Thứ Năm, 20 tháng 6, 2019

Phẩm chất yêu thương đồng chí, đồng đội của “Bộ đội Cụ Hồ”

Lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước vô cùng khó khăn, gian khổ, song cũng rất oanh liệt, vẻ vang của dân tộc ta đã luôn diễn ra trong điều kiện phải thường xuyên khắc phục, vượt qua những khó khăn của điều kiện địa lý, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt - “sáng chống bão giông, chiều ngăn nắng lửa”; đồng thời, phải thường xuyên đấu tranh chống lại những thế lực xâm lược thường có tiềm lực kinh tế, quân sự, vũ khí trang bị kỹ thuật lớn hơn ta nhiều lần.
Trong những điều kiện đó, dân tộc ta đã sớm hình thành nên những nét văn hóa tốt đẹp: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”; “Bầu ơi thương lấy bí cùng”; “Thương người như thể thương thân”; “Tắt lửa tối đèn có nhau”; “Lá lành đùm lá rách”… Đó còn là những nét đặc sắc trong hoạt động quân sự, thể hiện những giá trị văn hóa quân sự Việt Nam trong quan hệ tướng - sĩ như: “Phụ tử chi binh”; “Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”.
Những nét văn hóa tốt đẹp đó trong quan hệ giữa những con người trong “cùng chung một bọc” - “đồng bào” với nhau đã trở thành những giá trị văn hóa tốt đẹp góp phần tạo nên sức mạnh to lớn trong công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Giá trị văn hóa tốt đẹp đó đã được các thế hệ người Việt Nam truyền lại từ đời này qua đời khác; được Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu nâng lên một tầm cao mới trong thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh; được nhân dân ta nuôi dưỡng, bồi đắp và đã được truyền vào trong các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội ta, hình thành nên một giá trị văn hóa quân sự tốt đẹp trong đời sống tinh thần của quân đội ta - phẩm chất tốt đẹp: Yêu thương đồng chí, đồng đội.
Yêu thương đồng chí, đồng đội là phẩm chất cơ bản trong các phẩm chất của “Bộ đội Cụ Hồ”. Yêu thương đồng chí, đồng đội là sự phản ánh các mối quan hệ trong nội bộ quân đội ta. Phản ảnh mối quan hệ của những người cùng chung mục tiêu, lý tưởng chiến đấu cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, cho cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Yêu thương đồng chí, đồng đội phản ánh các mối quan hệ giữa cấp trên với cấp dưới, giữa những người đồng cấp, giữa cán bộ với chiến sĩ, giữa chiến sĩ với chiến sĩ, thể hiện sâu sắc tình đồng chí, đồng đội giữa các quân nhân trong quân đội cách mạng, quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Nội dung cơ bản của phẩm chất yêu thương đồng chí, đồng đội là tình cảm yêu thương giữa các quân nhân trong một quân đội cách mạng, quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân, được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, giáo dục và rèn luyện, hoàn toàn khác với quân đội của các giai cấp bóc lột. Phẩm chất yêu thương đồng chí, đồng đội trong quân đội ta được thể hiện ở tinh thần thương yêu giai cấp, cùng chung mục tiêu, lý tưởng chiến đấu cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, cho ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân; cùng chung hệ tư tưởng cách mạng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Phẩm chất yêu thương đồng chí, đồng đội trong quân đội ta được thể hiện ở tình cảm thương yêu gắn bó với nhau như anh em ruột thịt, “đồng cam, cộng khổ”, “chia ngọt, sẻ bùi”, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ, trưởng thành. Phẩm chất yêu thương đồng chí, đồng đội trong quân đội ta được thể hiện ở tinh thần cùng nhau khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao trong mọi điều kiện, mọi hoàn cảnh, trong hòa bình xây dựng cũng như trong chiến tranh, lúc thường cũng như lúc ra trận.
Phẩm chất yêu thương đồng chí đồng đội của quân đội ta không phải tự nhiên mà có, mà nó phải được trải qua một quá trình giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện của Đảng ta, của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân ta, của nhân dân các dân tộc Việt Nam và quá trình tự giáo dục, tự bồi dưỡng, rèn luyện của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội ta trong 70 năm xây dựng, trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng.
Là người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo giáo dục, bồi dưỡng tình yêu thương đồng chí, đồng đội cho cán bộ, chiến sĩ quân đội ta. Theo Hồ Chí Minh, tình yêu thương đồng chí, đồng đội phải được thể hiện ở việc nhận thức đúng đắn về vai trò của con người, của người chiến sĩ trong quân đội: “Cán bộ không có đội viên, lãnh tụ không có quần chúng thì không làm gì được. Bởi vậy, cần phải thương yêu đội viên. Từ tiểu đội trưởng trở lên, từ tổng tư lệnh trở xuống, phải săn sóc đời sống vật chất, tinh thần của đội viên, phải xem đội viên ăn uống như thế nào, phải hiểu nguyện vọng và thắc mắc của đội viên. Bộ đội chưa ăn no, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt. Thế mới là dân chủ, là đoàn kết, là tất thắng”[1].
Đồng thời, Người luôn căn dặn: “Cán bộ phải thương yêu săn sóc đội viên. Cán bộ phải chăm lo cho đội viên đủ ăn, đủ mặc. Cán bộ phải coi đội viên như chân tay, thì đội viên mới coi cán bộ như đầu, như óc”[2]. Đặc biệt, Hồ Chí Minh đã luôn khẳng định vai trò của cán bộ chính trị, của chính trị viên trong giáo dục, bồi dưỡng, chăm sóc bộ đội, thể hiện sâu sắc tinh thần “Đối với bộ đội, chính trị viên phải thân thiết như một người chị, công bình như một người anh, hiểu biết như một người bạn”. Vì thế, “Đối với bộ đội, chính trị viên phải săn sóc luôn luôn đến sinh hoạt vật chất của họ: ăn, mặc, ở, nghỉ, luyện tập, công tác, sức chiến đấu. Về mặt tinh thần, phải săn sóc đến nâng cao kỷ luật, bài trừ hủ hóa, phát triển văn hóa, và đường lối chính trị trong bộ đội”[3].
Phẩm chất yêu thương đồng chí, đồng đội của “Bộ đội Cụ Hồ” được thể hiện phong phú, sinh động trong những năm đất nước ta phải tiến hành những cuộc chiến tranh chính nghĩa chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, cũng như trong những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở hai đầu đất nước. Trong điều kiện khó khăn, gian khổ, ác liệt của chiến tranh, phẩm chất yêu thương đồng chí, đồng đội của “Bộ đội Cụ Hồ” đã được tỏa sáng. Biết bao hình ảnh cao đẹp về những tấm gương sáng ngời thể hiện tình cảm đồng chí, đồng đội trong huấn luyện, trong những cuộc hành quân, chiến đấu đã đi vào truyền thống lịch sử của dân tộc ta, của quân đội ta như những biểu tượng cao đẹp của giá trị văn hóa Việt Nam, giá trị văn hóa quân sự Việt Nam trong thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh.
Phẩm chất yêu thương đồng chí, đồng đội của “Bộ đội Cụ Hồ” còn được thể hiện phong phú, sinh động trong những năm đất nước ta tiến hành công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau đại thắng mùa xuân năm 1975 lịch sử. Một lần nữa phẩm chất yêu thương đồng chí, đồng đội của “Bộ đội Cụ Hồ” lại được tiếp tục tỏa sáng trong quá trình quân đội ta thực hiện chức năng, nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, chống “diễn biến hòa bình”; trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ đội quân công tác vận động quần chúng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trên mọi miền của đất nước, phòng chống thiên tai, dịch họa, cứu hộ, cứu nạn… và trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ đội quân lao động sản xuất trực tiếp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội và góp phần xây dựng đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trong điều kiện hiện nay, đất nước ta tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực, trong nước, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi cơ bản, thì chúng ta cũng đang phải đối mặt với những nguy cơ, khó khăn, thách thức mới của điều kiện kinh tế, xã hội và sự chống phá của các thế lực thù địch bằng “diễn biến hòa bình”. Quân đội ta thực hiện phương hướng xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại trong bối cảnh, điều kiện mới trước sự tác động của tình hình thế giới, khu vực và trong nước với cả những thuận lợi và khó khăn mới, thời cơ và nguy cơ, thách thức mới.
Trong những điều kiện đó, hơn lúc nào hết, chúng ta phải tiếp tục phát huy phẩm chất yêu thương đồng chí, đồng đội của “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới. Tiếp tục phát huy phẩm chất yêu thương đồng chí, đồng đội của “Bộ đội Cụ Hồ” - giá trị văn hóa quân sự Việt Nam tiêu biểu của quân đội cách mạng, quân đội kiểu mới vào quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của quân đội trong thời kỳ mới. Chuyển chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta, của quân đội ta, mà yêu thương đồng chí, đồng đội là một trong những phẩm chất tiêu biểu của quân đội ta, trong những cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc trước đây thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong công cuộc xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta ngày nay. 
Để tiếp tục phát huy phẩm chất yêu thương đồng chí, đồng đội của “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới cần quan tâmtăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nhất là sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng trong quân đội; tăng cường vai trò, hiệu lực quản lý của Nhà nước, của các cấp, các ngành đối với quân đội; phát huy vai trò của nhân dân các dân tộc Việt Nam, của các tổ chức chính trị xã hộinhư:Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam trong phát huy phẩm chất yêu thương đồng chí, đồng đội của “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới. Đặc biệt, cần phát huy vai trò trực tiếpcủa mọi cán bộ, chiến sĩ trong quân đội, tiến hành tốt công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội nhằm phát huy phẩm chất yêu thương đồng chí, đồng đội của “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng, nhiệm vụ của quân đội trong bối cảnh mới của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, để phát huy phẩm chất yêu thương đồng chí, đồng đội của “Bộ đội Cụ Hồ” đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ phải nỗ lực rèn luyện, phấn đấu triển khai thực hiện tốt Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, tiếp tục phát huy phẩm chất yêu thương đồng chí, đồng đội của “Bộ đội Cụ Hồ” - giá trị văn hóa quân sự tiêu biểu trong thời kỳ mới./.
Thiếu tướng, PGS. TS. Nguyễn Vĩnh Thắng - Nguyên Viện trưởng Viện KHXH&NVQS 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét