Nguồn gốc những căn bệnh làm suy thoái về đạo đức, lối sống
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: CNCN là kẻ thù của cách mạng: “CNCN đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm… Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân”(1). Đó chính là nguồn gốc những căn bệnh làm suy thoái về đạo đức, lối sống của đội ngũ CB, ĐV và Người đã nhận rõ, đồng thời sớm chỉ ra nguy cơ, triệu chứng những căn bệnh nảy sinh từ CNCN trong các tác phẩm: “Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ” (tháng 3-1947), “Sửa đổi lối làm việc” (tháng 10-1947), “Bệnh tự ái, tự kiêu” (tháng 11-1948), “Đạo đức cách mạng” (tháng 12-1958) và “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch CNCN” (tháng 2-1969)...
Từ khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền, trong số rất nhiều căn bệnh nguy hiểm đe dọa sự tồn vong của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra một số bệnh đang tồn tại trong một bộ phận CB, ĐV tại các cơ quan của Đảng và Nhà nước như: 
1) “Óc bè phái”… Đó là một khuyết điểm rất có hại. Nó làm cho Đoàn thể mất cán bộ, kém nhất trí, thường hỏng việc. Đó là một chứng bệnh rất nguy hiểm” (2). 
2) “Bệnh kiêu ngạo-Tự cao, tự đại, ham địa vị, hay lên mặt. Ưa người ta tâng bốc mình, khen ngợi mình. Ưa sai khiến người khác. Hễ làm được việc gì hơi thành công thì khoe khoang vênh váo, cho ai cũng không bằng mình. Không thèm học hỏi quần chúng, không muốn cho người ta phê bình. Việc gì cũng muốn làm thầy người khác” (3).
3) “Bệnh hiếu danh-Tự cho mình là anh hùng, là vĩ đại. Có khi vì cái tham vọng đó mà việc không đáng làm cũng làm. Đến khi bị công kích, bị phê bình thì tinh thần lung lay... Chỉ ham làm chủ tịch này, ủy viên nọ, chớ không ham công tác thiết thực” (4). 
4) “Óc hẹp hòi-Ở trong Đảng thì không biết cất nhắc những người tốt, sợ người ta hơn mình. Ở ngoài Đảng thì khinh người, cho ai cũng không cách mạng, không khôn khéo bằng mình. Vì thế mà không biết liên lạc hợp tác với những người có đạo đức tài năng ở ngoài Đảng” (5).
5) “Kéo bè kéo cánh lại là bệnh rất nguy hiểm nữa. Từ bè phái mà đi đến chia rẽ. Ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách dèm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống. Bệnh này rất tai hại cho Đảng. Nó làm hại đến sự thống nhất. Nó làm Đảng bớt mất nhân tài và không thực hành được đầy đủ chính sách của mình. Nó làm mất sự thân ái, đoàn kết giữa đồng chí. Nó gây ra những mối nghi ngờ” (6).
6) "Bệnh tị nạnh. Cái gì cũng muốn “bình đẳng”… Bệnh này sinh ra vì hiểu lầm hai chữ bình đẳng” (7).
7) “Tự kiêu tức là cho mình việc gì cũng thạo, cũng làm được. Việc gì mình cũng giỏi hơn mọi người. Mình là thần thánh, không cần học ai, hỏi ai” (8). Vì thế, “tự kiêu là hẹp hòi’, “tự kiêu là thoái bộ”, “tự kiêu là hủ hóa” và “tự kiêu nhất định sẽ đi đến thất bại” (9)… Vì những tật bệnh này là do CNCN sinh ra, cho nên, chừng nào những biểu hiện suy thoái này còn tồn tại thì chừng đó nó sẽ thúc đẩy sự "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", làm nảy sinh thói ghen ghét, đố kỵ trong một tổ chức; ngăn trở người CB, ĐV phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của dân tộc và phá hoại khối đoàn kết, thống nhất trong nội bộ.
8) Ghen ghét, đố kỵ ban đầu chỉ là một trong những cảm xúc của con người khi thấy mình thua kém người khác và cảm thấy bất mãn, tức giận vì sự thua kém đó, nhưng rồi nó không dừng lại trong suy nghĩ mà còn bộc lộ ra thành lời nói, hành động để giải tỏa sự hẹp hòi của bản thân những người luôn so sánh mình với người khác, so sánh cái mình đạt được với người khác đạt được, không “tâm phục, khẩu phục” với những “cái hơn” khi thấy người khác “hơn mình” về danh lợi.
Khiêm tốn, cầu thị, nỗ lực học tập để loại bỏ chủ nghĩa cá nhân
Ảnh minh họa: tuyengiao.vn. 
Thực tế là, những cảnh báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về những tật bệnh nêu trên dường như không mất đi mà ngày càng có biểu hiện ăn sâu trong nhận thức và hành động của không ít người; trong đó, có một bộ phận không nhỏ CB, ĐV tại một số cơ quan, địa phương, đơn vị. Có thể thấy, những thói hư, tật xấu, như: Bè phái, kiêu ngạo, hiếu danh, hẹp hòi, kéo bè, kéo cánh, tị nạnh, tự kiêu nên sự ghen ghét, đố kỵ thường xuất hiện trong một bộ phận CB, ĐV thiếu tu dưỡng đạo đức cách mạng, sa vào CNCN. Vì ghen ghét, đố kỵ, nên khi thấy bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp, thậm chí cấp dưới, cán bộ trẻ giỏi hơn mình về chuyên môn, nghiệp vụ, đạt được kết quả cao hơn trong công tác, nhất là được cấp trên ghi nhận với sự tín nhiệm cao thì khó chịu, “không cam tâm” với những kết quả, thành tích người khác đạt được. Bộ phận những kẻ suy thoái này không chỉ luôn soi mói, dè bỉu, không công tâm, khách quan nhìn nhận, đánh giá năng lực, hiệu quả công việc của đồng chí, đồng nghiệp mà còn tìm mọi cách lôi kéo những người có chung những uẩn ức như mình để cùng tìm cách cản trở mọi người xung quanh phấn đấu, tu dưỡng, vươn lên. Vì chỉ yêu bản thân, nên họ thường so sánh mình với người khác; không những không hợp tác với những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì tập thể mà còn hả hê, thậm chí tỏ vẻ thông cảm, thấu hiểu ngoài mặt nhưng trong lòng lại thỏa mãn trước thất bại của người khác.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, những biểu hiện/căn bệnh là con đẻ của CNCN chính là một trong những nguyên nhân gây mất đoàn kết nội bộ. Ở những nơi có những biểu hiện đó thì bầu không khí chung luôn có sự bất an, luôn có những câu chuyện “trà dư, tửu hậu” gieo rắc sự so bì, tị hiềm, gây chia rẽ nội bộ mà không có sự sẻ chia, đồng cảm, đồng thuận, đoàn kết, thống nhất và phát triển bền vững. Ở đó, người tốt, người tài, người trẻ dám nghĩ, dám làm, sáng tạo trong thực thi nhiệm vụ dễ bị soi xét, nghi ngờ, thậm chí bị vùi dập, dẫn đến mất niềm tin vào nhau, vào tổ chức, để rồi không dám nói, thật sống thật với nhau và luôn đề phòng nhau.
Phòng, chống những biểu hiện suy thoái là yêu cầu vừa thường xuyên, vừa cấp bách
Những năm qua, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng được đẩy mạnh, nhất là trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về tập trung dân chủ; giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất; nghiêm túc tự phê bình và phê bình; gắn bó mật thiết với nhân dân… tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của đội ngũ CB, ĐV, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu tại mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị. Đồng thời, việc mỗi CB, ĐV thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, thể hiện trong 3 mối quan hệ (với bản thân mình, với công việc, với tổ chức); trong đó, chú trọng thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, thống nhất giữa nói đi đôi với làm cũng đã góp phần ngăn chặn các biểu hiện suy thoái: Bè phái, kiêu ngạo, hiếu danh, hẹp hòi, kéo bè, kéo cánh, tị nạnh, tự kiêu, ghen ghét, đố kỵ trong nội bộ. 
Tuy nhiên, thực tế cho thấy những biểu hiện suy thoái này đã và đang hiện hữu tại một số địa phương, cơ quan đơn vị. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã nêu rõ thực trạng này trong 27 biểu hiện suy thoái. Đó chính là biểu hiện đầu tiên trong 9 biểu hiện về suy thoái về đạo đức, lối sống: “Cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình”.
Những biểu hiện suy thoái này không chỉ làm nản lòng, nhụt chí và cản trở sự phấn đấu của những nhân tố tích cực, nhất là lớp cán bộ trẻ mà còn gieo rắc sự hoài nghi lẫn nhau, gây mất đoàn kết nội bộ, làm xói mòn đạo đức, văn hóa Đảng, dẫn đến hiệu quả công việc kém và mất đoàn kết nội bộ. Đồng thời, làm ảnh hưởng tiêu cực đến việc xây dựng và củng cố sự đoàn kết, thống nhất, tạo nguyên cớ cho sự nhen nhóm bè phái, lợi ích nhóm, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Vì thế, để tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nhất là phòng, chống và ngăn ngừa những biểu hiện suy thoái nêu trên, mỗi cấp ủy cần gắn thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chú trọng làm tốt công tác tư tưởng, phát huy dân chủ, xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong chi bộ, làm hạt nhân cho khối đoàn kết của tập thể. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu mỗi cơ quan, địa phương, đơn vị công tâm, khách quan, dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và nhận xét, đánh giá, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, khen thưởng CB, ĐV, bảo đảm khách quan, dân chủ, công khai, đúng thực chất. Từ đó, tạo bầu không khí đồng thuận, dân chủ giúp mọi người cùng phấn đấu và động viên, giúp đỡ nhau hoàn thành tốt công việc chung, để ngày càng tiến bộ và phát triển. 
Xây dựng tập thể đoàn kết, thống nhất gắn với môi trường công tác, văn hóa công sở lành mạnh; phát huy dân chủ đi đôi với giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật, tự phê bình và phê bình, kiểm tra và giám sát. Ở đó, cấp trên, cấp dưới, đồng nghiệp nỗ lực phấn đấu, hết lòng vì công việc chung, thấy đúng kiên trì bảo vệ, thấy sai kiên quyết đấu tranh; cái mới, cái tốt được cổ vũ, động viên kịp thời, cái sai, cái xấu được ngăn chặn, cùng nhau làm việc, cùng nhau phát triển. Đưa các buổi sinh hoạt chuyên đề, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động vào chiều sâu; tạo điều kiện cho đội ngũ CB, ĐV rèn luyện và nâng cao trình độ mọi mặt từ nhiệm vụ thực tiễn; tạo môi trường lành mạnh, thu hút CB, ĐV và quần chúng phát huy tinh thần sáng tạo, đoàn kết cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ, thiết thực phòng, chống và ngăn chặn, “triệt tiêu” các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống. 
Đồng thời, phát huy tính tự giác của mỗi CB, ĐV trong nhận thức và tận tâm, tận lực làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình; trong rèn luyện đạo đức cách mạng, phòng, chống CNCN: Khiêm nhường lắng nghe, học hỏi và thân ái, giúp đỡ, sẻ chia, động viên mọi người xung quanh để cùng chung tay, góp sức hoàn thành công việc chung; trong nỗ lực học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ với tinh thần cầu tiến bộ để phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, góp phần phòng và chống biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
TS VĂN THỊ THANH MAI