Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đã lần lượt lên tiếng việc tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam ở Biển Đông vào đầu tháng 4.
Việc hai cơ quan chủ chốt của Mỹ công khai chỉ trích hành vi của Trung Quốc vượt lên tính động thái và mang nhiều hàm ý an ninh. Ngày 6-4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus lên án Trung Quốc, “khẳng định các yêu sách hàng hải phi pháp và gây bất lợi cho các nước láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông”.
Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh: “Hành vi của Trung Quốc trái ngược với tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Trong tuyên bố ngày 10-4, các thượng nghị sĩ thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện là Jim Risch, Bob Menendez, Cory Gadner và Ed Markey đã lên án Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông và khẳng định Mỹ sẽ làm việc với các đồng minh, đối tác trong khu vực để thúc đẩy an ninh ở vùng biển này.
Việc hai bộ có uy tín trong hoạch định và thực thi chính sách đối ngoại lên án hành vi “bắt nạt” của Trung Quốc gửi gắm một số thông điệp.
Thứ nhất, chính sách đối ngoại của Mỹ vẫn dựa trên bệ đỡ “chủ nghĩa hiện thực nguyên tắc” (principled realism): Coi trọng lợi ích quốc gia, duy trì vị thế dẫn đầu bằng các chính sách thực dụng; lợi ích của Mỹ bao gồm an ninh Biển Đông được đảm bảo, thúc đẩy gắn bó giữa Mỹ với các đối tác; ngăn chặn bá quyền khu vực. Hai bộ của Mỹ như hai cánh tay nối dài của chính sách đối ngoại, có trách nhiệm và tính chính danh khi lên tiếng.
Ý nghĩa chính trị rất cụ thể: Mỹ không ngại va chạm với Trung Quốc, bao gồm các vấn đề nhạy cảm như chủ quyền và an ninh.
Thứ hai, chính quyền Trump tiếp cận trực diện với hành động phương hại cấu trúc an ninh khu vực và đe dọa các đối tác của Mỹ.
Theo đó, phản ứng từ hai bộ của Mỹ có tính chất kép: “nhanh chóng” (đưa ra tuyên bố) và “trực tiếp” (nêu đích danh Trung Quốc). Rõ ràng, siêu cường quốc này vẫn duy trì cam kết về khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Ở góc nhìn cận cảnh, với Nhà Trắng, an ninh Biển Đông là mối quan tâm thường trực.
Bởi lẽ, vùng biển này chính là “cái lõi” của hai vòng tròn mở rộng là Đông Nam Á và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, có tính chiến lược đối với lợi ích an ninh hàng hải và kinh tế của Mỹ.
Thứ ba, sự lên tiếng của Mỹ lần này là sự “trấn an chiến lược” cần thiết với các đối tác và lời cảnh báo đối với tham vọng bá quyền khu vực của Trung Quốc. Cần nhắc lại, báo cáo “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” của Mỹ (2019) đã trực tiếp chỉ trích “các hành động khiêu khích lặp đi lặp lại” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược hàng đầu của Mỹ và Biển Đông chưa bao giờ là một đấu trường kém sôi động. Khi Trung Quốc nuôi mộng bá quyền khu vực thì mức độ cạnh tranh Mỹ – Trung tỉ lệ thuận với sự chú ý và cam kết của Mỹ ở Biển Đông.
Thứ tư, Việt Nam, quốc gia tầm trung (middle-power) tiềm năng, thuộc quỹ đạo quan tâm của chính quyền Trump. Việc Mỹ ủng hộ Việt Nam và lên án trực tiếp Trung Quốc khẳng định Mỹ ủng hộ lợi ích chính đáng của Việt Nam và một môi trường thuận lợi cho sự phát triển của quan hệ song phương. Triển vọng về một Việt Nam với vị thế lớn hơn trong khu vực dường như đang rất rõ ràng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét