Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2020

Sơ lược về ngoại giao của Đại Việt với Trung Hoa

Nước ta trước giờ từ khi lập quốc luôn giữ vững tôn chỉ coi quyền độc lập tự quyết là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên để tránh nạn can qua với kẻ địch phương Bắc hùng mạnh, các triều vua Đại Việt thường dùng đối sách bên trong xưng đế, bên ngoài xưng vương, chịu nhận phong hiệu, nhún nhường vì đại cục.
Do đó, trong mối quan hệ giữa nước ta và Trung Quốc thì việc đi sứ xin sắc phong để có được sự công nhận của “Thiên triều” luôn được coi là một thành tựu ngoại giao quan trọng, có quan hệ rất lớn đến an ninh cương thổ phía Bắc. Điểm qua một số thành tựu ngoại giao và sắc phong của nước ta qua từng triều đại:
1 – Khi vừa mới độc lập, thời Đinh, Tiền Lê chỉ được phong làm Giao Chỉ quận vương, đến cuối đời Lý đấu tranh mãi vua Lý mới được “lên chức” An Nam quốc vương.
“Năm Thiên-cảm-chí-bảo thứ 2 [1175] (ngang với năm Thuần-hy thứ 2 nhà Tống), nhà Tống phong vua làm An-nam quốc vương. Bấy giờ sứ nước ta tự xa đến sính, vua Tống rất vui lòng, lại cho là vua được phong nối ngôi đã lâu ngày, biệt đãi bằng lễ khác thường, bèn chiếu cho các quan bàn bạc điển cố về việc cho tên nước mà tâu lên. [Vua Tống] đặc cách cho tên là An-nam quốc, ban ấn vàng quốc vương. Nước ta xưng là An-nam bắt đầu từ đấy.” – Lịch triều hiến chương loại chí – Phan Huy Chú
2 – Nhà Trần thì theo LTHCLC chúng ta chưa từng đi cầu phong ở Trung Quốc, do cái thế nó cũng hơi khó. Nhà vừa mới lật họ Lý, Tống – Mông lại đang choảng nhau, đi xin anh nào cũng không ổn, nên thôi các vua Trần ngồi ở nhà chơi chọi gà cho đỡ mệt, thì lúc ấy Tống phái sứ giả qua nước ta để phong cho Trần Thánh Tông làm An Nam quốc vương.
Sơ lược về ngoại giao của Đại Việt với Trung Hoa
Nhưng rủi thay anh Tống bại Trận, anh Mông thắng lập ra nhà Nguyên, đang muốn kiếm cớ sinh sự nên nhà Nguyên thường xuyên cử sứ giả qua hạch hỏi vụ không xin phép mà đã đòi tự lập, bắt vua phải đích thân sang chầu, các vua nhà ta ngại đường xa quá làm đơn nghỉ bệnh không đi, hiểu lầm thế nên, nhà Nguyên đem quân xuống choảng nhau mấy bận, rốt cuộc đều thua nên mấy anh ấy đâm ra giận dỗi, lễ sách không phong cho nước ta nữa.
“Các vua nhà Trần được nhường ngôi, chưa từng cầu phong ở Trung-quốc. Nhân-tông được lập, nhà Nguyên thường cho sứ sang trách là không xin mệnh mà tự lập, dụ vào chầu, nhưng Nhân-tông không nghe, cho nên Nguyên Thái-tổ chứa giận đã lâu, bèn muốn sinh sự. Năm ấy [tức là năm Trùng-hưng thứ 2,1286] muốn đưa Trần Ích Tắc về nước không được, mới đem quân xâm lược, nhưng rốt cuộc bị thua. Vì nhà Nguyên rất bất bình với nhà Trần, cho nên về sau dù có sính sứ đi lại, mà lễ sách phong suốt đời nhà Nguyên không thi hành nữa.” – Lịch triều hiến chương loại chí – Phan Huy Chú
Đến khi Chu Nguyên Chương đánh bại nhà Nguyên lập ra nhà Minh, vua Trần Dụ Tông sai sứ qua Trung Hoa cầu sắc phong, Minh Thái Tổ cho người sang phong cho vua Trần chức An Nam quốc vương, ban cho quả ấn bằng bạc mạ vàng, núm lạc đà nhưng sứ giả chưa đến kịp thì vua Trần Dụ Tông đã mất rồi, thành thử mấy sứ giả đành cầm ấn lủi thủi đi về.
3 – Đến thời nhà Hồ thì, haizz, thôi khỏi nói. Ngoại giao thất bại do dã tâm của nhà Minh cùng với yếu kém trong đối ngoại đối nội của nhà Hồ ==> đại bại trong cuộc kháng chiến ==> gây thảm hoạ cho cả dân tộc!
4 – Sang đến đời Lê, sau khi Lê Thái Tổ đuổi được đám ôn thần nhà Minh về nước, Lê Thái Tổ giả lập Trần Cảo lên để cầu phong, nhà Minh không chấp thuận nên lại phải gửi thư đi giải thích và xin nạp người vàng thế thân, vua Minh bằng lòng lập Trần Cảo làm An Nam quốc vương.
Về sau vì những nguyên nhân bí ẩn, Trần Cảo đi bán muối ở năm 1428, vua Lê Thái Tổ sai sứ sang trình bày rằng hậu nhân nhà Trần đã đứt đoạn để xin phong vương, nhưng nhà Minh không chấp nhận mà ngồi chờ đến năm 1431 mới đem ấn sang phong cho “Quyền thư An Nam quốc sự” nghĩa là chỉ cho tạm thời trông coi việc nước mà thôi.
“Buổi đầu nhà Lê, sau khi đã bình giặc Ngô, chưa tiện nói rõ cầu phong, bấy giờ phải quyền nghi cho xong việc, cho nên trước hết giả lập con cháu họ Trần, dùng lời nói dịu dàng mềm dẻo để nhà Minh thôi việc binh mà nhận việc hoà hiếu. Đến khi Trần Cảo đã chết mới lại một phen bày tỏ, nói rõ cầu phong, thế mà vua Minh hãy còn lần lữa chưa cho trải ba năm mà mới cho tạm quyền việc nước, chưa chính thức phong vương vị. Như thế cũng đủ thấy sự thể bấy giờ là khó.”- Phan Huy Chú
Năm 1434, Vua Lê Thái Tông lên ngôi sai sứ báo tang Thái Tổ nhưng nhà Minh cũng vẫn chỉ phong cho vua Lê làm “quyền thư quốc sự”. Năm 1443, đến khi vua Nhân Tông nối ngôi, mới chính thức được phong làm An Nam quốc vương, và giữ sắc phong này từ đó trở đi.
5 – Đến khi Mạc Đăng Dung phế bỏ vua Lê lập ra nhà Mạc, và sau mấy lần nài nỉ của Nguyễn Kim và của mấy vị phù Lê, vua Minh thương tình cử Mao Bá Ôn dẫn quân qua hỏi tội Mạc Đăng Dung và dẫn đến sự kiện cắt đất cầu hòa. Sau vụ đó, nước ta bị cắt chức An Nam Quốc vương, và giáng xuống làm Đô thống sứ ti, phải dâng cho nhà Minh bốn động Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát thuộc về Khâm Châu và bảy châu Quảng Lăng và các trại Hồng Y và những nơi phụ cận thuộc về Vân Nam cùng đúc người vàng thế mạng.
6 – Tới năm 1597, khi tập đoàn Lê Trịnh tiếp nối thành công của tập đoàn siêu thị điện máy Nguyễn Kim đánh bại được nhà Mạc, cử Phùng Khắc Khoan qua nhà Minh xin phong vương, biện bạch tới lui một hồi, múa lưỡi muốn gãy, nhưng cuối cùng cũng chỉ được phong An Nam đô thống sứ. Mãi đến sau này khi nhà Minh bị quân Thanh đánh cho tơi tả, cần nhờ đến nước ta thì mới cho sứ xuống phong vua Lê Chân Tông làm An Nam quốc vương và Trịnh Tráng làm An Nam phó quốc vương đại nguyên soái tổng quốc chính Thanh vương cũng là vị sứ giả đầu tiên của thiên triều phải quỳ dưới chân vua nước ta, về còn ấm ức vừa khóc vừa làm thơ để vịnh bài “tôi đã nhục như thế nào?”
Đến đời nhà Thanh, đời Thanh Thuận Trị có đem thư sang nước ta bảo thu hồi ấn của nhà Minh nhưng lúc đó vừa mới nhận ấn nhà Minh còn mới quá chưa hết hạn bảo hảnh nên vua ngại không trả, đến khi nhà Minh bị diệt, nước ta thấy ấn cũng cũ rồi giữ xui nên vội đem giao nạp, và được vua Khang Hy cử sứ giả sang ban cho ấn bạc mạ vàng, phong vua Lê Huyền Tông lên làm An Nam quốc vương.
7 – Đến thời Tây Sơn, sau khi đánh nhau tưng bừng ở trận Kỷ Dậu, binh lính hai bên chết quá trời, thì bỗng dưng hai nước cười cái làm lành như chưa có chuyện gì xảy ra, Nguyễn Huệ được phong làm An Nam quốc vương trong một thời gian ngắn kỷ lục, sứ đoàn ngoại giao của Quang Trung còn được tiếp đón nồng nhiệt một cách khó hiểu trong khi đã từ chối hầu hết các yêu sách ngoại giao quan trọng: Xử tội các tướng đã giết quân Thanh (Báo một cái đã trách phạt, bên kia ok), Đòi lại đất ở địa phận 40 dặm sông Đổ Chú mà trước kia vua Ung Chính trả lại cho nước ta (Không trả), Đòi Cống voi (Không cống), Đòi cống người vàng (Không đưa) – Nguồn: Việt – Thanh chiến dịch Nguyễn Duy Chính.
8 – Đến thời nhà Nguyễn, Gia Long sau khi diệt xong Tây Sơn, cử Lê Quang Định đi sứ sang Trung Quốc để xin thụ phong đồng thời xin đổi nước thành Nam Việt, vua nhà Thanh là Gia Khánh không chấp thuận mà yêu cầu phải đổi tên nước thành Việt Nam mới sắc phong, Gia Long vẫn kiên trì tỏ ý vẫn muốn xài tên Nam Việt cho nó sang nhưng thiên triều lắc đầu không chịu, cuối cùng sau một hồi năn nỉ không thành, nước ta có quốc hiệu Việt Nam đem về. Tuy vậy cái tên Việt Nam vẫn không được Gia Long ưng thuận cho lắm, đến năm 1813 thì triều đình hầu như là dùng lại tên Đại Việt (Nguồn: A History of Early Modern Southeast Asia, 1400-1830)
– Minh Đức –

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét