Thứ Tư, 22 tháng 4, 2020

“Sự nghiệp vĩ đại của Lênin”


Trong hình ảnh có thể có: 1 người

(HCM.VN) - “Sự nghiệp vĩ đại của Lênin” là bài viết tuy gắn đăng trên Báo Nhân dân, số 42, ngày 24-1-1952, song thể hiện tình cảm đặc biệt và tôn vinh những cống hiến vĩ đại của V.I.Lênin đối với cách mạng thế giới và Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh,1 năm sau đó trong bài viết “Kỷ niệm Lênin” Người khẳng định: “Trong bài vắn tắt này, không thể kể hết đạo đức và công ơn như trời như bể của đồng chí Lênin” (1).
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, V.I.Lênin đã có những đóng góp vô cùng to lớn cho sự nghiệp giải phóng nhân dân lao động toàn thế giới, đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, đấu tranh cho hòa bình, độc lập, tự do của các dân tộc. Di sản của Người để lại cho nhân loại tiến bộ là vô cùng to lớn cả trên phương diện thực tiễn hoạt động cách mạng và lý luận tư tưởng. Chính vì vậy, trong bài viết “Sự nghiệp vĩ đại của Lênin”, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ ôn lại thân thế của V.I.Lênin với tình cảm trân quý của người cách mạng chân chính mà còn khẳng định sự nghiệp cống hiến vĩ đại của Người đối với cách mạng thế giới và Việt Nam: V.I.Lênin là nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận chính trị kiệt xuất; lãnh tụ lỗi lạc của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới; người bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác trong điều kiện chủ nghĩa tư bản chuyển từ giai đoạn tự do cạnh tranh sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa; người sáng lập Nhà nước Xô viết - nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới và trực tiếp xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực: “Lênin là người đã thực hiện và phát triển chủ nghĩa Mác. Là người cha của cách mạng vô sản và cách mạng dân tộc giải phóng. Là người thầy đã đào tạo ra những chiến sĩ cách mạng khắp thế giới, chẳng những bằng lý luận cách mạng khoa học nhất, mà còn bằng đạo đức cách mạng cao cả nhất”(2). Tôn vinh V.I.Lênin là người thầy của cách mạng thế giới và Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh - với tư cách là người chiến sĩ lỗi lạc trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đã chỉ ra những lời dạy của V.I.Lênin đối với cách mạng Việt Nam và sự vận dụng, phát triển sáng tạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Lênin dạy chúng ta đoàn kết toàn dân và toàn giai cấp để chiến thắng kẻ thù chung là giai cấp bóc lột và đế quốc xâm lược”(3). Thực hiện lời dạy của V.I.Lênin, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao khẩu hiệu chiến lược “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” và Người đã đúc rút kinh nghiệm quý báu: “Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn. Vậy nay ta phải biết đoàn kết, đoàn kết mau, đoàn kết chắc chắn thêm lên mãi...”(4); đồng thời, Đảng ta nhất quán với quan điểm: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo”(5).
“Lênin dạy chúng ta đối với mọi việc phải xem xét kỹ lưỡng mọi mặt, không nóng nảy, hấp tấp. Song khi đã định kế hoạch hẳn hoi rồi thì phải quả quyết thực hiện cho kỳ được”(6). Đối với sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc trước đây, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thấm nhuần và vận dụng sáng tạo lời dạy này của V.I.Lênin để bình tĩnh phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể và phát triển của tình hình mọi mặt cả ở trong nước và ở ngoài nước; lấy đó làm căn cứ khoa học để hoạch định mục tiêu, phương châm, quan điểm, đường lối chiến lược, sách lược với quyết tâm chính trị rất cao để hiện thực hóa từng mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam theo từng thời kỳ với tinh thần “Phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ. Kiên quyết, không ngừng thế tấn công”(7). Do đó, cách mạng nước ta, nhất là kể từ khi có Đảng đến nay đã giành được những thắng lợi - thành tựu lớn lao và có ý nghĩa lịch sử to lớn. Vì vậy, “Người cộng sản cần phải học được cách ấy, mới phân tích đúng lịch sử cách mạng, hiện trạng cách mạng, và suy đoán được tương lai của cách mạng”(8).
“Lênin dạy chúng ta giản đơn và khiêm tốn, trong sạch và chính trực”(9). Thực hiện lời dạy của V.I.Lênin, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cụ thể hóa đạo đức cộng sản đó để xây dựng phẩm chất của đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng ta theo bộ tiêu chí “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”; thực sự “vừa hồng, vừa chuyên”, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết số 26 -NQ/TW của Hội nghị Trung ương lần thứ 7 khóa XII của Đảng.
“Lênin dạy chúng ta không sợ gian nan cực khổ, và tin chắc vào lực lượng của quần chúng, vào tương lai của cách mạng”(10). Thực hiện lời dạy của V.I.Lênin, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng toàn thể dân tộc luôn nêu cao tinh thần: “Nhân dân Việt Nam quyết không khuất phục trước vũ lực và quyết không nói chuyện trước sự đe dọa của bom đạn”(11); luôn tin vào sức mạnh của quần chúng nhân dân được Đảng và tin vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp cách mạng với chí khí: - Giàu sang không thể quyến rũ, - Nghèo khó không thể chuyển lay - Uy lực không thể khuất phục”(12) của người cách mạng.
“Lênin dạy chúng ta muốn kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công thì quyết phải tăng gia sản xuất và tiết kiệm”(13). Để chống lại những kẻ thù có sức mạnh kinh tế và quân sự lớn hơn mình nhiều lần, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra và nhất quán đường lối chiến lược “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”(14); thực hiện kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính, xây dựng mối quan hệ giữa tiền tuyến và hậu phương. Vì vậy, trong Lời kêu gọi nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Ngày độc lập trên Báo Nhân dân, số 72, ngày 2-9-1952, Người khẳng định: “Chúng ta vừa kháng chiến vừa kiến quốc” và nhắc nhở: “Đồng thời với những nhiệm vụ chính đó, chúng ta phải gây một phong trào thật sự cần kiệm liêm chính, chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu. Chúng ta cần thiết thực đẩy mạnh phong trào thi đua ái quốc khắp mọi ngành và mọi nơi”(15). Tùy vào hoàn cảnh đặc thù của lịch sử, Đảng ta chủ trương tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ chặt chẽ với nhau: tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước trước đây và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
“Lênin dạy chúng ta phải giữ vững nguyên tắc cách mạng: "Chỉ có chính sách trung thành với nguyên tắc mới là chính sách đúng”(16). Thực hiện lời dạy của V.I.Lênin, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân, kiên trì và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và xây dựng, chỉnh đốn theo đúng những nguyên lý xây dựng đảng của chủ nghĩa Mác - Lênin; không những vậy, ngay từ đầu, Đảng ta đã có đường lối đúng và trung tuyệt đối với đường lối đúng ấy vì Đảng ta đứng đầu là Bác Hồ đã thấu triệt lời dạy trên của V.I.Lênin với tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Trả lời câu hỏi: “Xin Chủ tịch cho biết Việt Nam đối với vấn đề chủ nghĩa xét lại trong phe xã hội chủ nghĩa như thế nào?” khi Trả lời phỏng vấn của nhà báo Iôcô Mátxuôca ngày 3-9-1964, đăng trên Báo Nhân dân, số 3816, ngày 11-9-1964, Người khẳng định: “Lịch sử phong trào cách mạng thường có những mâu thuẫn, có những cuộc đấu tranh về tư tưởng, nhưng kết quả là chủ nghĩa Mác - Lênin thắng lợi, cách mạng ngày càng phát triển. Chúng tôi tin rằng cuộc đấu tranh tư tưởng trong phe xã hội chủ nghĩa, tuy còn khó khăn, nhưng sẽ được giải quyết tốt đẹp. Trong cuộc đấu tranh ấy, chúng tôi luôn luôn giữ thái độ kiên trì, đoàn kết trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, bảo vệ những nguyên tắc cách mạng của hai bản tuyên bố Mátxcơva 1957 và 1960”(17).
“Lênin dạy chúng ta yêu Tổ quốc và yêu nhân dân một cách thiết tha, không bờ bến, và ghét cay ghét đắng kẻ địch của Tổ quốc, của nhân dân, đồng thời gắn liền tinh thần yêu nước với tinh thần quốc tế”(18). Thực hiện lời dạy của V.I.Lênin, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giương cao ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế theo tinh thần của chủ nghĩa quốc tế vô sản. Ở Việt Nam, yêu Tổ quốc và yêu nhân dân được nâng lên thành chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, là sự kết hợp chặt chẽ giữa chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân. Vì vậy, Người khẳng định: “Đảng Lao động Việt Nam không bao giờ lại tự tách mình với các Đảng anh em, Đảng lấy toàn bộ thực tiễn của mình để chứng minh rằng chủ nghĩa yêu nước triệt để không thể nào tách rời với chủ nghĩa quốc tế vô sản và khối liên minh anh em giữa tất cả những người đấu tranh cho sự nghiệp chung, cho việc giải phóng loài người, cho sự xây dựng một xã hội không có giai cấp, cho sự chung sống hòa bình và cho hòa bình bền vững là không gì lay chuyển nổi”(19). Không chỉ yêu Tổ quốc và yêu nhân dân vô điều kiện, dân tộc Việt Nam luôn có tinh thần căm thù giặc sâu sắc. Về vấn đề này, trong Bài nói tại Đại hội Thi đua lực lượng Công an nhân dân ngày 12-10-1966, trên Báo Nhân dân, số 4580, ngày 22-10-1966, Người căn dặn: “Trước hết là phải khắc sâu lòng căm thù giặc Mỹ, phải nâng cao lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, luôn luôn cảnh giác, dũng cảm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ nghĩa xã hội”(20).
“Lênin dạy chúng ta phải thật thà tự phê bình và phê bình để đoàn kết chặt chẽ và tiến bộ mãi”(21). Thực hiện lời dạy của V.I.Lênin, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi tự phê bình và phê bình là phương thức để làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên luôn tiến bộ; trong đó, Người nhấn mạnh đến sự đoàn kết thống nhất trong Đảng: “Ngày nay, sự đoàn kết trong Đảng là quan trọng hơn bao giờ hết, nhất là sự đoàn kết chặt chẽ giữa các cán bộ lãnh đạo”(22). Vì vậy, trong Di chúc, Người căn dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”(23).
“Lênin dạy chúng ta tuyệt đối tin tưởng vào Đảng, vào tương lai tất thắng của cách mạng và Tổ quốc, vào lực lượng vô cùng to lớn của giai cấp, của nhân dân”(24). Theo Người, lòng tin tưởng không phải là tin vào hư vô, không có mục đích, không có đối tượng và con người cụ thể. Vì vậy, Người đã đặt ra câu hỏi và trả lời một cách hết sức cụ thể và thuyết phục: “Tin tưởng vào gì? Tin tưởng vào ai? Tin tưởng vào tương lai của dân tộc. Tin tưởng vào lực lượng vô cùng tận của nhân dân ta. Tin tưởng vào lực lượng cách mạng của nhân dân thế giới. Lực lượng to lớn của nhân dân ta phải được tổ chức và lãnh đạo; Đảng và Chính phủ ta phụ trách tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta, nên ta tin tưởng vào Đảng và Chính phủ ta. Để đoàn kết và lãnh đạo nhân dân, Đảng và Chính phủ có chủ trương, chính sách đúng dựa trên lý luận đúng nhất, lý luận Mác - Lênin; nhờ đó, Cách mạng Tháng Tám thành công, kháng chiến của ta ngày một mạnh; vì vậy, ta tin tưởng vào lý luận ấy. Lý luận đó do những lão đồng chí lãnh đạo có kinh nghiệm cách mạng quốc tế và trong nước, hoạt động đấu tranh lâu ngày trong quần chúng, trải qua nhiều lần thử thách, phụ trách truyền lại cho đồng chí ta, và nhân dân ta. Vì vậy ta tin tưởng vào những lãnh tụ của ta”(25). Cũng từ đó, Người động viên đồng bào hãy tin tưởng ấy vào một thắng lợi cuối cùng vì chúng ta là chính nghĩa: “Đã ba năm nay, dân tộc ta hy sinh kháng chiến chống giặc xâm lăng. Dù khó nhọc, hy sinh đến thế nào, chúng ta vẫn giữ vững lòng tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng. Vì cuộc kháng chiến của ta là chính nghĩa”(26).
Cuối cùng Người kết luận: “Mỗi một người yêu nước Việt Nam cố gắng thực hiện những lời dạy bảo của Lênin, tức là kỷ niệm Lênin một cách xứng đáng, vì đó là con đường đưa chúng ta đến kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công”(27). Bởi vì, không ai khác và hơn ai hết, Người tiếp nhận những bài học sâu sắc từ V.I.Lênin và Cách mạng Tháng Mười Nga, nhưng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh không sao chép V.I.Lênin, mà Người tiếp thu cái tinh thần của chủ nghĩa Lênin. Coi chủ nghĩa Mác-Lênin là cái cẩm nang thần kỳ nhưng Người cũng luôn nhấn mạnh rằng cần phải vận dụng sáng tạo “cẩm nang thần kỳ” đó. Trả lời phỏng vấn báo Nhân đạo (L'Humanite') vào ngày 15-7-1969, Người khẳng định: “Về phần chúng tôi, chính là do cố gắng vận dụng những lời dạy của Lênin, nhưng vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với thực tế Việt Nam ngày nay, mà chúng tôi đã chiến đấu và giành được những thắng lợi to lớn như đồng chí đã biết. Chúng tôi giành được thắng lợi đó là do nhiều nhân tố, nhưng cần phải nhấn mạnh rằng - mà không phải chỉ nhân dịp kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh Lênin - chúng tôi giành được những thắng lợi đó trước hết là nhờ cái vũ khí không gì thay thế được là chủ nghĩa Mác - Lênin”(28)./.
-------------------------
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tập 8, tr.12
(2) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, tr.288
(3) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, tr.288
(4) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, tr.256
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, tr.158
(6) Sđd,Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, tr.288
(7) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, tr.326
(8) Sđd,Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, tr.569
(9) Sđd,Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, tr.288
(10) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, tr.288
(11) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, tr.302
(12) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, tr.50
(13) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, tr.288
(14) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, tr.474
(15) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, tr.476
(16) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, tr.288
(17) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, tr.379
(18) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, tr.289
(19) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, tr.400
(20) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, tr.169
(21) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, tr.289
(22) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, tr.368
(23) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, tr.622
(24) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, tr.289
(25) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, tr.329
(26) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, tr.658
(27) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, tr.329
(28) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, tr.589-590

Trung tá Hà Sơn Thái

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét