Tôi bắt gặp câu chuyện về 1 chiếc máy “ATM gạo” đầu tiên trên thế giới được tạo ra tại Việt Nam – cái máy được tạo ra bởi lòng tốt và sự tử tế. Suốt nhiều ngày qua, gạo chảy ra từ đó đã làm ấm lòng biết bao mảnh đời cơ cực giữa lúc đại dịch. Tiếng lành đồn xa, nhiều người đến lấy gạo và cũng có nhiều người đến góp gạo, nhưng không vì thế mà tạo nên khung cảnh hỗn loạn, xô bồ, mọi thứ diễn ra trong trật tự.
Tôi cũng nghe ở nhiều đường phố lớn, có những túi chứa nhu yếu phẩm, đồ từ thiện được xếp ngay ngắn bên vệ đường, cạnh đó là tấm biển ghi hàng chữ đẹp đẽ: “Nếu bạn gặp khó khăn, hãy cứ lấy 1 phần! Nếu bạn ổn, xin nhường cho người khác!”. Những túi quà từ thiện, tuy giá trị vật chất không lớn, nhưng giá trị nhân văn nó đem lại không hề nhỏ. Tình người được bộc lộ qua những hành động nhỏ bé, đáng yêu.
Những ngày qua, cộng đồng mạng “anh hùng” đã chung tay giải cứu 1 bác bảo vệ già, bác ấy năm nay gần 80 tuổi nhưng vẫn vất vả mưu sinh, chẳng may gặp buổi khó khăn không còn việc làm, hết tiền nên đành phải ra đường vì không muốn bản thân thành gánh nặng cho người khác. Những túi quà be bé, xinh xinh được nhiều nhà hảo tâm gửi đến bác, những lời động viên được mọi người cùng chia sẻ “Đừng lo, bên cạnh bác luôn có cộng đồng!”. Tôi cảm thấy tự hào về đồng bào của mình.
Đọc trên báo, tôi biết tối hôm qua đã có nhiều y bác sỹ trắng đêm không ngủ. Họ chiến đấu với 200% sức lực để giành lại bệnh nhân trở về từ tay thần chết, bệnh nhân số 19 – bác gái của bệnh nhân số 17 nguy kịch, tim ngưng 2 lần, tính mạng ngàn cân treo sợi tóc, nhưng kỳ diệu làm sao khi 1 lần nữa sự sống được níu lại, các y bác sỹ quyết không buông tay bệnh nhân của mình, họ chiến đấu và chiến thắng thần chết bằng tất cả sức mạnh và niềm tin vào con người. Không có bất kỳ suy nghĩ buông xuôi hay bỏ mặc. Và điều ấy không chỉ diễn ra giữa người Viẹt Nam với nhau mà rộng lớn hơn, nó diễn ra giữa tất cả mọi người sống trên mảnh đất Việt Nam. Như tuyến bố đanh thép của các y bác sỹ Việt Nam, rằng họ sẽ dùng mọi biện pháp theo phương châm “còn nước còn tát” để cứu bằng được phi công người Anh đang có những diễn biến nặng vì covid-19. Không giống như nhiều quốc gia châu Âu hay châu Mỹ đang lao đao vì dịch bệnh, khi mà người ta sẽ phải cân nhắc nên ưu tiên chữa cho ai vì hệ thống y tế quá tải, ở Việt Nam, mọi thứ đều trong sự kiểm soát, công bằng, không ai được thiên vị hay bị bỏ mặc.
Có rất nhiều câu chuyện tích cực trong những ngày qua được chia sẻ, có rất nhiều việc làm tử tế giữa lúc khó khăn được thực hiện. Đôi khi chỉ là hành động rất nhỏ bé như cho 1 bà cụ đi nhờ xe để lên thăm con giữa lúc dịch bệnh không có phương tiện công cộng hay việc những bà tiểu thương tạm gác việc chợ họp nhau may khẩu trang chống giọt bắn tặng các y bác sỹ chống dịch cũng khiến cho tình người trở nên ấm áp hơn.
Thật kỳ lạ, thế giới đã phải sửng sốt lên khi chứng kiến những điều tốt đẹp mà Việt Nam đã làm, một quốc gia kinh tế còn chưa phát triển, y tế chưa thật sự tiên tiến, cơ sở vật chất không hiện đại nhưng vẫn sẵn lòng giang tay với tất cả mọi người, Việt Nam không hề bỏ rơi bất kỳ ai trong cuộc chiến này và họ gọi Việt Nam là xứ sở kỳ lạ của những điều tốt đẹp còn sót lại. Thế giới giữa hỗn loạn, nghi hoặc và đau thương, ở cuối con đường vẫn là 1 Việt Nam kỳ lạ – tràn đầy niềm tin, lan tỏa sức mạnh tích cực.
Người Việt Nam có tính cố kết cộng đồng rất lớn, có tinh thần đoàn kết, tương trợ nhau rất cao. Đôi khi trong cuộc sống thường nhật nó bị lu mờ đi đôi chút, đôi lúc người với người lãnh đạm với nhau hơn, nhưng khi có khó khăn thì giống như cơ thể người bị virus xâm nhập, kháng thể “đoàn kết” đang ngủ yên bỗng bừng tỉnh, tạo nên một hiệu ứng đặc biệt khiến người người, nhà nhà sẵn sàng bỏ qua mọi hiềm khích và sát cánh bên nhau. Có lẽ không ở đất nước nào có những ông già, bà cả sẵn lòng đi bộ hàng km chỉ để “góp” vài kg gạo cho khu cách ly, và cũng chẳng ở quốc gia nào khi mà chị bán thịt, cô bán vải lại thành “nhà sáng chế” ngồi cặm cụi chế tạo khẩu trang che mặt chống giọt bắn… Ở đất nước kỳ lạ này, không có bất cứ ai bị bỏ mặc và cũng không có bất kỳ ai để mình bị bỏ mặc, tất cả hối hả trong 1 guồng quay chung và sẵn lòng xốc vai nhau lên cùng chạy, chậm mà chắc. Kể cả dù bạn có là 1 người vô danh ngoài kia nhưng chắc chắn bạn không hề bị xã hội lãng quên. Điều ấy thật tuyệt vời. Từ những cụ già nay đã ở tuổi xưa nay hiếm, đến các bé sơ sinh vừa chào đời đã đắp trên người lá quốc kỳ đỏ thắm, tất cả đều là 1 bộ phận không thể thiếu, không thể tách rời hay vứt bỏ của cả 1 dân tộc gọi nhau bằng hai tiếng “đồng bào”.
Có nhiều người trẻ bây giờ nói rằng xã hội này tiền là trên hết, tiền là quan trọng nhất, có tiền là có tất cả. Nhưng những điều ấy sẽ hoàn toàn sai ở thời điểm này, ở xứ sở kỳ lạ này. Ngoài kia, nếu đem tiền đến máy ATM gạo đòi mua sẽ chẳng có ai bán cho bạn dù là 1 hạt – số gạo ấy là miễn phí cho những người khó khăn. Ngoài kia, bạn không cần tiền vẫn có thể nhận 1 phần nhu yếu phẩm – nếu bạn thực sự cần. Ở ngoài kia, kể cả bạn không có tiền thì bạn vẫn sẽ được chữa trị miễn phí nếu không may nhiễm covid-19, bạn sẽ không được đối xử cao hơn người khác chỉ vì bạn có tiền. Thật may mắn khi ở đất nước này “tiền vẫn chưa phải là tất cả”. Thật may mắn khi tất cả đều ý thức được rằng con người mới là tất cả, mọi mục đích tốt đẹp đến cuối cùng chính là bảo vệ con người.
Ngày hôm nay, ở đất nước kỳ lạ này, không có ai bị bỏ lại phía sau. Ngày mai và những ngày về sau nữa chắc chắn cũng sẽ như vậy. Bởi lẽ, đã mang nghĩa “đồng bào” thì không bao giờ người Việt bỏ nhau.
KHÔNG CÓ BẤT KỲ AI BỊ BỎ LẠI PHÍA SAU – Trích lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc!
Cre Hvpcpd
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét