Thứ Tư, 15 tháng 4, 2020

Việt Nam – Trung Quốc: ĐỐI DIỆN KHÔNG ĐẦU HÀNG

Tờ Global Time (Thời báo Hoàn Cầu) hôm 11/04 có bài viết: “Tại sao Việt Nam xâm phạm Biển Đông vào thời điểm này?”. Trong bài viết này, tờ lá cải dưới sự bảo trợ của tờ Nhân Dân Nhật Báo đã nói rằng tàu cá Việt Nam đã thúc mũi tàu vào Lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc (CCG), mặt khác trên mặt trận ngoại giao, Việt Nam cố tình “bù lu bù loa” với thế giới rằng Việt Nam là kẻ bị hại. Tờ báo “hiếu chiến” này còn cho rằng Việt Nam có vẻ như đang “gần gũi” với Hoa Kỳ, ví dụ như việc Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên đình chỉ giao thông đường không, đường bộ, di tản công dân Việt Nam ra khỏi Trung Quốc, kéo theo việc các quốc gia khác trên thế giới cũng học tập Việt Nam.
Nhà báo “diều hâu” Cheng Hanping trong bài viết này còn nói về việc các ngư dân Việt Nam hùng hổ không chỉ với Trung Quốc mà còn với cả các quốc gia khác trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Philippines. Nhà báo đang công tác tại Đại học Nam Kinh cho rằng Việt Nam đã kích nổ vụ việc này để hướng sự chú ý của nhân dân trong nước ra bên ngoài vì họ đang thể hiện “sự bất lực trong việc xử lý đại dịch”.
Việt Nam – Trung Quốc: ĐỐI DIỆN KHÔNG ĐẦU HÀNG
Tờ Global Time là một trong những tờ báo nổi tiếng “diều hâu” tại Trung Quốc. Mặc dù trực thuộc sự bảo trợ của Nhân Dân Nhật Báo, nhưng tờ này chưa từng được “kiểm duyệt” theo đúng tôn chỉ “hòa bình” mà Trung Quốc hướng đến. Thậm chí, một số nhà nghiên cứu quốc tế coi tờ này là một “phép thử” đối với các quốc gia trực tiếp hoặc gián tiếp là đối thủ của Trung Quốc. Tờ này từng gọi Úc là “con mèo giấy” và dọa sẽ san phẳng quốc gia độc bá Châu Đại Dương, rồi còn đe nẹt Nhật Bản bằng cách dọa nhấn chìm các đảo thuộc quần đảo Điếu Ngư trong vài phút. Việc tồn tại của tờ báo này từng gây nhiều tranh cãi, nhưng phải thừa nhận một điều, tờ Global Time đang đóng vai trò là “con mèo xù lông” và là nơi để phía chóp bu Trung Quốc bộc lộ những quan điểm kiểu như “muốn nói nhưng không thể nói ra trực tiếp”.
Một điều đáng chú ý, Thời báo Hoàn Cầu ra bài viết này ngay sau khi Tổng thống Trump viết trên mạng xã hội cám ơn lô hàng vật tư y tế đặt làm từ Việt Nam và ngay trong thời điểm này, Việt Nam đang thông qua con đường “ngoại giao khẩu trang” để gia tăng sức ảnh hưởng với phương Tây, Đông Nam Á và Nga. Vậy Việt Nam, nhìn nhận về Trung Quốc như thế nào, đối đầu hay là bạn bè?
Tờ South China Morning Post (SCMP) đưa ra thông tin rằng phía Philippines ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ của các đội tàu bán quân sự, tàu đánh cá của phía Trung Quốc. Các đội tàu này thường xuyên vây quanh, có động thái gây hấn các đảo do Philippines chiếm giữ ở Trường Sa. Đây chính là một cuộc “chạy đua vũ trang” không trực tiếp mà các quốc gia có quyền lợi và nghĩa vụ tại Biển Đông phải đứng trước một lựa chọn: “Sinh tồn ở Biển Đông hoặc là chết”. Từ phía Nam đảo Hải Nam, Trung Quốc thúc các đội dân quân, tàu máy, lực lượng chấp pháp càn quét đến tận Nam Biển Đông, một lời thách thức được Trung Quốc đặt ra với các nước Đông Nam Á là: Có dám chạy đua với Trung Quốc hay không?.
Lời thách thức này dường như khiến đại bộ phận các quốc gia tuyên bố chủ quyền trực tiếp tại Biển Đông ngó lơ, phần vì không đủ lực, phần vì ngại đối đầu với Trung Quốc, phần vì thực chất tại Đông Nam Á, chỉ có Việt Nam là tuyên bố đầy đủ chủ quyền hợp pháp tại toàn bộ Hoàng Sa và Trường Sa.
Nhưng Việt Nam, lại đang thách thức gã khồng lồ Trung Quốc cũng bằng chính cách thức mà Trung Quốc đang làm, thậm chí Việt Nam còn cương quyết hơn, hung hăng hơn.
Cũng theo tờ SCMP, Việt Nam là đối thủ mạnh nhất của Trung Quốc tại Biển Đông, xin nhấn mạnh lại cụm từ “đối thủ mạnh nhất”. Phía Việt Nam đã thúc đẩy các đội tàu đánh cá được huấn luyện quân sự để kìm hãm Trung Quốc, ngay cả khi hai bên đang nói chuyện về vấn đề chủ quyền thì Việt Nam vẫn âm thầm triển khai các đội tàu cá này. Thậm chí phía Việt Nam còn “ngó lơ” cho các đội tàu này tác oai tác quái khắp Biển Đông, tràn sang cả phía Úc hoặc Nam Thái Bình Dương. Còn có bình luận rằng, bất cứ quốc gia nào đi qua eo biển Malacca cũng sợ hải tặc, chỉ có tàu Việt Nam là không.
Tuy nhiên, Việt Nam cần phải hiểu rằng Trung Quốc thực sự là một thế lực mạnh mẽ. Trung Quốc hiện có lực lượng dân quân hàng hải lớn nhất thế giới với 762 ngàn tàu có động cơ, trong khi đó, Việt Nam chỉ có 8000 tàu. Theo Lầu Năm Góc, phía Trung Quốc có khoảng 2,1 triệu ngư dân và 439 ngàn thuyền máy. Nhà nghiên cứu hàng hải quốc phòng Derek Grossman cho rằng: “Hà Nội có thể bị bỏ lại phía sau vì những con số đó là không thể bắt kịp”.
Thực chất, quan điểm Việt Nam coi Trung Quốc là một thế lực khổng lồ không thể bắt kịp không phải chỉ xuất hiện mới đây mà đã là một điều khắc cốt ghi tâm suốt hàng ngàn năm qua trong việc ứng phó, sống chung và chống lại Trung Quốc.
Một mặt, Việt Nam hợp tác với Trung Quốc trên nhiều khía cạnh, thậm chí Trung Quốc là quốc gia duy nhất Việt Nam thực hiện chính sách ngoại giao thân mật đặc biệt, bên cạnh Trung Quốc thì chỉ có Nga, Cuba và Lào mới có được đặc quyền ấy. Trong 5 quốc gia theo chế độ cộng sản, Trung Quốc và Việt Nam là hai quốc gia có tiếng nói nhất trên thế giới, dĩ nhiên Trung Quốc không hề muốn Việt Nam trở thành một quốc gia theo một chế độ khác hoặc thân mật với những quốc gia đang cạnh tranh trực tiếp vị thế bá quyền với Trung Quốc, ở đây là Nga, Mỹ và EU. Việt Nam đang chứng tỏ rằng họ đang đi đúng hướng và ổn định với sự cầm quyền của Đảng Cộng sản, bên cạnh đó, họ cũng tỏ ra thân thiện, trung lập và tuyên bố không trở thành đồng minh hoặc hợp tác quốc phòng chống lại một quốc gia khác – Sách Trắng Quốc Phòng Việt Nam ghi rõ. Ví dụ có thể thấy rõ nhất là việc mặc dù Việt Nam tuyên bố hạn chế lưu thông cửa khẩu, đóng các tuyến đường không với phía Trung Quốc khi đại dịch bùng phát, điều này gây ra một phản ứng dây chuyền khiến các quốc gia khác làm theo. Global Time cho rằng đây là phản ứng khiến Bắc Kinh xấu hổ, nhưng thực chất, sau khi đại dịch được khống chế tốt ở hai quốc gia, việc đường biên giới lại đang được mở lại, giao thương giữa hai quốc gia này bắt đầu nhộn nhịp trở lại và phía Trung Quốc không hề có động thái “im ỉm hờn dỗi”.
Mặt khác, Việt Nam thực sự nghĩ rằng việc muốn sống hòa bình thì phải chuẩn bị cho chiến tranh. Tôn chỉ này đã được Việt Nam duy trì trong suốt ngàn năm qua. Trong thời kỳ phong kiến, Việt Nam luôn luôn hô hào rằng mình là một tiểu quốc nhỏ bé “quy phục” Thiên Triều – ở đây là Trung Quốc, nhưng đằng sau vẫn mặc áo long bào, sử dụng hình ảnh rồng làm đại diện cho nhà vua và hoàng tộc, vẫn rèn binh khí, tổ chức quân đội và không ngại việc đánh ngược lên phía Trung Quốc. Đó là vì sao nhiều nhà nghiên cứu lịch sử Trung Quốc đánh giá Việt Nam là “lươn lẹo”, tức là quy phục Trung Quốc nhưng vẫn chuẩn bị dao kiếm phòng bị và thách thức Trung Quốc, nhưng biết sao làm được, cuộc sống mà, có thể các nhà nghiên cứu lịch sử Trung Quốc suy diễn thôi, chứ thực ra các vua quan Việt Nam chuẩn bị như vậy là để chống giặc phía Nam hay phía Tây chẳng hạn. Tại Biển Đông, việc Việt Nam đang tiến hành “chạy đua vũ trang” với Trung Quốc không phải nhắm vào một cuộc đối đầu trực tiếp trên biển giữa hai quốc gia mà là lời cảnh báo rằng Việt Nam không bao giờ từ bỏ chủ quyền hợp pháp tại Biển Đông, không lơ là, không chủ quan và không đầu hàng trước Trung Quốc. Hoặc đây là một giải pháp phòng bị nếu kịch bản xấu nhất diễn ra thì Việt Nam sẽ không phải lâm vào tình cảnh: “Tay không bắt giặc”.
Thêm nữa, chính những việc làm của phía Việt Nam, chẳng hạn “chạy đua vũ trang”, duy trì đội tàu ngầm hiện đại nhất Đông Nam Á, tổ chức đội tàu đánh cá hung hãn có huấn luyện, biên chế thêm nhiều tàu mặt nước, thậm chí nếu không có đại dịch Covid-19, tháng tới này Việt Nam sẽ tổ chức cuộc duyệt binh trên biển lớn nhất lịch sử với sự tham gia của rất nhiều cường quốc. Mục đích chính là khẳng định vị thế của Việt Nam trên tầm so với các quốc gia Đông Nam Á khác, hạn chế sự “chạy đua vũ trang” của các quốc gia khác tại Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Indonesia và Philippines. Việt Nam có thể muốn tận dụng Đông Nam Á để ngoại giao nhưng lại không muốn các quốc gia Đông Nam Á có một lực lượng mạnh, vì rõ ràng, tại Đông Nam Á, quốc gia nào chỉ lo thân quốc gia ấy thôi, bớt được một lực lượng mạnh cũng là một cách để gia tăng phần thắng.
Trong khi Trung Quốc đang nỗ lực kéo một số nước tại Đông Nam Á về phía mình, trong đó có Philippines bằng các biện pháp mềm mỏng thì Việt Nam lại đang dùng quan hệ ngoại giao để thiết lập một bộ luật ứng xử các bên tại Biển Đông, bên cạnh đó vẫn duy trì thái độ “cứng nhắc” với các nước, thậm chí Việt Nam từng bị cáo buộc hỗ trợ ngư dân xâm lấn ngư trường nước bạn, đánh bắt cá trái phép và còn cử tàu “bảo kê” bất chấp sự kêu gọi bình tĩnh của các nước sở tại. Tuy nhiên đó chỉ là những cáo buộc phía dân sự, phía Việt Nam bày tỏ rằng họ “không có đủ lực lượng để kiểm soát”, “sẽ điều tra” hoặc đại khái thế này: “Sai đến đâu chúng tôi xử lý đến đó”.
Tờ Bangkok Post từng có bài viết nói rằng Việt Nam tỏ ra khá “tham lam” khi tuyên bố phần lớn Biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam, một số độc giả Thái Lan cho rằng Việt Nam chẳng khác Trung Quốc là mấy, chính cụm từ “tiểu bá Việt Nam” cũng được độc giả tờ báo này nhắc đi nhắc lại và mong muốn phía Thái Lan đứng ngoài những việc liên quan đến Biển Đông. Và thú thực là nhiều độc giả Đông Nam cũng nghĩ như vậy, đối đầu với Trung Quốc thực sự là một điều không tưởng, lợi ích kinh tế và ngoại giao khiến họ có thể từ bỏ một phần chủ quyền của họ tại Biển Đông.
Việt Nam luôn theo đuổi tôn chỉ phòng thủ quân sự và việc dùng đến vũ lực trong giải quyết các vấn đề chỉ xảy đến khi “mọi nỗ lực ngoại giao đều vô vọng”. Trên biển, các lực lượng Việt Nam luôn được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu nhưng thực tế họ chỉ hành động khi bị bắt buộc phải chiến đấu, ví dụ như việc phía đối thủ bắn trước chẳng hạn. Mà trong bất cứ một cuộc chiến nào, việc nổ tiếng súng trước đồng nghĩa với một thất bại về mặt ngoại giao.
Việt Nam là quốc gia duy nhất chọn “ngáng” đường Trung Quốc ở Biển Đông. Trong khi các quốc gia khác mang tiếng là có sự trợ giúp của phương Tây như Philippines phải chấp nhận mất bãi cạn hoặc như Indonesia, Malaysia thậm chí có thể chấp nhận “buông Biển Đông” thì Việt Nam lại đưa vấn đề Biển Đông ra trước Liên Hợp Quốc ngay đầu năm 2020 khi Việt Nam trở thành ủy viên không thường trực của Liên Hợp Quốc, vụ việc này khiến phía Trung Quốc ngỡ ngàng và “trở tay không kịp”. Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ và mong muốn thể hiện vai trò nước lớn, việc Việt Nam đánh vào khía cạnh này khi luôn mặt thể hiện vai trò là “kẻ bị hại” và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế như UNCLOS đang hiệu quả trước các trường quốc tế.
Có nhiều đánh giá rằng Việt Nam không phải là một quốc gia hoàn toàn theo chủ nghĩa cộng sản, cốt lõi chính mà giới tinh hoa đứng đầu Việt Nam đã và đang đi theo là “chủ nghĩa dân tộc”. Việt Nam không muốn một cuộc chiến tranh nào diễn ra nữa vì Việt Nam hiểu những hậu quả khốc liệt của chiến tranh, nhưng Hà Nội vẫn đang hành động và tuyên bố mạnh mẽ với Bắc Kinh rằng Việt Nam sẽ không vô cảm, không đầu hàng và không cúi mình trước Trung Quốc.
tifosi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét