Thứ Tư, 29 tháng 4, 2020

Khiêm tốn, cầu thị, nỗ lực học tập để loại bỏ chủ nghĩa cá nhân

Bè phái, kiêu ngạo, hiếu danh, hẹp hòi, kéo bè, kéo cánh, tị nạnh, tự kiêu hay ghen ghét, đố kỵ đều là những thói hư, tật xấu, căn bệnh do chủ nghĩa cá nhân (CNCN) sản sinh ra. Đó cũng chính là những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên (CB, ĐV); là sự nguy hiểm tiềm tàng làm tha hóa Đảng, làm mất dần tính cách mạng, tiền phong “là đạo đức, là văn minh” của Đảng cầm quyền.

Nguồn gốc những căn bệnh làm suy thoái về đạo đức, lối sống
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: CNCN là kẻ thù của cách mạng: “CNCN đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm… Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân”(1). Đó chính là nguồn gốc những căn bệnh làm suy thoái về đạo đức, lối sống của đội ngũ CB, ĐV và Người đã nhận rõ, đồng thời sớm chỉ ra nguy cơ, triệu chứng những căn bệnh nảy sinh từ CNCN trong các tác phẩm: “Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ” (tháng 3-1947), “Sửa đổi lối làm việc” (tháng 10-1947), “Bệnh tự ái, tự kiêu” (tháng 11-1948), “Đạo đức cách mạng” (tháng 12-1958) và “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch CNCN” (tháng 2-1969)...
Từ khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền, trong số rất nhiều căn bệnh nguy hiểm đe dọa sự tồn vong của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra một số bệnh đang tồn tại trong một bộ phận CB, ĐV tại các cơ quan của Đảng và Nhà nước như: 
1) “Óc bè phái”… Đó là một khuyết điểm rất có hại. Nó làm cho Đoàn thể mất cán bộ, kém nhất trí, thường hỏng việc. Đó là một chứng bệnh rất nguy hiểm” (2). 
2) “Bệnh kiêu ngạo-Tự cao, tự đại, ham địa vị, hay lên mặt. Ưa người ta tâng bốc mình, khen ngợi mình. Ưa sai khiến người khác. Hễ làm được việc gì hơi thành công thì khoe khoang vênh váo, cho ai cũng không bằng mình. Không thèm học hỏi quần chúng, không muốn cho người ta phê bình. Việc gì cũng muốn làm thầy người khác” (3).
3) “Bệnh hiếu danh-Tự cho mình là anh hùng, là vĩ đại. Có khi vì cái tham vọng đó mà việc không đáng làm cũng làm. Đến khi bị công kích, bị phê bình thì tinh thần lung lay... Chỉ ham làm chủ tịch này, ủy viên nọ, chớ không ham công tác thiết thực” (4). 
4) “Óc hẹp hòi-Ở trong Đảng thì không biết cất nhắc những người tốt, sợ người ta hơn mình. Ở ngoài Đảng thì khinh người, cho ai cũng không cách mạng, không khôn khéo bằng mình. Vì thế mà không biết liên lạc hợp tác với những người có đạo đức tài năng ở ngoài Đảng” (5).
5) “Kéo bè kéo cánh lại là bệnh rất nguy hiểm nữa. Từ bè phái mà đi đến chia rẽ. Ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách dèm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống. Bệnh này rất tai hại cho Đảng. Nó làm hại đến sự thống nhất. Nó làm Đảng bớt mất nhân tài và không thực hành được đầy đủ chính sách của mình. Nó làm mất sự thân ái, đoàn kết giữa đồng chí. Nó gây ra những mối nghi ngờ” (6).
6) "Bệnh tị nạnh. Cái gì cũng muốn “bình đẳng”… Bệnh này sinh ra vì hiểu lầm hai chữ bình đẳng” (7).
7) “Tự kiêu tức là cho mình việc gì cũng thạo, cũng làm được. Việc gì mình cũng giỏi hơn mọi người. Mình là thần thánh, không cần học ai, hỏi ai” (8). Vì thế, “tự kiêu là hẹp hòi’, “tự kiêu là thoái bộ”, “tự kiêu là hủ hóa” và “tự kiêu nhất định sẽ đi đến thất bại” (9)… Vì những tật bệnh này là do CNCN sinh ra, cho nên, chừng nào những biểu hiện suy thoái này còn tồn tại thì chừng đó nó sẽ thúc đẩy sự "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", làm nảy sinh thói ghen ghét, đố kỵ trong một tổ chức; ngăn trở người CB, ĐV phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của dân tộc và phá hoại khối đoàn kết, thống nhất trong nội bộ.
8) Ghen ghét, đố kỵ ban đầu chỉ là một trong những cảm xúc của con người khi thấy mình thua kém người khác và cảm thấy bất mãn, tức giận vì sự thua kém đó, nhưng rồi nó không dừng lại trong suy nghĩ mà còn bộc lộ ra thành lời nói, hành động để giải tỏa sự hẹp hòi của bản thân những người luôn so sánh mình với người khác, so sánh cái mình đạt được với người khác đạt được, không “tâm phục, khẩu phục” với những “cái hơn” khi thấy người khác “hơn mình” về danh lợi.
Khiêm tốn, cầu thị, nỗ lực học tập để loại bỏ chủ nghĩa cá nhân
Ảnh minh họa: tuyengiao.vn. 
Thực tế là, những cảnh báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về những tật bệnh nêu trên dường như không mất đi mà ngày càng có biểu hiện ăn sâu trong nhận thức và hành động của không ít người; trong đó, có một bộ phận không nhỏ CB, ĐV tại một số cơ quan, địa phương, đơn vị. Có thể thấy, những thói hư, tật xấu, như: Bè phái, kiêu ngạo, hiếu danh, hẹp hòi, kéo bè, kéo cánh, tị nạnh, tự kiêu nên sự ghen ghét, đố kỵ thường xuất hiện trong một bộ phận CB, ĐV thiếu tu dưỡng đạo đức cách mạng, sa vào CNCN. Vì ghen ghét, đố kỵ, nên khi thấy bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp, thậm chí cấp dưới, cán bộ trẻ giỏi hơn mình về chuyên môn, nghiệp vụ, đạt được kết quả cao hơn trong công tác, nhất là được cấp trên ghi nhận với sự tín nhiệm cao thì khó chịu, “không cam tâm” với những kết quả, thành tích người khác đạt được. Bộ phận những kẻ suy thoái này không chỉ luôn soi mói, dè bỉu, không công tâm, khách quan nhìn nhận, đánh giá năng lực, hiệu quả công việc của đồng chí, đồng nghiệp mà còn tìm mọi cách lôi kéo những người có chung những uẩn ức như mình để cùng tìm cách cản trở mọi người xung quanh phấn đấu, tu dưỡng, vươn lên. Vì chỉ yêu bản thân, nên họ thường so sánh mình với người khác; không những không hợp tác với những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì tập thể mà còn hả hê, thậm chí tỏ vẻ thông cảm, thấu hiểu ngoài mặt nhưng trong lòng lại thỏa mãn trước thất bại của người khác.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, những biểu hiện/căn bệnh là con đẻ của CNCN chính là một trong những nguyên nhân gây mất đoàn kết nội bộ. Ở những nơi có những biểu hiện đó thì bầu không khí chung luôn có sự bất an, luôn có những câu chuyện “trà dư, tửu hậu” gieo rắc sự so bì, tị hiềm, gây chia rẽ nội bộ mà không có sự sẻ chia, đồng cảm, đồng thuận, đoàn kết, thống nhất và phát triển bền vững. Ở đó, người tốt, người tài, người trẻ dám nghĩ, dám làm, sáng tạo trong thực thi nhiệm vụ dễ bị soi xét, nghi ngờ, thậm chí bị vùi dập, dẫn đến mất niềm tin vào nhau, vào tổ chức, để rồi không dám nói, thật sống thật với nhau và luôn đề phòng nhau.
Phòng, chống những biểu hiện suy thoái là yêu cầu vừa thường xuyên, vừa cấp bách
Những năm qua, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng được đẩy mạnh, nhất là trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về tập trung dân chủ; giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất; nghiêm túc tự phê bình và phê bình; gắn bó mật thiết với nhân dân… tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của đội ngũ CB, ĐV, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu tại mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị. Đồng thời, việc mỗi CB, ĐV thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, thể hiện trong 3 mối quan hệ (với bản thân mình, với công việc, với tổ chức); trong đó, chú trọng thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, thống nhất giữa nói đi đôi với làm cũng đã góp phần ngăn chặn các biểu hiện suy thoái: Bè phái, kiêu ngạo, hiếu danh, hẹp hòi, kéo bè, kéo cánh, tị nạnh, tự kiêu, ghen ghét, đố kỵ trong nội bộ. 
Tuy nhiên, thực tế cho thấy những biểu hiện suy thoái này đã và đang hiện hữu tại một số địa phương, cơ quan đơn vị. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã nêu rõ thực trạng này trong 27 biểu hiện suy thoái. Đó chính là biểu hiện đầu tiên trong 9 biểu hiện về suy thoái về đạo đức, lối sống: “Cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình”.
Những biểu hiện suy thoái này không chỉ làm nản lòng, nhụt chí và cản trở sự phấn đấu của những nhân tố tích cực, nhất là lớp cán bộ trẻ mà còn gieo rắc sự hoài nghi lẫn nhau, gây mất đoàn kết nội bộ, làm xói mòn đạo đức, văn hóa Đảng, dẫn đến hiệu quả công việc kém và mất đoàn kết nội bộ. Đồng thời, làm ảnh hưởng tiêu cực đến việc xây dựng và củng cố sự đoàn kết, thống nhất, tạo nguyên cớ cho sự nhen nhóm bè phái, lợi ích nhóm, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Vì thế, để tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nhất là phòng, chống và ngăn ngừa những biểu hiện suy thoái nêu trên, mỗi cấp ủy cần gắn thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chú trọng làm tốt công tác tư tưởng, phát huy dân chủ, xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong chi bộ, làm hạt nhân cho khối đoàn kết của tập thể. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu mỗi cơ quan, địa phương, đơn vị công tâm, khách quan, dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và nhận xét, đánh giá, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, khen thưởng CB, ĐV, bảo đảm khách quan, dân chủ, công khai, đúng thực chất. Từ đó, tạo bầu không khí đồng thuận, dân chủ giúp mọi người cùng phấn đấu và động viên, giúp đỡ nhau hoàn thành tốt công việc chung, để ngày càng tiến bộ và phát triển. 
Xây dựng tập thể đoàn kết, thống nhất gắn với môi trường công tác, văn hóa công sở lành mạnh; phát huy dân chủ đi đôi với giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật, tự phê bình và phê bình, kiểm tra và giám sát. Ở đó, cấp trên, cấp dưới, đồng nghiệp nỗ lực phấn đấu, hết lòng vì công việc chung, thấy đúng kiên trì bảo vệ, thấy sai kiên quyết đấu tranh; cái mới, cái tốt được cổ vũ, động viên kịp thời, cái sai, cái xấu được ngăn chặn, cùng nhau làm việc, cùng nhau phát triển. Đưa các buổi sinh hoạt chuyên đề, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động vào chiều sâu; tạo điều kiện cho đội ngũ CB, ĐV rèn luyện và nâng cao trình độ mọi mặt từ nhiệm vụ thực tiễn; tạo môi trường lành mạnh, thu hút CB, ĐV và quần chúng phát huy tinh thần sáng tạo, đoàn kết cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ, thiết thực phòng, chống và ngăn chặn, “triệt tiêu” các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống. 
Đồng thời, phát huy tính tự giác của mỗi CB, ĐV trong nhận thức và tận tâm, tận lực làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình; trong rèn luyện đạo đức cách mạng, phòng, chống CNCN: Khiêm nhường lắng nghe, học hỏi và thân ái, giúp đỡ, sẻ chia, động viên mọi người xung quanh để cùng chung tay, góp sức hoàn thành công việc chung; trong nỗ lực học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ với tinh thần cầu tiến bộ để phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, góp phần phòng và chống biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
TS VĂN THỊ THANH MAI 

Lá phiếu - quyền lực trên khuôn khổ đường ray

Đến thời điểm này, nhiều tổ chức đảng ở cơ sở tiến hành xong đại hội nhiệm kỳ, bầu ra cấp ủy, bí thư, phó bí thư khóa mới. Chất lượng, hiệu quả công việc những người được bầu có đáp ứng kỳ vọng của đại đa số đảng viên hay không sẽ cần thời gian trả lời.

Vấn đề phải được nhìn nhận nghiêm túc, thấu đáo là các đảng viên có quyền bầu cử đã ứng xử với lá phiếu bầu ấy như thế nào? Lá phiếu ấy có là sự lựa chọn sáng suốt, công tâm, gắn với trách nhiệm cao nhất của đảng viên hay không? Lá phiếu ấy có bị sử dụng để triệt hạ người khác hay không?
Lời thề dưới cờ Đảng
Lời phát biểu của một đảng viên tại đại hội của một chi bộ mà tôi được dự thính gợi lên nhiều điều đáng suy ngẫm: “Mong rằng những đồng chí được bầu vào cấp ủy tới đây phải thực sự tạo được mối đoàn kết thống nhất; giữ được sự công bằng, khách quan trong công việc; tránh tình trạng ưu ái ai thì che lấp sai sót, thổi phồng thành tích, không thích ai thì chì chiết khuyết điểm; tránh mọi biểu hiện cục bộ, bè phái, cơ hội, vụ lợi, chỉ lo thu vén cá nhân; tránh cho được biểu hiện háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, "đánh bóng" tên tuổi. Một con người có tính cách “chỉ nghĩ lợi cho mình” khi được trao quyền lực càng có điều kiện để thực hiện điều này… Ở chiều ngược lại, khi thực hiện quyền bầu cử của mình, mọi đảng viên phải đặt quyền lợi của tập thể lên trên hết; phải thấy vinh dự nhưng cũng phải thấy trách nhiệm cao cả của mình khi sử dụng lá phiếu bầu cử”.  Đó là một ý kiến thẳng thắn, chân thành và cần thiết với bất cứ tổ chức đảng nào.
Từ cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội khóa đầu tiên của nước ta năm 1946, Bác Hồ đã kêu gọi toàn dân từ 18 tuổi trở lên đi bầu cử để chọn người có đức, có tài cho đất nước. Bác đã nói rằng, lá phiếu của cử tri tuy khuôn khổ nó bé nhỏ, nhưng giá trị của nó thì vô cùng lớn.
Quyền bầu cử và ứng cử là những quyền chính trị cơ bản của công dân đã được hiến định trong Hiến pháp. Đối với đảng viên, Điều lệ Đảng quy định chặt chẽ và rõ ràng: Đảng viên có quyền ứng cử, đề cử và bầu cử cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương (đảng viên chính thức). Việc bầu cử ấy có ý nghĩa quyết định để lập ra các cấp ủy đảng thực hiện các công việc của Đảng, đồng thời nó cũng là cơ sở, là thành tố rất quan trọng để Đảng phân công cán bộ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị, đặc biệt là cơ quan công quyền. Điều này hoàn toàn phù hợp bởi Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là một bộ phận của hệ thống ấy. Mỗi lá phiếu của đảng viên gánh trọng trách là "viên gạch hồng" góp phần dựng xây Đảng, cũng là xây dựng đất nước. 
Lá phiếu - quyền lực trên khuôn khổ đường ray
Ảnh minh họa: vov.vn.
Lịch sử hơn 90 năm ra đời, phát triển, lãnh đạo cách mạng Việt Nam, sở dĩ Đảng ta luôn giữ vững được vai trò lãnh đạo, “Đảng là đạo đức, là văn minh” chính là do Đảng đã thực hiện xuất sắc trọng trách vì nước, vì dân, trong đó thực hiện tốt quyền bầu cử của đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Bầu cử trong Đảng là chọn được người tốt, người tài để gánh vác việc Đảng, việc nước. Nếu không chọn được người xứng đáng thì chính Đảng sẽ lâm nguy, sẽ dần mất vai trò lãnh đạo.
Trên thực tế, đảng viên thực hiện quyền bầu cử của mình thông qua lá phiếu. Lá phiếu ấy không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm, mà nó còn thể hiện sự tôn trọng tổ chức, tôn trọng chính bản thân đảng viên. Đồng nghĩa, mọi đảng viên phải thể hiện trí tuệ sáng suốt, bản lĩnh vững vàng khi bỏ lá phiếu đó. Làm được như thế, đảng viên đã thực hiện được quyền của mình một cách tốt nhất, đầy đủ nhất, dân chủ nhất. Rất đáng tiếc khi vẫn còn hiện tượng một số đảng viên bầu cử mà không rõ quan điểm của mình, lựa chọn a dua, cảm tính hay theo bè theo cánh…
Nguyên tắc tập trung dân chủ - kim chỉ nam bầu cử trong Đảng
Lá phiếu khi bầu cử là trách nhiệm cao cả của đảng viên, nhưng không có nghĩa với lá phiếu trên tay, cùng những quyền được quy định, đảng viên muốn làm thế nào cũng được. Lá phiếu là biểu hiện cụ thể của quyền lực, nhưng nó phải trong khuôn khổ, như con tàu chỉ chạy trên đường ray. Lại cũng có quan điểm cho rằng, việc bầu cử chỉ là lấy lệ, là hình thức, bởi “công tác nhân sự đã xong hết rồi”. Nhận thức ấy thật không chính xác và không đúng với nguyên tắc tổ chức của Đảng. Trên thực tế, có thể đâu đó có tổ chức đảng làm không chặt chẽ, nhưng chỉ là hiện tượng. Hãy cùng phân tích cả lý luận và thực tiễn về quan điểm này.
Sở dĩ Đảng ta là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động là do Đảng được tổ chức một cách khoa học. Điều rất quan trọng, đảng viên thực hiện quyền của mình nhưng phải trong khuôn khổ những quy định chặt chẽ của Điều lệ Đảng, thống nhất từ chi bộ đến Ban Chấp hành Trung ương. Đảng lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản. Đảng viên thực hiện quyền bầu cử bằng lá phiếu của mình nhưng phải chấp hành đúng nguyên tắc tập trung dân chủ.
Bằng tài năng uyên bác của mình, ngay từ những năm đầu thế kỷ 20, V.I.Lênin đã đề ra nguyên tắc tập trung dân chủ và lấy đây là nguyên tắc tổ chức cơ bản của một đảng Mác-xít. Nguyên tắc ấy được Đảng ta vận dụng, phát triển vào chính điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam. Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ là điều kiện bảo đảm phát huy sáng kiến và tính tích cực sáng tạo của mọi tổ chức đảng, mọi đảng viên; đồng thời bảo đảm sự thống nhất ý chí, thống nhất hành động của toàn Đảng. Nó hoàn toàn không khó hiểu, không giáo điều mà rất khoa học. Cụ thể ở đây là, thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng. Mọi đảng viên đều được thảo luận, thẳng thắn nói hết ý kiến của mình, và khi đã thành nghị quyết thì mọi người đều phải chấp hành, thiểu số phục tùng đa số, cá nhân phục tùng tổ chức, cấp dưới phục tùng cấp trên, các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng đại hội toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương. Nghị quyết của Đảng đều phải được biểu quyết theo đa số. Sau khi có nghị quyết, mọi đảng viên đều phải chấp hành; nếu có điểm nào không đồng ý thì đảng viên được quyền bảo lưu ý kiến hoặc đề đạt ý kiến của mình lên các cơ quan cấp trên cho đến đại hội đại biểu toàn quốc, nhưng vẫn phải chấp hành nghị quyết của Đảng.
Cũng chính Lênin đã rất nhiều lần nhấn mạnh: "Giai cấp vô sản có một chế độ tập trung tuyệt đối và có kỷ luật hết sức nghiêm minh…”. Rõ ràng, thống nhất ý chí, thống nhất hành động là yêu cầu cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định sức mạnh của Đảng. Đảng không chỉ khuyến khích mà còn yêu cầu các đảng viên thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình nếu cá nhân mình hoặc đồng chí mình có khuyết điểm. Rất đáng lên án hiện tượng lúc hội họp, thảo luận thì không phê bình, không đấu tranh, nhưng lại dùng lá phiếu, hay những hình thức khác đi ngược lại với lợi ích chung của tập thể. Điều ấy chỉ gây hại cho Đảng, gây ra sự mất đoàn kết và là nguyên nhân làm cho tổ chức đảng suy yếu, mất vai trò lãnh đạo. Bởi thế, bất luận hoàn cảnh nào, lá phiếu cũng không thể được dùng làm vũ khí để triệt hạ, để tấn công, để tư thù, để kéo bè kết cánh.
Thực tế cũng chứng minh, những tổ chức đảng mất đoàn kết, kéo bè kéo cánh, cán bộ, đảng viên không cùng ý chí đều xảy ra những bài học đáng tiếc. Hậu quả là chi bộ, đảng bộ, tổ chức đảng ở đó đều không hoàn thành nhiệm vụ, mất vai trò lãnh đạo.
Chuẩn bị nhân sự tốt để bầu cử tốt
Để đảng viên thực hiện tốt quyền bầu cử của mình thông qua lá phiếu thì cùng với trách nhiệm cao nhất của từng đảng viên, nó cũng đòi hỏi tổ chức đảng, cấp ủy đảng phải lựa chọn được những con người xứng đáng khi đề cử, ứng cử, biểu quyết danh sách bầu cử khóa mới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đại hội là dịp để ta sàng lọc cán bộ chứ không chỉ bàn phương hướng. Ai xứng đáng thì làm, không thì thôi, không sợ thiếu cán bộ”. Những người được lựa chọn, giới thiệu, ứng cử, đề cử để bầu vào cấp ủy, các vị trí lãnh đạo nhiệm kỳ mới phải là những người tiêu biểu về phẩm chất đạo đức, năng lực công tác, tiên phong, gương mẫu, xứng đáng đại diện cho tập thể. Nếu sự lựa chọn không đạt được các tiêu chí đó sẽ là nguyên nhân khiến các đảng viên không phục, lá phiếu bầu ấy sẽ không đạt được chất lượng cao nhất. Trong suy nghĩ của đại đa số đảng viên, ai cũng mong muốn, cũng đặt niềm tin vào một cấp ủy đảng trí tuệ, công tâm, vì tập thể. Mỗi đồng chí được tín nhiệm phải luôn ghi nhớ, họ đã gánh trọng trách nặng nề hơn-ấy chính là niềm tin mà tập thể gửi gắm vào mình. Bởi thế, nếu thấy mình không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, không đáp ứng được sự kỳ vọng của tập thể thì hãy dũng cảm xin rút khỏi vị trí đó. Mỗi lá phiếu được bầu không chỉ giúp tổ chức đảng chọn ra được cấp ủy, vị trí lãnh đạo mới mà cũng chính là "thuốc thử" đối với các đồng chí được bầu. Kết quả ấy là "gương soi" phản chiếu để người được bầu tự xem xét, thấy rõ những ưu điểm cũng như hạn chế, thiếu sót của bản thân để rút kinh nghiệm, sửa chữa khắc phục. Đó thực sự là những đánh giá hết sức xác đáng.
Hơn 90 năm vinh quang của Đảng ta đã để lại nhiều bài học quý. Nhiều bài học được đúc rút từ sự thành công nhưng cũng có những bài học được rút ra từ chính những sai lầm, khuyết điểm, đặc biệt trong vấn đề lựa chọn con người. Khi sự lựa chọn sai, bầu ra những con người không xứng đáng sẽ chỉ làm cho tổ chức đảng yếu đi. Khi đó Đảng chỉ còn là bức bình phong cho một số cá nhân đặc quyền đặc lợi. Những con số mà các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên bị kỷ luật thời gian qua dù rất đau đớn nhưng đã thừa nhận một phần thực tế tất yếu khi sự lựa chọn trao quyền là không đúng. Chỉ tính từ năm 2013 đến tháng 6-2019, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật hàng chục nghìn cán bộ, đảng viên. Chỉ tính riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến tháng 12-2019, đã có gần 90 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật (cả đương chức và nghỉ hưu). Ấy là bài học rất đau xót trong lựa chọn cán bộ.
Nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh để mỗi đảng viên chúng ta khắc cốt ghi tâm rằng: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.
NGUYỄN ANH TUẤN

Hành động “ném đá giấu tay” và cuộc đấu tranh với “địch bên trong ta”

Cứ mỗi dịp diễn ra đại hội đảng các cấp, đơn thư nặc danh, mạo danh, thông tin lan truyền về công tác nhân sự đại hội lại rộ lên.

Điều rất đáng bàn là nhiều thông tin sai trái, xuyên tạc xuất phát từ động cơ không trong sáng, “ném đá giấu tay”; tiềm ẩn nguy cơ chia rẽ, bè phái, mất đoàn kết; cán bộ, đảng viên và quần chúng dễ nảy sinh tư tưởng nghi ngờ, đố kỵ, thậm chí gây hoang mang, lo lắng. Đấu tranh mạnh mẽ xua tan “đám mây mù” làm thanh sạch bầu không khí thông tin không chỉ là trách nhiệm chính trị của từng tổ chức và mỗi người, mà còn là yếu tố cơ bản để tổ chức đại hội thành công…
“Địch bên trong ta đáng sợ hơn”
Theo Từ điển Thành ngữ và Tục ngữ Việt Nam do Nhà xuất bản Văn hóa phát hành năm 1997 thì thành ngữ “ném đá giấu tay” chỉ hành động "làm những việc độc ác một cách lén lút không dám công khai, cố tỏ ra không liên quan gì đến hậu quả của nó". Những kẻ “ném đá giấu tay” hay “ném đá” rồi giấu mặt, hoặc xúi giục người khác “ném đá” thay mình thường đứng đằng sau cổ xúy, bơm thổi, khuếch tán… Mục đích của họ là làm cho người khác ngộ nhận về những thông tin sai trái, xuyên tạc, qua đó hướng lái dư luận theo ý đồ, động cơ không trong sáng của một hoặc nhóm người.
Xuyên tạc, gây nhiễu thông tin, phá hoại tổ chức theo kiểu “ném đá giấu tay” không chỉ là những đối tượng phản động, thù địch với Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa mà trong bài viết này, chúng tôi tập trung vào đối tượng là cán bộ, đảng viên, hoặc những phần tử thoái hóa biến chất, cơ hội có nhận thức, hành động sai trái trên.
Hành động “ném đá giấu tay” và cuộc đấu tranh với “địch bên trong ta”
Ảnh minh họa: Tạp chí Tuyên giáo.
Qua các kỳ đại hội đảng trước đây, cũng như diễn biến gần đây cho thấy, những người có hành vi “ném đá giấu tay” tiến hành với nhiều chiêu thức, thủ đoạn, ngày càng tinh vi để bôi nhọ, xuyên tạc về công tác nhân sự. Họ thường lôi kéo, mua chuộc, xúi giục những người bất mãn, nhẹ dạ, hoặc đang có mâu thuẫn, xung đột trong nội bộ để kích động, tuyên truyền, xuyên tạc thông tin. Họ lợi dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội, dưới nhiều danh nghĩa hoặc mạo danh, nặc danh để đăng tải những tài liệu dưới dạng “kiến nghị”, “thư ngỏ”, “tâm thư”, lồng vào đó là nội dung tố cáo người này, người khác, nhất là những người dự kiến quy hoạch nhân sự của khóa mới. Cũng có thể chỉ với một chiếc điện thoại, máy tính, họ núp bóng để tán phát thông tin tới cơ quan chức năng, các tổ chức, cá nhân liên quan gây nên các “đám mây mù”, nhiễu loạn thông tin, chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong quần chúng, hòng phá hoại sự thành công của đại hội. Điều này được Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ rõ: “Lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”.
Thủ đoạn, luận điệu xuyên tạc mà các đối tượng “ném đá giấu tay” hay sử dụng thường là: Tung tin thất thiệt, xuyên tạc về phẩm chất, đạo đức, lối sống cán bộ; phán xét về trình độ năng lực, chuyên môn cán bộ thông qua việc khoét sâu những hạn chế, khuyết điểm ở những lĩnh vực mà cán bộ đó phụ trách, hoặc công việc cụ thể theo kiểu “bới lông tìm vết”, “bé xé ra to”, thậm chí “đổi trắng thay đen”, dựng chuyện để hạ thấp uy tín; bịa đặt về tình hình sức khỏe, các quan hệ xã hội, gia đình, thậm chí bới móc chuyện riêng tư để bôi nhọ hoặc kê kích, cường điệu hóa…
Ở trong nội bộ cơ quan, đơn vị có những người mang thói “ném đá giấu tay” sẽ làm tiềm ẩn nguy cơ chia rẽ, bè phái, mất đoàn kết; cán bộ, đảng viên và quần chúng dễ nảy sinh tư tưởng nghi ngờ, đố kỵ, thậm chí có thể gây hoang mang, lo lắng, nhất là vào thời điểm tổ chức đại hội đảng các cấp.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới công tác xây dựng nội bộ, bồi dưỡng đạo đức, tư cách cán bộ, đảng viên. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Người đề cập hàng loạt chứng bệnh và mỗi chứng bệnh là một kẻ địch. Người phân tích sâu sắc: “Mỗi kẻ địch bên trong là một bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra”. Nguồn gốc bắt nguồn từ “bệnh cá nhân”:  “Tất cả đều vì cá nhân, vì gia đình mình, vì phe nhóm mình... Mắc những căn bệnh đó là do “kém tính Đảng”, mắc một trong những bệnh đó “là hỏng việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 đã nói với chúng tôi: Ông từng chứng kiến trong chiến tranh, kẻ thù đã tung tin đích danh vị chỉ huy cấp cao của ta đầu hàng, hay tuyên truyền, nói xấu cán bộ, hòng làm cho bộ đội ta hoang mang. Tuy nhiên, khi ấy kỷ luật chiến trường rất nghiêm nên những luận điệu ấy luôn thất bại. Giờ đây, khi khoa học-công nghệ phát triển thì thông tin xấu tác động và lây lan rất nhanh. Nguy hiểm hơn khi thông tin ấy lại phát nguồn từ nội bộ, từ những người có hành vi “ném đá giấu tay”. Vì thế chúng ta phải có biện pháp mạnh, xử lý nghiêm những vi phạm cả về đạo lý và pháp lý đó.
Làm thanh sạch bầu không khí đại hội
Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, phải được chuẩn bị và tiến hành chặt chẽ, nghiêm túc, trong đó nội bộ ổn định, đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động là yếu tố có tính quyết định tới thành công đại hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Đại hội Đảng rất quan hệ đến tương lai cách mạng của Đảng ta và của nhân dân ta. Đại hội sẽ làm cho Đảng ta đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa, tư tưởng và hành động đã nhất trí, càng nhất trí hơn nữa. Cho nên, toàn thể đồng chí ta phải thảo luận kỹ càng các đề án và đóng góp ý kiến dồi dào, để đảm bảo Đại hội thành công thật tốt đẹp”.
Để chuẩn bị cho đại hội đảng các cấp, nhất là công tác nhân sự, Trung ương đã có các chỉ thị, hướng dẫn chặt chẽ và toàn diện. Kết luận số 55-KL/TW ngày 15-8-2019 của Ban Bí thư về việc tiếp tục chấn chỉnh công tác cán bộ để chuẩn bị tốt nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng, nhấn mạnh: Chủ động phòng ngừa, cảnh giác, ngăn chặn, đấu tranh, không để tác động, chi phối bởi những thông tin giả, thông tin không chính thức, xấu độc, có dụng ý bịa đặt, xuyên tạc, gán ghép trên internet, mạng xã hội liên quan đến công tác chuẩn bị nhân sự.
Trong cuộc họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIII ngày 19-3 vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp tục chỉ đạo: Phải làm tốt công tác nhân sự từ đại hội đảng bộ các cấp để góp phần chuẩn bị tốt nhân sự Đại hội XIII của Đảng; phải xác định đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ “then chốt” của “then chốt,” có liên quan đến sự sống còn của Đảng, của chế độ. Công tác nhân sự, đặc biệt là nhân sự cấp cao phải được tiến hành theo quy trình chặt chẽ, khoa học và nhất quán, bảo đảm thật sự dân chủ, công tâm, thật sự trong sáng, khách quan; cách làm phải thận trọng, làm từng khâu, từng công đoạn, theo một quy trình chặt chẽ, làm đến đâu chắc đến đó.
Quán triệt tinh thần đó, trong quá trình làm công tác nhân sự các cấp, Đảng ta luôn chú trọng phát huy dân chủ, trân trọng lắng nghe và tiếp thu các ý kiến đóng góp với tinh thần xây dựng để phát hiện được nhiều nhân tố mới, cán bộ có đức, có tài. Mặt khác, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh với các tư tưởng, hành động lợi dụng dân chủ để xuyên tạc, bôi nhọ, hạ uy tín, kích động gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ. Trả lời báo chí mới đây, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng: Phải hết sức khách quan, phân biệt rõ những người tố cáo sai, những người có động cơ xấu. Nếu là đảng viên, tổ chức đảng thì phải làm đến nơi đến chốn. Kết luận là tố cáo sai, động cơ không đúng như làm mất đoàn kết, đại diện phe này, phe kia trong tổ chức đảng thì phải xử lý kỷ luật theo các quy định của Đảng. Nếu người đó chỉ do hồ đồ thì cũng phải xử lý bằng một hình thức thích hợp. Còn những người cố ý, muốn bôi nhọ thì luật cũng đã quy định hình thức xử lý.
Để đấu tranh với các “đám mây mù”, “virus” thông tin, tác động tiêu cực, làm “ô nhiễm” bầu không khí khi tiến hành đại hội đảng, cấp ủy, cơ quan chức năng các cấp một mặt phải thực hiện nghiêm các nguyên tắc, quy trình công tác nhân sự, đồng thời phải công minh, khách quan, tỉnh táo khi tiếp nhận và xử lý các thông tin. Cung cấp kịp thời các thông tin chính thống, xác minh, kết luận của tổ chức, cơ quan có thẩm quyền nhằm vạch trần các luận điệu xuyên tạc, vu khống, bảo vệ cán bộ và định hướng dư luận.
Không ít người có hành vi “ném đá giấu tay” là những cán bộ hoặc nguyên cán bộ có chức, có quyền, biết rõ tình hình nội bộ nhưng do động cơ cá nhân không trong sáng đã đứng đằng sau để “giật dây”, “tiếp sức”, tuyên truyền các thông tin sai trái. Cho nên, vừa phải xử lý đối tượng tung tin xấu độc, vừa phải điều tra, làm rõ và xử nghiêm cả những người tiếp tay, làm cho thông tin lan truyền với động cơ xấu. Việc xử lý ấy cần căn cứ vào các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm chặt chẽ, đúng người, đúng việc, đúng khuyết điểm.
Một giải pháp rất căn bản là phải nâng cao khả năng “đề kháng”, “miễn dịch” cho cán bộ, đảng viên trước thông tin thất thiệt, gây chia rẽ nội bộ. Mỗi người phải nâng cao trình độ, kiến thức về mọi mặt, bình tĩnh, sáng suốt để phân biệt thông tin, đồng thời phải có thái độ kiên quyết bảo vệ cái đúng, cái tích cực; đẩy lùi bóng tối thông tin, làm trong sạch nội bộ, góp phần vào thành công đại hội đảng.
TRẦN HOÀNG TIẾN

Lơ là nhiệm vụ quan trọng nhất của đại hội

 Theo quy định của Điều lệ Đảng, đại hội đảng các cấp là cơ quan lãnh đạo của mỗi cấp bộ đảng giữa hai kỳ đại hội. Nhiệm vụ quan trọng nhất của đại hội đảng các cấp là đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết đại hội của cấp bộ đảng trong nhiệm kỳ và xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác trong nhiệm kỳ tiếp theo. Thế nhưng, trên thực tế, ở nhiều nơi, đại hội chỉ quan tâm nhiều đến vấn đề bầu cấp ủy, còn nhiệm vụ quan trọng nhất lại lơ là…

Những bài học về xây dựng văn kiện

Theo tổng hợp của Ban Tổ chức Trung ương, đến thời điểm này, tuyệt đại đa số các tổ chức đảng trực thuộc đảng ủy cơ sở trong cả nước đã hoàn thành tổ chức đại hội. Nhiều đảng bộ cấp huyện, cấp tỉnh cũng đã tổ chức xong đại hội điểm cấp cơ sở.
Phú Thọ là một trong những tỉnh đã tổ chức thành công đại hội điểm cấp cơ sở. Các đảng bộ trực thuộc tỉnh ủy đã chọn 21 cơ sở đảng tổ chức đại hội điểm. Việc chuẩn bị văn kiện trình đại hội điểm này được cấp ủy chỉ đạo chặt chẽ. Các báo cáo chính trị đã tổng kết sâu sắc, trung thực kết quả thực hiện nghị quyết của đại hội sau một nhiệm kỳ. Các báo cáo kiểm điểm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đã thẳng thắn, nghiêm túc đánh giá kết quả tập thể cấp ủy đã làm được, cũng như những hạn chế cần khắc phục; gắn việc kiểm điểm cấp ủy với kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII), Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.  
Tuy nhiên, theo đánh giá của Tỉnh ủy Phú Thọ thì văn kiện của một số đơn vị chuẩn bị còn sơ lược, chưa nêu được nhiều giải pháp mang tính đột phá trong nhiệm kỳ tới, một số chỉ tiêu đề ra khó khả thi. Các ý kiến tham luận tại đại hội phần nhiều là ý kiến minh họa cho kết quả báo cáo chính trị đã nêu, ý kiến tranh luận và đóng góp giải pháp trong nhiệm kỳ mới chưa nhiều…
Lơ là nhiệm vụ quan trọng nhất của đại hội
Toàn cảnh Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Ảnh: TTXVN
Tại Hội nghị trực tuyến rút kinh nghiệm việc tổ chức đại hội điểm cấp cơ sở của tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, Tỉnh ủy Kon Tum thẳng thắn đánh giá công tác chuẩn bị văn kiện trình đại hội ở một số đảng bộ còn có sự trùng lặp về nội dung giữa báo cáo tổng kết việc thực hiện nghị quyết đại hội khóa trước và báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo của cấp ủy.
Tỉnh ủy Bạc Liêu thông tin: Các đảng ủy cấp trên cơ sở trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đảng bộ cơ sở tổ chức đại hội điểm bảo đảm chất lượng, đúng quy định nhưng chất lượng báo cáo chính trị vẫn chưa cao, một số chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội nêu tại đại hội thấp hơn mức đạt bình quân của tỉnh, mặc dù đây là các xã điển hình. Báo cáo kiểm điểm cấp ủy còn dài, trùng lặp một số nội dung với báo cáo chính trị, chưa làm nổi bật được những ưu điểm, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo…
Chúng ta đã có khá nhiều bài học đắt giá về việc không chuẩn bị chu đáo văn kiện từ các kỳ đại hội đảng các khóa trước ở nhiều đảng bộ, nhất là việc chuẩn bị báo cáo chính trị. Báo cáo chính trị là văn kiện có tính tổng kết toàn diện, chính thống, khoa học, thể hiện trí tuệ, trách nhiệm của đảng bộ và nhân dân về đánh giá hoạt động lãnh đạo và hoạt động xây dựng nội bộ của cấp bộ đảng trong nhiệm kỳ; đồng thời, vừa thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược, quan điểm, chủ trương, định hướng lớn, khả năng dự báo và đề xuất mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác, các lĩnh vực đời sống xã hội, các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cho nhiệm kỳ tiếp theo. Do chuẩn bị chưa kỹ, chưa sâu, chưa sát nên việc việc tổng kết thực tiễn, rút ra bài học kinh nghiệm chưa đầy đủ, dẫn tới việc đề ra chủ trương định hướng của nhiệm kỳ mới không phù hợp. Đảng ủy khóa mới dù có “ba đầu, sáu tay” vẫn khó có thể ban hành nghị quyết lãnh đạo hằng năm trái với nghị quyết của cả nhiệm kỳ. Thực tế, nhiệm kỳ vừa qua đã có không ít đảng bộ không hoàn thành nhiệm vụ hoặc hoàn thành nhiệm vụ ở mức thấp có nguyên nhân từ chuẩn bị báo cáo chính trị đầu nhiệm kỳ không đúng tầm với nhiệm vụ chính trị của đảng bộ.
“Không phải chỉ tập trung lo chuẩn bị nhân sự mà phải tập trung xây dựng văn kiện đại hội”
Đó là khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII). Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Đại hội XIII của Đảng không phải chỉ cho đến năm 2026 (giai đoạn 2021-2026) mà phải có tầm nhìn chiến lược dài hơn, nhìn lại cả quá khứ và hướng tới tương lai. Bộ Chính trị đã cho định hướng mốc đến năm 2026 là mốc kết thúc nhiệm kỳ Đại hội XIII, đến năm 2030 là mốc 100 năm thành lập Đảng và đến năm 2045 là mốc 100 năm thành lập nước. “Vậy chúng ta định hướng, hình dung ra nước ta vào năm 2030 sẽ là thế nào? Đến năm 2045, nước ta sẽ như thế nào? Đây là những vấn đề rất lớn, vô cùng khó. Vừa qua, họp Bộ Chính trị, họp lãnh đạo chủ chốt, tôi đã nói: Tất cả các địa phương phải theo cách này, không phải chỉ tập trung lo chuẩn bị nhân sự mà phải tập trung xây dựng văn kiện đại hội. Báo cáo trình ra đại hội không giống như báo cáo thành tích hằng năm, mà cũng phải phân tích quá trình của địa phương, đơn vị mình hiện tại và sắp tới, hình dung xem địa phương ta đến năm 2030 sẽ ra sao, đến năm 2045 sẽ là như thế nào. Đây là việc khó lắm, không dễ, cho nên các đồng chí phải nghiên cứu, chuẩn bị hết sức công phu.”-Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Tại mỗi kỳ đại hội, việc xây dựng báo cáo chính trị là yêu cầu bắt buộc các cấp ủy phải chuẩn bị từ trước, sau đó lấy ý kiến góp ý và hoàn chỉnh dự thảo trình đại hội. Tại đại hội, các đại biểu tiếp tục thảo luận và góp ý để thống nhất biểu quyết và thông qua vào cuối kỳ đại hội để triển khai thực hiện trong cả nhiệm kỳ. Báo cáo chính trị của đại hội là sự kết tinh trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm, sự sáng tạo, tầm nhìn, khát vọng của đảng bộ và định hướng phát triển của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Thực tế, qua việc tổ chức một số đại hội chi bộ và đại hội đảng bộ cơ sở làm điểm trong thời gian gần đây, chúng tôi thấy, nhiều nơi chỉ tập trung cho việc chuẩn bị bầu cấp ủy mới, nhân sự tham dự đại hội cấp trên mà lơ là việc chuẩn vị cho văn kiện đại hội. Vì thế, báo cáo chính trị tại đại hội rất chung chung, không khí của đại hội phần lớn là “tưng bừng, phấn khởi”. Đại biểu chỉ tham luận mà không tranh luận. Hầu hết là đọc một bản viết sẵn, chủ yếu nêu tình hình, nêu thành tích. Có tham luận ở cấp xã, phường mà như một bản thuyết trình, nói toàn chuyện “trên trời, dưới bể” về cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, về nước biển dâng, trái đất nóng lên, về dự báo nửa cuối thế kỷ 21... Và cuối cùng, đại hội nhất trí như... dự thảo.
Lý giải về việc chưa tập trung đầu tư cho văn kiện, có cán bộ cho rằng: “Việc chuẩn bị văn kiện chẳng cần công phu vì còn được bổ sung bởi các đại biểu trong đại hội. Nếu chuẩn chỉnh quá thì các đại biểu sẽ đóng góp vào đâu?”. Có đồng chí còn ngụy biện: “Nghị quyết đại hội nếu chưa thực sự đúng đắn thì nghị quyết hằng năm sẽ được bổ sung, còn nhân sự đã bầu rồi thì thay thế khó lắm”... Chính do những suy nghĩ như vậy mà đã có không ít cấp ủy khóa cũ chỉ tập trung lo nhân sự cho cấp ủy khóa mới rồi quên mất nhiệm vụ quan trọng nhất là chuẩn bị văn kiện. Đó là chưa kể đến, một số cán bộ trước đại hội lo “giữ ghế”, lo cho người thân, người quen, người cùng “phe, cánh” với mình có chân trong cấp ủy mới mà lơ là nhiệm vụ chuẩn bị văn kiện. Đây cũng là một dạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong tư tưởng, đạo đức, lối sống cần phải được cảnh báo và chấn chỉnh.
Muốn đưa nghị quyết vào cuộc sống thì phải đưa cuộc sống vào nghị quyết
Nghị quyết và nhân sự là hai nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng nhất của đại hội đảng các cấp. Hai nhiệm vụ này có mối quan hệ đặc biệt, liên quan mật thiết với nhau. Có nghị quyết đúng mà không có nhân sự tốt để đưa nghị quyết vào cuộc sống; cũng như có nhân sự tốt mà không có nghị quyết phù hợp đều dẫn đến hệ lụy khó lường.  
Lâu nay chúng ta nói nhiều đến việc nghị quyết chưa đi vào cuộc sống mà ít có đảng bộ phân tích vì sao có tình trạng này. Thực tế đã chứng tỏ, muốn đưa nghị quyết vào cuộc sống thì cần phải đưa cuộc sống vào nghị quyết. Trong đó, khâu chuẩn bị dự thảo nghị quyết có tầm quan trọng đặc biệt. 
Chỉ thị số 35 CT/TW ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị về tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng đã yêu cầu, báo cáo chính trị của các đảng bộ phải đánh giá khách quan, trung thực, sát tình hình thực tế; làm rõ những ưu điểm, khuyết điểm trên các lĩnh vực xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại...; chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc, toàn diện, sát thực tế; đồng thời, quán triệt quan điểm, chủ trương, định hướng lớn trong các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng và của cấp trên, cũng như điều kiện thực tế địa phương, đơn vị, đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, khả thi, hiệu quả để thực hiện trong nhiệm kỳ 2020-2025 và với tầm nhìn xa hơn. Báo cáo kiểm điểm của cấp ủy phải có tính chiến đấu, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình với thái độ nghiêm túc, thẳng thắn, xây dựng; đánh giá đúng, khách quan, trung thực công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện trong nhiệm kỳ vừa qua; kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và XII), gắn với việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan của những hạn chế, khuyết điểm, yếu kém và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân; đồng thời, phải cầu thị, khiêm tốn, lắng nghe nhiều chiều để đề ra kế hoạch, lộ trình, biện pháp phù hợp, hiệu quả nhằm sửa chữa, khắc phục trong thời gian tới.
Bộ Chính trị cũng yêu cầu, quá trình xây dựng dự thảo văn kiện đại hội, các cấp ủy phải nghiêm túc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc, của cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ hưu trí, các nhà khoa học, nhân sĩ, trí thức, chuyên gia và các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức thích hợp, hiệu quả. Để nâng cao chất lượng thảo luận, đóng góp ý kiến vào văn kiện tại đại hội, các cấp ủy chuẩn bị dự thảo nghị quyết đại hội, chương trình hành động (gồm những định hướng lớn, nội dung cơ bản của báo cáo chính trị) để đại hội thảo luận, quyết định. Đại hội các cấp phải dành thời gian thỏa đáng, phát huy trách nhiệm, trí tuệ của đại biểu trong thảo luận; bảo đảm dân chủ, kỹ lưỡng, sâu sắc, hiệu quả, tránh "qua loa", hình thức; các ý kiến khác nhau cần dành thời gian thảo luận, tranh luận, làm rõ, đi đến thống nhất trên tinh thần cầu thị, lắng nghe, đoàn kết, xây dựng. Thế nhưng trên thực tế, ở một số đảng bộ đã không thực hiện nghiêm túc quy trình này.
Kinh nghiệm tại Đảng bộ TP Hà Nội cho thấy, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã xây dựng 8 chương trình công tác toàn khóa. Theo đó, từng đồng chí trong Ban Thường vụ được giao phụ trách từng chương trình; hằng năm đều có sơ kết đánh giá. Chính vì vậy, những kết quả đạt được trong mỗi chương trình đều rất rõ, cụ thể và ngược lại, những hạn chế, tồn tại sẽ được tháo gỡ kịp thời. Nghị quyết của Đảng bộ thành phố đã đi nhanh vào cuộc sống.
Theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương thì đại hội đảng viên hoặc đại hội đại biểu đảng bộ cơ sở trong cả nước phải hoàn thành trước ngày 30-6-2020. Đại hội đại biểu đảng bộ cấp huyện và tương đương hoàn thành trước ngày 31-8-2020. Đại hội đại biểu đảng bộ trực thuộc Trung ương hoàn thành trước ngày 31-10-2020. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, một số cơ sở đảng đã lùi thời gian tổ chức đại hội. Như vậy, vẫn còn thời gian để các cấp ủy hoàn thiện văn kiện trình đại hội của cấp mình. Lơ là công việc quan trọng nhất của đại hội cũng là một biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
ĐỖ PHÚ THỌ

Cùng chăm lo cho “trong ấm ngoài êm”

Với truyền thống văn hóa người Việt, gia đình, dòng họ là thành tố có kết cấu bền vững, ổn định. Trong thời đại hội nhập, không ít giá trị truyền thống mang bản sắc gia phong đã phai nhạt. Kết cấu truyền thống của gia đình, dòng họ có sự thay đổi nhất định.

Với truyền thống văn hóa người Việt, gia đình, dòng họ là thành tố có kết cấu bền vững, ổn định. Trong thời đại hội nhập, không ít giá trị truyền thống mang bản sắc gia phong đã phai nhạt. Kết cấu truyền thống của gia đình, dòng họ có sự thay đổi nhất định. 45 năm sau ngày đất nước thống nhất, kiều bào trên thế giới đã phát triển đến thế hệ thứ ba, thứ tư. Số lượng du học sinh và người lao động Việt Nam ở các nước ngày càng đông. Để bảo vệ thành quả cách mạng cha ông đã đổ máu xương giành được, chúng ta phải có chiến lược chấn hưng văn hóa, củng cố trận địa tư tưởng ngay từ mỗi gia đình, dòng họ…
Khơi dậy mạnh mẽ mạch nguồn truyền thống
Phát huy thành quả vĩ đại của Chiến thắng 30-4-1975, suốt 45 năm qua, thành phố vinh dự được mang tên Bác Hồ kính yêu luôn là nơi khởi phát, sáng tạo các mô hình của công cuộc kiến thiết, xây dựng đất nước, thực hiện đường lối đổi mới, hội nhập. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh thực hiện Phong trào “Khơi dậy và phát huy truyền thống năng động, sáng tạo để phát triển thành phố” do Thành ủy TP Hồ Chí Minh phát động. Tại cuộc hội thảo khoa học về chủ đề này, các nhà nghiên cứu đã khẳng định vai trò đặc biệt to lớn của trận địa gia đình, dòng họ. Đây là nhân tố quyết định của mặt trận “nổi dậy”, kết hợp chặt chẽ với “tổng tiến công”, làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975 chấn động địa cầu. Đến nay, hệ thống các di tích của những “vùng lõm chính trị”, cơ sở cách mạng trong lòng địch và mạch nguồn truyền thống yêu nước, lòng trung thành vô hạn với cách mạng của đồng bào Sài Gòn-Gia Định nói riêng, vùng đất Nam Bộ thành đồng nói chung đã trở thành di sản văn hóa tinh thần vô giá của dân tộc.
Xin đơn cử một câu chuyện truyền thống từ Di tích lịch sử Quán Nhan Hương trong khuôn viên Thảo Cầm Viên. Đây là cơ sở cách mạng ngay sát trung tâm đầu não của địch ở Sài Gòn. Suốt những năm tháng cam go, gian khổ, một gia đình và những người bà con họ hàng thân thích dưới vỏ bọc là một quán nhậu đã nuôi giấu hàng trăm lượt cán bộ, cung cấp cho cách mạng những thông tin quan trọng do đám sĩ quan, binh lính Mỹ, ngụy đến ăn nhậu để lộ. Hiểm nguy rình rập, có thể bị địch thủ tiêu cả dòng họ bất cứ lúc nào nếu bị lộ, nhưng họ đã giữ lòng trung thành vô hạn, đức kiên trung tuyệt đối với Đảng. Những cơ sở như thế trong lòng Sài Gòn có đến hàng nghìn địa chỉ, họ là những người dân rất đỗi bình thường, hiền lành, chất phác. Đó là những giá trị truyền thống kết thành sức mạnh vô song, vượt lên mọi sức mạnh của đạn bom, vũ khí tối tân, kỹ thuật hiện đại của địch.
Giới nghiên cứu kiến nghị, muốn khơi dậy và phát huy truyền thống năng động, sáng tạo để phát triển đất nước trong thời đại ngày nay, chúng ta phải tạo nên trường văn hóa, trường giáo dục bền vững từ mỗi gia đình, dòng họ. Đó là nơi khởi phát, hội tụ và tiếp biến mọi khuynh hướng tư tưởng, mọi trào lưu văn hóa. Trong môi trường hội nhập, chúng ta phải chấn hưng các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng thành trì tư tưởng vững chắc ngay từ trận địa gia đình, dòng họ, với dòng chảy chủ đạo là tinh thần yêu nước, lòng trung thành vô hạn với Đảng, sẵn sàng hiến dâng tất cả để bảo vệ thành quả cách mạng mà tổ tiên, ông bà, cha anh đã đổ xương máu lập nên. Đây là vấn đề có tính chiến lược, vừa bao quát, vừa cụ thể, vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa lâu dài, bền vững…
III - Cùng chăm lo cho “trong ấm ngoài êm” (Tiếp theo và hết)
Điểm phát gạo miễn phí cho người nghèo tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa/baotintuc.vn.
Những ngày qua, thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, Thành phố mang tên Bác lại là địa phương tiên phong làm sống dậy, lan tỏa những nghĩa cử cao đẹp giống như thời đất nước có chiến tranh. Những mô hình nhân ái như máy cấp gạo miễn phí tự động, “quán ăn 0 đồng”, các phong trào thiện nguyện… được khởi phát từ chính những gia đình có tấm lòng thơm thảo. Hình ảnh những bà mẹ tuổi thượng thọ cần mẫn may khẩu trang ủng hộ bộ đội nơi tuyến đầu chống dịch gợi cho chúng ta nhớ đến câu chuyện cảm động “Tấm áo mẹ vá năm xưa” trong thời kháng chiến. Việc hàng trăm gia đình tình nguyện ủng hộ hàng chục tấn gạo, những em bé đập heo đất tiết kiệm ủng hộ chống dịch, hàng nghìn bạn trẻ làm đơn tình nguyện xung phong lên tuyến đầu chống dịch… là sự tái hiện sinh động khí thế toàn dân kháng chiến chống giặc năm xưa, mà điểm khởi phát chính là mỗi gia đình. Người người kết nối, nhà nhà hưởng ứng, nét đẹp truyền thống được khơi dậy mạnh mẽ, phát triển thành phong trào yêu nước trong thời đại mới của toàn dân. Đó là niềm tự hào to lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, được thế giới ngưỡng mộ, nể phục. Tổng thống Mỹ Donald Trump và các nhà lãnh đạo ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đã bày tỏ lời cảm ơn trân trọng, đánh giá cao sự hỗ trợ và hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19 ở Việt Nam. Đây chính là những cơ sở góp phần đập tan những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch về tình hình dịch bệnh ở Việt Nam.
Cần nhiều hơn những hành trình trở về nguồn cội
Khi bàn về sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, các nhà nghiên cứu đều cho rằng, sách lược căn cơ chính là chúng ta phải củng cố cho nội lực đất nước hùng mạnh, cả về chính trị tư tưởng và kinh tế, quốc phòng. Khi chúng ta mạnh, chúng ta sẽ có sức đề kháng, “miễn dịch” với những âm mưu, thủ đoạn chống phá của kẻ thù từ bên ngoài. Ông bà mình đã đúc kết “Trong ấm ngoài êm” chính là thế.
Trải qua những thăng trầm lịch sử, là dòng dõi con Lạc cháu Hồng, ai cũng thấy rõ niềm tự hào to lớn về diện mạo, vị thế của đất nước hôm nay. Vậy nhưng, với một bộ phận nhỏ kiều bào xa Tổ quốc, ít có cơ hội tiếp cận thông tin từ quê nhà, lại bị các phần tử thù địch nhồi nhét tư tưởng hận thù, khó tránh khỏi những cái nhìn phiến diện, thái độ cực đoan.
Thời gian gần đây, công chúng mạng xã hội YouTube rất có thiện cảm với các chương trình truyền hình của nhà báo Mỹ gốc Việt Nguyễn Quang Trường. Ông đã dành nhiều tháng trời trở về Việt Nam tìm gặp các cựu tù chính trị, cựu tù binh, các địa danh lịch sử trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước để tái hiện ký ức. Những cuộc phỏng vấn thực tế với các nhân chứng lịch sử giúp ông và công chúng, nhất là đông đảo kiều bào có cái nhìn khách quan, chân thực về lịch sử với những góc nhìn cận cảnh, thời sự sau 45 năm chấm dứt chiến tranh. Chia sẻ trên truyền thông, ông thổ lộ, bản thân là con của gia đình quân nhân chế độ Việt Nam Cộng hòa trước năm 1975; sang Mỹ định cư đã mấy chục năm, ông cùng bạn bè, người thân chịu sự giáo dục nhồi nhét những tư tưởng cực đoan, thù hận. Sau khi đi làm báo, ông tự nhủ phải thay đổi tư duy, nhìn nhận sự vật, hiện tượng một cách khách quan, công bằng. Ông trở về Việt Nam thực hiện ý định của mình nhằm góp phần thức tỉnh những cái đầu bảo thủ, mông muội của một bộ phận người Việt mang tư tưởng cực đoan ở hải ngoại.
Thực tế cho chúng ta thấy, hiện thực khách quan của đất nước, nếu nhìn qua lăng kính bảo thủ, tư tưởng thù hận từ mỗi gia đình như vậy thì trắng hóa đen, tốt thành xấu. Với thế hệ trẻ của kiều bào sinh ra và lớn lên ở nước sở tại, ý thức về quê cha đất tổ, tình nghĩa với quê hương, họ hàng đều phụ thuộc vào cái nôi giáo dục, định hướng ở mỗi gia đình. GS, TS Trần Ngọc Thêm, chuyên gia văn hóa học hàng đầu ở TP Hồ Chí Minh hiện nay kể rằng, ông đã đi tìm hiểu, nghiên cứu đời sống kiều bào ở nhiều nước trên thế giới. Thực tế chứng minh, kiều bào càng sống xa Tổ quốc, nhu cầu và khát vọng bảo tồn bản sắc văn hóa cha ông càng lớn, vai trò của gia đình, dòng họ trong đời sống kiều bào càng quan trọng. Rất nhiều gia đình, dòng họ đã phát triển đến thế hệ thứ 4, con cháu chưa một lần trở về quê hương, nhưng các cháu nhỏ đang tuổi học sinh vẫn nói được tiếng Việt, vẫn có tình yêu sâu đậm với các sinh hoạt văn hóa phong tục được ông bà, cha mẹ truyền dạy. Đó là những chất liệu, là cơ sở tuyệt vời để chúng ta có chiến lược bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng kiều bào. Tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ thành quả cách mạng của dân tộc là giá trị cốt lõi trong đời sống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của người Việt xa quê.
Củng cố trận địa tư tưởng từ mỗi gia đình, dòng họ vì sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước phải là sự kết nối thường xuyên, liên tục, sâu rộng giữa đồng bào, chiến sĩ trong nước và kiều bào ở nước ngoài dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cần nhiều hơn những hành trình trở về nguồn cội dành cho thế hệ trẻ kiều bào, để họ thấy rõ hơn, cảm nhận sâu sắc hơn hiện thực đất nước sau 45 năm thống nhất. Với cách tiếp cận mới, tư duy mới, với sự tương tác mạnh mẽ của công nghệ thông minh, chính thế hệ trẻ sẽ định hình ý thức hệ mới, tiến bộ, xóa bỏ tư tưởng cổ hủ, lạc hậu mang màu sắc thù hận, thù địch trong một bộ phận người Việt Nam ở nước ngoài ngay từ mỗi gia đình, dòng họ.
PHAN TÙNG SƠN

Phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 trong ứng phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống hiện nay

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc toàn thắng cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước lâu dài, gian khổ, ác liệt nhưng vô cùng vẻ vang của nhân dân ta.

Đây là thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trong thế kỷ 20 do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; đánh dấu một mốc son chói lọi, viết tiếp trang sử hào hùng trong chặng đường dựng nước và giữ nước qua hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc Việt Nam. Đã 45 năm trôi qua, nhưng thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 vẫn mang tính thời sự và tiếp tục vang vọng mãi, để lại cho dân tộc ta nhiều bài học vô giá, có ý nghĩa rất quan trọng; thể hiện tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong chống giặc ngoại xâm ở ba vấn đề cơ bản sau:
1. Tinh thần quyết chiến, quyết thắng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 bắt nguồn từ vai trò lãnh đạo, quyết tâm chiến lược sáng suốt của Đảng-nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam
Sau Hiệp định Paris (1-1973), cục diện trên chiến trường miền Nam có những thay đổi lớn. Vùng giải phóng của ta ngày càng mở rộng; chính quyền Sài Gòn ngày càng suy yếu, do tranh giành quyền lực và tác động của sự giảm viện trợ đột ngột từ đế quốc Mỹ. Trong nội bộ nước Mỹ xảy ra những bê bối về chính trị (vụ Watergate 1972-1974), khiến cho Mỹ khó có khả năng đưa quân đội quay trở lại chiến trường miền Nam. Từ ngày 30-9 đến 8-10-1974, Bộ Chính trị họp phân tích, đánh giá tình hình địch-ta và cơ bản nhất trí với kế hoạch chiến lược hai năm do Bộ Tổng Tham mưu xây dựng, với nội dung cơ bản là: Năm 1975, tranh thủ thời cơ tập trung lực lượng, phương tiện tiến công lớn, rộng khắp, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng thêm nhiều vùng đất; năm 1976, thực hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Cũng tại cuộc họp này, Bộ Chính trị đã quyết định lấy chiến trường Tây Nguyên làm hướng tiến công chiến lược chủ yếu trong năm 1975. Cùng với thắng lợi của Chiến dịch Phước Long, từ ngày 18-12-1974 đến 7-1-1975, Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng đã bổ sung, hoàn chỉnh quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam và thống nhất nhận định: Ta đang đứng trước thời cơ chiến lược lớn, vì vậy phải “nắm vững thời cơ lịch sử, mở nhiều chiến dịch tổng hợp liên tiếp, đánh những trận quyết định, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc...”[1], đồng thời xác định: “Kế hoạch tiếp theo cho năm 1976 sẽ do kết quả thực hiện kế hoạch năm 1975 quyết định. Chúng ta phải cố gắng cao nhất để thắng gọn trong năm 1975. Điều đó là một khả năng hiện thực”[2]. Như vậy, việc giải phóng miền Nam đã được Bộ Chính trị tính toán, xác định cả về quy mô, lộ trình, thời điểm và phương pháp tiến hành.
Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, quân và dân ta đã chớp thời cơ chiến lược, tạo nên thế và lực hơn hẳn đối phương, giành thắng lợi lớn trong các chiến dịch, từng bước làm tan rã quân đội và chính quyền Sài Gòn. Từ Chiến thắng Tây Nguyên (3-1975), ta đã phá vỡ chỗ yếu nhất trong thế bố trí chiến lược của địch, làm rung chuyển toàn bộ chiến trường miền Nam. Tiếp đó là các chiến dịch: Trị Thiên-Huế, Đà Nẵng giành thắng lợi, ta đã thực hiện đúng tinh thần “một ngày bằng 20 năm” được Bộ Chính trị xác định trước đó. Chỉ sau hơn 1 tháng tiến công và nổi dậy đã có 3/4 diện tích đất đai, với gần nửa số dân ở miền Nam được giải phóng. Đến ngày 26-4-1975, năm cánh quân ta đã “thần tốc, táo bạo”, áp sát Sài Gòn-Gia Định, đồng loạt tiến công, mở màn trận quyết chiến chiến lược mang tên Bác Hồ kính yêu-Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, lá cờ của Quân giải phóng đã tung bay trên nóc dinh Độc Lập-sào huyệt cuối cùng của chính quyền và quân đội Sài Gòn, báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Chiến công này đã đi vào lịch sử dân tộc như một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh, là niềm tự hào chung của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 trong ứng phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống hiện nay
Xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, trưa ngày 30-4-1975. Ảnh tư liệu/TTXVN.
2. Tinh thần quyết chiến, quyết thắng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 được thể hiện sinh động trong thực tiễn
Để thực hiện quyết tâm giải phóng miền Nam, ta đã tập trung phát triển lực lượng, xây dựng các binh đoàn chủ lực cơ động mạnh. Sau Quân đoàn 1 (thành lập năm 1973), lần lượt các quân đoàn chủ lực 2, 3, 4 kế tiếp nhau ra đời, kết hợp với các quân chủng, binh chủng khác, tạo nên sức mạnh đột phá trên các hướng chiến trường. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, nhất là trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ta đã sử dụng lực lượng của cả 4 quân đoàn chủ lực và Đoàn 232 (tương đương quân đoàn) cùng các quân chủng, binh chủng phối hợp tham gia chiến đấu. Để có được lực lượng tinh nhuệ, hùng hậu ấy, chúng ta đã phải dày công xây dựng trong nhiều năm, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Mặc dù chịu sự đánh phá ác liệt của kẻ thù, nhưng lực lượng chủ lực trên cả hai miền Nam-Bắc vẫn lớn mạnh không ngừng, phát triển từ cấp trung đoàn, sư đoàn lên quân đoàn. Lực lượng dân quân, du kích đến đầu năm 1975 đã phát triển rộng khắp trên các vùng, miền, nhà máy, xí nghiệp… với số lượng lên đến hàng triệu cán bộ, chiến sĩ. Đó là kết quả từ quyết tâm lớn của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong xây dựng lực lượng vũ trang phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Một yếu tố quan trọng khác thể hiện tinh thần quyết chiến, quyết thắng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đó là công tác chuẩn bị cơ sở vật chất cho chiến trường. Từ cuối năm 1974 đến đầu năm 1975, ta đã xây dựng và mở rộng tuyến chi viện chiến lược-Đường Hồ Chí Minh trên cả hai trục Đông và Tây Trường Sơn, với tổng chiều dài toàn tuyến là gần 20.000km; đường ống xăng dầu chiến lược được kéo dài từ miền Bắc tới huyện Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) chỉ cách địa bàn Chiến dịch Hồ Chí Minh chưa đầy 100km. Toàn tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn, ta đã sử dụng hơn 10.000 xe ô tô, vận chuyển, tập kết hơn 11,3 vạn tấn vũ khí, đạn dược và hàng nhu yếu phẩm; vận chuyển hơn 14,5 vạn quân vào các hướng chiến dịch.
Trên chiến trường miền Nam, công tác chuẩn bị tại chỗ được đặc biệt coi trọng. Nhân dân miền Nam tích cực đẩy mạnh sản xuất, dự trữ lương thực, hàng hóa phục vụ cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy. Trong hai năm (1973-1974), quân dân miền Nam đã đóng góp hơn 122 nghìn tấn lương thực vừa phục vụ bộ đội chủ lực, vừa phục vụ lực lượng chiến đấu tại chỗ. Các cơ sở chính trị được xây dựng rộng khắp, tạo thành thế chiến tranh nhân dân vững chắc trên toàn miền Nam. Từ thực tiễn cho thấy, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Trung ương Đảng trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nói chung, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 nói riêng, đã thấm đến toàn quân, toàn dân, tạo thành sức mạnh vô địch để chúng ta giành thắng lợi cuối cùng.
3. Tinh thần quyết chiến, quyết thắng lan tỏa đến bạn bè thế giới, tạo sức mạnh thời đại cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
Thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta được quyết định bởi yếu tố nội lực. Bên cạnh đó là sự giúp đỡ to lớn của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Có được sức mạnh thời đại ấy vì đây là cuộc kháng chiến chính nghĩa, vì khát vọng độc lập tự do của dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng là khát vọng của các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Yếu tố có tính cốt lõi đó đã tạo nên hình ảnh một nước Việt Nam bất khuất, kiên cường trước kẻ thù xâm lược. Sau khi giải phóng miền Nam, đã có hàng nghìn bài báo, cuốn sách của các tác giả trên khắp thế giới viết về Chiến thắng 30-4-1975 của Việt Nam. Trong cuốn “Ý nghĩa lịch sử thế giới của thắng lợi của cách mạng Việt Nam” (xuất bản năm 1975 tại Tokyo, Nhật Bản) đã viết: “Trong lịch sử loài người, lần đầu tiên, thời đại nước lớn có thể chi phối vận mệnh nước nhỏ đã chấm dứt, thời đại các dân tộc có thể tự quyết định lấy vận mệnh của mình, thời đại mà sự đoàn kết quốc tế chân chính có thể thực hiện được, đã bắt đầu” [3].
Tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đã tạo cơ sở để xây nên tình đoàn kết liên minh chiến đấu đặc biệt giữa ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia; lực lượng vũ trang ba nước đã kề vai sát cánh, “chia sẻ ngọt bùi”, “đồng cam, cộng khổ”, trở thành người đồng chí, anh em thân thiết, đoàn kết, liên minh chiến đấu, đánh bại hàng chục cuộc hành quân càn quét của Mỹ-ngụy, giữ vững tuyến chi viện chiến lược cho chiến trường ba nước. Đặc biệt là tinh thần quyết chiến, quyết thắng và kết quả của Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 trên chiến trường miền Nam Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi để cách mạng Lào và Campuchia giành được chính quyền, giải phóng dân tộc khỏi sự áp bức của đế quốc, tay sai. Tình đoàn kết giữa ba nước cho đến nay vẫn được nuôi dưỡng, gắn kết vì độc lập, tự do, sự thịnh vượng của mỗi nước và khu vực.
Ngày nay, tình hình khu vực và thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Chiến tranh cục bộ, xung đột sắc tộc, tôn giáo trên thế giới chưa chấm dứt. Sự cạnh tranh về kinh tế, chính trị, quân sự giữa các nước lớn diễn ra gay gắt, tiềm ẩn nhiều bất ổn. Tình hình Biển Đông ngày càng xuất hiện các yếu tố khó lường, có thể đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực. Đặc biệt là những năm gần đây, các vấn đề về an ninh phi truyền thống nổi lên ngày càng rõ nét, ảnh hưởng sâu sắc tới sự phát triển của mỗi quốc gia và trên toàn thế giới. Tác động lớn của biến đổi khí hậu, ô nhiễm, suy thoái môi trường, cạn kiệt nguồn nước... khiến cho bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, cháy rừng, động đất… thường xuyên xảy ra trên diện rộng, thời gian dài, ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển kinh tế-xã hội toàn cầu. Với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong tất cả các lĩnh vực: Kinh tế, chính trị, văn hóa, quốc phòng, an ninh... tạo ra nhu cầu kết nối thế giới qua không gian mạng ngày càng cao, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn an ninh mạng, an ninh công nghệ. Dịch bệnh xuất hiện và hoành hành trên diện rộng, khiến hàng trăm quốc gia bị ảnh hưởng, tính mạng con người bị đe dọa. Các vấn đề khác, như: Sử dụng vũ khí sinh thái, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, cướp biển..., có thể làm suy giảm an ninh quốc gia, ảnh hưởng tới sự nghiệp quốc phòng... Những vấn đề về an ninh phi truyền thống nêu trên, vừa mang tính toàn cầu, vừa là vấn đề bức thiết, cấp bách của mỗi quốc gia, đòi hỏi phải có giải pháp giải quyết thấu đáo. Vì vậy, cùng với thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, Quân đội phải chủ động đối phó và xử lý thắng lợi các thách thức an ninh phi truyền thống, giữ vững hòa bình, ổn định, tạo điều kiện để đất nước tiếp tục phát triển. Để xử lý tốt các vấn đề an ninh phi truyền thống, toàn quân ta cần tiếp tục phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ cơ bản sau:
Một là, tích cực nghiên cứu, nắm chắc, dự báo đúng tình hình, tham mưu chính xác, ứng phó kịp thời, hiệu quả các tình huống.
Đây là công việc rất quan trọng, có tính quyết định để giành thắng lợi trong xử lý các vấn đề an ninh phi truyền thống. Nếu nắm tình hình tốt, dự báo đúng thì chúng ta sẽ nắm chắc thời cơ, có thế chủ động, đồng thời xây dựng được các giải pháp đúng, trúng trong ứng phó. Trong nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 của toàn quân vừa qua, chúng ta đã chủ động nắm chắc tình hình, dự báo đúng. Ngay khi còn chưa xuất hiện tại Việt Nam, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, đánh giá tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh. Sự chủ động đã giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước các giải pháp chiến lược ứng phó hiệu quả với dịch bệnh. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương triển khai diễn tập trong toàn quân, vận hành đồng bộ, thông suốt hệ thống lãnh đạo, chỉ huy, điều hành từ cơ quan Bộ Quốc phòng đến các đơn vị cơ sở. Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 Bộ Quốc phòng đã kịp thời xây dựng phương án, xác định rõ tính chất, mức độ và giải pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả đối với từng cấp độ dịch bệnh. Vai trò tham mưu và sự chủ động, quyết liệt trong triển khai thực hiện của toàn quân đã góp phần vào sự thành công trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của nước ta, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị, nhất là cơ quan tham mưu chiến lược cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, nắm chắc từng lĩnh vực, trạng thái, cấp độ về an ninh phi truyền thống, chủ động đánh giá tính chất, diễn biến và sự ảnh hưởng tới sự phát triển của đất nước nói chung, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng nói riêng, để xây dựng các giải pháp đối phó với từng lĩnh vực. Khi nghiên cứu, xác định giải pháp, phải quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật, các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, thảm họa, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng…, thực hiện tốt các công ước, hiệp ước, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên, để các giải pháp vừa có tính lý luận-thực tiễn sâu sắc, vừa mang tầm quốc gia, quốc tế, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.
Hai là, chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, huấn luyện, diễn tập thuần thục các phương án, sẵn sàng đối phó thắng lợi các vấn đề an ninh phi truyền thống.
Xử lý các vấn đề an ninh phi truyền thống đòi hỏi phải có nhân lực, vật lực, do đó mọi công tác chuẩn bị về con người, cơ sở vật chất, trang bị, phương tiện, cần phải được tiến hành chu đáo, chặt chẽ. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, việc chuẩn bị cơ sở vật chất được tiến hành rất tốt nên đã đóng góp không nhỏ vào thắng lợi chung. Vừa qua, toàn quân đã huy động, sử dụng hiệu quả hệ thống cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật, phương tiện của các đơn vị, nhất là lực lượng quân y, hóa học…, góp phần quan trọng vào sự thành công bước đầu trong phòng, chống dịch Covid-19 ở nước ta. Điều đó cho thấy, việc chuẩn bị cơ sở vật chất, phương tiện chuyên dùng sẵn sàng cho mọi nhiệm vụ, mọi tình huống là rất quan trọng và cần thiết. Toàn quân cần quán triệt, nâng cao nhận thức, triển khai thành các kế hoạch cụ thể, chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.
Cơ quan chức năng các cấp cần tập trung hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch ứng phó với các thảm họa, thiên tai, dịch bệnh…, bảo đảm khoa học, thống nhất; tổ chức huấn luyện, diễn tập định kỳ, bảo đảm mọi cán bộ, chiến sĩ luôn nắm chắc mục tiêu, yêu cầu của từng nhiệm vụ, thành thục trong triển khai thực hiện. Hệ thống cơ sở vật chất, phương tiện, trang bị của toàn quân, nhất là các đơn vị chuyên ngành, các đơn vị đứng chân trên các vùng, miền có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng, tác động của các yếu tố an ninh phi truyền thống, phải thường xuyên được rà soát, bổ sung, bảo đảm đủ số lượng, chất lượng cao, có lượng dự trữ phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Ba là, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho bộ đội và nhân dân trong ứng phó với các vấn đề về an ninh phi truyền thống.
Sự tác động của các vấn đề về an ninh phi truyền thống tới tư tưởng, tình cảm và cuộc sống sinh hoạt của cộng đồng là rất lớn. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức cho bộ đội và nhân dân, để có hành động ứng xử phù hợp với các diễn biến của sự việc là rất quan trọng. Tinh thần quyết chiến, quyết thắng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, là kết quả của công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, với sự phong phú, hiệu quả về nội dung, hình thức và phương pháp. Toàn quân, toàn dân luôn nhận thức sâu sắc, đúng đắn về mục tiêu, yêu cầu của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, từ đó chuyển hóa nhận thức thành quyết tâm và hành động, tạo sức mạnh vô địch, đánh bại mọi sự kháng cự của kẻ thù. Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 vừa qua, công tác tuyên truyền, giáo dục đã mang lại hiệu quả lớn, tạo nên sự thống nhất về nhận thức, giúp toàn quân chủ động khắc phục khó khăn, gian khổ, nguy hiểm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Do làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, các tầng lớp nhân dân đã có kiến thức, hiểu biết cơ bản về dịch bệnh, các nguy cơ lây nhiễm, cách phòng chống, từ đó đồng lòng, góp sức cùng với Chính phủ, Quân đội và các lực lượng chuyên ngành để dập dịch.
Thời gian tới, công tác tuyên truyền về các vấn đề an ninh phi truyền thống tới các tầng lớp nhân dân cần tiếp tục tiến hành đồng bộ, thường xuyên hơn nữa, bảo đảm sự thống nhất về nhận thức của toàn dân về các nguy cơ, tạo sự đồng thuận xã hội, sẵn sàng tiếp nhận, bình tĩnh xử lý hiệu quả các tình huống xảy ra. Nội dung tuyên truyền phải phù hợp với từng đối tượng và phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, để nhân dân dễ tiếp cận, dễ hiểu, dễ nhớ. Các cơ quan báo chí Quân đội phải giữ vững vai trò xung kích, đi đầu trong công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, về ứng phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống tới bộ đội và nhân dân. Trong quá trình tuyên truyền, giáo dục, cần tăng cường đấu tranh với các nhận thức lệch lạc, hành vi vi phạm pháp luật; phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, góp phần định hướng dư luận, củng cố lòng tin của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Bốn là, thực hiện tốt cơ chế chỉ đạo, điều hành từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong xử lý các vấn đề an ninh phi truyền thống.
Sự tác động, ảnh hưởng của an ninh phi truyền thống luôn diễn ra trên phạm vi rộng, nhiều chiều, liên quan đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, để lại hậu quả nặng nề. Do đó, cần phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng để tạo sức mạnh tổng hợp xử lý vấn đề. Từ thực tế này, các cơ quan tham mưu chiến lược của Bộ Quốc phòng, các đơn vị nghiệp vụ, chuyên ngành trong Quân đội cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành của Trung ương, địa phương, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị định số 71/2002/NĐ-CP ngày 23-7-2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp trong trường hợp có thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm. Tích cực rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch, phương án xử lý các vấn đề an ninh phi truyền thống, để loại bỏ những quy định bất hợp lý, đồng thời xây dựng và kiến nghị với cấp có thẩm quyền, bổ sung quy định đối với các vấn đề mới nảy sinh, hoặc nhu cầu thực tiễn đòi hỏi. Trong thời gian tới, toàn quân cần tích cực nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước tổ chức các cuộc diễn tập ứng phó với an ninh phi truyền thống ở quy mô lớn, phạm vi rộng, cấp độ cao, huy động các bộ, ngành, địa phương tham gia, vừa là để rà soát, thống nhất phương án, vừa tạo sự nhuần nhuyễn, đồng bộ trong phối hợp xử lý các vấn đề, nhiệm vụ cụ thể trên.
Các đơn vị trong toàn quân cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị Công an nhân dân thực hiện tốt Nghị định số 03/2019/NĐ-CP ngày 5-9-2019 của Chính phủ về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng. 
Năm là, tăng cường hợp tác với quân đội các nước, ứng phó hiệu quả các vấn đề về an ninh phi truyền thống trong khu vực và thế giới.
Thực tế cho thấy, các vấn đề an ninh phi truyền thống là thách thức lớn đối với các nước trong khu vực và thế giới; vì vậy phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia trong ứng phó, xử lý triệt để vấn đề trên. Dịch Covid-19 diễn ra thời gian qua và các vấn đề về an ninh phi truyền thống đã diễn ra như: Thiên tai, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao, khủng bố, cướp biển…, đòi hỏi phải có sự hợp tác, tham gia của nhiều nước trong ứng phó, giải quyết. Thời gian tới, toàn quân cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, đẩy mạnh hội nhập quốc tế và hợp tác quốc phòng với các nước trong khu vực và trên thế giới, nhằm chia sẻ thông tin, đưa ra những cảnh báo, dự báo sớm về những vấn đề liên quan đến an ninh phi truyền thống. Tích cực tham gia, thực hiện tốt các công ước quốc tế, các hiệp ước đa phương, song phương liên quan đến vấn đề an ninh phi truyền thống, để quân đội các nước trong khu vực và trên thế giới có tiếng nói chung. Trước mắt, cần tập trung thực hiện tốt Tuyên bố chung của Hội nghị ADMM hẹp năm 2020 về hợp tác quốc phòng trong ứng phó với dịch bệnh, nhằm đối phó với mối đe dọa an ninh phi truyền thống khi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Thúc đẩy hợp tác với các nước trong khu vực, nhất là các nước trong khối ASEAN, sớm xây dựng bộ quy tắc ứng phó với dịch bệnh. Nghiên cứu, đề xuất với các nước thành viên ASEAN tổ chức diễn tập xử lý tình huống dịch bệnh lan truyền ngay trong năm 2020, góp phần xây dựng một ASEAN thật sự đoàn kết, gắn kết và có một hành động chung. Tham gia thực hiện tốt các hoạt động của năm ASEAN 2020 do Việt Nam làm chủ tịch, nhất là các hội nghị ADMM; ADMM+…, nhằm tăng cường mở rộng hợp tác quốc phòng với các nước trong khu vực Đông Nam Á; Châu Á-Thái Bình Dương và các nước bạn bè truyền thống, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của đất nước và Quân đội nhân dân Việt Nam.
Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 là sự kiện lịch sử vĩ đại của dân tộc Việt Nam, có tầm quan trọng quốc tế to lớn và tính thời đại sâu sắc. Năm tháng sẽ trôi qua nhưng ý nghĩa và bài học kinh nghiệm từ thắng lợi này lại càng được khẳng định. Phát huy tinh thần và hào khí của Đại thắng mùa Xuân năm 1975, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong muốn.
Đại tướng NGÔ XUÂN LỊCHỦy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng