Chủ nghĩa tư bản đã luôn theo đuổi lợi nhuận với cái giá là sự đánh đổi các giá trị và nhu cầu xã hội cấp bách hơn. Nó là một hệ thống bất lực đến cùng cực. Đại dịch này đang chứng minh sự thật đó.
Các chính sách tuyệt vọng của các chính phủ hoảng loạn liên quan đến việc ném một lượng tiền khổng lồ vào các nền kinh tế đã sụp đổ để đối phó với mối đe dọa từ virus Corona. Chính quyền tiền tệ đã tạo ra tiền và cho các tập đoàn lớn và đặc biệt là các ngân hàng lớn vay với lãi suất cực thấp, giúp họ vượt qua khủng hoảng. Kho bạc của chính phủ vay một khoản tiền lớn để đưa nền kinh tế sụp đổ trở lại với những gì họ tưởng tượng là một nền kinh tế bình thường trước khi có đại dịch. Các nhà lãnh đạo tư bản chủ nghĩa đang lao vào chính sách thất bại vì những người đi theo ý thức hệ mù quáng của họ.
Vấn đề của các chính sách nhằm đưa nền kinh tế trở lại như trước khi virus tấn công là chủ nghĩa tư bản toàn cầu. Chủ nghĩa tư bản toàn cầu vào thời điểm năm 2019 là nguyên nhân chính cho sự sụp đổ của nó vào năm 2020. Vết sẹo của chủ nghĩa tư bản từ các biến cố năm 2000 và 2008-2009 chưa lành. Nhiều năm lãi suất thấp đã cho phép các tập đoàn và chính phủ giải quyết vấn đề của họ bằng cách vay vô hạn với chi phí lãi suất gần như bằng không. Tất cả tiền mới được bơm vào các nền kinh tế của các ngân hàng trung ương thực sự đã gây ra lạm phát đáng sợ, nhưng chủ yếu ở các thị trường chứng khoán có giá trị phát triển theo vòng xoắn ốc nguy hiểm, cách xa các giá trị kinh tế thực tế. Sự bất bình đẳng về thu nhập và sự giàu có của một số cá nhân đã đạt đến mức cao nhất lịch sử.
Nói tóm lại, chủ nghĩa tư bản đã xây dựng các lỗ hổng cho một cuộc khủng hoảng khác, có thể bùng nổ bất cứ lúc nào khi được kích hoạt. Lần kích hoạt lần này không phải là cuộc khủng hoảng Dot.com năm 2000 hay khủng hoảng nợ năm 2008-2009, mà là một loại virus. Và tất nhiên, hệ tư tưởng tư bản chính thống chỉ lo tập trung vào việc bảo đảm sự vận hành của nền kinh tế chứ không phải vá lỗ hổng của hệ thống. Do đó, các chính sách chủ đạo trong cuộc khủng hoảng này chỉ nhằm mục đích tái lập chủ nghĩa tư bản như trước đây. Ngay cả khi họ thành công, điều đó sẽ đưa chúng ta trở lại một hệ thống tư bản có lỗ hổng tích lũy sẽ sớm sụp đổ vì một kích hoạt khác.
Khi bức màn được đại dịch CODIV-19 vén lên, tôi tập trung chỉ trích chủ nghĩa tư bản và các lỗ hổng mà nó đã tích lũy vì nhiều lý do.
Trước hết, virus là một phần của tự nhiên. Chúng đã nhiều lần tấn công loài người, có những lần rất nguy hiểm, từ quá khứ xa xôi cho tới gần đây. Năm 1918, Cúm Tây Ban Nha đã giết chết gần 700.000 người ở Mỹ và hàng triệu người ở các quốc gia khác. Các virus xuất hiện gần đây bao gồm SARS, MERS và Ebola. Điều quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng là mỗi xã hội phải chuẩn bị sẵn sàng các quy trình xét nghiệm, khẩu trang, máy thở, giường bệnh, nhân viên được đào tạo v..v để quản lý các loại virus nguy hiểm. Ở Mỹ, các đối tượng thiết yếu như vậy được sản xuất bởi các doanh nghiệp tư bản tư nhân với mục tiêu là lợi nhuận chứ không phải sức khỏe người dân. Việc sản xuất nhằm mục đích dự trữ các sản phẩm đó không mang lại lợi nhuận, điều đó không và vẫn chưa được các ông chủ tư bản thực hiện cho tới nay.
Chính phủ Mỹ cũng không sản xuất hoặc dự trữ những sản phẩm y tế đó. Các chính khách hàng đầu của Mỹ bị chi phối bởi các đặc quyền tư bản tư nhân, đó là mục tiêu chính mà họ bảo vệ và củng cố. Kết quả là cả chủ nghĩa tư bản và chính phủ Mỹ đều không thực hiện nghĩa vụ cơ bản nhất của bất kỳ hệ thống kinh tế nào: Bảo vệ, duy trì sức khỏe và an toàn công cộng. Sự phản ứng của chủ nghĩa tư bản Mỹ với đại dịch COVID-19 là sự kế tiếp của những gì đã xảy ra kể từ trước thời điểm tháng 12/2019: Quá ít và quá muộn. Nó đã thất bại. Đây là vấn đề.
Lý do thứ hai tôi tập trung vào chỉ trích chủ nghĩa tư bản là do các phản ứng đối với sự sụp đổ kinh tế ngày hôm nay của Trump, của đảng Cộng hòa và hầu hết các thành viên đảng Dân chủ đều cẩn thận tránh mọi chỉ trích về chủ nghĩa tư bản. Tất cả bọn họ đều tranh luận về virus, đổ lỗi cho Trung Quốc, cho người nước ngoài, cho các chính trị gia khác, nhưng không bao giờ đề cập đến hệ thống bị lỗi mà họ đang phục vụ. Khi Trump và những chính khách khác ép dân chúng quay trở làm việc, mặc dù điều đó là mạo hiểm với hàng triệu sinh mạng, họ đã cố làm sống lại một chủ nghĩa tư bản đang hấp hối và ngó lơ vấn đề sức khỏe cộng đồng.
Lý do thứ ba khiến chủ nghĩa tư bản bị kết tội ở đây là các hệ thống giải pháp – thứ chỉ có thể vận hành hiệu quả khi không bị chi phối bởi tư duy LỢI NHUẬN TRÊN HẾT. Mặc dù không tạo ra lợi nhuận, việc sản xuất và dự trữ mọi nguồn lực y tế cần thiết sẽ là tiền đề cho việc khống chế được đại dịch và cứu vãn nền kinh tế. Giờ đây, những thiệt hại mà đại dịch COVID-19 gây ra đã vượt quá xa chi phí sản xuất, dự trữ các quy trình xét nghiệm và máy thở. Sự thiếu hụt về chuẩn bị y tế đang chịu rất nhiều trách nhiệm cho thảm họa ngày hôm nay.
Chủ nghĩa tư bản đã luôn theo đuổi lợi nhuận với cái giá là sự đánh đổi các giá trị và nhu cầu xã hội cấp bách hơn. Nó là một hệ thống bất lực đến cùng cực. Đại dịch này đang chứng minh sự thật đó với mọi người.
Một nền kinh tế dựa trên lợi ích của người lao động, nơi các công nhân điều hành doanh nghiệp một cách dân chủ, quyết định sản xuất như thế nào và ở đâu, và làm gì với lợi nhuận ra sao, mới có thể là một nền kinh tế đặt các nhu cầu và mục tiêu của toàn xã hội (như chuẩn bị thích hợp cho đại dịch) lên trên lợi nhuận.
Người lao động chiếm đa số trong tất cả các xã hội tư bản, lợi ích của họ là lợi ích của đa số. Người sở hữu lao động luôn là thiểu số, là những người có lợi ích đặc biệt trong xã hội này. Chủ nghĩa tư bản mang lại cho thiểu số đó địa vị, lợi nhuận và quyền lực để xác định cách thức toàn bộ xã hội sống hay chết như thế nào. Đó là lý do tại sao tất cả các nhân viên bây giờ tự hỏi và lo lắng về việc công việc, thu nhập, nhà cửa và tài khoản ngân hàng của họ sẽ được duy trì bao lâu trong hệ thống này. Một thiểu số người sử dụng lao động – nhà tư bản – quyết định tất cả những nhu cầu sống còn đó và loại trừ đa số (nhân viên) ra khỏi những quyết định quan trọng, mặc dù cuộc sống của họ được định đoạt bới những quyết định này.
Tất nhiên, ưu tiên hàng đầu bây giờ là sức khỏe và an toàn của cộng đồng. Cuối cùng, người lao động trên cả nước Mỹ đã suy nghĩ về việc từ chối tuân theo các đơn đặt hàng thời dịch bệnh, điều khiến họ phải làm việc trong điều kiện nguy hiểm vì lợi ích của các ông chủ tư bản. Do đó, chủ nghĩa tư bản của Mỹ đã tự đặt một cuộc tổng đình công vào chương trình nghị sự xã hội ngày hôm nay.
Ưu tiên thứ hai là việc rút ra bài học lớn từ thất bại của chủ nghĩa tư bản khi đối mặt với đại dịch. Chúng ta không cần phải chịu đựng một sự đổ vỡ xã hội nguy hiểm và không cần thiết như vậy một lần nữa. Do đó, một cuộc đại phẫu để thay đổi toàn bộ hệ thống là điều chúng ta cần hướng đến trong giai đoạn sau đại dịch.
Tác giả: Richard D. Wolff, nhà kinh tế học người Mỹ, được biết đến với các công trình về phương pháp kinh tế và phân tích giai cấp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét