Là người tổ chức, giáo dục, rèn luyện Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm, chăm lo xây dựng Quân đội ta vững mạnh về mọi mặt, trước hết vững mạnh về chính trị. Từ rất sớm, tháng 12 năm 1944 trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân củaQuân đội nhân dân Việt Nam hiện nay), tại điểm 1, Người khẳng định: “Tên ĐỘI VIỆT NAM TUYÊN TRUYỀN GIẢI PHÓNG QUÂN nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự” [1] - Tư duy đặc sắc này là di sản quân sự vô giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho toàn Đảng, toàn quân ta.
Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên Phong tại Đền Giếng. Ảnh tư liệu
Xây dựng quân đội - Một quân đội nhân dân thật mạnh
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra việc xây dựng quân đội phải theo nguyên tắc “Quân sự phục tùng chính trị”
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, quân đội xét về bản chất, bao giờ cũng là công cụ bạo lực của một giai cấp, nhà nước nhất định nhằm bảo vệ lợi ích căn bản của giai cấp, nhà nước đã tổ chức ra nó. Quân đội luôn xuất hiện, tồn tại gắn liền với chính trị, bị chi phối bởi chính trị, là công cụ thực hiện mục đích chính trị. Chính trị quy định bản chất, chức năng, nhiệm vụ, các mối quan hệ cơ bản của quân đội với giai cấp, với chế độ xã hội, với nhân dân, với dân tộc. Quân đội bao giờ cũng gắn chặt với giai cấp, nhà nước đã sinh ra nó, mang bản chất giai cấp sâu sắc. Không có và không thể có quân đội “phi giai cấp” hoặc “siêu giai cấp”, quân đội “phi chính trị” hoặc “đứng ngoài chính trị”. Chính trị của quân đội tuy tương đối ổn định nhưng cũng có sự vận động, chuyển hóa theo những chiều hướng khác nhau.
Hồ Chí Minh cho rằng, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị là nguyên tắc căn bản, là điều kiện tiên quyết trong xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng, là cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của quân đội. Vì vậy, ngày 25 tháng 10 năm 1951, trong “Bài nói chuyện tại trường Chính trị trung cấp Quân đội” (nay là Học viện Chính trị), Người khẳng định: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại” [2].
Chính trị của quân đội vận động phụ thuộc vào điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan. Điều kiện khách quan là lợi ích cơ bản của giai cấp, nhà nước tổ chức ra quân đội. Nhân tố chủ quan là hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn tuyên truyền, giáo dục mục tiêu lý tưởng chiến đấu, xây dựng đội ngũ sĩ quan, ban hành các chính sách, pháp luật của giai cấp, nhà nước; là bản lĩnh, trình độ tổ chức của giai cấp, nhà nước trong phòng, chống những âm mưu, hành động phá hoại của kẻ thù nhằm làm suy giảm lòng trung thành, sức mạnh chiến đấu của quân đội. Nhân tố cơ bản quyết định bản chất chính trị của quân đội là quyền lãnh đạo, hiệu lực lãnh đạo của giai cấp cầm quyền đối với quân đội.
Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội cách mạng, do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, tổ chức, lãnh đạo, rèn luyện nhằm thực hiện mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc Việt Nam. Do đó, chính trị của Quân đội nhân dân Việt Nam là chính trị của Đảng, mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc. Biểu hiện rõ nhất tính chính trị trong quân đội theo Người đó là: “Riêng về các chú, chính trị biểu hiện ra trong lúc đánh giặc. Học chính cương, chính sách rồi thì phải thực hiện. Nếu thuộc lầu mà không biết đánh giặc thì vô dụng. Cho nên các chú phải học tư tưởng chiến lược, chiến thuật, học cách dạy bộ đội đánh giặc, học phương pháp chỉ huy chiến đấu, v.v..” [3].
Hồ Chí Minh chỉ ra mục đích xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị, là nhằm không ngừng củng cố, tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc của quân đội; làm cho quân đội luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc, nhân dân, “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống. Trong tác phẩm “Thường thức chính trị, Người khẳng định phải: “Xây dựng quân đội - Một quân đội nhân dân thật mạnh, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân và của Đảng. Quân đội ta phải được trang bị đầy đủ, phải học tập nhiều để tiến bộ mãi về mặt kỹ thuật. Phải luôn tăng cường công tác chính trị để bảo đảm là quân đội cách mạng, quân đội quyết chiến quyết thắng” [4].
Nội dung xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị
Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị là yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng, là quan điểm mang tính nguyên tắc định hướng tư tưởng, thiết chế, tổ chức chính trị và hoạt động chính trị của quân đội; của quá trình xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần; phát huy nhân tố con người trong quân đội và ở việc định hướng xây dựng quân đội vững mạnh toàn diện. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị có nội dung toàn diện, trong đó tập trung vào những nội dung cơ bản sau:
Một là, xây dựng nền tảng tư tưởng và củng cố, tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc của quân đội. Đây là nội dung cơ bản, cốt lõi nhất trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị. Do đó, cần làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, Cương lĩnh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thấm sâu vào đời sống tinh thần và trở thành kim chỉ nam trong nhận thức, hành động của mọi tổ chức, cá nhân trong quân đội. Bởi vì,Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục. Cán bộ và chiến sĩ phải luôn luôn khiêm tốn, luôn luôn cố gắng hơn nữa. Phải phát huy bản chất và truyền thống cách mạng” [5].
Về bản chất, quân đội ta là quân đội của dân, do dân, vì dân. Vì vậy, phải luôn đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân, có thái độ chính trị đúng đắn trước những mối quan hệ chính trị cơ bản: Với nhân dân, Quân đội ta là người phục vụ trung thành, cùng nhân dân bảo vệ độc lập chủ quyền, chế độ xã hội, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ tính mạng, tài sản và quyền làm chủ của nhân dân. Với đất nước, Quân đội ta là công cụ để bảo vệ độc lập thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ sự bình đẳng và đoàn kết giữa các dân tộc, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc… Với bầu bạn, Quân đội ta thấm nhuần tinh thần quốc tế vô sản, ủng hộ sự nghiệp đấu tranh cho độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội và hòa bình thế giới. Với nội bộ, thực hiện toàn quân một ý chí, kỷ luật nghiêm minh, dân chủ, bình đẳng về chính trị. Tóm lại, theo Người: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” [6].
Hai là, xây dựng hệ thống các tổ chức trong Quân đội nhân dân Việt Nam (tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy, tổ chức quần chúng, hệ thống cơ quan chức năng) vững mạnh về chính trị. Các tổ chức trong quân đội được xây dựng, kiện toàn trên cơ sở đúng nguyên tắc, quan điểm, đường lối của Đảng, bảo đảm tinh gọn, hoạt động đúng chức năng và có hiệu quả. Về tổ chức quân đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Phải có tổ chức vững chắc và nghiêm mật” [7], “nếu không có tổ chức thì không phải một đội quân cách mạng” [8], kết cục sẽ rơi vào tình trạng vô chính phủ và tan rã. Người chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, xác định đúng đắn mối quan hệ giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ.
Vận dụng sáng tạo nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng vào xây dựng quân đội cách mạng, Người nêu rõ có tổ chức mạnh mới có con người mạnh. Con người mạnh làm cho tổ chức mạnh, Đảng bộ trong quân đội làm nòng cốt và hạt nhân lãnh đạo, vừa có hệ thống lãnh đạo, vừa có hệ thống chỉ huy, xác định rõ lãnh đạo là tập thể, chỉ huy là trách nhiệm cá nhân. Quân đội phải có kỷ luật sắt “quân lệnh như sơn” [9] đi đôi với thực hiện dân chủ, phê bình, tự phê bình từ dưới lên, chống quan liêu, quân phiệt, độc đoán, chống tự do vô kỷ luật và tiến lên chính quy. Vì thế Người căn dặn: “Nhiệm vụ của quân đội hiện nay là phải cố gắng tiến lên chính quy. Đây là nhiệm vụ mới. Không nên vì hòa bình mà xao lãng học tập. Các cô các chú cần học gì? Cần học chính trị để nắm vững chính sách của Đảng và Chính phủ, để đi đúng đường lối của nhân dân. Phải học tập kỹ thuật vì kỹ thuật ngày càng tiến bộ, mình cũng phải học để tiến bộ. Muốn cho bộ đội ta hùng mạnh và nhất định bộ đội ta phải hùng mạnh, chúng ta phải cố gắng học tập chính trị và kỹ thuật để tiến lên chính quy” [10].
Ba là, xây dựng, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng chính trị của đội ngũ cán bộ và các lực lượng khác trong quân đội. Chiến lược “trồng người” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo nên một đội ngũ cán bộ quân đội trung thành, có trí tuệ, đáp ứng yêu cầu khắc nghiệt của đấu tranh và mọi thử thách của cách mạng. Đối với cán bộ trong quân đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải có các phẩm chất: “Trí, Dũng, Liêm, Trung”. Người đặt “Trí” lên hàng đầu. Theo Bác, cán bộ quân sự trước hết phải là người có trí tuệ, không ngừng trau dồi tri thức, nâng cao trí tuệ, mới hoàn thành nhiệm vụ. Người cán bộ phải có giác ngộ chính trị hơn quần chúng, vì vậy phải có trình độ hiểu biết về chủ nghĩa Mác - Lênin, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học kỹ thuật quân sự; nắm vững đường lối chính sách của Đảng mới tự giác phấn đấu theo đường lối cách mạng mà Đảng đã vạch ra, có niềm tin thắng lợi, dựa vào căn cứ khoa học, có lý luận để thuyết phục quần chúng, có khả năng tổng kết thực tiễn, phát huy sức sáng tạo của quần chúng để góp phần cụ thể hóa, bổ sung đường lối, chủ trương của Đảng.Vì vậy, Người căn dặn: “Từ nay, để đưa kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công, Quân đội nhân dân ta phải: - Ra sức thi đua diệt giặc lập công. - Ra sức giúp đỡ đồng bào nông dân thực hiện chính sách ruộng đất của Đảng và của Chính phủ. - Cố gắng học tập chính trị và quân sự để tiến bộ mãi, để xứng đáng là quân đội cách mạng của nhân dân” [11].
Người yêu cầu đội ngũ cán bộ phải có kiến thức toàn diện về quân sự, văn hóa, kỹ thuật, khoa học nghệ thuật quân sự; nắm chắc lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều lệnh, điều lệ và các chế độ quy định của quân đội; nắm chắc các nguyên tắc; có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; có tinh thần đoàn kết, dân chủ, thương yêu, giúp đỡ đồng chí, đồng bào; có tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình; có lối sống giản dị, gần gũi; không quan liêu tham nhũng, lãng phí; có ý thức tổ chức kỷ luật cao, có phong cách làm việc khoa học, tôn trọng tập thể, gắn bó mật thiết với nhân dân. Vì vậy, Người căn dặn: “Trước kia, các chú đã thi đua giết giặc lập công; ngày nay, các chú phải thi đua xây dựng Quân đội nhân dân hùng mạnh, làm hậu thuẫn mạnh mẽ cho cuộc đấu tranh củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước. Tức là phải ra sức luyện tập quân sự, học tập chính trị, nghiêm túc chấp hành mệnh lệnh, triệt để thực hiện chính sách, làm trọn mọi nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ đã giao cho” [12].
Các lực lượng khác trong quân đội, bao gồm: Chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng phải được rà soát, sắp xếp biên chế một cách khoa học; không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo cả về chuyên môn và năng lực quản lý; tích cực giáo dục thái độ lao động, tác phong làm việc khẩn trương, khoa học, lao động có kỹ thuật, có kỷ luật, tự giác, sáng tạo; chống tư tưởng làm bừa, làm ẩu, lãng phí, thiếu tinh thần trách nhiệm, năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động thấp; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và môi trường làm việc của các lực lượng này để: “Quân nhân phải biết võ, phải biết văn, võ là như tay phải, văn là như tay trái của quân nhân. Biết võ, biết văn, mới là quân nhân hoàn toàn. Muốn biết thì phải thi đua học. Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm” [13].
Phải tăng cường giáo dục chính trị - tư tưởng trong Quân đội. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đây là nội dung căn bản để xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, trong bài “Tình hình và nhiệm vụ” (Báo cáo tại Hội nghị lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa II), Mục 3, Người yêu cầu: “Chấn chỉnh quân đội: Muốn cho quân đội ta quyết chiến quyết thắng hơn nữa thì phải săn sóc đời sống vật chất của họ, nâng cao trình độ chiến thuật và kỹ thuật của họ, nhất là giáo dục chính trị, làm cho có lậptrường vững chắc, lập trường quân đội của nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo. Trong việc chỉnh huấn bộ đội, phải lấy chính trị làm gốc, phải khởi đầu từ cán bộ dần dần đến toàn thể nhân viên. Phải chú trọng bồi dưỡng và cất nhắc cán bộ công nông. Phải làm cho quân đội ta trở nên thật là một quân đội cách mạng của nhân dân, một quân đội vô địch” [14].
Theo Người, công tác chính trị - tư tưởng, làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin trở thành nền tảng, tư tưởng trong đời sống tinh thần của bộ đội; làm cho chủ trương, đường lối của Đảng, của Chính phủ được thấu suốt từ trên xuống dưới; xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của bộ đội thực sự tốt đẹp, lành mạnh, phong phú: “Để thực hiện tốt những nhiệm vụ đó thì phải làm những gì? - Phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội, - Phải tăng cường giáo dục chính trị để nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa cho toàn quân” [15].
Bốn là, xây dựng các mối quan hệ chính trị - xã hội của quân đội thực sự dân chủ, đoàn kết và kỷ luật. Quan hệ trong nội bộ quân đội, bao gồm: Quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới, quan hệ đồng chí đồng đội, quan hệ cá nhân với tổ chức, quan hệ giữa lãnh đạo, chỉ huy với phục tùng. Các quan hệ này, được xây dựng trên cơ sở giác ngộ sâu sắc mục tiêu, lý tưởng, nhiệm vụ cách mạng; những quy định của Điều lệnh, điều lệ, kỷ luật tự giác, nghiêm minh và trên nền tảng tình đồng chí, đồng đội, luôn sát cánh, đồng cam cộng khổ, giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ: “Bởi vì đoàn kết chặt chẽ thì khó khăn gì chúng ta cũng vượt qua được, việc gì to lớn chúng ta cũng làm xong. Vì vậy các đồng chí phải biết, phải nhớ và phải làm. Bây giờ về sau, chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ hơn nữa. Đoàn kết giữa cán bộ cũ và mới, trong Đảng và ngoài Đảng, cấp trên và cấp dưới, nói ngược lại cấp dưới với cấp trên cũng phải đoàn kết chặt chẽ” [16].
Quan hệ giữa quân đội với nhân dân, là quan hệ nền tảng, cội nguồn sức mạnh của quân đội: “Cán bộ và chiến sĩ thương yêu nhau như ruột thịt, chia ngọt sẻ bùi. Quân và dân như cá với nước, đoàn kết một lòng, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau” [17]. Vì vậy, cần làm mọi cán bộ, chiến sĩ quân đội hiểu rõ nhân dân là cội nguồn sức mạnh của quân đội; kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ Đảng, Nhà nước, quân đội với nhân dân; luôn tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc và dân tộc. Vì thế trong bài viết “Tình đoàn kết quân dân ngày thêm bền chặt”, một mặt, Người căn dặn Quân đội ta: “Quân đội ta là quân đội nhân dân. Nghĩa là con em ruột thịt của nhân dân. Đánh giặc để tranh lại độc lập thống nhất cho Tổ quốc, để bảo vệ tự do hạnh phúc của nhân dân. Ngoài lợi ích của nhân dân, quân đội ta không có lợi ích nào khác” [18]. Và Người giải thích cặn kẽ hơn: “Quân đội ta biết rằng: Cơm quân đội ăn, áo quân đội mặc, vũ khí quân đội dùng, đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân tăng gia sản xuất, đóng thuế nông nghiệp mà có. Nhân dân thức khuya dậy sớm, ăn gió nằm sương, để đắp đường sửa cầu cho bộ đội đi. Nhân dân không quản trèo đèo lội suối, không quản khó nhọc gian lao, để chuyên chở súng đạn cho bộ đội đánh giặc” [19].
Mặt khác, Người cũng giải thích cho nhân dân: “Về phía nhân dân thì ai cũng biết rằng: Có quân đội đánh giặc và giữ làng giữ nước, mình mới được yên ổn làm ăn, Tổ quốc mới được thống nhất, độc lập. Trong công cuộc kháng chiến cứu nước, nhân dân hy sinh là hy sinh một phần của cải và thời giờ. Của cải hết, có thể lại làm ra; thời giờ qua, thời giờ lại đến. Nhưng bộ đội hy sinh là hy sinh xương máu, có khi hy sinh cả tính mệnh. Cụt chân gẫy tay, chân tay không thể mọc lại; người chết không thể sống lại. Đó là một sự hy sinh tuyệt đối” [20].
Quan hệ giữa quân đội với nhân dân và quân đội các nước trên thế giới, là vấn đề thuộc về bản chất giai cấp, thể hiện sâu sắc tinh thần quốc tế cao cả của quân đội cách mạng. Do đó, Quân đội ta cần tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với nhân dân và quân đội các nước trong giữ gìn hòa bình, an ninh khu vực và thế giới trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế; xây dựng quân đội và thực hiện nhiệm vụ quốc tế mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao cho.Trên tinh thần “giúp bạn là tự giúp mình”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh:“Quân đội ta có tinh thần yêu nước chân chính, lại có tinh thần quốc tế vô sản cao cả, luôn luôn đoàn kết với nhân dân và quân đội các nước xã hội chủ nghĩa anh em, với nhân dân các nước đang đấu tranh giải phóng dân tộc và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới” [21].
Như vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng quân đội là xây dựng tất cả các mặt, các nội dung cấu thành sức mạnh chiến đấu của quân đội, không được coi nhẹ một nội dung nào, trong đó phải lấy xây dựng quân đội về chính trị làm cơ sở. Đây là vấn đề rất cơ bản trong xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân, quân đội của dân, do dân và vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Xây dựng quân đội về chính trị không những nhằm trực tiếp xây dựng sức mạnh chính trị - tinh thần, sức mạnh cơ bản của quân đội ta, mà còn là tạo cơ sở xây dựng quân đội ta trên các mặt khác; làm cho quân đội tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, đồng thời đủ sức làm tròn phận sự trung thành, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống, bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Kiên quyết đập tan âm mưu thủ đoạn “Phi chính trị hóa” Quân đội ta
Hiện nay, “Phi chính trị hóa” Quân đội ta là một âm mưu cực kỳ nham hiểm, là một mũi nhọn trong tổng thể chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng nước ta của các thế lực thù địch. “Phi chính trị hóa” quân đội tuyệt nhiên không phải là làm cho quân đội ta “không chính trị”, “trung lập”, “đứng ngoài chính trị” trong các cuộc đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp như chúng vẫn thường rêu rao, lừa phỉnh, hoặc như những nhận thức mơ hồ của một số người, mà thực chất đó là nhằm phá hủy chính trị vô sản của Quân đội ta, là lái chính trị của Quân đội ta trượt sang chính trị khác - chính trị tư sản, làm cho Quân đội nhân dân Việt Nam không còn là quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân, của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân nữa.
Trong thực tiễn, các thế lực thù địch dùng nhiều ngón đòn và các chiêu thức khác nhau, với nhiều giọng điệu khác nhau, khi thì đứng hẳn về phía đối lập ra sức và trực diện chống phá, khi thì như là “người trong cuộc” thể hiện “thiện chí”, “tâm huyết” của mình đối với sự nghiệp xây dựng quân đội, cố gắng “khuyên nhủ” chúng ta phải thế này, thế nọ. Trong những năm gần đây, các thế lực thù địch ra sức rêu rao quan điểm: quân đội “chỉ là của quốc gia, dân tộc, không cần đặt dưới sự lãnh đạo của đảng phái nào, lực lượng chính trị nào” [22]. Để nhấn mạnh thêm các luận điểm trên, chúng còn đặt vấn đề quân đội ta cần phải tuyệt đối trung thành với lợi ích của quốc gia dân tộc, đề cao khẩu hiệu “Tổ quốc trên hết”, “vì quốc gia dân tộc”, “vì nhân dân” trong mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của quân đội. Chúng tỏ ra “thiện chí” kiên trì “khuyên nhủ” chúng ta cần phải thực hiện “chuyên nghiệp hóa” quân đội càng sớm càng tốt [23]; rằng, Việt Nam cần phải nhìn vào quân đội của các nước khác mà noi theo, cần phải “học tập kinh nghiệm xây dựng lực lượng vũ trang theo mô hình của quân đội tư sản” [24]…
Cốt lõi trong âm mưu, thủ đoạn chống phá Quân đội ta của các thế lực thù địch là chống phá về chính trị, là đánh vào cái “gốc” chính trị của quân đội - chính trị của Đảng của giai cấp công nhân. Chúng tập trung công kích, phá hoại những vấn đề rất cơ bản của Quân đội ta. Đó là: thứ nhất, phá hoại nền tảng tư tưởng của quân đội; thứ hai,phủ định sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội; thứ ba, xuyên tạc, phủ định mục tiêu, lý tưởng và bản chất, truyền thống của Quân đội ta; thứ tư, phá hoại mối quan hệ mật thiết giữa quân đội với nhân dân; thứ năm, lôi kéo Quân đội ta tham gia liên minh quân sự, phá hoại tình đoàn kết quốc tế và khống chế các mối quan hệ hợp tác giữa Quân đội ta với quân đội các nước. Vì thế, đấu tranh phòng, chống âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội ta thực sự là một yêu cầu, một nội dung đặc biệt quan trọng và cấp thiết trong quá trình xây dựng quân đội ta về chính trị.
Do đó, việc quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị là vừa là nhiệm vụ cấp bách trước mắt, vừa là vấn đề chiến lược lâu dài nhằm xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam thực sự mạnh, phải có “thực lực mạnh” như tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI của Đảng, có khả năng “giữ nước từ khi nước chưa nguy”; “ngăn ngừa, loại bỏ các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa” [25] và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng: “Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng; vững mạnh về chính trị, nâng cao chất lượng tổng hợp sức mạnh chiến đấu, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân” [26]; làm thất bại mọi âm mưu và hành động phá hoại của các thế lực thù địch, âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” quân đội ta của chúng; đặc biệt có khả năng giành thắng lợi trong điều kiện kẻ thù liều lĩnh tiến hành chiến tranh xâm lược có sử dụng vũ khí công nghệ cao đối với nước ta, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội./.
Theo Trang Thông tin điện tử Hồ Chí Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét