Trên suốt chặng đường xây dựng, chiến đấu và chiến thắng vẻ vang, Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, được nhân dân hết lòng đùm bọc, nuôi dưỡng đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh về mọi mặt, cùng toàn dân đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam. Hơn 70 năm qua, quân đội ta luôn nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống và phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, xứng đáng với lời khen ngợi của Bác “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”[2]. Bài viết này góp phần tiếp tục khẳng định vai trò của quân đội trong giai đoạn cách mạng mới, đấu tranh chống lại luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch đang ra sức chống phá nhằm hạ thấp vai trò, phủ nhận công lao của quân đội trong chiến tranh giải phóng, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đòi phi chính trị hóa quân đội…
Trong cuộc đấu tranh lâu dài và anh dũng của dân tộc, lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã một lòng, một dạ chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Cán bộ, chiến sĩ trong quân đội ta được toàn dân yêu mến, đùm bọc, chở che, nhân dân khâm phục và khen tặng người chiến sĩ danh hiệu cao quý: “Bộ đội Cụ Hồ”. Danh hiệu đó vừa hết sức bình dị, vừa gần gũi thân thương. Và chỉ có quân đội cách mạng, hết lòng vì dân mới được nhân dân tin yêu, trìu mến đến vậy! Hiếm có đất nước nào, dân tộc nào mà hình ảnh người lính lại được toàn dân coi đó là hình mẫu của con người trong cả một thời đại. Một hình ảnh tạo được lòng tin yêu, sự quý trọng, có sức động viên mọi thế hệ con cháu kế tiếp noi theo gương sáng của người lính như “Bộ đội Cụ Hồ” của dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị tổng tư lệnh tối cao của cách mạng đã luôn chăm lo, dìu dắt từng bước đi của QĐNDVN từ khi thành lập cho đến lúc trưởng thành. Người đã cùng bộ đội đi chiến dịch, chia bùi, sẻ ngọt với các chiến sĩ. Người luôn dạy bộ đội ta “thắng không kiêu, bại không nản”[3], “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy lực không thể khuất phục”[4]đoàn kết thương yêu gắn bó hết lòng phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Chính sự ân cần và tình thương yêu bao la của Bác, tấm gương sáng và phong cách của Người đã khắc sâu trong tâm trí các thế hệ chiến sĩ và đã truyền cho họ một sức mạnh phi thường, một niềm tin sắt đá để luôn luôn giương cao ngọn cờ “Quyết chiến, quyết thắng”, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”.
1. Hình ảnh cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” trước hết là ở lòng trung thành vô hạn của quân đội ta với Đảng, với nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Quân đội ta là quân đội nhân dân, do dân đẻ ra, vì dân mà chiến đấu”. Quân đội ta “trung với nước, hiếu với dân là một bổn phận thiêng liêng, một trách nhiệm nặng nề, nhưng cũng là vinh dự của người chiến sĩ trong đạo quân quốc gia đầu tiên của nước ta”[5].
Vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì lý tưởng xã hội chủ nghĩa là mục tiêu chiến đấu của QĐNDVN. Mục tiêu chiến đấu đó hoàn toàn thống nhất với mục tiêu cách mạng của Đảng, của toàn dân ta. Bản chất của QĐNDVN là bản chất cách mạng triệt để của giai cấp công nhân. QĐNDVN còn mang dòng máu truyền thống chống ngoại xâm kiên cường, bất khuất của dân tộc. Hơn bảy thập kỷ xây dựng và trưởng thành, lịch sử của quân đội ta là lịch sử chiến đấu không ngừng, không nghỉ trong những thử thách vô cùng gian khổ, ác liệt. Sự kiên định lý tưởng, nắm vững mục tiêu chiến đấu và niềm tin sâu sắc vào thắng lợi của cách mạng đã cổ vũ quân đội ta luôn luôn nêu cao ý chí quyết chiến, quyết thắng, động viên mọi thế hệ cán bộ, chiến sĩ nêu cao tấm gương hy sinh chiến đấu vì lý tưởng cách mạng cao cả. Đất nước luôn luôn phải chịu họa ngoại xâm. Hình ảnh người lính đồng nghĩa với sự thử thách ác liệt, với hy sinh, gian khổ, thiếu thốn mà ở đâu và lúc nào, thời chiến cũng như thời bình, người lính luôn luôn là lớp người đứng ở hàng đầu những mũi nhọn ác liệt nhất của cuộc sống.
Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của QĐNDVN chiến đấu với lý tưởng mang lại độc lập tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân, vì thế họ không quản ngại gian khổ, khó khăn, không mảy may toan tính riêng tư, không khuất phục trước kẻ thù, một lòng tin tưởng ở tương lai tất thắng của cách mạng. Lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, niềm tin son sắt vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng là cội nguồn ý chí và tinh thần sẵn sàng hy sinh, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của “Bộ đội Cụ Hồ”.
Những năm gần đây, tình hình quốc tế và khu vực có nhiều biến động, phức tạp và khó lường. Hơn lúc nào hết, cán bộ chiến sĩ QĐNDVN thể hiện rõ phẩm chất chính trị của mình là trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, sẵn sàng chiến đấu vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Lòng trung thành vô hạn đó được thể hiện rõ ở sự kiên định về lập trường chính trị, kiên định con đường cách mạng và mục tiêu chiến đấu, kiên trì chấp hành và cụ thể hóa đường lối quân sự của Đảng, xứng đáng là lực lượng nòng cốt cùng toàn dân làm thất bại mọi âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, quyết tâm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
2. Xây dựng nên hình ảnh cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” còn bởi một truyền thống tốt đẹp của quân đội ta, đó là tình đoàn kết quân dân, “quân với dân như cá với nước”, là sự gắn bó chan hòa máu thịt như những người con trong một gia đình. Quân dựa vào dân và dân cũng dựa vào quân trong mối quan hệ quân dân một ý chí. Bác Hồ từng dạy: “Cuộc kháng chiến của ta là của toàn dân, phải động viên nhân dân, vũ trang nhân dân”[6], “đoàn kết toàn dân”[7]. “Nhân dân là nền tảng, là cha mẹ”, “quân đội ta là quân đội nhân dân, do dân đẻ ra, vì nhân dân mà chiến đấu”[8], nên phải kính trọng nhân dân, “phải làm sao cho dân tin, dân phục, dân yêu....khi mình chưa đến thì dân trông mong, khi mình đến thì dân giúp đỡ, khi mình đi nơi khác thì dân luyến tiếc”[9]. Quân dân một lòng, thì kháng chiến chắc chắn thắng lợi, kiến quốc nhất định thành công.
Hồ Chí Minh đã lãnh đạo, rèn luyện và xây dựng quân đội ta thành một quân đội luôn gắn bó với dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Quân đội không những đánh giặc giỏi, mà còn phải biết làm công tác dân vận giỏi, sản xuất giỏi. Phải luôn luôn “dựa vào dân” vì “có dân là có tất cả”. Sức mạnh của quân đội ta có được là từ nhân dân tạo ra, không có tấm lòng bao la, trời biển của dân thì không thể có sức mạnh phi thường của người lính; sức mạnh của lực lượng vũ trang ba thứ quân kết hợp với sức mạnh toàn dân tạo nên sức mạnh to lớn để chiến thắng mọi kẻ thù.
Quân đội của dân, chiến đấu vì dân, quan hệ với dân như “cá với nước” là một nội dung quan trọng thuộc về bản chất của quân đội kiểu mới, quân đội của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Đó là biểu tượng sáng ngời của truyền thống đoàn kết toàn dân, làm nên phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.
Suốt hơn 70 năm qua, từ lúc mới ra đời cho đến khi trưởng thành, mọi thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã thực hiện tốt quan hệ quân dân, coi giữ gìn vun đắp tình quân dân cá nước như lời thề của trái tim mình. Bất khuất trước kẻ thù bao nhiêu, “Bộ đội Cụ Hồ” càng trở nên gần gũi, quý trọng, thương yêu và hết lòng hết dạ tận tụy phục vụ, giúp đỡ nhân dân bấy nhiêu. Mỗi tên đất, tên làng của Việt Nam đều thấm đượm máu đào của “Bộ đội Cụ Hồ”. Các anh đã hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Bên cạnh những liệt sĩ đã ngã xuống ở chiến trường, đã có không ít các liệt sĩ lấy thân mình che bom đạn cho dân, cứu dân trong hoạn nạn, khó khăn, trong thiên tai, địch họa… Ở đâu có “Bộ đội Cụ Hồ” là ở đấy chan hòa tình quân dân cá nước. Trong tình cảm của nhân dân ta, bộ đội là những con người hiếu thảo, tận tụy phục vụ nhân dân, chấp nhận sự hy sinh, gian khổ để mang lại cuộc sống thanh bình cho nhân dân.
Là đội quân công tác, quân đội ta luôn gắn bó với nhân dân, sống giữa lòng dân, xây dựng nên truyền thống “đi dân nhớ, ở dân thương”. Ngày nay, chức năng công tác của quân đội ta được thể hiện càng rõ nét. Mọi hoạt động trong công tác vận động quần chúng của các đơn vị quân đội đã phản ánh chân thực, sinh động tình quân dân cá nước. Những bản làng xa xôi hẻo lánh, những căn cứ kháng chiến cũ còn vật lộn với khó khăn trong cuộc sống, thiếu điện, thiếu chữ, thiếu cơm áo, thuốc men, nay đang từng bước đổi thay khi có bộ đội về. Đặc biệt, trong những năm gần đây, hạn hán, lũ lụt, bão lốc, sạt lở đã tàn phá hết sức nặng nề tính mạng và tài sản của nhân dân. Với tinh thần sẵn sàng xả thân, hy sinh phục vụ nhân dân vô điều kiện, coi “chống hạn như chống đói”, “chống lũ như chống giặc”, “tất cả vì tính mạng của nhân dân” của bộ đội ta đã để lại nhiều tấm gương cao đẹp, được nhân dân hết lòng ca ngợi và biết ơn sâu sắc. Với một dân tộc giàu ân nghĩa, với những thế hệ người con là “Bộ đội Cụ Hồ” đã cống hiến trong sáng cả cuộc đời mình cho hạnh phúc của toàn dân, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” luôn ấm áp, gần gũi trong tình cảm của nhân dân.
3. “Bộ đội Cụ Hồ” qua các thế hệ là hình ảnh của những người lính đầy mưu trí, sáng tạo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra cho quân đội, chiến sĩ ta những nguyên tắc tác chiến cơ bản cần tuân theo trong hoạt động quân sự, phải kiên quyết, dũng cảm, mưu trí, luôn giữ quyền chủ động, linh hoạt, bí mật, bất ngờ, không chủ quan khinh địch, “lúc có địch cũng trấn tĩnh như không có địch, xa địch cũng nghiêm ngặt như gần địch”[10], “phải biết cộng những thắng lợi nhỏ thành thắng lợi to”[11]. Người luôn nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ cần hăng hái thi đua, siêng năng học tập và nhất định phải thường xuyên phê bình, tự phê bình, coi đó là vũ khí to nhất, mạnh nhất, sắc bén nhất để làm cho quân đội, chiến sĩ ta không ngừng tiến bộ.
Chiến tranh là thử thách lớn nhất đối với mọi khả năng chịu đựng của con người. Không có truyền thống, phẩm chất ham học, say mê tìm hiểu, tự trang bị tri thức cho mình để đủ bản lĩnh hành động thì khó mà đối chọi và chiến thắng được mọi trang bị vũ khí, kỹ thuật tối tân hiện đại của Pháp, Mỹ từng sử dụng ở chiến trường. Nói cách khác, chính nhờ tri thức, trình độ, khả năng sáng tạo và mưu trí mà quân đội ta đã chiến thắng những bộ óc điện tử của đối phương. Chúng ta có những anh hùng ở mặt trận, nhưng cũng không ít những anh hùng ở các phòng thí nghiệm, cơ quan nghiên cứu, công xưởng. Trường học lớn của quân đội ta là thực tiễn chiến đấu, nét đẹp văn hóa của bộ đội ta là truyền thống ham học, say mê nghiên cứu, rèn luyện và tự tu dưỡng của từng người lính. Họ vừa có phẩm chất, trách nhiệm cao cả, vừa có năng lực hoạt động sáng tạo, xứng đáng là “Bộ đội Cụ Hồ” trên trận tuyến văn hóa, khoa học kỹ thuật.
Chính người Mỹ cũng từng thừa nhận, họ thua ở Việt Nam không phải vì quân đội Mỹ chiến đấu kém hơn, mà là thua một đối phương có trí tuệ và bản lĩnh cao hơn, thua một dân tộc, một quân đội có truyền thống và bản sắc văn hóa sâu sắc hơn!
Truyền thống, phẩm chất say mê học tập, nghiên cứu, rèn luyện, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị và trình độ kiến thức cho mình không chỉ là nét đẹp văn hóa tiêu biểu của “Bộ đội Cụ Hồ” trong chiến đấu, mà còn được phát triển không ngừng trong thời bình. Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại đang đặt ra những vấn đề rất mới cả về nhận thức và hành động. Đất nước đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bên cạnh việc rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn và năng lực hành động đã trở thành một yêu cầu khách quan và cấp thiết. Những ai không tự trang bị cho mình một vốn tri thức, một trình độ hiểu biết và năng lực sáng tạo thì sẽ không tránh khỏi bị tụt hậu, bị đào thải trước tốc độ phát triển nhanh của thời đại. Những đòi hỏi khách quan to lớn đó đang làm sống dậy, khơi nguồn trong các cơ quan, đơn vị quân đội, trong mỗi cán bộ, chiến sĩ một phong trào say mê học tập, nghiên cứu khoa học, làm chủ bản thân. Lớp chiến sĩ trẻ thời kỳ đổi mới đang tỏ rõ tính vượt trội về chuyên môn bởi họ được trang bị trình độ văn hóa và sự nhạy bén, khá sắc sảo trong mọi lĩnh vực. Đất nước, quân đội ta còn nghèo, trang thiết bị chưa thật sự hiện đại, tinh nhuệ và đầy đủ, vì vậy, việc tận dụng để phát huy có hiệu quả mọi trang bị có sẵn là nhiệm vụ nặng nề của các cơ quan, đơn vị quân đội. Một lần nữa, bản lĩnh sáng tạo, tinh thần khắc phục khó khăn nâng cao hiệu quả sử dụng các loại vũ khí trang bị hiện có, bảo đảm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống là nét đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” thời đại mới. Điều đó cho thấy, niềm tin yêu của nhân dân đối với “Bộ đội Cụ Hồ”, không chỉ là những người lính có nhiệt tình cách mạng, mà họ còn thực sự là lớp người có ý thức tự giác, ham muốn vươn lên, say mê học hỏi, nghiên cứu để tự trang bị kiến thức và trình độ hiểu biết của mình, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tiến lên hiện đại, cũng như nhu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
4. Một nét đẹp văn hóa khác hết sức cáo quý của “Bộ đội Cụ Hồ” là nếp sống kỷ luật, dân chủ, kỷ cương, là tình đồng đội, đồng chí cao cả. Bác Hồ luôn coi đoàn kết là “điểm Mẹ”, nếu thực hiện tốt thì “đẻ ra con cháu đều tốt”[12], là “lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành lấy thắng lợi”[13]. Người yêu cầu mỗi cán bộ chiến sĩ phải luôn biết đồng cam cộng khổ, phải thương yêu nhau, cán bộ phải “thân đội viên như chân tay”, chiến sĩ phải “thân cán bộ như ruột thịt”, nhất là cán bộ thì phải “là người anh, người chị, người bạn của đội viên”[14], sướng khổ có nhau, đói rét cùng nhau, “thế mới dân chủ, mới đoàn kết, mới tất thắng”[15]. Người còn coi “nền tảng thắng lợi trong kháng chiến và kiến quốc”[16] là vấn đề giữ gìn kỷ luật. Người yêu cầu chiến sĩ, trong thời chiến cũng như thời bình, mệnh lệnh cấp trên đưa xuống thì phải tuyệt đối phục tùng và thi hành triệt để; khi tiếp xúc với dân thì phải nghiêm ngặt giữ gìn kỷ luật quần chúng. Người luôn căn dặn chiến sĩ phải rèn luyện đạo đức, tác phong cách mạng, phải “cần, kiệm, liêm, chính”, “trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung”, phải khiêm tốn giản dị, có tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn. Đó là một vẻ đẹp có tính truyền thống vừa gần gũi bình dị, vừa giàu tính nhân văn, thể hiện sự hiểu biết, nét đẹp văn hóa của con người mới, toát lên trong cuộc sống hàng ngày của “Bộ đội Cụ Hồ”, cả lúc thường cũng như lúc gian nguy. Trong mọi môi trường sinh hoạt của quân đội, dù hoàn cành nào, so với xung quanh cũng là môi trường thử thách gian khổ. Nếp sống lạc quan, yêu đời, tin tưởng, ý thức kỷ luật tự giác nghiêm minh, cùng với tác phong nhanh nhẹn, trung thực, thật thà, khiêm tốn, giản dị của người chiến sĩ, trên thực tế nhiều lúc, nhiều nơi được vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo trở thành xã hội hóa nếp sống quân đội trong toàn xã hội.
5. Không chỉ mang trên mình bộ trang phục quân nhân là có ngay được “Bộ đội Cụ Hồ”, mà vẻ đẹp ấy, chất nhân văn đó là cả bề dày truyền thống được xây dựng hơn bảy thập kỷ chiến đấu không biết mệt mỏi của quân đội ta. Tình cảm đoàn kết, thương yêu, chan hòa, đồng cam cộng khổ, gắn bó với nhau trong môi trường quân đội lúc chiến tranh cũng như thời bình, coi nhau như tình cảm cha con, anh em, quý nhau như ruột thịt, đã làm cho quân đội trở thành một môi trường cao đẹp, lý tưởng, mà càng gặp khó khăn, gian khổ thì nét đẹp đó càng được tỏa sáng, phát huy hiệu quả, trở thành sức mạnh chiến thắng mọi kẻ thù. Những phẩm chất tốt đẹp đó của người lính đã làm nên những chiến công mang tinh thần tập thể, vô tư, trong sáng. Hầu như tất cả người dân Việt Nam dù ở cương vị nào, hoàn cảnh nào khi nhắc lại những kỷ niệm đẹp nhất của mình, bao giờ cũng tự hào nhắc lại những năm tháng mình được sống, chiến đấu gắn bó với quân đội, với người lính.
Ý thức tự giác chấp hành triệt để mọi nhiệm vụ, mệnh lệnh được giao trong chức trách của người quân nhân cách mạng, đã tạo nên vẻ đẹp về tác phong trung thực, gần gũi của “Bộ đội Cụ Hồ” khi tiếp xúc với dân, hết lòng tôn trọng thương yêu và sẵn sàng giúp đỡ nhân dân. Điều đó càng làm cho hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” khắc sâu trong tình cảm, tâm thức của người dân với một niềm tin yêu quý trọng sâu sắc. Nếp sống lạc quan, yêu đời của cán bộ, chiến sĩ quân đội như tiếp thêm luồng gió mới cho cuộc vận động xây dựng môi trường văn hóa trong xã hội, làm cho hình ảnh người lính càng đẹp hơn, càng giàu ý nghĩa hơn trong đời sống mới hôm nay.
Vẻ đẹp truyền thống, nét đẹp nhân văn, hình ảnh cao quý của “Bộ đội Cụ Hồ” luôn ở trong trái tim của nhân dân Việt Nam. Xây dựng, vun đắp nên phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, trước hết chúng ta nói tới công lao của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, của Bác Hồ muôn vàn kính yêu, của nhân dân Việt Nam anh hùng đã giáo dục nuôi dưỡng và rèn luyện thành công một quân đội kiểu mới, quân đội của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Đó là một biểu tượng, là nét đẹp nhân văn sáng ngời của phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Đồng thời, điều đó cũng luôn nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ quân đội ta phải không ngừng tu dưỡng đạo đức, phẩm chất chính trị, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”.
Danh hiệu cao quý "Bộ đội Cụ Hồ" là tài sản văn hoá tinh thần vô giá do nhân dân yêu mến, trao tặng, gửi gắm niềm tin yêu, sự ngưỡng mộ dành riêng cho cán bộ, chiến sĩ quân đội ta; được bạn bè quốc tế và nhân dân luôn đánh giá cao; ghi nhận những cống hiến xuất sắc và tinh thần tận tuỵ, đức tính hy sinh của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội ta đối với sự nghiệp đấu tranh cách mạng, bảo vệ hoà bình, vì hạnh phúc của nhân dân. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo, đã và đang làm tất cả những việc gì có thể làm để cùng toàn quân nâng cao danh hiệu "Bộ đội Cụ Hồ" trong tình hình mới; coi "Bộ đội Cụ Hồ" là chuẩn mực đạo đức, nhân cách người quân nhân cách mạng, là “tấm gương sáng” cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trẻ và thanh niên cả nước hôm nay và mai sau học tập, noi theo. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ", làm cho “tấm gương sáng” ấy tiếp tục toả sáng, luôn là niềm tin yêu, kiêu hãnh, niềm vinh dự, tự hào; sự ngưỡng mộ của nhân dân và bạn bè quốc tế, là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và nhân dân, của cả hệ thống chính trị ở nước ta; trước hết là danh dự, trách nhiệm của mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đó cũng là yếu tố quan trọng để xây dựng, củng cố “thế trận lòng dân”, nâng cao nhân tố chính trị - tinh thần; tạo động lực mới, động viên, cổ vũ thôi thúc cán bộ, chiến sĩ quân đội ta phấn đấu vươn lên hoàn thiện nhân cách người quân nhân cách mạng. Đó cũng là điều kiện, tiền đề cần thiết để quân đội ta sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong mọi tình huống mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét