“Chó cắn áo rách”, “Ăn hớt cơm chim”… Đó là những thành ngữ bày tỏ sự khinh bỉ đối với những hạng người tham lam, tranh ăn cả với những thành phần yếu thế trong xã hội.
Từ xa xưa, dân ca xứ Nghệ đã có câu: “Trong cơn hoạn nạn, mới hiểu lòng nhau”.
Với truyền thống yêu thương, sẻ chia và đùm bọc, những ngày dịch bệnh vừa qua đã cho thấy tình cảm và tấm lòng của đồng bào cả nước. Người nhiều, người ít, giàu như Tỉ phú Phạm Nhật Vượng thì nhiều trăm tỉ đồng. Nghèo như các cụ già neo đơn thì cân gạo, chục trứng… Tất cả cùng nhau chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn trong ngày dịch bệnh.
Hình ảnh từ đoàn người chở gạo đến “cây ATM gạo” ở TP Hồ Chí Minh hay những suất ăn, gói quà dành cho người cơ nhỡ ở Thủ đô Hà Nội không khỏi xúc động đến ấm lòng.
Thế nhưng buồn thay, lợi dụng sự hảo tâm, đã có (dù không nhiều) những người khá giả vẫn thản nhiên đến nhận những phần quà này.
Báo VOV trong bài “Nhiều kẻ giàu vào ‘cướp phần’ của người nghèo” đăng tải nhiều hình ảnh có đoạn: “Theo ghi nhận của phóng viên VOV.VN, tại điểm phát từ thiện ở đường Lê Văn Lương, mặc dù đã có biển “nếu bạn đã ổn xin nhường lại cho người khác” nhưng vẫn có nhiều người với bộ dạng có điều kiện đến lấy đồ cấp miễn phí cho người nghèo mang đi”.
Họ là ai? Đó là những người đi xe ga đẹp, có người đeo dây chuyền vàng. Có người đeo đồng hồ sang. Nhiều người dân ở chung cư, hay sống gần đó không thiếu thốn nhưng khi đi tập thể dục qua cũng ghé vào lấy quà từ thiện… Thậm chí, có trường hợp vòng đi, vòng lại để nhận quà.
Tức giận và khinh bỉ. Họ có biết nhục không?
Càng buồn hơn khi những loại người này không nhiều nhưng cũng không… quá hiếm và họ không chỉ thể hiện hành vi này trong dịch bệnh.
Đã từng có những cán bộ có chức, có quyền, thậm chí giàu có nhưng cũng “không từ cơm chim“, cắn vào cả “áo rách”.
“Dê lạc nhà quan”, “Gà nhầm cửa cán bộ”, có cả những gia đình có nhà mấy tầng, ô tô hai cái, công việc ổn định vẫn nhận “nhà tình nghĩa”.
Đã từng có cán bộ xã thôn “ăn cả gói mỳ tôm” trong thiên tai và đã có cả bác sĩ buôn gian khẩu trang trong dịch bệnh…
Song, đau đấy, buồn đấy nhưng không tắt niềm vui vì số những đối tượng như vậy không nhiều và họ đang bị dư luận lên án nghiêm khắc.
Vẫn còn đó vô vàn những tấm lòng sẻ chia, nhân ái. Trên báo Dân trí từ nhiều năm nay, mỗi tuần đều có hàng trăm triệu đồng từ những tấm lòng thiện tâm sẻ chia cho những hoàn cảnh khó khăn, bệnh nhân nghèo, cho nơi vùng sâu, vùng xa.
Hàng năm, vẫn có nhiều chiếc cầu và ngôi trường mang tên Dân trí mọc lên từ nguồn tiền của những nhà hảo tâm.
Và trên mặt báo chí, đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều những gia đình tự nguyện xin rút ra khỏi diện nghèo để dành chỗ cho những hoàn cảnh khó khăn hơn.
Còn những đối tượng “chó cắn áo rách”, “ăn hớt cơm chim” tuy không bị xử lý bởi luật pháp thì vẫn còn những hình phạt thậm chí “thảm khốc” hơn, đó là sự khinh bỉ của cộng đồng.
Muốn gửi bài này tới những kẻ “cướp cơm chim” nhưng rồi tự hỏi: Không biết họ có biết nhục không nhỉ?
Bùi Hoàng Tám
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét