 vừa qua, Lữ đoàn 146 thuộc Vùng 4 (Quân chủng Hải quân) đã đưa hơn 100 thân nhân là bố, mẹ, vợ của các cán bộ, chiến sĩ đang công tác, rèn luyện trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) ra thăm người thân của mình. Trong chuyến đi này, đoàn công tác đã ghé thăm các đảo, điểm đảo phía Bắc thuộc quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa).
Phóng viên báo Dân trí đã đồng hành cùng chuyến đi trên và ngay khi kết thúc đã có cuộc trao đổi với Đại tá Đào Giang Hải, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn 146 (Vùng 4, Quân chủng Hải quân, Trưởng đoàn công tác của chuyến đi) về vai trò của báo chí trong việc tuyên truyền về chủ quyền của quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2019).
Đại tá Hải cho biết, trong chuyến đi công tác lần này có sự đồng hành của các cơ quan thông tấn báo chí, chính vì vậy, Chỉ huy hành quân, Đảng ủy Chỉ huy Lữ đoàn 146 đã xác định cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho báo chí tác nghiệp nhằm phản ánh hành trình của chuyến đi, phản ánh chuyến tàu yêu thương từ đất liền đến với cán bộ, chiến sĩ ở đảo là trách nhiệm và là quyết tâm của đơn vị sẽ thực hiện.
"Với các lịch trình bố trí cụ thể, khoa học, bằng quyết tâm phối hợp chỉ đạo của đơn vị, cơ quan điều hành, đến giờ này có thể khẳng định chuyến đi của chúng ta đã thành công. Sự thành công của chuyến đi này có phần đóng góp rất quan trọng của cơ quan báo chí đồng hành cùng chuyến đi" - Đại tá Hải đánh giá và mong muốn, các cơ quan báo chí không chỉ phản ánh hoạt động của chuyến đi mà sau chuyến đi, ông tin rằng tình cảm của chuyến tàu yêu thương sẽ lan tỏa đến đồng bào và chiến sĩ cả nước, thông qua đó sẽ "hiểu về Trường Sa hơn, thương nhớ Trường Sa hơn, gắn bó với Trường Sa hơn". Đó chính là nguồn gốc sức mạnh tinh thần, tạo nên ý chí quyết tâm chiến đấu của bộ đội Trường Sa để giữ vững chắc biển đảo quê hương của Tổ quốc.
Vị Chính ủy Lữ đoàn 146 chia sẻ thêm, mong muốn của cán bộ chiến sĩ Trường Sa nói chung đối với báo chí, đó là phản ánh trung thực, rõ nét nhất về sự cố gắng, sức mạnh ý chí tinh thần mà bộ đội Trường Sa đang phải cố gắng vượt qua; phản ánh tình yêu quê hương biển đảo không chỉ của chiến sĩ Hải quân mà còn của các tầng lớp nhân dân khác đối với chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Thông qua việc tuyên truyền này để nhân lên sức mạnh về ý chí tinh thần.
"Ngoài ra, chúng tôi rất mong báo chí, cơ quan truyền thông sẽ đến nhiều hơn với Trường Sa để phản ánh rõ nét về cuộc sống, tình cảm, về đời sống hậu phương quân đội, hoàn cảnh khó khăn, những tấm gương vượt khó, những gương điển hình để góp phần động viên quân và dân Trường Sa vững vàng hơn, sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn thử thách để thực hiện nhiệm vụ giữ vững biển đảo của Tổ quốc" - Đại tá Hải trải lòng.
Theo Đại tá Hải, trong những năm qua, báo chí đã góp phần củng cố sức mạnh ý chí tinh thần của bộ đội ở Trường Sa. Chỉ có thông qua việc tuyên truyền của báo chí mới đưa Trường Sa về gần hơn với đất liền, giúp đồng bào ta hiểu thêm cuộc sống ở Trường Sa, biết chia sẻ khó khăn của bộ đội Trường Sa. Thông qua báo chí, sự ủng hộ về vật chất, tinh thần của đồng bào, chiến sĩ cả nước mới đến với Trường Sa một cách nhanh nhất, tạo hiệu quả thiết thực nhất.
"Nhân dịp Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, cho phép tôi được thay mặt cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Trường Sa gửi lời cảm ơn chân thành tới cơ quan báo chí, các nhà báo đã đồng hành cùng chúng tôi trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc" - Đại tá Hải nói.
Nguyễn Dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét