Thứ Ba, 14 tháng 4, 2020

Báo Đức: Việt Nam thầm lặng chiến thắng nCoV

“Mức độ nhận thức cực kỳ cao, khả năng kiểm soát xã hội cũng vậy”, tờ FAZ của Đức dẫn ý kiến của một chuyên gia về thành công của Việt Nam trong kiểm soát dịch.
Trong giai đoạn đầu của đại dịch, đoạn video tuyên truyền phòng chống Covid-19 của Bộ Y tế đã trở thành “hiện tượng” trên mạng. “Cùng rửa tay xoa xoa xoa xoa đều. Đừng cho tay lên mắt mũi miệng. Và hạn chế đi ra nơi đông người. Đẩy lùi virus Corona Corona!” – đó là đoạn điệp khúc của bài “Ghen Cô Vy” gây chú ý không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới.
Kể từ đó, trong khi Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan được ca ngợi, Việt Nam nhận được ít sự chú ý hơn dù thực hiện các bước đầu tiên ngăn chặn dịch rất tốt. Và Việt Nam đã thành công bất chấp những trở ngại như ngân sách hạn hẹp hơn, mật độ dân số cao và hệ thống y tế được cho là kém phát triển hơn nhiều nước khác.
Báo Đức: Việt Nam thầm lặng chiến thắng nCoV
Việt Nam đã đóng cửa tất cả các trường học trong giai đoạn đầu của dịch, cách ly những người bị dương tính và cả những người tiếp xúc gần cũng như phong tỏa những khu vực có người nhiễm bệnh.
“Kí ức về dịch SARS ở Việt Nam vẫn mới nguyên. Đó là lý do ngay từ đầu họ đánh giá tình hình dịch ở Trung Quốc rất thận trọng”, Todd Pollack, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường đại học y khoa Harvard, cho hay.
Nhờ các biện pháp đó, Việt Nam ban đầu chỉ có 16 ca nhiễm. Ngày 25/2, Việt Nam tự hào tuyên bố tất cả bệnh nhân đã bình phục. Không có ca mắc mới trong ba tuần. “Nếu việc chống Covid-19 là một cuộc chiến, chúng ta đã thắng trận đầu”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Khi đó, cuộc sống vẫn tiếp diễn trong một số hạn chế. Mọi người được yêu cầu phải đeo khẩu trang nơi công cộng.
“Tôi sống ở Hà Nội. Tôi vẫn có thể ra ngoài bình thường. Nhưng tôi được khuyến khích giãn cách xã hội. Các nhà hàng, quán bar, karaoke bị đóng cửa. Siêu thị và hiệu thuốc vẫn mở. Bạn có thể mua nước sát trùng tay, đồ ăn và cả giấy vệ sinh”, Pollack nói.
Dịch xuất hiện lần thứ hai ở Việt Nam bắt nguồn từ một phụ nữ Việt vừa du lịch châu Âu về nước. Người này bị nhiễm bệnh khi đi mua sắm ở London, Milan và Paris và về Việt Nam. Tiếp đó, nhiều hành khách khác trên cùng chuyến bay với bệnh nhân này cũng nhiễm bệnh.
Kể từ khi virus trở lại, Việt Nam đã thắt chặt các biện pháp bảo vệ. Tất cả người từ nước ngoài tới đều phải cách ly trong 14 ngày. Hàng chục ngàn người khác có liên quan đến những người dương tính được cách ly tập trung hoặc tại nhà.
Bất cứ ai đã từng đến các quốc gia châu Âu đang có dịch đều không được phép nhập cảnh. Hôm 30/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ thị cho các thành phố chuẩn bị “cách ly”. Và từ 1/4, cả nước thực hiện “cách ly toàn xã hội” trong 15 ngày. Mọi người chỉ được phép ra ngoài nếu có những việc cần thiết phải làm, chẳng hạn như mua sắm hoặc làm việc ở những ngành thiết yếu.
Một lý do cho sự thành công của Việt Nam là huy động được quần chúng chống dịch thông qua các chiến dịch truyền thông đại chúng, tin nhắn. Giám sát đóng một vai trò quan trọng. Việt Nam triển khai một ứng dụng di động trong đó tất cả công dân khai báo tình trạng sức khỏe của họ. Những người khai báo không chính xác có thể bị phạt. Nhiều người phát tán thông tin sai sự thật cũng bị xử phạt.
“Mức độ nhận thức cực kỳ cao, khả năng kiểm soát xã hội cũng vậy”, ông Peter Girke, trưởng đại diện quỹ Konrad-Adenauer Stiftung, tại Hà Nội nói.
Người dân địa phương và khách du lịch đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Chính phủ Việt Nam cũng huy động được nhanh chóng đội ngũ y tế và quân đội. Các nhân viên y tế sẵn sàng hy sinh thân mình cứu chữa bệnh nhân. Những người lính nhường chỗ ngủ cho người bị cách ly.
Với những nỗ lực đó, cho đến nay, số ca nhiễm là hơn 200 người, ít hơn đáng kể so với hầu hết các nước láng giềng. Ngoài ra, Việt Nam chưa có trường hợp tử vong nào do Covid-19. Khác với ở Trung Quốc, mọi người tin tưởng vào số ca nhiễm chính thức được báo cáo của Việt Nam.
Ánh Dương (Theo FAZ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét